Điểm báo tuần số 242 từ ngày 18-12 đến ngày 23-12 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 25/12/2017, 15:38 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Đài TNVN  (18-12) đưa tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật đại biểu dự “Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc năm 2017”. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đánh giá cao các chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, đã giúp  đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống ngày càng được cải thiện. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước thời gian qua và những đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự phát triển chung của đất nước. Đồng bào dân tộc thiểu số phần đông sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng căn cứ địa cách mạng, vùng chiến đấu ác liệt trước đây, có nhiều công lao đóng góp trong công cuộc giải phóng đất nước. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy truyền thống quý báu, đoàn kết, giúp nhau làm kinh tế, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước…
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-12) phản ánh nội dung buổi làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với lực lượng vũ trang quân khu 1. Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc mà lực lượng vũ trang Quân khu 1 đã giành được trong suốt chặng đường 73 năm qua. Chủ tịch nước nêu rõ, Quân khu 1 là địa bàn có trên 25 dân tộc anh em sinh sống, kinh tế phát triển còn chậm, trình độ dân trí không đồng đều, kẻ địch đang lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bối cảnh trên đòi hỏi Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, lực lượng vũ trang Quân khu 1 nói riêng cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân và các cấp, các ngành đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý kịp thời các tình huống phức tạp, không để bị động, bất ngờ. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Người lao động (20-12) cho biết, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Tổng kết công tác năm 2017. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Ðồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Ðể tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên, thời gian tới các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Tiếp tục đề xuất các cơ chế đặc thù để huy động các nguồn lực phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng phụ cận, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xử lý có hiệu quả vấn đề đất đai, chống phá rừng để bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung thực hiện có hiệu quả. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên cần khẩn trương đánh giá thực trạng sở hữu đất đai trên địa bàn, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, có kế hoạch sắp xếp lại nông, lâm trường nhằm giải quyết đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo để phát triển sản xuất. Tập trung xử lý các vụ tranh chấp khiếu kiện về đất đai, không để phức tạp thành điểm nóng về an ninh trật tự… Về việc kết thúc hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Tô Lâm cho rằng: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình. Việc kết thúc hoạt động là nằm trong chủ trương chung của Ðảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng (20-12) đăng tải nội dung Hội nghị về phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân gắn với phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức. Năm 2017, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố luôn được bảo đảm, giữ vững ổn định chính trị, không để xảy ra bị động bất ngờ. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, tuyệt đối kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở các kết quả đạt được, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thống nhất: Tiếp tục tăng cường phối hợp, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; không để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc làm mất lòng tin của đảng viên, quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Biên phòng, Hà Nội mới, TTXVN (21-12) đưa tin, Thường vụ Quân ủy Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt toàn quân học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII là những quyết sách quan trọng của Đảng đề cập nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, vừa cơ bản, vừa cấp bách; là những vấn đề liên quan đổi mới, phát triển xã hội, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới, phát triển kinh tế; những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân… Đồng chí nhấn mạnh, quá trình học tập, nghiên cứu, cán bộ chủ chốt toàn quân cần quán triệt sâu sắc nội dung cốt lõi, những điểm mới, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có tính đột phá của các nghị quyết; coi trọng liên hệ, vận dụng sát với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội, gắn với triển khai thực hiện đề án “Điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021”; đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020”; các kế hoạch, chương trình liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng trong quân đội. Hội nghị yêu cầu cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp có nhiệm vụ tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về ý chí, hành động trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân, nhanh chóng đưa Nghị quyết vào thực tế cuộc sống, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Pháp luật Việt Nam (22-12) cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội nghị công tác phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác giám sát tư pháp. Trong những năm qua, công tác giám sát tư pháp của Ủy ban Tư pháp và HĐND các tỉnh, thành phố ngày càng được chú trọng, đổi mới về phương thức và ngày càng có hiệu quả. Thông qua giám sát, những đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được cũng như những hạn chế, thiếu sót và kiến nghị, giải pháp khắc phục trong công tác tư pháp được chỉ ra đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương. Cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát cũng được chú trọng hoàn thiện, đặc biệt từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp với Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND các tỉnh, thành phố trong công tác giám sát tư pháp còn chưa được chặt chẽ, thiếu các văn bản quy định cụ thể. Nhiều đại biểu đề nghị, cần ban hành quy chế phối hợp giám sát giữa Ủy ban Tư pháp với Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh. Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh sau khi có báo cáo kết quả giám sát tư pháp ở địa phương cần gửi cho Ủy ban Tư pháp để phối hợp đôn đốc giải quyết kiến nghị đối với các cơ quan ở cấp Trung ương...
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN (22-12) đăng tải nội dung của Quy định số 105-QÐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành ngày 19-12-2017. Quy định gồm ba phần: Phân cấp quản lý cán bộ; Bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo Quy định này, quản lý cán bộ bao gồm các nội dung chính: Tuyển chọn, bố trí, phân cấp, điều động, luân chuyển cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm cán bộ; khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ. Quy định nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quản lý cán bộ gồm: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy trực thuộc Trung ương (tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy khối ở Trung ương), các ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương (Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội ở Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, TTXVN (23-12) cho biết, Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 họp kỳ thứ 4. Sau hơn 30 năm đổi mới, công tác nghiên cứu lý luận có bước phát triển quan trọng, thu nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, không ngừng phát triển và hoàn thiện nhận thức lý luận chung về mô hình, mục tiêu, tính chất, con đường của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của công tác nghiên cứu lý luận là chưa đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển nhanh chóng trong công cuộc đổi mới; chưa giải đáp kịp thời những vấn đề nảy sinh. Công tác lý luận còn giáo điều, tự biện, chậm đổi mới, thiếu nhạy bén; hạn chế trong đấu tranh chống sự phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch,… Phát biểu ý kiến tại kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích, nhấn mạnh thêm một số vấn đề, như: vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận; phải có lý luận về từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Tổng Bí thư lưu ý cần phải có phương pháp duy vật biện chứng, vừa kế thừa, vừa phát triển sáng tạo. Đừng coi quá khứ là bỏ đi, phải vừa chống bảo thủ giáo điều, vừa chống xét lại cực đoan. Phải kiên định, vững vàng, không được nhân danh đổi mới để phủ định hết, như thế sẽ rất nguy hiểm. Vừa xây dựng, truyền bá, giáo dục để cho lý luận vào thực tiễn cuộc sống biến thành hiện thực cách mạng, vừa kiên quyết đấu tranh bác bỏ các luận điệu chống phá; nhận thức non kém, lệch lạc thì uốn nắn.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Thanh tra, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Sài Gòn giải phóng, Vnexpress, Đài TNVN (18-12) đưa tin về nội dung Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng” được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Các đại biểu tập trung thảo luận để đẩy mạnh hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Mặt trận, cần làm rõ tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc nên thế nào khi có vụ việc tham nhũng mà dư luận, nhân dân quan tâm. Bên cạnh đó, làm gì để phát huy sự vào cuộc của người dân tham gia phòng, chống tham nhũng; cơ chế tiếp nhận ý kiến phản ánh trực tiếp của người dân, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng... Mong muốn của Mặt trận là đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh…
 
