Điểm báo tuần số 221 từ ngày 24-7 đến ngày 29-7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 31/07/2017, 20:14 [GMT+7]

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

Báo Đại biểu Nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Đài THVN, Đài TNVN (25-7) cho biết, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm nguồn để phát triển thành án lệ. Có 18 bản án, quyết định giám đốc thẩm được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến trong hội thảo lần này để xem xét, làm rõ có đáp ứng được các tiêu chuẩn làm án lệ hay không. Đây là các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, liên quan đến các vấn đề hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại và hành chính. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về những nội dung cần đổi mới, hoàn thiện trong các bản án, quyết định của Tòa án, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của việc công nhận và áp dụng án lệ, bảo đảm được giá trị pháp lý của án lệ. Qua hội thảo Tòa án nhân dân tối cao đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn những lần phát triển án lệ sau. Bên cạnh các ý kiến đánh giá cao chất lượng của nguồn phát triển án lệ, các đại biểu còn gợi mở nhiều nội dung để tòa án nghiên cứu, tiếp thu như: cần có giải thích án lệ, mở rộng phạm vi áp dụng án lệ, các bản án nguồn cần phải thêm một số nội dung để có thể trở thành án lệ, cũng như nâng cao chất lượng bản án giám đốc thẩm.

- Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm nguồn để phát triển thành án lệ.
- Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm nguồn để phát triển thành án lệ

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Nhà báo và Công luận, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mới, Thanh niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26-7) đăng tải các nội dung Hội thảo tham gia ý kiến vào dự thảo đề cương chi tiết Đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" do Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức. Các đại biểu dự hội thảo đã thảo luận, đóng góp ý kiến về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp tình hình mới; về những nội dung liên quan tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên, nhất là về thực hiện các nguyên tắc, như: Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị chỉ có một tổ chức đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức tương ứng. Không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ trống chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Không nhất thiết ở Trung ương có cơ quan, tổ chức nào thì ở địa phương có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau. Thực hiện việc quản lý hành chính không quá một cấp; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp. Về cơ bản, những việc gì cấp trên làm thì cấp dưới không làm và ngược lại; phân cấp, phân quyền chủ động hơn cho cấp dưới. Việc thành lập một tổ chức phải căn cứ vào quy định tiêu chí; quy định khung số lượng cấp phó; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức... Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, trước mắt. Đây là vấn đề khó, liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và hai cuộc hội thảo lần trước, Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Đề án, tiếp tục gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương. Hội thảo lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề trọng tâm, liên quan phương thức lãnh đạo của Đảng và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong thời gian tới, nhằm tạo sự thống nhất trước khi Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị.

Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Thanh tra, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Tuổi trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27-7) đưa tin, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người sáu tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP). Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 138/CP đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020; chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả các đợt cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị xã hội quan trọng của đất nước. Các ngành, các cấp, mà nòng cốt là lực lượng Công an đã điều tra, khám phá hơn 20 nghìn vụ phạm pháp hình sự, bắt hơn 40 nghìn đối tượng, đạt tỷ lệ hơn 79% (cao hơn 1,2% so cùng kỳ năm 2016)... Đã giải quyết, xét xử hơn 25 nghìn vụ, với gần 42 nghìn bị cáo, tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn trọng điểm. Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP  nêu rõ: Sáu tháng cuối năm, các đơn vị trong Ban Chỉ đạo 138/CP cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa tội phạm; tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm. Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các sự kiện văn hóa, chính trị, ngoại giao của đất nước. Tập trung đấu tranh triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động bảo kê, “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, núp bóng doanh nghiệp phạm tội, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người... Đồng thời, cần nâng cao chất lượng công tác điều tra, kịp thời truy tố, xét xử những vụ án nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm, nhất là 12 vụ án tham nhũng lớn mà Ban Bí thư đã chỉ đạo…

Báo Đại đoàn kết, Tiền phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Giao thông, Hà Nội mới, Đời sống và Pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Tuổi trẻ, Express, Đài THVN (28-7) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện một số nội dung liên quan đến Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Các ông: Đặng Văn Thành, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh; Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh; Ngô Đình Vân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, nguyên Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh; Phạm Văn Tình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, có vi phạm, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Ngoài ra, còn có 5 cán bộ có vi phạm bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc gồm: Trần Xuân Tiến, Giám đốc Sở Xây dựng; Phạm Trần Đệ và Phan Thăng Long, cùng là Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh; Phan Lam Sơn và Nguyễn Hùng Mạnh, cùng là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh.

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Báo Nhân Dân, Bình Thuận, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Đài TNVN, TTXVN (26-7) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt ông Nguyễn Chí Khanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận 18 tháng tù giam về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, ông Khanh đã ký duyệt thanh quyết toán các chuyến đi sáng tác không có trên thực tế; thanh quyết toán tăng số ngày đi và số người đi sáng tác tại các địa phương; thanh quyết toán chi nhiều hợp đồng khác sai thực tế, gây thiệt hại gần 950 triệu đồng. Ngoài mức án 18 tháng tù, Hội đồng xét xử buộc ông Khanh phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 950 triệu đồng và bồi thường cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh số tiền gần 200 triệu đồng.

Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Công lý, Tiền phong, Thanh niên, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (27-7) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố 51 bị can trong vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Cáo trạng được công bố tại tòa vào cuối tháng 2 năm 2017 truy tố 48 bị can (sau đó bà Nguyễn Minh Phương – cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank được tạm đình chỉ bị can), thì lần này bổ sung thêm 4 bị can gồm: Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam; bà Hứa Thị Phấn, đại diện nhóm cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín; Trần Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung và Hoàng Thị Hồng Tứ, cựu Chủ tịch Công ty BSC, công ty sân sau của Hà Văn Thắm. Đồng thời cơ quan tố tụng cũng truy tố bổ sung Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn tội Tham ô tài sản. Khoản tiền các bị can tham ô là hơn 49 tỷ đồng.

Báo Tiền phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh niên, Hà Nội mới (27-7) thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết vừa bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Hoàng Sơn, công chức hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục Hải Quan TP. Hồ Chí Minh để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo thông tin ban đầu, ông Sơn có hành vi cố ý lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xác nhận thông quan trái quy định số lượng lớn hàng hóa thuộc các tờ khai của TNHH Xuất nhập khẩu Bảo Trí có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Cũng liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Báo Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Giao thông, Thanh niên, VietnamNet, Đài TNVN (27-7) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang ông Kha Văn Thành, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn nhận hối lộ 20 triệu đồng của một đối tượng đang là bị can trong một vụ đánh bạc bị Công an huyện Kỳ Sơn bắt trước đó, đã khởi tố và cho tại ngoại. Đối tượng này là người tái phạm lần thứ 2, sợ sẽ bị xử nặng nên đã tìm gặp ông Thành để chạy án, nhưng ông Thành đã đề nghị số tiền lớn, do đó đối tượng đã làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Kỳ Sơn tố cáo hành vi trên. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Kỳ Sơn tiếp tục điều tra làm rõ.

Báo Công an nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Dân trí, TTXVN (28-7) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Cần Thơ cho biết, đã bắt khẩn cấp ông Bùi Văn Minh, nguyên Phó Chánh Thanh tra giao thông vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ về hành vi nhận hối lộ. Trước đó Công an TP. Cần Thơ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 cán bộ thanh tra giao thông về hành vi nhận hối lộ và Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ vừa đưa ra xét xử sơ thẩm. Sau khi mở rộng điều tra và củng cố hồ sơ, Công an TP. Cần Thơ xác định trong thời gian đảm nhận chức vụ Phó Chánh thanh tra giao thông, ông Bùi Văn Minh đã có hành vi nhận hối lộ của hai doanh nhiệp với số tiền 370 triệu đồng

TIN QUỐC TẾ

Đài Truyền hình Việt Nam (25-7) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đã mở cuộc điều tra ông Tôn Chính Tài, Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành phố Trùng Khánh vì có dấu hiệu “Vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Trước khi đảm nhiệm cương vị Bí thư Trùng Khánh thay ông Bạc Hy Lai (đã bị xử lý do tham nhũng vào năm 2012), ông Tôn Chính Tài từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng khác như  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Bí thư tỉnh Cát Lâm.

Báo Nhân Dân (28-7) cho biết, Tòa án Tối cao Pakistan đã quyết định phế truất Thủ tướng Nawaz Sharif với cáo buộc tham nhũng và đã ra quyết định điều tra hình sự đối với ông Sharif và gia đình ông. Cuộc điều tra này đã được tiến hành sau vụ Hồ sơ Panama năm 2015, có những thông tin cho thấy con gái và 2 con trai của ông Sharif sở hữu nhiều công ty bình phong được đăng ký ở quần đảo British Virgin - Vương quốc Anh và dùng tên các công ty này để mua bất động sản ở London. Phe đối lập cáo buộc ông Sharif không thể giải thích về nguồn gốc số tiền của các công ty nước ngoài do các con ông sở hữu, đồng thời cáo buộc ông không trung thực trước Quốc hội. Về phần mình, ông Nawaz Sharif khẳng định không làm gì sai trái và cho rằng cuộc điều tra nhắm vào ông và gia đình là có thành kiến và không chính xác.

Thông tin đáng chú ý trong tuần:

- Hội thảo tham gia ý kiến vào Đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

- Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm nguồn để phát triển thành án lệ.

- Tuyên phạt  nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận 18 tháng tù giam.

- Bắt quả tang Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nhận hối lộ 20 triệu đồng.

-  Bắt khẩn cấp nguyên Phó Chánh Thanh tra giao thông vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ về hành vi nhận hối lộ.

BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

;
.