Điểm báo tuần số 264 từ ngày 21-5 đến ngày 26-5 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 28/05/2018, 10:55 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Công lý, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21-5) đồng loạt phản ánh các nội dung Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp),  dành 12 ngày để xem xét, thông qua 08 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 08 dự án luật khác. Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật tố cáo (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật quy hoạch. Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.  Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật chăn nuôi; Luật trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đặc xá; Luật cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; xem xét, quyết định về công tác nhân sự.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN (22-5) đưa tin, Đoàn Thanh tra của Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long để công bố quyết định thanh tra công tác cán bộ đối với tỉnh giai đoạn từ 1-1-2016 đến ngày 30-4-2018. Theo đó, đoàn Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ tiến hành thanh tra 45 ngày về thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức, viên chức, xét chuyển cán bộ công chức cấp xã lên công chức từ cấp huyện trở lên; nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với công chức; bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, số lượng cấp phó tại một số sở, ngành và đơn vị cấp huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Long. 
 
    Báo Nhân Dân, Đài THVN (24-5) cho biết, Ðoàn Kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã công bố, triển khai Quyết định kiểm tra của Ban Bí thư đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Ðình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng đoàn kiểm tra nêu rõ sẽ tập trung kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; gắn với thực hiện Kết luận số 64-KL/TW (ngày 28-5-2013) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở". Ðồng chí Phan Ðình Trạc nhấn mạnh: Ðây là cuộc kiểm tra thường xuyên của Ban Bí thư nhằm đánh giá những ưu điểm, hạn chế, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của cấp ủy và tổ chức Ðảng trong thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Trong quá trình làm việc, Ðoàn sẽ kiểm tra việc quán triệt và triển khai trước, sau đó kiểm tra kết quả thực hiện; trên cơ sở kế hoạch của Ðoàn kiểm tra, từng đơn vị của Bộ Y tế cần cụ thể hóa thành đề cương, riêng, chi tiết trên cơ sở nhiệm vụ được giao. Ðoàn sẽ hoàn thành việc kiểm tra trong quý III-2018.
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân (25-5) đưa tin, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9 để thẩm tra Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Công an nhân dân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới sắp xếp bộ máy Bộ Công an trong thời điểm này là cấp bách, cần thiết nhằm hướng tới bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các nội dung dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tại phiên họp, đóng góp ý kiến về cơ cấu và phân loại lực lượng Công an nhân dân, nhiều đại biểu tán thành với việc không quy định cơ cấu của Công an nhân dân và phân loại sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân theo lực lượng An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, nhằm bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo và điều hành công tác cán bộ. Liên quan đến nội dung công an xã, thị trấn trong hệ thống, tổ chức của Công an nhân dân, nhiều ý kiến đồng ý với quan điểm Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong việc quy định công an xã, thị trấn chính quy như dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo báo cáo sâu hơn về lộ trình thực hiện, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng quân sự địa phương… Hồ sơ dự án Luật cơ bản được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Giao thông, Giáo dục, Pháp luật và Đời sống, Người đưa tin, Người lao động, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27-5) cho biết, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 4932/VPCP-TCCV truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Nội vụ làm rõ vụ việc bổ nhiệm “thần tốc” Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trước đó, ngày 23-5, một số báo điện tử phản ánh việc bổ nhiệm “thần tốc” của ông Vũ Hùng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Về nội dung này, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình giao Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ tiến hành kiểm tra, làm rõ các phản ánh của báo chí nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-6-2018.
 
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Dân trí, Tuổi Trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN (21-5) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Phú Yên đã có kết luận điều tra, chuyển và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố 4 bị can nguyên cán bộ Trường Chính trị Phú Yên, trong đó, bị can Vũ Thị Kim Hoa, Kế toán và bị can Trịnh Thị Hoa, Thủ quỹ về tội tham ô tài sản; bị can Lê Văn Sự, Nguyễn Thị Tuyết Nga bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra, từ tháng 12-2009 đến tháng 6-2015, bị can Vũ Thị Kim Hoa và Trịnh Thị Hoa đã lập khống 116 bộ chứng từ thanh toán tiền ăn do Nhà nước chi cho học viên qua đó chiếm đoạt gần 3,2 tỷ đồng. 
 
