Điểm báo tuần số 229 từ ngày 18-9 đến ngày 23-9 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 26/09/2017, 19:25 [GMT+7]

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Tiền phong, Giáo dục, Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Người lao động, Tuổi trẻ, Dân trí,  Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-9) đồng loạt đưa tin kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Phiên họp thứ 17. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung chính sau: (1) Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng và đồng chí Huỳnh Đức Thơ Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật. (2) Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 và đồng chí Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật. (3) UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty và đồng chí Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. (4) Xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân thuộc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Theo đó, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đối với các đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Lê Thị Thu Hằng; kỷ luật cảnh cáo đối với các đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Út; kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Sơn Thị Quanh Ni. Đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với đồng chí Nguyễn Phong Quang. (5) UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý theo quy định của Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, báo cáo UBKT Trung ương xem xét. (6) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét báo cáo kết quả giám sátđối với Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai và một số cá nhân; kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng. Qua kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới. (7) Cũng tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với bốn trường hợp theo thẩm quyền.

Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Báo Nhân dân (19-9) có bài viết “Chấn chỉnh việc lạm quyền trong công tác cán bộ”. Nội dung bài báo nêu những biểu hiện suy thoái ở Chi bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước và Giám đốc sở này - ông Trần Văn Vân chưa được xử lý thấu đáo. Gần đây, ông Trần Văn Vân lại tiếp tục có những hành vi có dấu hiệu thao túng trong công tác cán bộ - một biểu hiện của sự suy thoái như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ. Trước đó, cuối tháng 3-2017, Ðảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Phước đã tiến hành kiểm tra Chi bộ Sở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước. Theo báo cáo của Ðoàn kiểm tra công bố từ cuối năm 2015 đến thời điểm kiểm tra, công tác nắm bắt tư tưởng đảng viên và quần chúng tại chi bộ còn nhiều hạn chế và chưa đề ra giải pháp khắc phục. Chi ủy cũng chưa có các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong cơ quan. Hằng năm, chi bộ chưa xây dựng nghị quyết thực hiện nhiệm vụ và các chỉ tiêu cụ thể về công tác xây dựng Ðảng. Ðáng lưu ý, tình hình nội bộ trong chi bộ chưa tốt, có biểu hiện mất đoàn kết kéo dài… Với những hành vi có dấu hiệu sai phạm trong công tác cán bộ diễn ra trong thời gian dài của ông Trần Văn Vân, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước cần có hướng xử lý nghiêm khắc để xây dựng được Chi bộ và tập thể Sở Sở Khoa học và Công nghệ trong sạch, vững mạnh.

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại đoàn kết, Biên phòng (19-9) đưa tin về Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Những năm qua, công tác phối hợp với MTTQ Việt Nam và BĐBP ở các cấp đã đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực;  công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện các nội dung phối hợp đã góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm và hành động của đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”; huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, biển đảo; xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”…

Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Thanh tra, Giáo dục, Giao thông, Đầu tư, Tuổi trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21-9) cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà đã được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép trong giai đoạn từ năm 2003 (thời điểm Bộ Chính trị có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa) đến hết năm 2016 (thời điểm Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được phê duyệt); báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-3-2018. 

Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ (23-9) đưa tin, từ ngày 25-9, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính” chính thức có hiệu lực. Nghị định mới tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm soát, tạo sự công khai, minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính; quy định hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị là hệ thống thông tin điện tử có chức năng hỗ trợ việc tiếp nhận, xử lý và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức; quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, bao gồm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức việc nhập, đăng tải công khai các thủ tục hành chính và văn bản quy định về thủ tục hành chính đã được công bố vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Báo Lao động, Đại đoàn kết, Tiền phong, Đài TNVN (18-9) thông  tin từ UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết, đã kết luận rõ việc ông Bùi Sỹ Nguyên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để xảy ra sai phạm gần 340 triệu đồng. Trong đó, hơn 233 triệu đồng là sai phạm trong việc lập thủ tục, duyệt chi từ chế độ khen thưởng, tiếp khách; hơn 84 triệu đồng được xác định dùng chứng từ khống; thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều công trình xây dựng tại các trường thi công thiếu khối lượng, sai thiết kế với sai phạm hơn 106 triệu đồng; vi phạm trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm Hiệu phó, Hiệu trưởng và mua sắm, sửa chữa các gói cơ sở vật chất... Toàn bộ hồ sơ sai phạm của ông Nguyên đã được UBND huyện chỉ đạo chuyển sang Công an huyện để xử lý theo quy định. Ông Bùi Sỹ Nguyên hiện đang giữ chức Bí thư Đảng ủy Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê.

