Điểm báo tuần số 269 từ ngày 25-6 đến ngày 30-6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 02/07/2018, 14:50 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Công lý, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (25-6) đưa tin, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 34/2017/QH14 các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Công an nhân dân (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý thuế (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6); và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Chương trình trình xây dựng luật, pháp lệnh  năm 2018 cũng điều chỉnh thời gian trình một số dự án khác; đồng thời đưa ra khỏi chương trình các dự án: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Công an xã. Bên cạnh đó, năm 2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII sẽ trình Quốc hội thông qua bảy dự án luật; cho ý kiến đối với chín dự án luật. Quốc hội cũng sẽ xem xét và thông qua 12 dự án luật khác tại kỳ họp thứ tám...
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Văn hóa, Thanh tra, Công lý, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26-6) đồng loạt đưa tin nội dung Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), đánh giá tình hình, kết quả công tác PCTN từ khi Ban Chỉ đạo được thành lập (năm 2013), nhất là từ Ðại hội XII của Ðảng đến nay, bàn phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Báo cáo tại hội nghị cho thấy sau hơn 4 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2014 và hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả nổi bật là vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong PCTN được nâng lên. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 971 vụ án với 2.010 bị can; truy tố 1.060 vụ án với 2.444 bị can; xét xử sơ thẩm 968 vụ với 2.297 bị cáo về tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ với 440 bị cáo với các mức án nghiêm khắc; trong đó có 11 án tử hình cho 10 bị cáo, 20 án chung thân cho 19 bị cáo, 07 bị cáo với mức án tù 30 năm,… Năm 2016, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 26%, năm 2017 đạt 29,45%, sáu tháng đầu năm 2018 đạt 19%. Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh: Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Tiền Phong, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (26-6) phản ánh các nội dung Hội nghị do Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018; cho ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của lực lượng công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và thu được những kết quả cụ thể, rõ rệt; công tác tài chính, kế hoạch đầu tư, hậu cần - kỹ thuật Công an nhân dân đạt kết quả tốt. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Ngoài nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước, Đảng bộ Công an Trung ương là một trong những Đảng bộ gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 (khóa XII), sớm nghiên cứu xây dựng, thực hiện Đề án 106 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” một cách bài bản, khoa học, thận trọng, khách quan, bước đầu đạt được những kết quả cụ thể, quan trọng. Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Lo nhất là "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", cho nên phải có biện pháp. Nhân dịp này, các cơ quan hữu quan, trong đó có lực lượng công an cần sơ kết, kiểm điểm rút kinh nghiệm, xem đã làm được gì, chưa làm được gì, cần rút kinh nghiệm việc gì... Tổng Bí thư nhắc nhở, cần làm tốt công tác tư tưởng, phải đồng lòng nhất trí cao. Tuy lúc đầu có nhiều ý kiến nhưng bây giờ đã có nghị quyết thì phải làm, không bàn đi bàn lại và trong quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đài TNVN, TTXVN (27-6) cho biết,  Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra các đảng ủy trực thuộc đã chủ động mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát; chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát từng bước được nâng lên; nhận thức của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp về công tác kiểm tra, giám sát đã có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát chưa chủ động, nắm tình hình để phát hiện, xác định, kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; khi xảy ra một số vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm, báo chí phản ánh mới tiến hành kiểm tra; chưa kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên, cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý; công tác giám sát thường xuyên, nắm tình hình ở một số cấp ủy chưa kịp thời, chưa sâu sát nên ít tác dụng phòng ngừa khuyết điểm vi phạm. Trong phương hướng 6 tháng cuối năm 2018, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối chủ động thực hiện toàn diện, đồng bộ, có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả; tập trung kiểm tra, giám sát theo chương trình đảm bảo đúng quy trình, quy định của Đảng; chỉ đạo ủy ban kiểm tra tham mưu cấp ủy thực hiện và trực tiếp thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ chương trình kiểm tra, giám sát năm 2018, trong đó chú trọng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy; giải quyết dứt điểm các đơn thư, thư khiếu nại của tổ chức đảng và đảng viên.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Nhà báo và Công luận, Biên Phòng, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài THVN (28-6) đăng tải thông tin về Hội nghị giới thiệu nguồn quy hoạch lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2021-2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo do Quân ủy Trung ương tổ chức. Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy T.Ư đánh giá cao công tác bồi dưỡng, giới thiệu và quy hoạch lãnh đạo Bộ Quốc phòng; trong đó nhấn mạnh, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã quán triệt và thực hiện Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ trong Quân đội được tiến hành chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định; tập trung giải quyết số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp; hoàn chỉnh phương án quy hoạch lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2021-2026, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Việc tổ chức giới thiệu nguồn quy hoạch lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2021-2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo là một nội dung hết sức quan trọng, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam,  Tài nguyên và Môi trường, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Người đưa tin, Vnexpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (29-6) đồng loạt đưa tin, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố bảy Luật, gồm: Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng; Luật Tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật Sửa đổi, bổ sung 11 điều luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Trong đó đáng chú ý là Luật An ninh quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật An ninh mạng. Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Luật Quốc phòng quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng nhằm bảo đảm công khai, minh bạch về tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc. Luật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hai nhóm hành vi vi phạm pháp luật: tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Luật Cạnh tranh quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, cho dù hành vi được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Luật Sửa đổi, bổ sung 11 điều luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 12 điều, trong đó có 11 điều quy định việc sửa đổi 11 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019. Luật Đo đạc và Bản đồ, gồm 61 điều được thể hiện trong chín chương, với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, bổ sung 27 điều, bổ sung hai điều mới; có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Biên Phòng, Đài THVN, Đài TNVN (29-6) cho biết, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân, đánh giá kết quả công tác quân sự, quốc phòng sáu tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018. Từ đầu năm đến nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ; tích cực đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo; bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt; gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao... Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả toàn diện, tinh thần kiên trì, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong sáu tháng đầu năm 2018; đồng thời khẳng định: Những thành quả kinh tế - xã hội quan trọng trong năm 2017 và sáu tháng đầu năm 2018 của đất nước có sự đóng góp to lớn, trực tiếp của Quân đội. Thủ tướng nhấn mạnh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đề xuất chủ trương, các đối sách xử lý đúng đắn, kịp thời, có hiệu quả các tình huống, không để các trường hợp bị động, bất ngờ xảy ra; nhất là chủ động đề xuất với Bộ Chính trị, Thủ tướng phương án xử lý kịp thời nhiều vấn đề quan trọng, được Bộ Chính trị đánh giá cao. Về phương hướng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 6 tháng cuối năm 2018, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định tiếp tục duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục nắm chắc tình hình; làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, chú trọng các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ…
 
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chốn tham nhũng
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Tiên Phong, Công lý, Nhà báo và Công luận, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giao thông, Đầu tư, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25-6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Các bị cáo: Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Hà Tấn Phước, nguyên Tổ trưởng Giám sát, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh Long An; Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó Giám sát, nguyên Phó Giám đốc Vietcombank, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; Lê Văn Thanh, nguyên Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước , chi nhánh tỉnh Long An và Ngô Văn Thanh, nguyên thành viên Tổ Giám sát, nguyên Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa đã triệu tập 11 cá nhân thuộc Tổ Giám sát Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, 14 cá nhân liên quan cũng được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng. Đặc biệt, trong vụ án này, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh  còn triệu tập đại diện VNCB (nay là CB) và các lãnh đạo phòng, ban thuộc Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến, phiên tòa kéo dài đến ngày 29-6.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Dân trí, Nhân Đạo, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Đài TNVN (25-6) theo nguồn tin từ Công an huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắc cho biết, Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn về tội tham ô tiền hỗ trợ hạn hán của người dân trong năm 2017. Theo kết quả điều tra bước đầu, trong năm 2017, xã Ea Huar được nhà nước hỗ trợ tiền hạn hán để tưới tiêu cho người dân nhưng ông Nguyễn Khắc Hùng là Chủ tịch UBND xã đã “ăn bớt” 40 triệu đồng. Số tiền này, ông Hùng chia cho chín buôn trưởng mỗi người ba triệu đồng, còn lại 13 triệu đồng ông Hùng giữ lại tiêu xài cá nhân. Liên quan đến vụ việc này, trước đó, bà Kam Ry, Buôn trưởng buôn Jang Pông, xã Ea Huar cũng đã bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố do liên quan đến việc ăn bớt tiền hỗ trợ hạn hán của người dân. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn tiếp tục điều tra, làm rõ.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Sài Gòn giải phóng, Vnexpress, Đài TNVN (26-6) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Lam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan vụ án, Đặng Đình Hồng, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, Nghệ An cùng 14 thuộc cấp bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo buộc, Nguyễn Thị Lam đã rút tiền gửi của 6 khách VIP tại ngân hàng với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Tháng 8-2016, Lam mới trả cho một khách hàng hơn 4,7 tỷ đồng trước khi bị bắt.
 
    Báo Thanh tra (26-6) có bài viết “Kiến nghị khởi tố Giám đốc và Kế toán trưởng giai đoạn 2013-2016”. Theo nội dung bài báo cho biết, Thanh tra tỉnh Đắk Nông ban hành kết luận liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Nung. Kết luận chỉ ra, đến thời điểm 30-6-2017 tổng số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp Công ty phải nộp là 12,6 tỷ đồng. Công ty thu của người lao động 1,6 tỷ đồng; đã nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền 1,5 tỷ đồng. Tổng số tiền bảo hiểm Công ty còn nợ là 11 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố, điều tra đối với hành vi cố ý làm trái, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao của giám đốc, kế toán trưởng Công ty giai đoạn 2013 - 2016 trong việc chi trả 30% sản lượng mủ cao su liên kết khi chưa ký hợp đồng liên kết, làm thất thoát tài sản Nhà nước với giá trị 1,1 tỷ đồng và trong việc xác định đồng sở hữu về đất trên diện tích 72,37 héc ta cao su theo hợp đồng giao khoán, dẫn đến các hộ dân chiếm giữ trái phép vườn cây cao su, khiếu kiện kéo dài và không thu hồi được nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Krông Nô.
 
    Báo Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ (26-6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Thanh Nga, nguyên Đội trưởng Đội Kiểm tra thuế số 4, Chi cục Thuế quận 8 về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thanh Nga đã sách nhiễu, đe dọa đòi tăng thuế đối Công ty TNHH Vàng bạc Phương Anh, đồng thời ra giá 15 triệu đồng/tháng và buộc Công ty Phương Anh phải đưa một lần 6 tháng, nếu không chi tiền, Nga sẽ cho kiểm tra tăng thuế. Công ty Phương Anh đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an. Khi bà Nga nhận 100 triệu đồng của bà Ngọc, đại diện Công ty Phương Anh thì bị công an bắt quả tang. Bà Ngọc được công an trả lại 100 triệu đồng vì do bị ép buộc, đồng thời không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì chủ động tố giác hành vi sai phạm với công an.
 
    Báo Lao Động, Công an nhân dân, Công lý, Tài nguyên và Môi trường, An ninh Thủ đô, Dân trí (26-6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Ninh Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo tội danh "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đối với 4 đối tượng, gồm: Lâm Quang Đạo, nguyên Giám đốc; Phạm Thanh Hà, Phó trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính; Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng và Phạm Thị Hương, Phó trưởng Phòng Y dược và Phục hồi chức năng. Cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Lâm Quang Đạo và Phạm Thanh Hà để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
 
