Điểm báo tuần số 254 từ ngày 12-3 đến ngày 17-3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 19/03/2018, 11:36 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Hải quan, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (12-3) phản ánh các nội dung Phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo chương trình, UBTVQH sẽ làm việc trong 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 12 đến 13-3, cho ý kiến về: Một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đo đạc và bản đồ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học; các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi). Trong đợt làm việc thứ 2 từ ngày 19 đến 20-3, UBTVQH sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về hai nhóm vấn đề: 1) Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. 2) Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng sẽ là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại Phiên họp của UBTVQH thí điểm áp dụng hình thức chất vấn - trả lời ngay. Trong ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 22, UBTVQH sẽ cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Đài THVN (13-3) cho biết, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Bộ quy tắc đạo đức thẩm phán. Theo đó, yêu cầu chung với Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật; là tấm gương về phụng công, thủ pháp, chí công vô tư; liêm chính, độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án; không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng, địa vị cao quý của Thẩm phán. Thẩm phán phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Thẩm phán không được lợi dụng địa vị Thẩm phán của mình để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc của người khác; không được và không cho phép các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình yêu cầu hoặc chấp nhận bất cứ món quà, khoản thừa kế, khoản vay hay quyền lợi nào khác liên quan đến bất cứ điều gì mà Thẩm phán đã làm hoặc sẽ làm hoặc cố ý không làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán. Thẩm phán chỉ có thể nhận món quà lưu niệm, giải thưởng hay khoản tiền phù hợp với sự kiện được tổ chức, với điều kiện món quà, giải thưởng hay khoản tiền đó không bị coi là thể hiện sự thiếu vô tư, khách quan hoặc là một hình thức có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Biên phòng, Đài THVN, Đài TNVN (25-3) đồng loạt đăng tải nội dung Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác và lễ ký Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi) giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ). Theo báo cáo 15 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của UBTVQH, Văn phòng Quốc hội chủ động phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện Quy chế phối hợp đạt được những kết quả nhất định. Công tác phối hợp trong hoạt động lập pháp, giám sát, dân nguyện và nhiều lĩnh vực khác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Việc phối hợp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại mỗi kỳ họp Quốc hội có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, đề cao trách nhiệm của mỗi bên, góp phần phản ánh đầy đủ, toàn diện tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Quốc hội, được đông đảo nhân dân đồng tình, tin tưởng. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã ký Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi) giữa hai cơ quan. Nội dung bản Quy chế này tập trung vào việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan trong việc tập hợp, phát huy sức manh đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, chất lượng giám sát và phản biện xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; những vấn đề liên quan đến thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội và những vấn đề quan trọng khác…
Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, VietNamNet, Đài THVN (15-3) đưa tin về Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Ðề án 106 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Báo cáo tại phiên họp nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công an, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (CAND) đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổng hợp ý kiến báo cáo Văn phòng T.Ư Ðảng, về việc đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND đã xin ý kiến các tổng cục, đơn vị trực thuộc bộ, lãnh đạo bộ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an. Hiện Bộ Chính trị đã thông qua Ðề án. Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, để tiếp tục triển khai đề án theo đúng tiến độ, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tham gia ý kiến trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; làm căn cứ hoàn chỉnh dự thảo sau đó trình Thường vụ Ðảng ủy Công an Trung ương trước khi trình Chính phủ. Tổng cục Chính trị Công an nhân dân cần chủ trì xây dựng kế hoạch của Ðảng ủy Công an Trung ương triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ. Tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch của Ðảng ủy Công an T.Ư, giới thiệu các nội dung cơ bản của Ðề án 106. Xây dựng tiêu chí bố trí cán bộ ở các cấp công an; nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp lãnh đạo, chỉ huy; xây dựng phương án bố trí cán bộ khi kiện toàn tổ chức bộ máy công an...
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh tra, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giao Thông, Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Đài THVN, TTXVN (16-3) đồng loạt đăng tải nội dung Kỳ họp thứ 23 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với: Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020 gồm: 1) Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đồng chí Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh. 2) Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính trị - Hậu cần (B41), Tổng cục V, Bộ Công an. 3) Xem xét kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái trong việc chấp hành Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. 4) Xem xét, giải quyết tố cáo 01 trường hợp; tham gia ý kiến về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 1 trường hợp thuộc thẩm quyền Ban Bí thư. 5) Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của Ban Bí thư theo Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Kỳ họp thứ 23 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương |
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Nhân Dân, Tiền Phong, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Hà Nội mới, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (14-3) cho biết, ngay sau khi báo Tiền Phong có một clip với nội dung hơn 7 phút ghi hình Cảnh sát giao thông Hà Nội lập chốt kiểm soát ở cầu Đuống (huyện Gia Lâm), đường Thái Hà giao với Hoàng Cầu mới (quận Đống Đa), ngã tư đường Nguyễn Phong Sắc giao với Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy). Trong clip có các hình ảnh thể hiện nghi vấn những Cảnh sát giao thông này “làm luật” người vi phạm giao thông bằng việc nhận từ 100.000 đến 200.000 nghìn đồng rồi cho đi mà không lập biên bản. Liên quan đến sự việc trên, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã đình chỉ công tác 20 lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trong clip báo Tiền Phong phản ánh để xác minh, làm rõ. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung có văn bản chỉ đạo giao Giám đốc Công an Thành phố làm rõ sự việc mà báo chí nêu; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Thanh tra, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Lao Động, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên (15-3) đồng loạt phản ánh nội dung bản kết luận của Thanh tra Chính phủ trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Theo kết luận thanh tra, quá trình thực hiện Dự án đầu tư, Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc: Đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án... So với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng. Đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công An tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật…
Báo Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Người lao động (15-3) theo nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, vừa có kết luận điều tra, đề nghị truy tố Thi Danh, nguyên Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh và Nguyễn Duy Linh, nguyên Kế toán trưởng về tội “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra, trong quá trình Ban ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú thực hiện 6 dự án trên địa bàn quận, bị can Danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã chỉ đạo bị can Linh lập, ký thủ tục kế toán sai quy định 54,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Số tiền này được chi cho 16 cá nhân, công ty, doanh nghiệp không thuộc danh sách bồi thường, hỗ trợ. Trong danh sách những người nhận tiền có con dâu của Danh nhận 21,4 tỷ đồng, con rể Danh nhận 2,1 tỷ đồng.
