Điểm báo tuần số 263 từ ngày 14-5 đến ngày 19-5 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 21/05/2018, 17:06 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Nhà báo và Công luận, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, Tiền Phong, Biên Phòng, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN (14-5) đồng loạt đăng tải các nội dung Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017; đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021; cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật quy hoạch; dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi); xem xét, quyết định thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV, kể từ ngày 14-5-2018. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Nam.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Viện Nam, Xây dựng, Giáo dục, Người đưa tin, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, TTXVN (16-5) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, UBND TP. Hồ Chí Minh bàn việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1996 và đã được điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ nhất quán với chủ trương đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định theo đề nghị của TP. Hồ Chí Minh là mong muốn xây dựng một khu đô thị hiện đại, một công trình trọng điểm về kinh tế, xã hội của Thành phố. Dự án này có diện tích đất thu hồi rất lớn liên quan hàng nghìn hộ dân. Với nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh và sự ủng hộ tích cực của người dân, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã đạt 99%. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan có các sai sót về quản lý đất đai, quy hoạch, lưu trữ hồ sơ, giải quyết khiếu nại… dẫn đến người dân khiếu kiện bức xúc kéo dài. Trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành liên quan, trước hết là chính quyền các cấp của Thành phố. Thủ tướng nêu rõ, quan điểm giải quyết phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu có thiếu sót thì phải khắc phục; phải xác định rõ thời gian, lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Trường hợp người dân khiếu nại gặp khó khăn, cần xem xét vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, giải quyết các khiếu kiện của người dân; thực hiện ngay các chính sách phù hợp đối với người dân, nhất là những người đã bàn giao đất mà chưa nhận nhà tái định cư hoặc bị cưỡng chế mà chưa có chỗ ở thì phải có ngay các giải pháp cần thiết để lo cho người dân, không để người dân quá khó khăn trong cuộc sống.
Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Lao Động, Tiền Phong, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Công lý, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17-5) đưa tin về Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII. Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị trong hai năm qua nêu rõ: Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang đạt được những kết quả quan trọng; bước đầu ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc thực hiện Chỉ thị số 05 từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong Đảng, trong hệ thống chính trị và nhân dân. Nhiều mô hình hay, cách làm mới, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều trên các lĩnh vực và trong các tầng lớp nhân dân. Nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đưa vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của các cấp chính quyền, đoàn thể; tạo chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao niềm tin của nhân dân với chính quyền, với Đảng. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận những kết quả các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã làm được trong việc thực hiện Chỉ thị số 05; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên khắp mọi miền đất nước; đồng thời nêu rõ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Các cấp ủy cần tăng cường hơn nữa trong chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản, tuyên truyền, tích cực đổi mới nội dung, hình thức thông tin, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời giới thiệu những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có nhiều thành tích trong học tập và làm theo Bác, tạo sự lan tỏa trong xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, làm lướt hoặc thiếu quan tâm, triển khai một cách hình thức Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị...
Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Biên Phòng, Đài THVN, Đài TNVN (17-5) cho biết, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ giai đoạn 2015-2018 và phương hướng phối hợp giai đoạn 2018-2020. Qua hơn hai năm thực hiện Quy chế phối hợp, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã tham mưu với Đảng, Nhà nước chủ trương, giải pháp về quốc phòng - an ninh, xử lý đúng đắn, hiệu quả các vấn đề, vụ việc nảy sinh trong nội địa, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; thực hiện tốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân), thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc… Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam yêu cầu, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị quân đội thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt phối hợp xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ; tiếp tục phối hợp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, bảo vệ Tổ quốc; phối hợp tham mưu tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi Trẻ, Dân trí, Vnexpress (18-5) đưa tin về Hội nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Bộ Tư pháp tổ chức. Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã đánh giá 2 năm thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, công tác thẩm định và lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Bộ Tư pháp, của các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Tuy nhiên, chất lượng một số báo cáo thẩm định còn hạn chế đo chưa đi sâu về thẩm định về tính hợp lý, tính khả thi và nguồn lực thực hiện văn bản sau khi được ban hành; nhiều ý kiến thẩm định mang tính chất góp ý, chưa bám sát nội dung thẩm định đã được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, nhiều dự án luật chất lượng còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phản ánh được hết các chính sách Chính phủ thông qua, chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra cũng như chưa xử lý được các hạn chế, bất cập của lĩnh vực cần điều chỉnh. Thậm chí, có trường hợp còn thiếu sự thống nhất giữa tờ trình và dự thảo. Từ thực tiễn này, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất như các bộ, ngành liên quan thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết trả lại hồ sơ không đủ thành phần, không bảo đảm chất lượng; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, ưu tiên nguồn lực nâng cao chất lượng thẩm định; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan cũng như Văn phòng Chính phủ…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-5) phản ánh nội dung Hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình hình khiếu kiện, tố cáo, nhất là khiếu kiện tố cáo đông người còn nghiêm trọng. Một số cấp, nhất là cấp địa phương còn lơ là, không thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với người dân, đặc biệt là không nắm vững tình hình, bị động, còn chủ quan. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hời hợt trong thực thi công vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, đưa ra các yêu cầu vượt quá quy định của pháp luật. Các đối tượng phản động lợi dụng tình hình để kích động người dân. Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương đối chiếu với tình hình nội bộ của địa bàn mình, tự xác định các nguyên nhân từng vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, từ đó có giải pháp phù hợp, khả thi. Thủ tướng nêu rõ. Nếu cán bộ không làm sai, làm việc công tâm, khách quan, lắng nghe ý kiến của người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân thì chắc chắn ít xảy ra hoặc không xảy ra khiếu kiện phức tạp. Thủ tướng đề nghị từ Trung ương đến địa phương, các ngành liên quan như Thanh tra Chính phủ, Tài nguyên và Môi trường, Công an..., đặc biệt là các địa phương cần vào cuộc để có thể thay đổi căn bản tình hình, không để vì vấn đề khiếu nại, tố cáo gây mất ổn định tình hình đất nước. Chính sách đối thoại đặt ra liên tục từ cơ sở đến các cấp ở địa phương. Cấp ủy, chính quyền vào cuộc, không khoán trắng việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại cho thanh tra, phòng tiếp dân. Địa phương nào nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chứng tỏ cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm; tất cả các cấp, các ngành cần phải coi trọng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng…
Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-5) cho biết, Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc và triển khai Quyết định kiểm tra của Ban Bí thư đối với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nêu rõ mục đích và những nội dung cần tập trung kiểm tra. Trọng tâm là việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), gắn với thực hiện Kết luận số 64 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” tại Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng chí đề nghị, Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông cần tự kiểm tra, đánh giá quá trình xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương từ năm 2013 đến nay, nhất là từ khi ban hành hai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); kết quả bước đầu triển khai tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, kiến nghị những vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết và kết luận của Trung ương. Theo kế hoạch, Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và 10 đơn vị trực thuộc.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị triển khai Quyết định kiểm tra của Ban Bí thư đối với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông |
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Đài TNVN (14-5) cho biết, đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng đoàn Kiểm tra đã chủ trì cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tại Ban Cán sự đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT-DL). Theo đoàn kiểm tra, lãnh đạo Bộ VHTT-DL đã quan tâm và thực hiện nghiêm túc công tác cải cách hành chính, chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ. Từ năm 2016 đến 9-2017, đã tiến hành 19 cuộc thanh tra công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cũng như thu chi tài chính, thực hiện bảy cuộc thanh tra về trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện Luật PCTN; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót; hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các công tác: Tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại; kê khai minh bạch tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém của Bộ VHTT-DL trong công tác PCTN. Cụ thể, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp, việc quản lý đất đai, tài sản trên đất trong việc sử dụng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ còn hạn chế. Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ VHTT-DL cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, xây dựng kế hoạch khắc phục, thực hiện các giải pháp đã đề ra; xử lý dứt điểm một số vụ việc nổi cộm của ngành như việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam trong năm 2018; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai tại số 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, trả lại đúng quy hoạch và công năng của khu đất này.
Báo Lao Động, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Tuổi Trẻ (15-5) cho biết, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam. Hội đồng phúc thẩm y án sơ thẩm với bị cáo Đinh La Thăng mức 13 năm tù. Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm và giảm hình phạt cho một số bị cáo. Theo Hội đồng phúc thẩm, quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhận tội và xin giảm hình phạt; tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để nhanh chóng kết thúc vụ án. Một số bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, đã tích cực nộp tiền bồi thường để khắc phục hậu quả. Về phần dân sự, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên phần trách nhiệm dân sự đối với tất cả các bị cáo và buộc các bị cáo bồi thường cho PVN số tiền hơn 119 tỷ đồng.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Công an nhân dân (16-5) đưa tin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo, giao Bộ Nội vụ thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan để kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí và doanh nghiệp về những vụ việc tiêu cực xảy ra tại Cục Hải quan Hải Phòng. Từ đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu Cục Hải quan Hải Phòng cũng như các đơn vị liên quan, báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-7. Bộ Tài chính phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với việc xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi công vụ của công chức hải quan, nhất là trong kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra sau thông quan để phòng, chống lạm quyền, tiêu cực, tham nhũng; xây dựng cơ chế luân chuyển cán bộ, công chức thường xuyên trong ngành hải quan, kể cả lãnh đạo cấp cục, để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-8.
Báo Lao Động, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Thanh Niên, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Bảo vệ pháp luật, Nhân đạo, Người đưa tin, Dân trí, TTXVN (16-5) cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt cựu Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Phan Minh Nguyệt cùng các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico). Nội dung vụ án cho thấy, trước khi được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bị cáo Nguyệt chỉ đạo nhân viên để ngoài sổ sách kế toán hơn 22 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau và đã chi tiêu cá nhân hơn 16 tỷ đồng; lập khống, hợp thức chứng từ rút tiền từ nguồn vốn phục vụ sản xuất, bình ổn giá để chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng. Tổng cộng, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 91 tỷ đồng cho Hadico. Hộ đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt bị cáo Phan Minh Nguyệt 12 năm tù; 05 bị cáo còn lại bị phạt từ 03 năm tù cho hưởng án treo đến 07 năm tù giam.
Báo Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Dân trí (17-5) thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa có văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Chi nhánh Tổng công ty cà phê Việt Nam - Công ty TNHH MTV tại Đắk Lắk (Vinacafe Nam Tây Nguyên). Trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2013, ông Trần Minh Thắng là Giám đốc Vinacafe Nam Tây Nguyên; ông Phan Thanh Lợi, Phó Giám đốc; ông Trần Anh Dũng, nhân viên kế toán và Vũ Đức Thuận, Trưởng phòng Kinh doanh đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về kế toán, làm trái các quy chế của Tổng công ty cà phê Việt Nam, gây thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền hơn 17,8 tỷ đồng.
Báo Tiền Phong, Doanh nghiệp, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN (19-5) Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Bích Anh, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng, Hà Nội về hành vi “Nhận hối lộ”. Bà Bích Anh nhận 300 triệu đồng của người nhà bị cáo Nguyễn Văn Kiên với thỏa thuận xử cho bị cáo Kiên được hưởng án treo trong vụ án “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo Nguyễn Văn Kiên bị đưa ra xét xử và tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam nên gia đình bị cáo Kiên đã tìm đến thẩm phán Anh đòi lại tiền; đồng thời bí mật ghi âm, ghi hình việc đòi lại tiền để tố cáo Thẩm phán Anh tới Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (16-5) cho biết, Tỷ phú David Ng Lap Seng (quốc tịch Trung Quốc, sinh sống tại thành phố New York, Mỹ), Chủ tịch Tập đoàn kinh doanh bất động sản Sun Kian Ip vừa bị Tòa án quận Manhattan tuyên phạt 4 năm tù giam vì tội tham nhũng, hối lộ, rửa tiền. Theo cáo trạng, tỷ phú Lap Seng đã có hành vi hối lộ số tiền 1,3 triệu USD cho John Ashe, cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc (đã chết năm 2016) và cho Francis Lorenzo, cựu Phó Đại sứ Nước Cộng hòa Dominica tại Liên hiệp quốc. Đổi lại, 2 quan chức này đã giúp đỡ Lap Seng giành được dự án đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị của Liên hiệp quốc tại Macao, Trung Quốc.
Đài Tiếng nói Việt Nam (17-5) đưa tin, Cảnh sát Malaysia đã tiến hành lục soát nhà riêng của cựu Thủ tướng nước này Najib Razak trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến những cáo buộc rửa tiền. Cựu Thủ tướng Najib Razak đã thành lập Quỹ Phát triển 1 Malaysia để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, quỹ này là trung tâm vụ bê bối rửa tiền gây thất thoát 3,7 tỷ USD dẫn đến một loạt các cuộc điều tra thị trường tài chính ở một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc... Chính phủ Malaysia sẽ phối hợp với các nước để thu hồi tiền của quốc gia Đông Nam Á này.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII.
- Triển khai Quyết định kiểm tra của Ban Bí thư đối với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Khởi tố vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Chi nhánh Tổng công ty cà phê Việt Nam.
- Cựu Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lĩnh án 12 năm tù.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;