    Báo Công an nhân dân, Thanh tra, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, An ninh Thủ đô, Vnexpress (19-12) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 7 bị can thuộc trung tâm này, trong đó có Bùi Đức Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm. Theo kết luận điều tra, trong thời gian từ năm 2014 đến tháng 3-2015, các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái chức trách phát hành 6 văn bản giả mạo của Tổng cục Thủy sản cấp phép cho 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường của 107 doanh nghiệp vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam trái quy định, nhằm hưởng lợi bất chính cá nhân với tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Thanh Niên, Giao Thông, Công an nhân dân, VietNamNet, Đài TNVN (19-12) đăng tải nội dung liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỷ đồng. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an đã tống đạt các lệnh khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét đối với 6 bị can nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) gồm: Lâm Hồng Trinh, Đỗ Hoàng và Ngô Trí Đức đều là nguyên Phó Tổng Giám đốc TrustBank; Hồ Trọng Thắng, nguyên Trưởng phòng quản lý tín dụng; Trần Thị Hồng Phương, nguyên Giám đốc khối kế toán; Phạm Thị Quỳnh Ngân, nguyên Trưởng phòng pháp chế. Các bị can này đều bị khởi tố về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Công an nhân dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Dân trí, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN (19-12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank. Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng thành viên PVN về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản để sớm kết luận điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, An ninh Thủ đô, Vnexpress (20-12) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và 5 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho GPBank 4.758 tỷ đồng. Với tội danh trên, các bị cáo sẽ phải nhận hình phạt tù từ 10 đến 20 năm.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Lao Động, Giáo dục, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Dân trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20-12) theo nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết, qua điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, Cơ quan An ninh điều đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do những sai phạm của ông Thực trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. 
 