Báo Pháp luật Việt Nam (19-9) có bài viết “Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ: Hàng loạt cán bộ huyện Thanh Trì bị tố cáo sai phạm”. Nội dung bài viết đề cập đến việc ông Nguyễn Văn Quỳnh, thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội tố cáo các ông Vũ Văn Nhàn - Chủ tịch huyện Thanh Trì; Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch huyện Thanh Trì và ông  Nguyễn Văn Ảnh, Chủ tịch UBND xã Liên Ninh … Vi phạm quy trình giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ với số liệu “ma” để quyết toán tiền đền bù. Theo quy định của Luật tố cáo thì trong trường hợp người tố cáo bằng đơn mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhận được đơn thì cơ qua đó có trách nhiệm chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Việc UBND huyện Thanh Trì không chuyển đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Quỳnh đến UBND TP. Hà Nội có dấu hiệu của việc cản trở, bưng bít thông tin. Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội vào cuộc làm rõ, ngăn chặn kịp thời thất thoát, chiếm đoạt ngân sách Nhà nước khi thực hiện dự án đầu tư trên.

Báo Lao động, Sài Gòn giải phóng, Thanh niên, Tuổi trẻ, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN (19-9) dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Cần Thơ, cơ quan này vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 6 cá nhân về tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ). Kết luận điều tra nêu rõ Lê Thanh Hải và Trần Huy Liệu, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Aribank Cần Thơ cùng Bùi Tuấn Anh, nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ đã bỏ qua các quy định, thiếu kiểm tra, giám sát dự án, nguồn vốn vay, thông đồng nâng khống giá trị thế chấp, lập hồ sơ chứng từ khống để tiếp tay cho Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, nguyên Giám đốc Công ty Nông thuỷ sản Tây Nam rút 258 tỉ đồng từ Agribank Cần Thơ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Đà Nẵng, Nông nghiệp Việt Nam, Xây dựng, Thanh niên, Tuổi trẻ, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (20-9) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng như UBND TP. Đà Nẵng phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện dự án xây dựng, giao nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho tổ chức, cá nhân của UBND TP Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay; làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Báo Công an nhân dân, Thanh tra, Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên, Người lao động (20-9) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã có kết luận điều tra lần 2, đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. Trong số các bị can có Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc Navibank; Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn, cùng nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank. Theo kết luận điều tra, Lê Quang Trí đứng tên gửi hơn 1.543 tỷ đồng vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và đã nhận gần 76 tỉ đồng tiền lãi; số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng, Trí giao cho cấp dưới mở tài khoản riêng chuyển khoản 15 tỉ đồng. Số tiền này được Navibank mở sổ sách theo dõi và chuyển cho 47 cá nhân vay tiền để tất toán lãi vay khi đến hạn. Hành vi của những bị can này phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Báo Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN,  Đài TNVN, TTXVN (22-9) đăng tải các nội dung của Hội thảo về "Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng" do Ban Nội chính Trung ương và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức. Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng hệ thống pháp luật về vấn đề này còn bất cập, thiếu, chưa có các quy định cụ thể trong việc chứng minh nguồn gốc tài sản; các quy định pháp luật về kê khai, kiểm soát tài sản hiện hành còn chưa phù hợp và hiệu quả, dẫn đến khó khăn cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng; chưa có quy định về việc xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý và các hình thức xử lý vi phạm đối với người kê khai không trung thực, do đó chưa mang tính phòng ngừa và răn đe… Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm thu hồi tài sản, bổ sung các biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng. Trong quá trình thanh tra, kiểm toán, khi phát hiện dấu hiệu phạm tội, cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý. Đặc biệt, cần tập trung xử lý tham nhũng bằng các biện pháp tư pháp; các vụ án tham nhũng cần được xử lý triệt để đến cùng, hạn chế áp dụng các biện pháp phi tư pháp…

TIN QUỐC TẾ

Báo Hà Nội mới (21-9) dẫn nguồn tin của Hãng Yonhap cho biết, Tòa án Quân sự Hàn Quốc vừa phát lệnh bắt Đại tướng lục quân Park Chan-ju với cáo buộc nhận hối lộ từ một công ty dân sự muốn được sự ủng hộ trong một dự án xây dựng căn cứ quân sự khi ông còn phục vụ trong Bộ Tư lệnh tác chiến của lục quân Hàn Quốc. Các khoản tiền hối lộ không được công khai. Ông Park là tướng 4 sao đầu tiên ở Hàn Quốc bị bắt kể từ năm 2004.

Báo Thanh tra (22-9) cho biết, ông Raul Mondesi, cựu Thị trưởng San Cristobal, Cộng hòa Dominic vừa phải nhận bản án 8 năm tù giam vì liên quan tới bê bối tham nhũng, chiếm đoạt hơn 200 triệu USD. Ngoài ra, ông Mondesi còn phải nộp 60 triệu peso (1,26 triệu USD) tiền phạt. Bộ Tư pháp Dominica buộc tội ông và một số bị can khác sử dụng công quỹ một cách tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật; giữ lại các khoản thuế đã thu mà không gửi về các cơ quan theo luật định và không tuân thủ dự toán thu chi ngân sách.

Thông tin đáng chú ý trong tuần:

- Kết luận tại Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;

- Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án ở Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng;

-Bộ Công an điều tra việc bán nhà đất công tại Đà Nẵng;

- Hội thảo về "Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng chống tham nhũng";

- Truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.

BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

;
.