Điểm báo tuần số 224 từ ngày 14-8 đến ngày 20-8 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 21/08/2017, 17:46 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Nhà báo và Công luận, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Xây dựng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-8) đồng loạt đăng tải Quy định (số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị) tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là lần đầu Bộ Chính trị ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong đó, bao gồm các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể, từ các chức danh cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trưởng các ban, bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Trung ương, đến bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Theo Quy định, về tiêu chuẩn chung, cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, để bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân. Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức; giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng. Đặc biệt, quy định của Bộ Chính trị nêu rõ, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết và gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt trong việc chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai minh bạch, khách quan dân chủ trong công tác cán bộ.
Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, TTXVN (16-8) cho biết, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận những vấn đề liên quan đến thủ tục cải cách hành chính như: phạm vi mở rộng, giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhân sự, mô hình trung tâm hành chính công, khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công ở Đà Nẵng. Theo đại diện Oxfam tại Việt Nam, bản Dự thảo Nghị định đã đưa vào nhiều điểm mới và tiến bộ, như: Nguyên tắc công khai, minh bạch và giải trình, bảo đảm sự tham gia của người dân vào giám sát, đánh giá thực hiện cải cách hành chính theo chế độ một cửa, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong vận hành văn phòng một cửa điện tử. Những điểm mới này là then chốt góp phần thực hiện hóa nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Trên cơ sở các ý kiến đánh giá từ người dân về dịch vụ hành chính công và các kết quả triển khai Sáng kiến dân chấm điểm. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị tại Hội thảo sẽ là cơ sở để Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định xem xét, bổ sung, hoàn thiện. Qua đó, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước.
Báo Lao động, Công an nhân dân, Tiền phong, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Dân trí, Đài TNVN (17-8) đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra Quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Thủ tướng cũng đã ký các quyết định thi hành kỷ luật 04 cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh do có những vi phạm liên quan dự án Formosa Hà Tĩnh, gây ra sự cố môi trường rất nghiêm trọng tại 04 tỉnh miền trung. Theo đó, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nhiệm kỳ 2011-2016; thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhiệm kỳ 2005-2010, và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhiệm kỳ 2010-2015, đối với ông Võ Kim Cự; thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 201-2015, đối với ông Nguyễn Thái Lai và ông Bùi Cách Tuyến.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Tuổi trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17-8) phản ánh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt một số kết quả, đã làm được một số việc cho người dân bớt khổ, doanh nghiệp bớt phiền hà vì nhiều thủ tục hành chính. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nhận được sự hoan nghênh từ nhiều phía, về ứng xử người dân, về một số hình thức đang tiến hành như công khai hóa, minh bạch hóa, một cửa, một cửa liên thông, triển khai trung tâm hành chính công, xúc tiến đầu tư ở nhiều địa phương... Số lượng thủ tục hành chính, chi phí thủ tục giảm. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau. Một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng hay thực hiện thiếu thủ tục. Thủ tướng mong muốn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia tập trung đề xuất tốt hơn nữa cho Chính phủ, Văn phòng Chính phủ để những tiếng nói phản ánh từ đời sống thực tiễn được giải quyết kịp thời hơn. Tổ công tác của Thủ tướng cũng phải kết hợp kiểm tra việc cải cách hành chính. Văn phòng Chính phủ phải tham mưu cho Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách hành chính quốc gia quyết liệt cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, kiểm soát tốt hơn việc đặt thêm thủ tục, tránh biến tướng các loại giấy tờ mới. Cùng với đó là phải kiểm soát tốt các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ và Thủ tướng.
Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm và Trần Văn Khương (từ trái qua) tại phiên tòa phúc thẩm |
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Công lý, Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Dân trí, Đài TNVN (15-8) đưa tin, Toà án nhân dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã tuyên phạt 5 bị cáo nguyên là cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre. Theo đó, bị cáo Trần Văn Hùng, nguyên phó Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre và bị cáo Võ Văn Ngàn, nguyên Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre cùng mức án 3 năm tù giam; Nguyễn Văn Ðoàn, nguyên Chi cục trưởng Kiểm lâm Bến Tre 2,5 năm tù giam. Theo cáo trạng, Võ Văn Ngàn đã cố ý chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu, xác định tỷ lệ sâu bệnh và lập thiết kế khai thác trắng diện tích 25,8 ha rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú. Hành vi của các bị cáo là trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng trên 412 triệu đồng.