    Báo Nhân Dân, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đời sống và Pháp luật, Dân trí, TTXVN (21-12) theo nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bến Tre cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Phong Hải, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre. Công trình nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai thuộc Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 303,7 tỷ đồng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Cơ quan điều tra xác định, ông Lê Phong Hải với vai trò đại diện chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm, làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thất thoát ngân sách hơn 6,8 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Người lao động, Thanh Niên, VietNamNet, An ninh Thủ đô, Dân trí (21-12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gây thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng khoản góp  vốn của PVN tại Oceanbank. Trong 7 bị can bị truy tố có Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng OceanBank. 
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Giao thông, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Thanh Niên, Đài TNVN (21-12) thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) - Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố ông Trương Thanh Tùng, Phó Trưởng ban Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 Đà Nẵng; Nguyễn Song Hùng, cán bộ kỹ thuật; Ngô Thị Thương, cán bộ áp giá đền bù và Tán Đăng Khánh, cán bộ xác định tính pháp lý nhà, đất về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong quá trình giải tỏa, đền bù ở bán đảo Sơn Trà, Tùng và 3 cán bộ đã kê khống, kê không đúng số lượng để thanh toán đền bù gây thiệt hại ngân sách nhà nước gần 450 triệu đồng.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Dân trí, Tuổi Trẻ, Người lao động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VietNamNet, TTXVN (22-12) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Hồng Yến, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài vụ Trường Cao đẳng nghề Du lịch TP. Cần Thơ 20 năm tù về tội tham ô tài sản. Theo cáo trạng, Yến đã chiếm đoạt tiền của nhà trường thông qua việc lập khống chứng từ chi lương và ủy nhiệm chi tổng số tiền gần 6,4 tỷ đồng. 
 
    Báo Lao Động, Tiền Phong, Nông nghiệp, Dân trí, Thanh Niên, Đài TNVN (22-12) đưa tin, Công an tỉnh Gia Lai khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để điều tra về hành vi "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để mất hàng nghìn ha đất rừng trong lâm phần được giao quản lý, từ hơn 9.100 ha xuống còn gần 6.700 ha. Quá trình kiểm tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện 15 cán bộ từ Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ là ông Nguyễn Đức đến nhân viên của đơn vị, lấn chiếm hơn 84.000 m2 đất lâm nghiệp để làm trang trại trồng cà phê, tiêu, xây nhà kiên cố, trục lợi đất lâm nghiệp. Cùng với đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ còn chi sai nguyên tắc tài chính khi không nhập quỹ với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1,2 tỷ đồng bán vườn cây không đưa vào sổ sách, nhập ngân sách; riêng 2,4 tỉ đồng có dấu hiệu tham nhũng khi không có chứng từ chứng minh.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (23-12) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trung úy Lê Văn Thái, cán bộ Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Biên Hòa để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Theo điều tra ban đầu, Trung úy công an Lê Văn Thái trong một lần bắt quả tang một xe bồn đổ trộm chất thải trên địa bàn đã gợi ý tài xế chi tiền để được bỏ qua hành vi vi phạm. Chiều 11/12, khi Thái đang nhận 50 triệu đồng từ tài xế xe bồn thì bị lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Nhân Dân (19-12) cho biết, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) thông báo ông Tào Bạch Tuyển, nguyên Cục trưởng Cục IV thuộc Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. CCDI cho biết thêm, đây là trường hợp quan chức cấp cao thứ hai trong lĩnh vực đối ngoại của Trung Quốc bị điều tra. Trước đó, ông Trương Côn Sinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Lễ tân kiêm Thư ký Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đã bị cách chức và bị điều tra hồi tháng 1-2015 vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Cụm từ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" thường được dùng để ám chỉ những cán bộ tham nhũng và nhận hối lộ.
 
    Báo Thanh tra (23-12) đưa tin Tập đoàn Keppel của Singapore đã đồng ý trả 422 triệu USD tiền phạt cho ba nước Mỹ, Brazil và Singapore để dàn xếp các cáo buộc hối lộ liên quan tới một số hợp đồng ký kết với đối tác Brazil. Một công ty con của tập đoàn Keppel đặt tại Mỹ chuyên kinh doanh xây giàn khoan dầu và vận hành xưởng đóng tàu, đã tham gia vào một mạng lưới hối lộ và thông qua mạng lưới này, các công ty liên quan đã hối lộ khoảng 50 triệu USD cho một số quan chức Brazil cũng như thu lợi phi pháp hơn 350 triệu USD thông qua hoạt động thu mua doanh nghiệp. Cơ quan chống tham nhũng của Singapore thông báo đang điều tra các cá nhân tình nghi liên quan trong vụ việc
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 105-QÐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
 
    - Kỷ niệm 73 năm Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm và làm việc với lực lượng vũ trang quân khu 1.
 
    - Truy tố 7 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gây thiệt hại khoảng 800 tỷ.
 
    - Khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
 
    - Xét xử Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và 5 đồng phạm.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.