    Báo Phú Yên, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Thanh Niên, Người lao động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp Việt Nam, TTXVN (27-6) theo nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46), Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi tham ô tài sản đối với Nguyễn Thị Thanh Nguyên, nguyên Thủ quỹ Chi cục kiểm lâm Phú Yên. Trước đó PC46, Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Huỳnh Ngọc Tuấn, Kế toán trưởng Chi cục kiểm lâm Phú Yên về hành vi tham ô tài sản. Theo kết quả điều tra, năm 2017, ông Huỳnh Ngọc Tuấn tham mưu cho Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Phú Yên rút dự toán ngân sách hơn 5,2 tỷ đồng, sau đó đã lấy hơn 2,5 tỷ đồng để tiêu sài cá nhân và đánh bạc hết số tiền trên. Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nguyên biết rõ Tuấn lấy tiền quỹ cơ quan, nhưng vẫn đưa cho Tuấn số tiền trên.  Nguyễn Thị Thanh Nguyên bị khởi tố với vai trò đồng phạm.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Người lao động, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN (30-6) thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), để điều tra về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Kết quả điều tra xác định ông Hà đã ký quyết định phê duyệt kết quả chỉ định gói thầu TK 05 thuộc dự án Ethanol Phú Thọ mà không tổ chức thẩm định theo quy định; ký phê duyệt kết quả chỉ định thực hiện gói thầu KPC cho Liên doanh PVC - Alfa Laval khi chưa có chủ trương đồng ý cũng như ủy quyền của Hội đồng quản trị; ký thanh toán cho Liên doanh PVC - Alfa Laval hơn 1,5 tỉ đồng dù chưa có hạng mục nào hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư... Tính đến tháng 4-2018, PVB đã chi cho dự án số tiền vay từ ngân hàng là 772 tỷ đồng, thiệt hại tính bằng lãi suất là hơn 600 tỷ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Tuổi Trẻ (27-6) đưa tin, Cảnh sát Malaysia đã tịch thu nhiều tài sản được cho là có nguồn gốc bất minh tại căn hộ của cựu Thủ tướng Najib Razak lên tới 273 triệu USD. Đây là vụ thu giữ tài sản lớn nhất trong lịch sử nước này. Ông Najib Razak  liên tục bác bỏ các cáo buộc biển thủ, nhận hối lộ và thậm chí giải thích rằng mình không biết gì về các khoản tiền được cho là gửi vào tài khoản cá nhân. Giới quan sát cho rằng chính việc điều hành kém cỏi và tình trạng tham nhũng quá độ đã khiến Thủ tướng Najib mất phiếu và mất ghế dù ông đã thực thi một số biện pháp chính trị ngay trước cuộc bỏ phiếu sớm nhằm giành lấy lợi thế. Cảnh sát Malaysia cho biết sẽ yêu cầu điều tra cựu Thủ tướng và vợ là bà Rosmah Najib.
 
    Báo Thanh tra (29-6) dẫn nguồn tin của Hãng AP cho biết, Tòa Tối cao Giám đốc thẩm Romania đã tuyên phạt Alina Bica, cựu Trưởng Công tố phụ trách các cuộc điều tra về khủng bố và tội phạm có tổ chức của Romania 04 năm tù giam. Nicole Tender, có chồng đang thụ án 12 năm tù  đã tặng quà cho cựu Trưởng Công tố chiếc đồng hồ hiệu Rolex và một chiếc ví 2.000 USD. Đổi lại, bà Bica ra lệnh cho các công tố viên đề xuất án tù treo cho chồng của Nicole Tender. Trong một vụ án khác, bà Bica nói với một công tố viên hủy việc đóng băng tài sản của Bộ trưởng kinh tế, người đang bị điều tra vì tội gian lận. Bà Alina Bica bị bắt giam vào tháng 11-2014 vì các cáo buộc tham nhũng, gây thất thoát cho Chính phủ hàng chục triệu USD.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng.
 
    - Tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2018.
 
    - Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hầu tòa.
 
    - Bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí.
 
    - Khởi tố nguyên Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.