Điểm báo tuần số 228 từ ngày 11-9 đến ngày 16-9 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 18/09/2017, 15:39 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Công thương, Lao động, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Hà Nội mới, Người lao động, Văn hóa, Giáo dục Việt Nam, Đài TNVN, TTXVN (11-9) đồng loạt đưa tin về phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 3 Dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến gồm các Dự án: Luật quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và Luật uản lý nợ công (sửa đổi); cho ý kiến về 7 Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp lần thứ 4 gồm các Dự án: Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt; Luật an ninh mạng; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017; về đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng; kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán nhà nước và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển”...
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công lý, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, An ninh Thủ đô (12-9) đưa tin, Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 NQ-TW của Bộ Chính trị. Từ ngày 01-10-2014 đến ngày 31-7-2017, ngành Tòa án giải quyết được hơn một triệu vụ án các loại. Mặc dù số lượng vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng, chất lượng giải quyết, xét xử đã được nâng lên; việc xét xử vụ án hình sự cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã hạn chế những trường hợp kết án oan người không có tội; những vụ án lớn, trọng điểm, nhất là án kinh tế, tham nhũng đều được tòa án phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, viện kiểm sát đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhấn mạnh, cải cách tư pháp là chủ trương lớn thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; cuộc cải cách tư pháp đã huy động được sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước... Tuy nhiên, công tác xét xử của các tòa án vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần có những ý kiến đóng góp thiết thực, nhất là tích cực thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử của tòa án nhân dân các cấp trong thời gian tới.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Công an nhân dân, Lao động, TTXVN (12-9) cho biết, Bộ Công an và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ký quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Thời gian qua, Tổng Liên đoàn lao động đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với lực lượng công an trong tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công nhân, viên chức, lao động; chỉ đạo liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, đoàn viên trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở, trong đó điển hình là mô hình "Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội". Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao sự phối hợp hai bên trong nhiều năm qua, đồng thời khẳng định, những thành tích và kết quả phối hợp của lực lượng công an và Công đoàn Việt Nam góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Ðồng chí Tô Lâm nhấn mạnh, Quy chế phối hợp là cơ sở quan trọng trong việc xác định các nhiệm vụ công tác phối hợp, nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ mà hai cơ quan được Ðảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Biên phòng (14-9) đăng tải các nội dung Hội nghị trực tuyến tổng kết 06 năm thi hành Luật thanh tra 2010 do Bộ Quốc phòng tổ chức. Trong 6 năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và ngành Thanh tra quốc phòng bám sát nhiệm vụ, tích cực quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần bảo đảm hoạt động thanh tra trong Bộ Quốc phòng ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra ngày càng nâng lên. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời việc tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai toàn diện Luật thanh tra, tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ các cấp về công tác thanh tra; công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật được tiến hành nghiêm túc. Ngành Thanh tra Quốc phòng đã tổ chức 3.065 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực quân sự, quốc phòng đối với các cơ quan, đơn vị toàn quân và các bộ, ngành, địa phương. Các cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; kết luận khách quan, chính xác, công khai, dân chủ; kiến nghị kịp thời những hạn chế, thiếu sót để xử lý. Ngành Thanh tra quốc phòng cần tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực thi pháp luật thanh tra ở các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, giữ nghiêm kỷ luật quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Dân trí, Thanh niên (15-9) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc với 6 cá nhân có liên quan đến sai phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính, tài sản và bổ nhiệm cán bộ xảy ra tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ)  giai đoạn 2011-2016, có ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Nam bộ; ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng ban BCĐ Tây Nam bộ; ông Nguyễn Thanh Hải, cựu Chánh văn phòng cơ quan thường trực BCĐ Tây Nam bộ, ông Nguyễn Văn Út, Chánh văn phòng cơ quan thường trực BCĐ Tây Nam bộ…về vấn đề thu hồi số tiền được quy kết sai phạm, đến nay số tiền khắc phục hậu quả nộp vào tài khoản tạm của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tại Kho bạc Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ là hơn 4,3 tỷ đồng; trong đó bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, nguyên Kế toán trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã nộp khoảng 3,7 tỷ đồng, số còn lại hơn 600 triệu đồng do ông Nguyễn Thanh Hải, nguyên Chánh Văn phòng nộp.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Lao động (11-9) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử 04 cán bộ Trạm Kiểm dịch thực vật Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, các doanh nghiệp nhập nông sản từ Campuchia về Việt Nam phí “bôi trơn” 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn mì, 15.000 đồng/tấn điều và đậu nành, 7.000 đồng/tấn lạc để nhanh gọn thủ tục… Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Đình Thành, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh 14 năm 6 tháng tù giam; các nhân viên Đặng Mạnh Huy, Nguyễn Hoàng Túy và Thái Văn Nhân 13 năm 6 tháng tù giam.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Thanh tra, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong, Xây dựng, Đài TNVN, TTXVN(12-9) cho biết, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2242/TB-TTCP kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT tại 06 dự án trong lĩnh vực giao thông môi trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, gồm: Xây dựng cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; dự án xa lộ Hà Nội; dự án cầu Bình Triệu 2; dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu. Theo Thông báo kết luận thanh tra, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã không xây dựng danh mục dự án và không thực hiện việc công bố danh mục, hoặc thực hiện công bố chậm; lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chỉ định thầu, không lập kế hoạch đấu thầu; hầu hết các dự án BOT nêu trên đều chậm tiến độ, từ đó dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư, dẫn đến thời gian khai thác thu phí hoàn vốn không đúng quy định... Những vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND thành phố, trực tiếp là Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và TP. Hồ Chí Minh xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là gần 2.200 tỷ đồng; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Dương đã vi phạm các quy định pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã giao nêu trong kết luận thanh tra…
 