Báo Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Người lao động (15-3) cho biết, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Đi, nguyên Thủ quỹ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong thời gian Nguyễn Thị Đi làm thủ quỹ đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tiền mặt của nhiều vụ án dân sự phải thi hành án kéo dài trong các năm, gây thất thoát số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Hiện, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Bảo vệ pháp luật (15-3) thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, vừa có cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Dinh, nguyên Chủ tịch UBND xã và Vũ Văn Châm, nguyên Kế toán trưởng xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, Trần Đình Dinh đã chỉ đạo Vũ Văn Châm và Bùi Thị Thắm, thủ quỹ UBND xã thực hiện thu hơn 295 triệu đồng để ngoài ngân sách và sử dụng số tiền này chi trái quy định gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Riêng bà Thắm đã chết vào tháng 1-2017 nên Cơ quan điều tra không khởi tố.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, TTXVN (16-3) dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông xác nhận, đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam để điều tra hành vi “Nhận hối lộ” đối với ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức. Ông Nguyễn Văn Minh được xác định là đã nhận 200 triệu đồng hối lộ của Lê Xuân Dũng (trú tại xã Đắk R’tih, huyện Tuy Đức) để đối tượng này khai thác trái phép rừng thông do cộng đồng bon Bu Koh, xã Đắk R’Tih quản lý. Theo kiểm đếm chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, gần 400 cây thông đã bị cưa hạ, ngoài số lượng gỗ đã được vận chuyển đi tiêu thụ, tại hiện trường còn lại khoảng 130m3 gỗ. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Xuân Dũng để điều tra về hành vi “Đưa hối lộ”.
TIN QUỐC TẾ
Báo Công an nhân dân (14-3) dẫn nguồn tin từ Hãng KBS cho biết, cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã trình diện tại Việt kiểm sát trung tâm Seoul để trả lời thẩm vấn liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào ông. Ông Lee bị cáo buộc đã nhận khoảng 11 tỷ won (10,3 triệu USD) tiền hối lộ từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS), tập đoàn Samsung và nhiều công ty khác. Cựu Tổng thống Lee Myuung-bak được cho là sẽ phủ nhận các cáo buộc trên. Cơ quan công tố Hàn Quốc đang mở rộng điều tra hàng loạt cáo buộc tham nhũng đối với ông Lee Myung-bak trong giai đoạn cầm quyền.
Báo Thanh tra (16-3) đưa tin, Tòa án Ý vừa mở phiên xét xử 2 "ông lớn" trong ngành dầu khí gồm Shell (Hà Lan - Anh) và Eni (Ý) do hối lộ chính quyền Nigeria 1,3 tỷ USD vào năm 2011 để đổi quyền khai thác mỏ dầu OPL-245. Hiện cả Shell và Eni đều lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc trên. Shell cho biết không có bất kỳ thỏa thuận nào mang tính "lợi cả đôi bên" với giới chức Nigeria. Bên cạnh đó, Eni cũng khẳng định các bản hợp đồng hãng ký kết hoàn toàn hợp pháp và xác nhận việc xin giấy phép hoạt động cho OPL-245 diễn ra theo đúng luật. Dù vậy, Giám đốc điều hành Claudio Descalzi của Công ty Eni và Malcolm Brinded của Công ty Shell phải hầu tòa và có thể đối mặt với án tù giam. Các công tố viên dự kiến mất ít nhất một năm tiếp tục thẩm vấn bị cáo và thu thập bằng chứng liên quan, trong khi đó, Cơ quan Giám sát tài chính Nigeria và Ủy ban Tội phạm Kinh tế tài chính (EFCC) đang tích cực điều tra vụ án.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, kỷ luật nhiều lãnh đạo tỉnh.
- Thanh tra Chính phủ kiến nghị khởi tố vụ Mobifone mua AVG.
- Đề nghị truy tố nguyên Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh về tội “Tham ô tài sản”.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;