Điểm báo tuần số 250 và 251 từ ngày 12-02 đến ngày 24-02 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 27/02/2018, 08:17 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12-02) cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sỹ và kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng chiến đấu tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - đơn vị nòng cốt làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thủ đô. Năm 2017, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thường xuyên nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; chủ động phối hợp với Công an và các lực lượng xử trí các tình huống, thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an toàn các sự kiện chính trị, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục có những chuyển biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô cần tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thủ tướng nhấn mạnh ngay trong dịp Tết, Bộ Tư lệnh Thủ đô cần phối hợp tốt với lực lượng chức năng khác đề cao tinh thần cảnh giác giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa bàn Thủ đô. Thủ tướng tin tưởng, Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu toàn diện của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2017 |
Báo Nhân Dân, Lao Động, Nông nghiệp, Hải quan, Tuổi Trẻ, Người lao động, Hà Nội mới, Dân trí, Đài TNVN (13-02) đưa tin, Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam họp và thống nhất bằng hình thức bỏ phiếu kín xóa tên trong danh sách đảng viên đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận nêu rõ, ông Lê Phước Hoài Bảo không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Bảo có ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sĩ tại nước ngoài. Liên quan việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kết luận về vi phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Lê Phước Thanh (bố đẻ của ông Lê Phước Hoài Bảo). Ông Lê Phước Thanh đã bị Ban Bí thư ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
Báo Nhân Dân (14-02) đưa tin, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”. Về nội dung giám sát, Quy định số 124 nêu rõ: Các biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Hình thức giám sát: Thông qua việc quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; thông qua tiếp nhận thông tin báo cáo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên và nhân dân; dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng. Về tiếp nhận, xử lý thông tin giám sát, Quy định số 124 nêu rõ: Khi phát hiện hoặc tiếp nhận báo cáo, phản ánh về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội báo cáo bằng văn bản hoặc phản ánh trực tiếp với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp để xem xét, xử lý. Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền sau khi tiếp nhận báo cáo, phản ánh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, giải quyết. Chậm nhất 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, phản ánh của chủ thể giám sát, cấp có thẩm quyền thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết đến chủ thể giám sát và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nếu vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày làm việc. Trường hợp xác định cán bộ, đảng viên có vi phạm thì cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, xử lý theo quy định.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, An ninh Thủ đô, Biên Phòng, Thanh Niên, Dân trí, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN (21-02) phản ánh nội dung buổi làm việc của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng với Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 2017, Đảng ủy, Thủ trưởng BTTM đã nắm chắc tình hình, bám sát nghị quyết lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện toàn diện các nhiệm vụ; trong đó, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. BTTM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các tình huống không để bị động, bất ngờ; chủ động tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, đối sách, xử lý hiệu quả các tình huống, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phối hợp bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu, năm 2018, BTTM tiếp tục chủ động đổi mới công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ SSCĐ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, diễn tập các cấp; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; đổi mới giáo dục, đào tạo, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm “chuẩn đầu ra” của các đối tượng; duy trì nghiêm chế độ cứu hộ, cứu nạn và chế độ trực, nắm tình hình tác chiến điện tử. Tiếp tục xây dựng cơ quan, đơn vị trong BTTM vững mạnh toàn diện, xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Làm tốt công tác bồi dưỡng, phát huy tinh thần, trách nhiệm của cán bộ các cấp và tính tích cực tự học, tự rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ làm tốt công tác tham mưu theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân (22-02) đưa tin, Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đầu Xuân Mậu Tuất 2018 để đánh giá kết quả công tác của toàn lực lượng Công an nhân dân triển khai thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an về bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong dịp Tết đã điều tra, khám phá 222 vụ, bắt 281 đối tượng hình sự, 57 đối tượng ma túy, 1.365 đối tượng cờ bạc, 44 đối tượng có lệnh truy nã. Nổi bật là điều tra, khám phá vụ sử dụng súng bắn chết người ở Thanh Hóa, vụ án đặc biệt nghiêm trọng giết hại năm người trong một gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê từ công an các đơn vị, địa phương, trong bảy ngày nghỉ Tết, xảy ra 415 vụ phạm pháp hình sự, giảm 40 vụ so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Phát biểu ý kiến chỉ đạo, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu, công an các đơn vị, địa phương phát huy kết quả đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, của Bộ và các nhiệm vụ trọng tâm công tác công an ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm mới Mậu Tuất 2018. Cần khẩn trương ổn định tổ chức, nhanh chóng chỉ đạo triển khai các công tác trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đã đề ra trong quý I-2018. Tiếp tục đẩy mạnh cao điểm tiến công trấn áp, truy nã tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự sau Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, văn hóa, an ninh mạng, an ninh thông tin và truyền thông. Đồng thời, tập trung đấu tranh với số đối tượng trọng điểm về hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao và tệ nạn xã hội, nhất là tại các lễ hội đầu Xuân. Chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an ninh trật tự tại các lễ hội đầu Xuân, tăng cường kiểm tra hoạt động tổ chức lễ hội.
Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Lao Động, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Thanh Niên, Biên Phòng, Dân trí, Công thương, Đài TNVN, TTXVN (23-02) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Mục tiêu của chương trình là tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những kết quả cụ thể; tập trung xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua. Triệt để tiết kiệm phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ các khâu xác định nhiệm vụ, lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2018 cho các bộ, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm ít nhất 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định,...
