Điểm báo tuần số 256 từ ngày 26-3 đến ngày 31-3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 03/04/2018, 13:46 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra, Công lý, Đài TNVN (27-3) cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Bộ Tư pháp. Từ đầu năm 2017 tới 15-3-2018, Bộ Tư pháp được giao 434 nhiệm vụ; đã hoàn thành 378 nhiệm vụ đúng hạn, hoàn thành 7 nhiệm vụ quá hạn, 56 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện trong hạn. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2018, Bộ đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao, không có nhiệm vụ chậm trễ; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng và đạt kết quả tích cực. Trong 3 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định với 18 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 47 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 5 điều ước quốc tế. Cũng trong quý I, Bộ đã phát hiện và kết luận kiểm tra với 20 văn bản trái luật về nội dung. Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chuyển lời của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp hết sức quan tâm một số nhiệm vụ như: Công tác đào tạo cán bộ kế cận; công tác thi hành án dân sự, nhiệm vụ được giao trong các vụ kiện, tranh chấp quốc tế, xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước; kiểm soát tốt hơn chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia củng cố hệ thống tư pháp địa phương; công tác giáo dục pháp luật; công tác quản lý Nhà nước về luật sư. Đồng thời, Tổ công tác đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, cương quyết bỏ, cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết, không phù hợp, chung chung, không cụ thể hóa… gây khó khăn cho doanh nghiệp.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Đài TNVN (27-3) dẫn thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, đã ban hành các quyết định thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ để xảy ra nhiều sai phạm. Theo đó, kỷ luật cảnh cáo đối với ông Mai Vinh Quang, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; bà Trần Thị Quy Lý, nguyên Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; kỷ luật khiển trách đối với bà Trần Thị Hảo, Thị ủy viên, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Gia Nghĩa, nguyên Kế toán trưởng Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông. Đây là những cá nhân đã để xảy ra nhiều khuyến điểm, sai phạm trong quản lý, đầu tư xây dựng Kho Lưu trữ tài liệu của tỉnh.
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Khánh Hòa (29-3) phản ánh nội dung buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Theo báo cáo tại buổi làm việc, năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chủ động nắm tình hình và chỉ đạo xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh kịp thời nên không có tình trạng đơn thư phức tạp, vượt cấp; một số vụ việc người dân tập trung đông người được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm, kịp thời. Các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã tiếp 3.084 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị với 4.294 công dân được tiếp và 2.932 vụ việc. Toàn tỉnh tiếp nhận 8.173 đơn; qua phân loại có 2.279 đơn không đủ điều kiện xử lý. Các cơ quan hành chính đã xem xét giải quyết được 281/299 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt 94%. Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai tương đối tốt các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác giải quyết, trả lời ý  kiến, kiến nghị của cử tri được chính quyền quan tâm. Tuy nhiên, qua thực tế và nghe báo cáo, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân còn thiếu ổn định, còn hạn chế về năng lực và chưa nắm vững chính sách, chế độ, do đó, việc tiếp, giải thích và làm công tác dân vận chính quyền chưa tốt; công tác phối hợp ở nhiều địa phương còn hạn chế, còn hiện tượng coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm riêng của ngành thanh tra hoặc của cán bộ tiếp dân nên chưa tham gia tích cực trong công tác phối hợp; cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật....
 
    Báo Nhân Dân (29-3)  đưa tin đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì Hội nghị tham gia lấy ý kiến vào Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Cùng dự, có các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, bí thư, phó bí thư các tỉnh ủy, thành ủy khu vực Tây Nam Bộ. Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, yêu cầu thực tiễn của tình hình mới, nhiệm vụ mới đòi hỏi công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược là hết sức quan trọng. Do đó, phải có giải pháp, quan điểm, chủ trương mới để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Ðồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào ba vấn đề trọng tâm của Đề án (sự cần thiết của Đề án trong tình hình mới; đánh giá đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, người đứng đầu cấp ủy các cấp; mục tiêu, quan điểm, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045); góp ý vào tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng tình hình mới.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Tuổi  Trẻ, Sài Gòn giải phóng, Nhà báo và Công luận, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (29-3) đồng loạt đưa tin về Hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2017, triển khai công tác phối hợp năm 2018. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao kết quả phối hợp giữa hai bên trong năm vừa qua, nhất trí với trọng tâm phối hợp công tác năm 2018, đồng thời chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ cần thực hiện. Theo đó, cần đẩy mạnh phối hợp xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, hoạt động đối ngoại nhân dân. Cùng với đó, cần có biện pháp cụ thể để nhân dân bày tỏ ý kiến và thực hiện quyền làm chủ của mình, tiếp tục tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thiết thực; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch nước yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước chủ động tham mưu với Chủ tịch nước về công tác Mặt trận khi Chủ tịch nước đi công tác địa phương, cơ sở, cũng như khi đi công tác nước ngoài nhằm tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy hơn nữa công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển giữa các đoàn thể chính trị - xã hội với bạn bè quốc tế bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước…  
 
    Báo Đại biểu nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (30-3) cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 7 thẩm tra Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật và ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các đại biểu đã thảo luận, đa số nhất trí phải xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhấn mạnh địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ trên biển. Một số ý kiến đề nghị cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng khác trên biển nhằm bảo đảm tính thống nhất, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh, trật tự trên các vùng biển Việt Nam, phù hợp luật pháp quốc tế. Cùng ngày, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức tọa đàm về Luật Quốc phòng (sửa đổi). Các đại biểu đã góp ý trực tiếp, cụ thể vào một số nội dung trong dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) như: Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, những quy định về phòng thủ quân khu, thiết quân luật và giới nghiêm; nguyên tắc hoạt động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân…
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Giao thông, Đại đoàn kết, Sài Gòn giải phóng (31-3) đưa tin về Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I-2018. Phát biểu ý kiến chỉ đạo, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông đánh giá, mặc dù các cấp, ngành đã vào cuộc hết sức quyết liệt, nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông trong quý I-2018 còn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản, khiến dư luận nhân dân hết sức lo ngại. Tình trạng “xe dù, bến cóc” có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh không bình đẳng với dịch vụ xe chở khách tuyến cố định; ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp, có tình trạng tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ như phản ánh của nhân dân và báo chí. Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cấp, ngành chức năng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn đánh giá tình hình, vấn đề còn tồn tại, bất cập để đưa ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, thiết thực, cả trước mắt và lâu dài nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian tới, từng bước kiềm chế không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là đối với xe ô-tô khách.
 
Hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ
Hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí (26-3) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với bà Huỳnh Thị Nhã Nhàn, nguyên Thủ quỹ Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, về tội Tham ô tài sản. Qua kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2012 đến 2016, bà Nhàn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thông đồng cùng ông Trương Công Lộc, nguyên Kế toán Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên hợp thức sổ sách chi hết các khoản rút tạm ứng, lập chứng từ thanh toán một số khoản chi bằng nguồn ngân sách do trung ương cấp nhưng vẫn lập chứng từ thanh toán với bảo hiểm xã hội và báo cáo quyết toán sử dụng nguồn kinh phí do UBND tỉnh cấp để chiếm đoạt hơn 1,37 tỷ đồng. Trước đó, Cơ quan Cơ quan điều tra - Công an tỉnh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trương Công Lộc về tội Tham ô tài sản.
 
    Báo Công lý, Kinh tế Nông thôn (27-3) có bài viết liên quan đến Dự án xây dựng cầu Tuần Quán, Yên Bái. Theo nội dung bài báo, Công trình cầu Tuần Quán do Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 12 thuộc dự án này có tổng giá trị khoảng 323 tỷ đồng được giao cho doanh nghiệp thắng thầu là Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á (Công ty Đông Á). Ngay sau khi ký hợp đồng với đại diện chủ đầu tư, Công ty Đông Á đã ký Hợp đồng giao khoán với Công ty CP Xây dựng Thương mại Bắc Dương. Như vậy, chỉ với việc nhận nhà thầu phụ, Công ty Đông Á đã “bỏ túi” 38% tổng giá trị hợp đồng xây dựng cầu Tuần Quán (tương đương với hơn 60 tỷ đồng)… Để làm rõ những khuất tất nói trên, UBND tỉnh Yên Bái vừa đề nghị Thanh tra tỉnh, Công an kinh tế và Kiểm toán Nhà nước vào cuộc điều tra làm rõ nghi vấn bán thầu ăn chênh lệch hơn 60 tỷ đồng tại gói thầu 12 dự án xây dựng cầu Tuần Quán.
 
    Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, TTXVN (27-3) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bốn nhân viên Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm và Trần Nguyễn Xuân Lan (sinh năm 1981) về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Bốn nhân viên này bị khởi tố là do có liên quan đến việc giúp sức cho ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, có hành vi gian dối, chiếm đoạt số tiền 245 tỷ đồng mà một khách hàng gửi tại Eximbank. Hiện ông Hưng đang bỏ trốn và Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an truy nã quốc tế.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, VietNamNet, Đài THVN, TTXVN (29-3) đưa tin, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại tỉnh Phú Thọ. Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những kết quả mà tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh PCTN. Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác PCTN; công tác đấu tranh PCTN, lãng phí được chú trọng trên cả ba lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất cao; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Ðảng tiếp tục được tăng cường, góp phần ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Phú Thọ nghiêm túc tiếp thu kết luận của đoàn kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, kịp thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, xét xử các vụ án kinh tế nghiêm trọng và công tác PCTN trên địa bàn.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Đời sống pháp luật, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN (29-3) cho biết, sau 10 ngày xét xử, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra phán quyết với bị cáo Đinh La Thăng và 6 đồng phạm trong vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT PVN 18 năm tù về tội Cố ý làm trái và buộc bồi thường 600 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại phải lĩnh án từ 15 tháng cải tạo không giam giữ tới 23 năm tù giam và buộc phải bồi thường số tiền đã gây thất thoát cho PVN.
 
    Báo Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Dân trí (30-3) dẫn nguồn tin Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, vừa ban hành cáo trạng truy tố nhóm 3 bị can, nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tây Đô (Vietcombank Tây Đô) gồm: Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc; Trần Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Tín dụng và Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên cán bộ về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Theo cáo trạng, các bị can đã lập hồ sơ, cho vay vốn vi phạm Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước… dẫn đến gây thiệt hại cho Vietcombank Tây Đô tổng số tiền 1.440 tỷ đồng do không có khả năng thu hồi. Ngoài các bị cáo Chuyển, Huy và Nghĩa, còn có 20 cán bộ tại Vietcombank Tây Đô có liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trong vụ án trên.  
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (29-3) cho biết, 2.800 vụ tham nhũng là con số mà Chính phủ Afghanistan công bố về số lượng các cuộc điều tra, xử lý kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng chính thức được nước này thực hiện trong năm 2017. Tổ chức Giám sát Liêm chính Afghanistan (IWA) còn khẳng định người dân nước này không nhận được bất kỳ lợi ích gì từ chiến dịch trên, và dù chống tham nhũng là mục tiêu dài hạn song Chính phủ lại đang thực hiện một cách thiếu nghiêm túc. Ngoài ra, Chính phủ Afghanistan còn bị cáo buộc nhận hối lộ hàng triệu USD từ các đối tượng tình nghi tham nhũng.
 
    Báo An ninh Thủ đô (30-3) đưa tin, ông Trương Trung Sinh, cựu Thị trưởng thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã bị kết án tử hình vì tội nhận hối lộ. Bản án nêu rõ, ông Trương Trung Sinh đã nhận hối lộ hơn 1,04 tỷ Nhân dân tệ trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2013. Đổi lại, ông dùng quyền hành của mình để ưu đãi cho một số doanh nghiệp trong thành phố, phê chuẩn việc cấp phép cho nhiều dự án khai mỏ. Tòa án Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây đã kết án tử hình đối với Trương Trung Sinh và tịch thu toàn bộ tài sản.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ.
 
    - Thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Phú Thọ.
 
    - Truy tố nguyên Giám đốc Vietcombank Tây Đô trong vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
 
    - Bị cáo Đinh La Thăng lĩnh án 18 năm tù trong vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam mất 800 tỷ đồng góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).   
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG  
;
.