    Báo Nghệ An, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN (21-5) dẫn thông tin từ Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho biết hiện đơn vị đã khởi tố ông Đinh Văn Dương, nguyên Chủ tịch UBND xã Phúc Thành; Nguyễn Văn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã, nguyên kế toán trưởng; Tống Hữu Tình và Nguyễn Văn Trung, nguyên cán bộ địa chính xã về tội “Lạm quyền trong thi hành công vụ”. Quá trình điều tra cho thấy, từ tháng 1-2012 đến hết năm 2017, UBND xã Phúc Thành bán 283 lô đất trái thẩm quyền, tổng diện tích 88.539m2, thu hơn 22 tỷ đồng, nộp vào ngân sách xã 14,8 tỷ đồng, còn lại gần 8 tỷ đồng các xóm tự thu tự chi. Công an huyện Yên Thành tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để chuyển đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật (25-5) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can đối với Phạm Hữu Nên, Đàm Quang Thuyến và Đàm Văn Bình để điều tra về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Phạm Hữu Nên, chủ tịch UBND xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy (từ 2008 đến tháng 6-2015) đã chỉ đạo Đàm Quang Thuyến, công chức tài chính kế toán xã khai không thêm các đối tượng hưởng lương hưu (nhưng đã chết) để tạo ra khoản dư rút từ ngân sách và khoản chi trả thực tế để rút số tiền chênh lệch hơn 468 triệu đồng. Tháng 7-2015, ông Đàm Văn Bình thay ông Nên giữ chức vụ Chủ tịch xã đã không chấn chỉnh việc làm sai trái trên mà vẫn duy trì việc làm này đến hết năm 2016 để rút số tiền hơn 206 triệu đồng để chi chúc Tết, cho các quan hệ, tiếp khách… Tổng số tiền đã rút từ năm 2008 đến 2016 là hơn 675 triệu đồng.
 
    Báo Tuổi Trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (25-5) dẫn thông tin từ UBND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xác nhận ông Nguyễn Công Chinh hiện đang giữ chức Chủ tịch UBND phường Tam Hiệp (nguyên Phó Phòng nội vụ thành phố Biên Hòa) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố và đang làm các thủ tục tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra liên quan đến vụ Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa ăn chặn tiền thi đua khen thưởng. Trước đó Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Thanh Tùng, nguyên Trưởng Phòng nội vụ và bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, nguyên Kế toán trưởng Phòng nội vụ có liên quan đến vụ ăn chặn tiền thi đua khen thưởng hơn 700 triệu đồng
 
    Báo Nhân Dân, Cần Thơ, Hậu Giang (26-5) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức buổi Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của Ban Nội chính 08 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, với chủ đề: “Tham nhũng vặt - Thực trạng và giải pháp phòng chống”. Buổi tọa đàm giúp nhận diện rõ hơn thực trạng tham nhũng vặt hiện nay, tuy nhỏ nhưng quy mô, tần suất rất lớn, gây thiệt hại không nhỏ cho nhân dân, ảnh hưởng niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp, mục tiêu hướng đến là đạt “ba không” trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng: không tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng. Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của cơ quan, đơn vị, địa phương, cùng nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả, nhằm tạo thống nhất chung về nhận thức, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, nêu những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc ở địa phương, kiến nghị Trung ương xem xét, cho ý kiến, để từng bước hoàn thiện cơ chế lãnh đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Đài Truyền hình Việt Nam (23-5) đưa tin, Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã trình diện tại tòa án Seoul trong phiên xét xử ông với 16 tội danh, trong đó có nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, biển thủ, cùng nhiều hành vi phạm pháp khác. Ông Lee Myung-bak đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc, song thừa nhận một số sự việc, trong đó có việc nhận khoản tiền "ngoài luồng" từ cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Won Sei-hoon thông qua một trong những trợ lý của Tổng thống. Ông cũng thừa nhận đã chi 6,7 tỷ won để sửa chữa tư gia song khẳng định đây là số tiền vay mượn từ người thân. 
 
    Báo Tuổi Trẻ (24-5) dẫn nguồn tin từ tờ Nhân dân Nhật báo cho biết, ông Vương Ngân Thành, cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc đã lĩnh án 11 năm tù vì tội nhận hối lộ tổng số tiền 8,7 triệu Nhân dân tệ (khoảng 1,36 triệu USD) trong thời gian từ năm 2006-2016. Đổi lại cho những khoản hối lộ này, ông Vương Ngân Thành giúp các cá nhân và doanh nghiệp được nhận hợp đồng, thăng chức cho cấp dưới và bố trí công việc cho con cháu họ. Ngoài án phạt tù, Tòa án trung thẩm nhân dân thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến còn đưa ra mức phạt tiền 1 triệu Nhân dân tệ đối với Vương Ngân Thành và yêu cầu tịch thu toàn bộ số tài sản bất chính của ông này.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
 
    - Công bố, triển khai Quyết định kiểm tra của Ban Bí thư đối với Ban cán sự đảng Bộ Y tế.
 
    - Chính phủ yêu cầu làm rõ vụ bổ nhiệm thần tốc Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
 
    - Truy tố 4 bị can nguyên cán bộ Trường Chính trị Phú Yên.
 
    - Nguyên Phó Phòng nội vụ Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị khởi tố.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.