Báo Tiền phong (17-8) có bài viết “Bộ Y tế gây khó việc điều tra sai phạm y tế tại Đắk Lắk”. Theo nội dung bài báo, Công an cùng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk ký Báo cáo số 523/CA-VKS gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính trung ương về việc Bộ Y tế kéo dài việc trưng cầu giám định một số dấu hiệu sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc của Sở Y tế Đắk Lắk. Sai phạm xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk có tính chất phức tạp, thời gian xử lý vụ việc kéo dài hơn 2 năm tới nay vẫn chưa xong, gây bất bình và hoài nghi đối với xã hội về sự liêm chính của các cơ quan tư pháp tỉnh Đắk Lắk, ảnh hưởng đến tiến độ và thời hạn giải quyết tin báo của Cơ quan điều tra, dẫn đến vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Vì vậy, 2 cơ quan này đã phải báo cáo để lãnh đạo các cơ quan chống tham nhũng của Trung ương Đảng biết, chỉ đạo, và yêu cầu Bộ Y tế thực hiện việc giám định theo quy định của pháp luật...
Báo Hà Tĩnh, Công lý, Tuổi trẻ, Dân trí, Vnexpress (17-8) đưa tin, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Trần Ngọc Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cao su Hà Tĩnh và Ngô Đăng Khoa, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mỗi người 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Hà, nguyên Giám đốc Công ty Đại Phát 2 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo cáo trạng, năm 2010, Công ty Cao su Hà Tĩnh tiến hành bồi thường 3,5 tỷ đồng cho Công ty Đại Phát để lấy đất lâm nghiệp thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên để trồng cao su. Các bị cáo Sơn, Khoa và Hà đã thông đồng với nhau, lập văn bản thỏa thuận để Công ty Cao su Hà Tĩnh đền bù cho Công ty Đại Phát 5,2 tỷ đồng, trong đó có 1,7 tỷ đồng được lập khống. Số tiền 1,7 tỷ đồng này, cơ quan điều tra xác định bị cáo Hà chia cho Sơn 350 triệu đồng, Khoa 750 triệu đồng, hơn nửa tỷ đồng còn lại Hà dùng cho cá nhân.
Báo Thanh tra, Công an nhân dân, Tiền phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh niên (18-8) cho biết, sau 2 ngày xét xử, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết cấp phúc thẩm đối với vụ án tham nhũng và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines). Hội đồng xét xử nhận định và quyết định bác kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, y án sơ thẩm. Theo đó, với tội Tham ô tài sản, bị cáo Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines bị tuyên phạt giữ nguyên mức tử hình như bản án sơ thẩm; bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines bị tuyên phạt mức án tử hình, tổng hợp với 19 năm tù đang phải thi hành về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Trần Văn Liêm phải chấp hành mức án chung là tử hình. Tòa cũng tuyên giữ nguyên mức án chung thân đối với bị cáo Trần Văn Khương, nguyên kế toán trưởng Vinashinlines. Vắng mặt tại phiên xử, bị cáo Giang Văn Hiển, bố của Giang Kim Đạt, cũng bị giữ nguyên mức án 12 năm tù về tội rửa tiền.
