Điểm báo tuần số 249 từ ngày 05-02 đến ngày 10-02 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Nhà báo và Công luận, Giáo dục, Nông nghiệp, Dân trí, Văn hóa, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Vnexpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (05-02) đồng loạt đưa tin, tối 3-2, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ công bố và trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa liềm vàng) lần thứ hai - năm 2017. Sau hơn 9 tháng triển khai, cơ quan thường trực giải là Tạp chí Xây dựng Đảng đã tiếp nhận gần 2.000 tác phẩm hợp lệ, tăng hơn 800 tác phẩm so với Giải Búa liềm vàng lần thứ nhất. Các tác phẩm báo chí tham gia giải đa dạng ở thể loại, phong phú về chủ đề, phản ánh toàn cảnh công tác xây dựng Đảng ở khắp các vùng miền, lĩnh vực, trong đó tập trung vào việc xây dựng, chính đốn Đảng, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy… Từ 89 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo giải Búa liềm vàng 2017 đã lựa chọn ra 54 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải gồm: 6 giải A, 8 giải B, 15 giải C và 25 giải khuyến khích.
Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Công lý, Đại đoàn kết (05-02) cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán áp dụng đối với Thẩm phán công tác tại các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp cả trong trường hợp chưa được bổ nhiệm lại hoặc đã nghỉ hưu; được áp dụng để đánh giá về phẩm chất đạo đức của những người được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán. Theo dự thảo, Bộ quy tắc đạo đức có những yêu cầu chung như: Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật. Các Thẩm phán phải là những tấm gương về phụng công, thủ pháp, chí công vô tư; liêm chính, độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Đồng thời, Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án. Thẩm phán không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng cao cả của Thẩm phán - người được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thẩm phán phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Nhà báo và Công luận, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Giao thông, Hải quan, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (06-02) đưa tin, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 96-TTr/UBKTTW, ngày 26-1-2018, về việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với đồng chí Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011 - 2016, Ban Bí thư nhận thấy: Với cương vị người đứng đầu, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Ðảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của đồng chí) giữ các chức vụ Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cử đồng chí Lê Phước Hoài Bảo đi học Thạc sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định. Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Lê Phước Thanh là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Căn cứ Quy định số 102-QÐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định kỷ luật đồng chí Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Văn hóa, Hà Nội mới, Thanh Niên, Đài TNVN (07-02) phản ánh các nội dung phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Một số ý kiến băn khoăn về việc tố cáo qua điện thoại vì độ tin cậy không cao; đề nghị cần có quy định bằng chứng cụ thể để có cơ sở xác minh nội dung tố cáo. Về bảo vệ người tố cáo, trong một số trường hợp đặc biệt cần có những biện pháp tích cực, chủ động hơn, đồng thời cần quy định cụ thể hơn về cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo; xem xét, thảo luận và nhất trí với 100% thành viên biểu quyết tán thành việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và Thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao.
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Thanh tra, Hải quan, Hà Nội mới, Xây dựng, Tuổi Trẻ, Đài THVN (09-02) đưa tin về Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2018. Theo báo cáo, tình trạng nợ đọng văn bản trong năm qua đã giảm gần 42% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp đã đề nghị xử lý đối với 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành. Chính phủ ban hành 21 nghị quyết phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Đến nay, có 17/19 bộ, cơ quan ngang bộ đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ ra một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn rườm rà, tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, đảm tính đồng bộ, thống nhất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; đều đặn tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (09-02) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra Quyết định số 684-QÐ/UBKTTW ban hành Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cụ thể gồm các Quy trình: Kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đảng; xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và cấp ủy viên cấp dưới trực thuộc Trung ương theo đề nghị thi hành kỷ luật; xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hoặc cấp ủy viên cấp dưới trực thuộc Trung ương theo kết luận kiểm tra; kiểm tra, đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư, Bộ Chính trị do cấp ủy trực thuộc Trung ương đề nghị; giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với đảng viên; kiểm tra tài chính của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp; kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới; kiểm tra tài chính đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc cơ quan tài chính đảng ở Trung ương.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Đài THVN, Đài TNVN (06-02) đồng loạt đưa tin, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 07 đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land). Trịnh Xuân Thanh nhận thêm bản án chung thân thứ hai về tội Tham ô tài sản. Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land: 16 năm tù; Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng Giám đốc PVP Land: 13 năm tù. Bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà bị tuyên phạt 09 năm tù; bị cáo Thái Kiều Hương, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietsan 10 năm tù; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 10 năm tù. Bị cáo Lê Hòa Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1-5, Công ty Minh Ngân bị tuyên phạt 08 năm tù; tổng hợp hình phạt tù chung thân tại Bản án số 134 ngày 15-3-2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1-5, Công ty Minh Ngân 06 năm tù; tổng hợp hình phạt tù chung thân tại Bản án số 134 ngày 15-3-2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là tù chung thân.
Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân (07-02) phản ánh các nội dung Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Công an. Năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã xây dựng, ban hành kịp thời một số văn bản thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các biện pháp về giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, chiến sĩ được tăng cường. Công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực;khởi tố mới tăng 47 vụ/90 bị can so với năm 2016. Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc về tham nhũng; tập trung thu hồi, kê biên nhiều tài sản, áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát không để đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Về nhiệm vụ năm 2018, Hội nghị đã thống nhất việc xây dựng, triển khai kế hoạch của Bộ Công an thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Tập trung thực hiện nhiệm vụ về tổ chức cán bộ theo chỉ đạo của Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Ðề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản về công tác tổ chức cán bộ cơ bản, chặt chẽ, theo đúng quy định, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ của lực lượng Công an gắn với yêu cầu phòng ngừa tham nhũng trong Công an nhân dân.
Báo Bảo vệ pháp luật (07-02) cho biết, Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên. Kết quả thanh tra đã chỉ rõ những nguyên nhân khiến Tập đoàn này thua lỗ dẫn đến sai phạm gần 15 nghìn tỷ đồng và 6.697.576m2 nhà, đất. Trước những sai phạm của TKV, ngày 5-1-2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 08/TB-VPCP Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về Kết luận thanh tra tại TKV và một số đơn vị thành viên. Nội dung chính của Thông báo là giao cho các bộ, ban, ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý các sai phạm tại TKV, trong đó các trường hợp Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an, Phó thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao soát kỹ để thống nhất biện pháp xử lý.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Tiền Phong, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ (08-02), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn Thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác. Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có các quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Hà Nội mới (09-02) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án "Giả mạo trong công tác", xảy ra tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K) thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Trong số bị can bị truy tố có Bùi Đức Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm 3K. Theo cáo trạng, từ tháng 10-2013 đến tháng 7-2014, tuy Bộ NN&PTNT đã tạm dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm về Trung tâm 3K. Nhằm hưởng lợi bất chính từ các doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, các bị can trong vụ án đã cấu kết nhận hồ sơ của các doanh nghiệp để làm, chỉnh sửa văn bản, làm sai lệch nội dung phụ lục sản phẩm được cấp phép lưu hành; giả mạo 6 văn bản của Tổng cục Thủy sản cấp phép cho 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường của 107 doanh nghiệp, hưởng lợi bất chính trên 7,3 tỷ đồng.
Báo Công an nhân dân, Thanh Niên, Vnexpress (09-02) đưa tin, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng công khai kết luận thanh tra tại Trường THPT Hoàng Diệu về quản lý các nguồn thu khác không đảm bảo nguyên tắc tài chính; bố trí cán bộ không có nghiệp vụ thực hiện công việc của kế toán, từ đó để xảy ra sai phạm tài chính trên 1,2 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh đề nghị thu hồi hơn 866 triệu đồng, trả lại cho học sinh và giáo viên 590 triệu đồng do chi thiếu nhưng thu thừa, còn hơn 344 triệu đồng không thể thu hồi do trường chi chưa đúng trình tự, thủ tục. Hiệu trưởng bị cáo buộc có liên quan đến số tiền sai phạm, trong đó duyệt chi sai trên 527 triệu đồng, liên đới 684 triệu đồng. Hai hiệu phó cũng có sai phạm khi tham mưu nguồn dạy tăng cường, nguồn dạy thêm, vi phạm gần 700 triệu đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Trường THPT Hoàng Diệu thực hiện nghiêm kết luận thanh tra; Sở Giáo dục chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh Niên (06-02) cho biết, hàng loạt cựu quan chức Hy Lạp, gồm 2 cựu thủ tướng và 8 bộ trưởng, bị tình nghi dính bê bối tham nhũng liên quan tới Tập đoàn dược phẩm Novartis của Thụy Sĩ. Giám đốc Novartis chi nhánh Hy Lạp cũng bị khởi tố với tội danh tham nhũng. Người này đã bị cấm rời khỏi Hy Lạp. Vào tháng 4-2017, Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu nhất trí cho phép mở cuộc điều tra nhằm vào những bê bối trong ngành y tế cách đây hơn 2 thập kỷ, liên quan tới các vụ hối lộ, nâng giá thuốc và thiết bị y tế tại nước này. Cơ quan chức năng đã thẩm vấn hàng chục người trong cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2016. Tháng 1-2017, Văn phòng Công tố Athens đã tiến hành lục soát trụ sở của Novartis tại thủ đô Athens để phục vụ quá trình điều tra vụ việc.
Thông tấn xã Việt Nam (08-02) đưa tin, bà Khaleda Zia, cựu Thủ tướng Bangladesh và cũng là người đứng đầu Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) đã bị kết án 5 năm tù giam trong một vụ án tham nhũng. Bà Zia bị cáo buộc liên quan tới vụ biển thủ 21 triệu taka (khoảng 252.000 USD) tiền ủng hộ của nước ngoài dành cho Quỹ trẻ mồ côi Zia.Trong vụ án này, con trai bà là Tarique Rahman và 4 người khác bị kết án 10 năm tù giam. Ngoài vụ án trên, bà Zia và 3 trợ lý của bà còn bị cáo buộc rút ruột 31,5 triệu taka (400.000 USD) của Quỹ thiện nguyện Zia.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành quy trình công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng.
- Ban Bí thư quyết định kỷ luật đồng chí Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.
- Trịnh Xuân Thanh lần thứ hai nhận án tù chung thân.
- Khởi tố, tạm giam 4 tháng Vũ 'nhôm' điều tra tội lợi dụng chức vụ quyền hạn.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG