Điểm báo tuần số 259 từ ngày 16-4 đến ngày 21-4 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 23/04/2018, 16:53 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công lý, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (17-4) đăng tải nội dung Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ của hệ thống tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức. Thực hiện Nghị quyết số 81 ngày 24-11-2014 của Quốc hội khóa 13 về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Chương trình của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về triển khai thực hiện các quy định mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04 đề ra và tổ chức thực hiện 15 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 11 nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ. Đồng thời chuẩn bị các phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cho các Tòa án nhân dân, nhất là đối với Tòa án nhân dân cấp cao; bổ sung số lượng, cơ cấu Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp cho Tòa án Nhân dân các cấp; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện việc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Vì vậy, các đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ các tài liệu, thực tế tại đơn vị và kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo trong quá trình công tác để tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện và đề xuất có chất lượng để hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ của hệ thống tòa án. Qua đó, làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của nền công vụ tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại, bảo đảm các TAND sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của thời kỳ hội nhập, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Nông nghiệp, Giao thông, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-4) đồng loạt phản ánh các nội dung liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ, ngày 17-4-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tiến hành biện pháp tố tụng đối với 7 cá nhân; ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an đã nghỉ hưu và Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011) và ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khởi nơi cư trú đối với Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2011-2014) về cùng các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”. Ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng; Trần Văn Toán, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng về hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” và Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng về cùng hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Trước đó cùng ngày, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Hữu Tuấn; Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Hữu Bách. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Tuổi Trẻ, Hà Nội mới, Đài THVN, TTXVN (18-4) đưa tin về Hội nghị giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nhằm đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp công tác năm 2017, bàn nhiệm vụ công tác năm 2018. Năm 2017, hai bên đã thực hiện hiệu quả các mặt công tác theo Quy chế đã ký kết, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo và tổ chức Ngày hội đại đoàn kết dân tộc. Công tác phối hợp vận động: xây dựng nông thôn mới, chung tay giúp đỡ người nghèo và giảm nghèo bền vững; công tác vận động cứu trợ giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; các hoạt động giám sát và phản biện xã hội được triển khai theo quy trình chặt chẽ, chất lượng và hiệu quả hơn; công tác phối hợp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến mới, thiết thực hơn... Năm 2018, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội; phối hợp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; phối hợp phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp xây dựng chính sách pháp luật. Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2018 có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng. Do đó, hai bên phải phối hợp để củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện cho MTTQ tổ chức thành công đại hội MTTQ các cấp là hết sức quan trọng; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế; làm tốt các chương trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ; đóng góp, xây dựng chính sách pháp luật nhằm kiến tạo, phát triển, đưa chính sách đi vào cuộc sống. Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các cấp thường xuyên phối hợp tốt, chặt chẽ với MTTQ trong công tác, tạo điều kiện cho MTTQ hoạt động hiệu quả.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài THVN, TTXVN (19-4) phản ánh nội dung buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác. Về thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao, Thủ tướng cho biết, Tòa án đã tham gia cùng Chính phủ xử lý, giải quyết khiếu nại đông người kéo dài; tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác phối hợp giữa Tòa án và Chính phủ được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong thi hành án dân sự, xây dựng pháp luật, hướng dẫn pháp luật, công tác tương trợ tư pháp, công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật của tòa án có nhiều đổi mới. Chính phủ luôn tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp trong thực hiện Nghị quyết 49 có kết quả, nhất là về cải cách tư pháp, trong đó có xây dựng cơ sở vật chất ngành tòa án. Thủ tướng cho rằng, ngành tòa án cần làm tốt công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo nâng ngạch thẩm phán, các chức năng tư pháp; nâng cấp trang thiết bị làm việc của tòa án các cấp theo yêu cầu cải cách tư pháp phù hợp điều kiện phát triển đất nước; tăng cường ứng dụng công nghệ để cải cách tư pháp một cửa, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý. Về công tác phối hợp giữa Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai thường xuyên, liên tục. Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan áp dụng các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Công tác phối hợp đã mang lại những hiệu quả nhất định cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chức năng xét xử của hệ thống Viện kiểm sát các cấp... Thủ tướng lưu ý một trong các yêu cầu của cải cách tư pháp, đó là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính, tạo điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phối hợp công tác với các bộ, ngành, bảo đảm điều kiện nhằm thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát theo quy định của pháp luật.
Báo Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Sơn La, Bình Định, Điện Biên, Đắk Nông, Nghệ An, Quảng Trị, Lào Cai, Cà Mau (18-4) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương Tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biển các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự năm 2015. Tham dự tại 62 điểm cầu trực tuyến trên cả nước có hơn 3.000 đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy phụ trách công tác nội chính; cán bộ, chuyên viên ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; cán bộ nội chính cấp huyện. Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2018. Với những nội dung đã được sửa đổi lần này, có thể nói đây là một bước thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự; áp dụng nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, các tổ chức; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trong tình hình mới. Việc nắm vững nội dung cũng như những điểm mới của 2 Bộ luật sẽ giúp Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các địa phương thực hiện có hiệu quả hơn trong công tác tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện và chấp hành pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của các cơ quan, tổ chức liên quan…
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến phổ biển các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự năm 2015 |
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Tuổi Trẻ (16-4) có bài viết “Nhờ dân đứng tên để nhận tiền bồi thường”. Nội dung bài báo đề cập tới quá trình giải phóng mặt bằng khu tái định cư số 1, thôn 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk (thuộc dự án hồ Krông Pắk Thượng), có 12 hộ dân làm đơn tố cáo hành vi trục lợi từ nguồn tiền bồi thường dự án này. Đã có một hộ dân thừa nhận mình đứng tên giúp một cán bộ địa chính của xã để nhận gần 1,2 tỷ đồng tiền bồi thường và hưởng 36 triệu đồng tiền công từ người này. Theo Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar, có 5 hộ dân đã nhận số tiền khoảng 6 tỷ đồng không đúng quy định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang thụ lý điều tra các sai phạm xảy ra tại dự án hồ Krông Pắk Thượng.
Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Công lý, An ninh Thủ đô, Vnexpress, Đài TNVN (17-4) đưa tin, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án với nhóm bị cáo là cựu cán bộ thuộc Tổng cục Thủy sản về tội “Giả mạo trong công tác”. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên án với Bùi Đức Quý, cựu Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định, thuộc Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 6 năm tù giam. 6 bị cáo còn lại lĩnh án từ 3 đến 4 năm tù giam. Theo cáo trạng, Bùi Đức Quý cùng các nhân viên dưới quyền đã làm giả và phát hành 6 văn bản giả mạo của Tổng cục Thủy sản nhằm đưa thêm 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản vào danh sách được phép lưu hành cho hơn 100 doanh nghiệp. Tổng số tiền mà các bị cáo thu của các doanh nghiệp là trên 5 tỷ đồng.
Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Đắk Nông, Bảo vệ pháp luật, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TNVN (17-4) dẫn theo nguồn tin từ Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, vừa tạm giữ khẩn cấp Đinh Gia Tuấn, Trạm phó Quản lý bảo vệ rừng số 2, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn vì hành vi nhận hối lộ. Theo kết quả điều tra ban đầu, Đinh Gia Tuấn đã nhận tiền hối lộ của các đối tượng trong vụ tiếp tay phá gần 15 héc ta rừng tại tiểu khu 1680 thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn. Cơ quan chức năng nhận được thông tin có người đứng sau nhận tiền hối lộ, bảo kê lên đến 150 triệu đồng/héc ta rồi để cho phá rừng, chiếm đất. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, làm rõ.
Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Vnexpress, Đài TNVN (19-4) cho biết, Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Trần thị Thanh Hòa, nguyên Kế toán trưởng Chi cục Thi hành ánh dân sự thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2016 đến tháng 4-2018, Hòa đã lợi dụng chức vụ được giao để lập khống chứng từ, nhiều lần chuyển tiền từ tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Việt Trì đến tài khoản của bạn bè, người thân với số tiền 5 tỷ đồng, sau đó rút số tiền trên chiếm đoạt sử dụng cá nhân.
Báo Tiền Phong (19-4) có bài viết “Xử lý sai phạm dự án ngăn mặn 80 tỷ đồng ở Nghệ An”. Theo nội dung bài báo thì UBND tỉnh Nghệ An vừa có kết luận thanh tra toàn diện dự án thủy lợi ngăn mặn, chống hạn dùng tiền ngân sách với dự toán đầu tư tới 80 tỷ đồng ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc. Cả 3 gói thầu của dự án đều bị làm giả hồ sơ năng lực để trúng thầu. Trong đó, Công ty Cổ phần xây dựng Khang Hiền (khảo sát thiết kế) đã “làm đẹp” hồ sơ năng lực để trúng thầu. Gói thầu tư vấn giám sát được chỉ định cho Công ty Cổ phần TCT Tư vấn và Công thương Nghệ An và Công ty Tư vấn xây dựng HDT cũng bị phát hiện những sai lệch hồ sơ. Gói thầu xây lắp công trình, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Anh trúng thầu cũng bị phát hiện nhiều sai phạm… Tổng giá trị sai phạm trong việc lập biện pháp thi công không phù hợp thực tế và lập dự toán sai quy định về chi phí thiết kế, lập dự toán của dự án này hơn 9 tỷ đồng.
Báo Đắk Nông, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Tài nguyên và Môi trường, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài THVN, TTXVN (19-4) cho biết, Công an huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã khởi tố, bắt tạm giam Đặng Văn Thanh, cán bộ Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Krông Nô để điều tra, làm rõ về hành vi nhận hối. Lợi dụng công trình chống sạt lở Hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah thuộc xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô trong giai đoạn thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, ông Thanh đã vẽ ra các thủ tục, gợi ý người dân chi tiền nếu muốn nhận đền bù. Khi nhận 50 triệu đồng từ người dân, ông Thanh đã bị Công an huyện Krông Nô thực hiện lệnh bắt tại trụ sở.
Báo Nhân Dân (20-4) dẫn nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Kiên Giang, Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đã thống nhất đưa ba vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi chỉ đạo trong năm 2018, gồm: 1) Vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu quốc gia Giang Thành có đến 33 bị cáo nguyên là cán bộ, công chức, nhân viên của Hải quan Kiên Giang. 2) Vụ việc xảy ra tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyên Gò Quao, với số tiền sai phạm mà Thanh tra huyện công bố là hơn 8,1 tỷ đồng. 3) Sai phạm tại Dự án đầu tư Trung tâm hành chính huyện U Minh Thượng.
Báo Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí (20-4) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan Cảnh sát điều tra cùng cấp đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản đối với bị can Vũ Thị Kim Hoa, nguyên Kế toán và Trịnh Thị Hoa, nguyên Thủ quỹ Trường Chính trị tỉnh Phú Yên. Hai nguyên Phó Hiệu trưởng Lê Văn Sự và Nguyễn Thị Tuyết Nga bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo kết luận điều tra, từ tháng 12-2009 đến tháng 6-2015, Vũ Thị Kim Hoa câu kết với Trịnh Thị Hoa lập khống 116 bộ chứng từ thanh toán tiền ăn do Nhà nước chi hỗ trợ cho học viên 19 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính để chiếm đoạt gần 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Trịnh Thị Hoa còn rút ruột công quỹ của Trường hơn 578 triệu đồng.
Báo Sài Gòn giải phóng, Người lao động, Nông nghiệp (20-4) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hồ Minh Khiêm, nguyên Trưởng phòng Thanh tra Thuế tỉnh Bình Định về tội “Nhận hối lộ”. Theo kết quả điều tra, trong quá trình thanh tra thuế tại Công ty Cổ phần xây dựng An Nghĩa, Đoàn thanh tra do ông Khiêm làm trưởng đoàn phát hiện công ty này có một số sai phạm cần phải xử phạt hành chính. Ông Khiêm đã gặp gỡ và liên tục giục lãnh đạo Công ty Cổ phần xây dựng An Nghĩa đưa tiền để bỏ qua lỗi vi phạm. Lãnh đạo Công ty đã làm đơn tố cáo với cơ quan điều tra. Ngày 1-10-2017, tại một quán cà phê gần trụ sở Cục thuế Bình Định, ông Hồ Minh Khiêm bị lực lượng công an ập vào bắt quả tang khi đang nhận 2 cọc tiền tổng cộng 130 triệu đồng của Công ty Cổ phần xây dựng An Nghĩa.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Xây dựng, Đài THVN, TTXVN (20-4) cho biết, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chủ trì cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 tại Ban Cán sự đảng của các Bộ: Công Thương và Tài nguyên - Môi trường. Với Bộ Công Thương, việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra chưa cao, kết luận thanh tra chưa chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo quy định. Còn với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng như: Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc. Công tác định giá đất chưa đáp ứng được yêu cầu quy định giá sát thị trường. Tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương; việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra, thanh tra còn yếu, chất lượng một số cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cao; việc theo dõi, giám sát, xử lý sau thanh tra đối với một số vụ việc chưa chặt chẽ. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Ban Cán sự đảng hai Bộ tích cực phối hợp, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; xây dựng kế hoạch khắc phục, thực hiện các giải pháp được nêu ra.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (20-4) đưa tin, Lô Ân Quang, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư pháp Trung Quốc đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án thành phố An Dương về tội “Đưa hối lộ”. Cáo trạng của viện kiểm sát cáo buộc, từ 1992 - 2016, Lô Ân Quang đã đưa hối lộ để được vào Đảng, được tặng thưởng rồi đề bạt, điều chỉnh chức vụ, tổng cộng số tiền 12,78 triệu NDT; Quang còn đưa hối lộ trên 7,96 triệu NDT để các đơn vị, xí nghiệp mà ông ta kiểm soát trên thực tế được vay tiền trái quy định, mua tài sản với giá thấp, trốn tránh trả nợ. Quang dùng tiền để “mở đường”, từ một ông chủ tư nhân leo lên đến chức vụ tương đương Thứ trưởng tại Bộ Tư pháp. Quang vừa làm quan vừa kinh doanh, khống chế nhiều công ty, xí nghiệp, dùng các thủ đoạn không chính đáng để kiếm lợi.
Báo An ninh Thủ đô (21-4) cho biết, Tòa án quận Leninsky, thành phố Perm, của Nga mới đây đã ra phán quyết đối với Alexander Sokolov, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án vùng Perm về tội nhận hối lộ. Ông này bị tước quân hàm Trung tướng. Theo cơ quan điều tra, ông Sokolov đã nhận của doanh nhân Belyaev 2 đồng xu bạc có trọng lượng 1kg và 3kg, trị giá 81.000 và 180.000 Rúp. Đổi lại, Belyaev đã trở thành những nhà cung cấp nguyên liệu sữa cho xưởng chế biến ở một trong các trại giam tại địa phương. Ngoài ra, các công ty của ông Belyaev còn cung cấp máy nông nghiệp, cây rau giống… cho các trại giam ở vùng Perm. Ông Sokolov bị khởi tố theo khoản 5, Điều 290 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về “Tội nhận hối lộ với số lượng lớn”.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác phối hợp.
- Ban Nội chính Trung ương Tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biển các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự năm 2015.
- Thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 tại Ban Cán sự Đảng của các Bộ: Công Thương và Tài nguyên - Môi trường.
- Khởi tố hai cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng liên quan tới vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", "Trốn thuế", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của Phan Văn Anh Vũ.
- Xét xử sơ thẩm nguyên Trưởng phòng Thanh tra Thuế tỉnh Bình Định về tội “Nhận hối lộ”.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;