Báo Nhân Dân, TTXVN (18-8) dẫn thông tin từ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bạc Liêu cho biết, khai trừ đảng đối với ông Bùi Quang Ánh, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, ông Bùi Quang Ánh thiếu gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; vi phạm những điều đảng viên không được làm; không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, có dấu hiệu cố ý làm trái để tạo lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân… Cụ thể, ông Bùi Quang Ánh, quản lý, sử dụng kinh phí của Trung tâm không minh bạch, đặc biệt là không có chứng từ chứng minh việc sử dụng tiền ứng trên 9 tỷ đồng, có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông đồng với nhân viên cấp dưới để vụ lợi, dùng tiền của đơn vị để sử dụng cho việc riêng trái quy định… Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Báo Đại biểu Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Thanh tra, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Công thương, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (19-8) đưa tin, Hội nghị quan chức cấp cao APEC (SOM 3) tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với nhiều hoạt động của Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG). Tại buổi đối thoại về chống buôn lậu và tham nhũng của Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm và các điển hình về chống tham nhũng của các cơ quan hải quan của các nền kinh tế thành viên trong buôn bán lâm sản, vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Cũng liên quan tới công tác chống tham nhũng, nhóm ACT-NET đã tổ chức Hội nghị lần thứ 4 của Mạng lưới các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật APEC. Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề chống rửa tiền, truy thu tài sản, hợp tác quốc tế trong các vụ án hối lộ, hợp tác quốc tế không chính thức và dẫn độ tội phạm bỏ trốn. Với việc đăng cai tổ chức một loạt các hoạt động về chống tham nhũng trong khuôn khổ Năm APEC 2017, Việt Nam mong muốn đóng góp tích cực vào việc triển khai các cam kết phòng, chống tham nhũng của các nền kinh tế thành viên APEC, thúc đẩy hợp tác quốc tế để loại bỏ nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ có hành vi tham nhũng và tăng cường hành động tập thể nhằm chống buôn lậu và xóa bỏ các mạng lưới bất hợp pháp xuyên quốc gia trên toàn khu vực.
Báo Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Công lý, Thanh tra, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (19-8) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Hữu Lam, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra cho thấy, ông Lam đã ký khống các chứng từ kế toán để lập quỹ trái phép, có dấu hiệu tham nhũng, đưa hối lộ với số tiền vi phạm hơn 1,6 tỷ đồng.
Báo Tiền phong, Thanh tra, Công an TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Người lao động, TTXVN (19-8) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can đối với ông Trần Hữu Thái, nguyên Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP. Hồ Chí Minh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Kết quả điều tra ban đầu cho thấy ông Trần Hữu Thái không kiểm tra, xác minh đã bảo lãnh cho 1 doanh nghiệp vay tiền. Sau đó, doanh nghiệp này không đủ khả năng trả nợ, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP. Hồ Chí Minh phải trả nợ thay, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 19 tỷ đồng.
TIN QUỐC TẾ
Báo An ninh Thủ đô (18-8) cho biết, Tòa án thành phố Ozersk, tỉnh Chelyabinsk của Nga đã ra phán quyết đối với Konstantin Tsybko, cựu thành viên của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga về tội nhận hối lộ với số lượng đặc biệt lớn. Theo kết quả điều tra, năm 2011, Thượng nghị sĩ Tsybko đã giới thiệu ông Tarasov khi đó là đại biểu Hội đồng thành phố Magnitogorsk, tỉnh Chelyabinsk tham gia tranh cử chức Thị trưởng thành phố Ozersk. Ông Tsybko còn hứa sẽ tiếp tục bảo trợ và cất nhắc để ông Tarasov được giữ các chức vụ cao hơn như Thị trưởng Magnitogorsk hoặc một chức vụ ở Matxcơva. Ông Tarasov đồng ý trả cho ông Tsybko 20 triệu rúp. Tòa án Ozersk tuyên phạt Konstantin Tsybko 9 năm tù với chế độ giam giữ nghiêm ngặt, cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước 3 năm sau khi mãn hạn tù và nộp phạt 70 triệu rúp.
Báo Thanh tra (18-8) cho biết, theo hãng thông tấn Yonhap, Cảnh sát Hàn Quốc đã yêu cầu Chủ tịch hãng hàng không Korean Airlines Cho Yang-ho và vợ trình diện để thẩm vấn về cáo buộc lạm dụng tín nhiệm. Trước đó, ngày 07-7, cảnh sát Hàn Quốc đã bất ngờ khám xét trụ sở của Hãng hàng không Korean Airlines ở phía Tây Seoul, tịch thu một số hợp đồng và các tài liệu liên quan đến công trình xây dựng nhà ở của ông Cho Yang-ho; công trình xây dựng trên được cho rằng chi trả bởi ngân quỹ của tập đoàn Korean Airlines.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
- Thủ tướng quyết định miễn nhiệm Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và thi hành kỷ luật 04 cá nhân có vi phạm liên quan đến dự án Formosa.
- Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre bị phạt 3 năm tù giam.
- Y án tử hình Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;