Điểm báo tuần số 265 từ ngày 28-5 đến ngày 02-6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 04/06/2018, 16:57 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Đài TNVN (28-5) đưa tin, Ðoàn Kiểm tra của Ban Bí thư trung ương Ðảng đã công bố và triển khai Quyết định kiểm tra của Ban Bí thư đối với Thành ủy Hải Phòng. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Ðảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cao những thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội mà Hải Phòng đạt được trong thời gian qua, đồng thời nêu rõ mục đích và những nội dung cần tập trung kiểm tra là việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương tại Thành ủy Hải Phòng và ba đảng bộ trực thuộc. Ðồng chí đề nghị, Thành ủy Hải Phòng và các tổ chức đảng được kiểm tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo tự kiểm tra, cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan và phối hợp để đoàn xác minh cụ thể nếu có yêu cầu. Nội dung kiểm tra tập trung quá trình xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương từ năm 2013 đến nay, nhất là từ khi ban hành hai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); kết quả bước đầu triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... Ðồng chí mong muốn, hoạt động kiểm tra lần này cần đi vào thực chất, cụ thể, có được nhiều thông tin tốt, những bài học, kinh nghiệm tốt trong công tác xây dựng Ðảng. Ðồng chí cũng lưu ý quá trình kiểm tra cần đánh giá kỹ vấn đề tinh giản bộ máy; đồng thời, qua đó cũng nắm tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ khi thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế và chế độ, chính sách đối với đội ngũ này để động viên, khuyến khích họ tiếp tục công việc, nhất là những người điều chuyển chức vụ khi sáp nhập, hoặc chuyển từ đơn vị hưởng bao cấp sang tự chủ về tài chính...
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Tiền Phong, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Giao thông, Sức khỏe và Đời sống, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN (29-5) đồng loạt đăng tải nội dung Quy định số 01-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định  trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra (từ cấp huyện và tương đương trở lên) trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo quy định, Ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh, khi cần thiết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và bỏ trốn, yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản. Trong quy định, Ban Chấp hành Trung ương cũng giao và yêu cầu Ủy ban Kiểm tra xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên có hành vi dung túng, bao che tham nhũng hoặc cản trở, can thiệp trái quy định vào việc xử lý các vụ việc tham nhũng.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam (30-5) cho biết, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2020”.  Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là yêu cầu bức thiết; đặt trọng tâm vào việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; công tác tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng cần cấp thiết đổi mới, nâng cao do tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; tình trạng nhờn luật vẫn diễn ra, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cán bộ công chức và các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Trước đó, Bộ Tư Pháp đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký và ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án này. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. 
 
    Báo Nhân Dân, Quảng Ninh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (30-5) đưa tin, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh miền núi, biên giới phía bắc. Qua tiến hành kiểm tra, báo cáo tham luận tại Hội nghị cho thấy: Chính quyền các cấp tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện tinh giảm biên chế, đổi mới phong cách làm việc; công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân và doanh nghiệp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… được triển khai tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp từng đối tượng; công tác phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ ở cơ sở các tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng chí lưu ý, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết đến người dân sát thực tiễn cuộc sống. Qua đó quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng; giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, công khai, minh bạch; nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, thực hiện cơ chế giám sát để người dân phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cùng quan tâm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, qua đó góp phần cho người dân cùng tham gia phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở vùng miền núi, biên giới.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Giao thông, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, TTXVN (30-5) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ra Quyết định thi hành kỷ luật bằng  hình thức khiển trách đối với ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2016-2021. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có vi phạm, khuyết điểm sau: Cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020;  với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2006-2011, ông Thái ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định; ông Thái đã thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản trái pháp luật liên quan đến một số dự án. 
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Chính phủ, Lao Động, Pháp luật  Việt Nam, Tiền Phong, Thanh tra, Hà Nội mới, Xây dựng, Người lao động, Tuổi Trẻ, Đài THVH, Đài TNVN (28-5) đưa tin,  Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh để thông báo, lấy ý kiến trực tiếp về dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2017. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Công tác phòng, chống tham nhũng đã được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện khá toàn diện, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; có nhiều giải pháp để chấn chỉnh và củng cố các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên yếu kém, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng... Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng còn có những hạn chế; công tác quản lý nhà đất công thời gian qua còn bộc lộ những bất cập, gây thất thoát tài sản… Những hạn chế, tồn tại nêu trên nếu không được kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sẽ kìm hãm sự phát triển của thành phố và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng. Ðồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến về các bất cập, hạn chế đã chỉ ra; tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng chấn chỉnh những yếu kém và xây dựng kế hoạch khắc phục cụ thể. Ðồng thời tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đối với công tác phòng, chống tham nhũng, chỉ đạo rà soát, xây dựng các quy định phù hợp với Nghị quyết về thí điểm, cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố phát triển, xứng tầm với vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.
 