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Theo tin từ Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Công lý, TTXVN (12-02), Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt các bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh án tù chung thân, tổng hợp hình phạt với bản án trước là chung thân; Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh 7 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước là 27 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Về trách nhiệm dân sự, Tòa buộc Huyền Như và Anh Tuấn liên đới bồi thường cho Công ty Hưng Yên 200 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Huyền Như còn phải bồi thường cho bốn công ty còn lại hơn 860 tỷ đồng.
Báo Tiền Phong, Công lý, Người lao động, Dân trí, VietNamNet (13-02) theo thông tin từ Công an tỉnh Nam Định, ông Vũ Đình Tuân, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã bị bắt tạm giam với thời hạn 4 tháng để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó vào tháng 9-2017, Công an tỉnh Nam Định cũng ra quyết định tạm giữ đối với ông Ngô Trường Giang, từng là Kế toán trưởng của Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh đã giả hồ sơ, chữ ký của ông Vũ Đình Tuân rồi bí mật đóng dấu Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh để vay và chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Nam Định tiếp tục điều tra, làm rõ.
Báo Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Thanh tra, Công lý, Dân trí (20-02) phản ánh, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội đã kết thúc giai đoạn 1 quá trình điều tra vụ án Nguyễn Cự Tẩm, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Haprosimex kiêm Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH MTV Haprosimex - Nhà máy Dệt kim Haprosimex và Phạm Thị Minh Phương, nguyên Trưởng phòng Kế toán chi nhánh Công ty TNHH MTV Haprosimex về tội Tham ô tài sản. Quá trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt từ khi bổ nhiệm kiêm nhiệm Giám đốc Nhà máy dệt kim Haprosimex vào tháng 7-2010, ông Nguyễn Cự Tẩm đã lợi dụng các chức vụ được giao để làm trái công vụ gây thiệt hại tài sản Nhà nước gần 1,4 tỷ đồng.
Báo Công an nhân dân, Vnexpress (22-02) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Tiến Hưng về tội Tham ô tài sản XHCN và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, cửa hàng bán và giới thiệu số 2 do Công ty dịch vụ thương mại số 1 (thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam - doanh nghiệp Nhà nước), quản lý. Cửa hàng này đã thuê nhà của Hưng trên phố Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình) để kinh doanh. Năm 1997, Nguyễn Tiến Hưng và Vũ Tiến Chù, Cửa hàng trưởng Cửa hàng bán và giới thiệu số 2, bị phát hiện, khởi tố cùng hai tội danh Tham ô tài sản XHCN và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN với số tiền gần 4 tỷ đồng. Ông Chù bị bắt, nhận tổng cộng 20 năm tù cho hai tội danh trên. Hưng trốn truy nã đến năm 2016 thì bị bắt giữ sau 19 năm bỏ trốn. Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Hưng 20 năm tù.
Báo Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Tuổi Trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Dân trí (22-02) cho biết, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu. Trong năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về phòng, chống tham nhũng như tiến hành sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Giao thông, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, TTXVN (24-02) đưa tin, Chủ tịch UBND Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ký quyết định cách chức Phó trưởng Phòng kinh tế UBND thành phố, Giám đốc Ban quản lý khu Tiểu thủ công nghiệp TP. Buôn Ma Thuột đối với ông Phan Xuân Mạo. Theo biên bản cuộc họp kỷ luật của Hội đồng kỷ luật UBND TP. Buôn Ma Thuột, ông Phan Xuân Mạo đã khai khống để thanh toán số tiền hơn 9,5 tỷ đồng từ ngân sách, dẫn đến hậu quả bị chiếm dụng, đến nay vẫn chưa có khả năng thu hồi. Hành vi sai phạm của ông Phan Xuân Mạo là rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất khó khắc phục, tạo dư luận không tốt, làm mất lòng tin của người dân.
Báo Lao Động, Đài THVN, Đài TNVN (24-02) dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố 8 đối tượng liên quan đến vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trong đó có ông Nguyễn Hữu Khiêm, nguyên Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định lợi dụng chính sách đặc thù, một số cán bộ Tổ công tác giải phóng mặt bằng dự án này đã đưa 29 hộ dân ra nhận đất nông nghiệp của 29 hộ khác rồi nhận tiền bồi thường hỗ trợ sai quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 27 tỷ đồng. Vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
TIN QUỐC TẾ
Báo Tiền Phong (13-02) cho biết, các Công tố viên Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các thủ tục khởi tố chính thức đối với ông Tôn Chính Tài, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh vì đã nhận nhiều khoản hối lộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ ở Trùng Khánh, Bắc Kinh, tỉnh Cát Lâm, và khi còn là Bộ trưởng Nông nghiệp. Ông Tôn bị khai trừ khỏi Quốc hội hồi tháng 11-2017, mất quyền miễn truy tố. Vụ việc của ông Tôn đã được chuyển đến Tòa án trung cấp thành phố Thiên Tân, đông bắc Trung Quốc.
Đài Truyền hình Việt Nam (21-2) đưa tin, ông Rimsevic, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Latvia vừa bất ngờ bị cảnh sát tạm giữ và truy tố với các cáo buộc nhận hối lộ. Ông Rimsevic cũng là Ủy viên Hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB, cơ quan điều hành đồng euro. Vụ việc này được dự báo cũng sẽ gây nhiều bất lợi cho nền kinh tế Latvia, khi một trong các ngân hàng lớn nhất nước này vừa bị tạm ngừng hoạt động.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
- Xóa tên trong danh sách đảng viên đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.
- Truy tố nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Haprosimex về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Tham ô tài sản”.
- Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;