Điểm báo tuần số 237 từ ngày 13-11 đến ngày 18-11 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 20/11/2017, 14:58 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Giao thông, Hải quan, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (14-11) cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phê bình Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 11157/VPCP-V.I ngày 22-12-2016 của Văn phòng Chính phủ liên quan việc tố cáo của Công ty cổ phần Ðầu tư - xây dựng - thương mại Minh Thắng Bạc Liêu. Phó Thủ tướng Thường trực giao Tổng Thanh tra Chính phủ xác minh nội dung tố cáo của Công ty Minh Thắng Bạc Liêu, kết luận nội dung xác minh và kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-3-2018. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra, xác minh làm rõ về tố cáo của Công ty Minh Thắng Bạc Liêu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1-2-2017. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã ba lần có văn bản đôn đốc, tuy nhiên, đến nay Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa báo cáo kết quả.
Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Công an Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Tiền phong, Tuổi trẻ, Đời sống và Pháp luật, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-11) đồng loạt đăng tải nội dung kết luận tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung chính sau: 1) Dấu hiệu vi phạm, khuyết điểm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2010-2015; của đồng chí Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 (đến tháng 9-2015) là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, đến mức phải thi hành kỷ luật. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020 và đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật, nhưng cần kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc. 2) Xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Ðảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc phòng. 3) Xem xét thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh và đồng chí Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. 4) Thi hành kỷ luật khiển trách đồng chí Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðắk Nông. 5) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét các báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy các tỉnh Ðắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long; kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Trị, Ninh Thuận; giám sát Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Bình và một số cá nhân; kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân đối với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh. 6) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng theo thẩm quyền 3 trường hợp; tham gia ý kiến về giải quyết khiếu nại kỷ luật 2 trường hợp thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư và cho ý kiến một số vấn đề quan trọng khác.
Báo Nhân Dân, Hải Phòng, Đại biểu Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Nhà báo và Công luận, Công lý, Sài Gòn giải phóng, Thanh niên, Đài THVN, Đài TNVN (15-11) phản ánh các nội dung buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ thành phố Hải Phòng và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 và các năm tiếp theo. Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, nhiệm vụ xây dựng Đảng, công tác cán bộ là then chốt, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân; cần hết sức thấm thía, từ đó ngăn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau trong đảng. Tổng Bí thư chỉ rõ: Chống tham nhũng, tiêu cực phải làm từ trên xuống dưới, quyết liệt, bền bỉ, tạo chuyển biến rõ nét, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Phải xây dựng quan hệ tốt với dân, lấy dân làm gốc, mất dân là mất tất; phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, không được để suy thoái, biến chất, phải kiên định, đoàn kết vững chắc trong từng đơn vị, từng người phải có ý thức tốt, từng cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu đi đầu. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, nguồn lực vật chất là cần thiết, nhưng đừng quên động lực tinh thần, đó là sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí vươn lên, sức mạnh tinh thần lịch sử. Cần chú trọng xây dựng các quan hệ tốt trong dân, quan hệ gia đình, thầy trò, không chỉ học chữ mà là văn hóa, phải gìn giữ cho được bản sắc, cốt cách, phát triển thành phố xanh, văn minh, hiện đại, bền vững…
Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Lao động, Giáo dục, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (16-11) cho biết, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngành giáo dục cả nước có gần 1,3 triệu nhà giáo, 154.200 cán bộ quản lý giáo dục; hơn 22,4 triệu học sinh, sinh viên. Quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục được thực hiện thông qua cơ chế quản lý điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Bước đầu, Bộ đã chỉ đạo chuyển đổi từ cơ chế “chỉ huy và kiểm soát” sang “giao quyền và giám sát”, nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục thông qua việc quy định các cơ chế, chính sách, chương trình, chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đôi khi chưa được thực hiện triệt để, gây nên những khiếu kiện. Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu, nhà quản lý, cán bộ công chức, nhà giáo, học sinh, sinh viên, người dân hiểu được quá trình phát triển của giáo dục - đào tạo; rà soát lại các văn bản pháp luật hiện hành, sửa đổi các văn bản không còn tính khả thi trong thực tế; khắc phục các hạn chế còn tồn tại như: hình thức, áp đặt hành chính, thiếu dân chủ.