    Báo Đồng Tháp, Công an nhân dân, Người lao động, Công an TP. Hồ Chí Minh (29-5) theo tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối với Lý Thị Thúy về hành vi “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra bước đầu, từ năm 2016 - 2017, Thúy là nhân viên Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng (có lúc được giao làm thủ quỹ, có lúc làm kế toán). Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, Thúy đã chiếm đoạt số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng để tiêu xài cá nhân. Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, sớm đưa đối tượng ra xử lý trước pháp luật.      
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Lao Động, Tiền Phong, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN (31-5) đồng loạt đăng tải nội dung Quyết định số 67/ANĐT-P4 của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an truy nã đối với Vũ Đình Duy; sinh năm 1975 tại Thái Nguyên; Quốc tịch Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex). Đối tượng Vũ Đình Duy bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Đối tượng Duy đã bỏ trốn ngày 22-10-2016. Theo Cơ quan An ninh điều tra, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Lao Động, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Giao thông, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Đài THVN (01-6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (nay là Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam - CB). Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ 30 năm tù; bị cáo Bùi Thị Kim Loan, nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ, thư ký của Hứa Thị Phấn 28 năm tù; Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín 10 năm tù. 25 bị cáo còn lại trong vụ án bị phạt từ 2 năm (cho hưởng án treo) đến 10 năm tù giam. Hội đồng xét xử buộc Hứa Thị Phấn bồi thiệt hại hơn 6.362 tỷ đồng cho Ngân hàng CB; buộc Công ty Phương Trang phải hoàn trả lại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.400 tỷ đồng (hơn 3.900 tỷ đồng nợ gốc, gần 900 tỷ đồng nợ lãi và 1.600 tỷ đồng nợ lãi phát sinh)…
 
    Báo Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Tuổi Trẻ, Hà Nội mới, VietNamNet, Đài TNVN (01-6) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội truy tố Phạm Minh Hoàng, nguyên cán bộ Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội về tội tham ô tài sản. Theo cáo trạng, Phạm Minh Hoàng được phân công làm thủ kho quản lý kho tang vật thuộc Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội. Lợi dụng công việc được giao Hoàng đã lấy 239,57 kg ngà voi và 6,14 kg sừng tê giác bán được hơn 2,9 tỷ đồng. Số tiền này Hoàng đã chi tiêu cá nhân và cá độ bóng đá.
 
    Báo Tuổi Trẻ, Dân trí, Người lao động, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Hà Nội mới, Người đưa tin, Đài TNVN, TTXVN (02-6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Thi Danh, nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú mức án tử hình và Nguyễn Duy Linh, nguyên kế toán trưởng 15 năm tù; 4 bị cáo còn lại lãnh mức án từ 2 đến 5 năm tù cùng tội “Tham ô tài sản”.  Ngoài ra, Hội đồng xét xử buộc bị cáo Thi Danh và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bồi thường số tiền đã chiếm đoạt. Theo cáo trạng, từ tháng 11-2003 đến tháng 1-2016, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú thực hiện nhiều dự án trên địa bàn, trong đó có 6 dự án mà qua kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm. Thi Danh lợi dụng quyền hạn là Trưởng ban đã chỉ đạo cấp dưới lập, ký thủ tục kế toán sai quy định để chiếm đoạt tổng cộng hơn 54 tỷ đồng.  
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (29-5) cho biết, Cảnh sát Kenya đã bắt tạm giam Richard Ndubai, Bí thư Đoàn thanh niên và Lilian Omollo,  Chánh Văn phòng Bộ Thanh niên cùng 18 nghi phạm khác để phục vụ  điều tra. Cảnh sát cũng đang truy lùng 34 nghi phạm khác trong danh sách truy tố của Viện Công tố liên quan tới việc lạm chi hơn 80 triệu USD từ quỹ hoạt động của Đoàn thanh niên nước này. Được cấp 250 triệu USD kinh phí hoạt động mỗi năm từ ngân sách nhà nước, Đoàn thanh niên Kenya là cơ quan được giao trách nhiệm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2015, hàng loạt vụ tham nhũng tại đây đã bị báo chí phanh phui, gây bức xúc trong dư luận. Trưởng Công tố Kenya Noordin Mohamed Haji cho biết, các ngân hàng dính líu tới vụ bê bối này cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
 
    Báo Thanh tra (01-6) đưa tin, Tòa án thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc kết thúc phiên tòa kéo dài 5 ngày xét xử bị cáo Trần Tuyết Phong, Giáo sư, Tiến sĩ, Kỹ sư kinh tế cao cấp, Anh hùng lao động, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam, Bí thư Thành ủy Lạc Dương, đại biểu Quốc hội, phạm các tội tham ô, nhận hối lộ, làm dụng chức quyền. Trần Tuyết Phong bị cáo buộc nhận hối lộ 125 triệu NDT, tham ô 5,47 triệu NDT, gây thiệt hại của công 224 triệu NDT. Tòa án thành phố Kinh Châu đã tuyên phạt Trần Tuyết Phong án tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời, tịch thu toàn bộ tài sản.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Triển khai Quyết định kiểm tra của Ban Bí thư đối với Thành ủy Hải Phòng.
 
    -  Quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng. 
 
    - Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.  
 
    - Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an truy nã đối với Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex). 
 
    - Tử hình nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
;
.