    Báo Pháp luật Việt Nam (13-9) có bài viết “Lộ rõ mưu đồ chiếm đoạt và tham ô tài sản của Giám đốc Imexco Thanh Hóa”. Theo nội dung bài báo, nhận thấy tất cả các tài liệu chứng cứ và quy định của pháp luật đều buộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thanh Hóa (Imexco Thanh Hóa) phải trả nợ cho Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản (Apromaco) hơn 20 tỷ đồng, ông Lê Văn Long, Giám đốc Imexco Thanh Hóa đã giả vờ đồng ý trả nợ cho Apromaco bằng một thỏa thuận hòa giải. Tuy nhiên, sau khi lừa dối được Apromaco, ông Lê Văn Long lập tức tiến hành các bước nhằm tẩu tán tài sản: Rút tiền từ Imexco Thanh Hóa để thành lập các công ty con là Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Hùng Dũng và Công ty Cổ phần Phân bón Long Điền Thanh Hóa; thành lập Công ty Cổ phần IMC Thanh Hóa do con trai ông Lê Văn Long làm Giám đốc trên cơ sở tách tài sản từ Imexco Thanh Hóa; bán trụ sở của Imexco Thanh Hóa đã bị Cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa đưa vào danh sách tài sản bị tạm dừng giao dịch để thi hành án… Hiện Apromaco đã có đơn tố cáo và đề nghị các cơ quan chức năng khởi tố ông Lê Văn Long, Giám đốc Imexco Thanh Hóa về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và hành vi tham ô tài sản. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, An ninh Thủ đô, TTXVN (13-9) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Việc khởi tố 3 vụ án hình sự trên nằm trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an điều tra mở rộng (giai đoạn II) vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank và đồng phạm. Trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31-11-2014, tổng số tiền OceanBank đã chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền là hơn 1.576 tỷ đồng, trong đó chi cho: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro 24,27 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn 19,36 tỷ đồng và Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí 76,78 tỷ đồng để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt... Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra làm rõ, mở rộng vụ án và xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng có liên quan; đồng thời có biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Tiền phong, Đại đoàn kết, Thanh tra, Giao thông, Gia đình và Xã hội, Dân trí, Đài TNVN (15-9) thông tin từ Công an tỉnh Nam Định cho biết, vừa bắt giam Ngô Trường Giang, Kế toán trưởng Công ty Đường sắt Hà Ninh. Tại Cơ quan điều tra, Giang khai nhận từ năm 2016 đến nay, đã ký một số lệnh chi trả tiền vay của Công ty này với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Nam Định, nhưng không trả tiền vào tài khoản của ngân hàng mà chuyển vào tài khoản cá nhân số tiền 16 tỷ đồng. Ngoài ra, Giang còn làm giả nhiều hồ sơ vay tiền, giả chữ ký của giám đốc công ty rồi bí mật đóng dấu đầy đủ, rồi mang đến Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Công thương chi nhánh Nam Định, Công ty Cổ phần Minh Phụng và ông Nguyễn Đức Tín vay được tổng số tiền lên đến 22 tỷ đồng và lại chuyển hết vào tài khoản của mình. Ngô Trường Giang đã chi 38 tỷ đồng cho các mục đích cá nhân, trả nợ và chơi cờ bạc, lô đề. Công an tỉnh Nam Định đang tiếp tục thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ, xác định tội danh để khởi tố vụ án, khởi tố bị can với vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng này.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (11-9) đưa tin, Panthongtae Shinawatracon trai của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra sẽ bị khởi tố về tội rửa tiền trong một vụ án liên quan đến Ngân hàng Krung Thai. Cục Điều tra đặc biệt (DSI) của Thái Lan nắm giữ nhiều chứng cứ liên quan đến hành vi rửa tiền của ông Panthongtae Shinawatra trong quá trình điều tra nghi án tham nhũng ở Ngân hàng Krung Thai. DSI cho biết sẽ đưa ra tuyên bố chính thức về vụ án này trong tuần tới cùng với việc khởi tố ông Panthongtae.
 
    Báo Thanh niên (15-9) cho biết, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga thông báo, vừa ra quyết định bắt và truy tố đối với Oleg Korshunov, Phó Giám đốc cơ quan quản lý nhà tù về tội rút ruột ngân sách 2,8 triệu USD từ những hợp đồng cung cấp xăng dầu và thực phẩm cho các trại giam trong hai năm 2015-2016.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
 
    - Bộ Công an và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ký quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
 
    - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc với 6 cá nhân có liên quan đến sai phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính, tài sản và bổ nhiệm cán bộ xảy ra tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016;
 
    - Kiến nghị xử lý sai phạm một số dự án BT, BOT tại TP. Hồ Chí Minh;
 
    - Bắt giam Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh rút trộm 30 tỷ đồng.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.