Báo Đại biểu Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Hải quan, Sài Gòn giải phóng, Người lao động, Kinh tế và Đô thị (17-11) cho biết, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính. Báo cáo kết quả thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính cho thấy, hơn 36 nghìn vụ việc vi phạm hành chính đã được phát hiện, trong đó đã xử lý hơn 28 nghìn vụ việc. Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành chính có xu hướng ngày càng phức tạp với nhiều hình thức tinh vi, xảy ra ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như giao thông đường bộ, an toàn trật tự, an toàn xã hội, kinh doanh, an toàn thực phẩm… Chính vì thế, rất nhiều nghị định hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đã thực sự không còn hiệu quả. Trong khi đó các điều kiện bảo đảm thi hành luật cũng có nhiều hạn chế từ bố trí nguồn cán bộ, tài chính cho việc triển khai. Hội nghị cũng đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, từ việc hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến vi phạm hành chính; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện có liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, tạo thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) |
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Thanh tra (14-11) có bài viết “Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh: Để ngoài sổ sách hàng trăm tỷ đồng”. Nội dung bài báo đề cập đến hàng loạt sai phạm trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc y tế; quản lý thu, chi tài chính tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh… Cụ thể, từ tháng 1-2014 đến tháng 6-2017, Khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao có tổng thu trên 1.015 tỷ đồng, tổng chi gần 725 tỷ đồng, chênh lệch thu, chi là hơn 290 tỷ đồng không được bệnh viện phản ánh vào hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hàng năm của đơn vị... Bệnh viện đưa các chi phí vào cơ cấu giá phẫu thuật Lasik thường quy đối với 3.000 ca, đã thu vượt hơn 8,1 tỷ đồng. Khoa Dược tham mưu thực hiện không có ý kiến của Sở Y tế với tổng giá trị mua sắm thuốc trong năm 2015 là hơn 2,5 tỷ đồng và năm 2016 trên 485 triệu đồng… Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì kiểm điểm làm rõ vi phạm, khuyết điểm về mặt Đảng và chính quyền của ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc bệnh viện và tập thể, cá nhân lãnh đạo bệnh viện về công tác chỉ đạo điều hành lĩnh vực được phân công; qua đó kiểm điểm, xem xét, đề xuất xử lý trách nhiệm sai phạm theo đúng quy định.
Theo tin từ Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Dân trí, Thanh Niên (15-11), Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thế Hùng, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh để điều tra về tội Nhận hối lộ. Trong quá trình được phân công thụ lý, giải quyết vụ việc thi hành án dân sự, Hùng đã nhận 25 triệu đồng của người được thi hành án để giúp giải quyết nhanh vụ việc. Hiện Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang điều tra làm rõ vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Cần Thơ, Tiền phong, Đại đoàn kết, Thanh tra, Thanh Niên, Dân trí, VietNamNet (16-11)cho biết, Tòa án nhân dân huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ tuyên phạt bị cáo Châu Tùng Chinh, nguyên Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phong Điền 11 năm tù về tội "Tham ô tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Theo cáo trạng, tổng số tiền Chinh đã tạm ứng Quỹ Thi hành án để sử dụng cá nhân hơn 1,1 tỷ đồng; chỉ đạo thủ quỹ lấy tiền thi hành án chi cho hoạt động thường xuyên của cơ quan trên 703 triệu đồng. Ngoài ra, Chinh nhận tiền bán đấu giá tài sản của thi hành án nhưng không nộp Quỹ Thi hành án gần 786 triệu đồng, chiếm đoạt sử dụng cá nhân trên 222 triệu đồng. Tổng số tiền mà Chinh chiếm đoạt lên đến hơn 2,3 tỷ đồng.
Báo Lao động, Đại đoàn kết, Thanh tra, Tuổi trẻ, Người lao động, Vnexpress (17-11) phản ánh nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị của UBND TP. Hà Nội giai đoạn 2002-2014 đã để xảy ra sai phạm dẫn đến thất thu ngân sách ước khoảng 6.000 tỷ đồng. Từ kết quả thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất; đồng thời, rà soát, kiểm tra lại các dự án chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; Thanh tra Chính phủ kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; xử lý về kinh tế, tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra hơn 1.562 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Hà Nội kiểm tra, xem xét, xử lý thu hồi về ngân sách thành phố hơn 509 tỷ đồng; thu hồi số tiền hơn 1.053 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ. Đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo tin từ Báo Công lý, Giao thông, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Người lao động, Nông nghiệp, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (18-11), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Trương Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính và ông Phan Tiến Diện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh; một số cán bộ các sở, ngành khác và cán bộ huyện Mường La. 02 Phó Giám đốc Sở này cùng một số cán bộ bị bắt vì có sai phạm liên quan đến công tác đền bù, di dân tái định cư cho dự án thủy điện Sơn La, huyện Mường La.
TIN QUỐC TẾ
Báo An ninh Thủ đô (13-11) đưa tin, ngày 10-11-2017, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc thông báo, Mạnh Vĩ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Quốc hội, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu khoa học môi trường Trung Quốc đã bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Đây là trường hợp quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật tiến hành điều tra sau khi Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX kết thúc.
Đài Tiếng nói Việt Nam (17-11) dẫn nguồi tin của Hãng Yonhap cho biết, ông Jun Byung-hun, Thư ký cao cấp của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-inđã xin từ chức sau khi bị cáo buộc dính líu đến một vụ bê bối hối lộ đang dần được phanh phui. Ông Jun Byung-hun khẳng định ông không liên quan gì đến bê bối tham nhũng mà 2 cựu trợ lý của ông có dính líu và sẵn sàng đối mặt với một cuộc điều tra. Vụ bê bối này đang gây rắc rối, ảnh hưởng xấu đến nỗ lực chống tham nhũng và cải cách chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Hải Phòng.
- Kết luận Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
- Hà Nội để thất thu 6.000 tỷ từ hàng loạt sai phạm các dự án nhà ở.
- Sơn La: Khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.
- Tuyên phạt 11 năm tù nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ về tội "Tham ô tài sản".
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;