Điểm báo tuần số 301 và 302 từ ngày 04-02 đến ngày 16-02 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 18/02/2019, 15:49 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Công an nhân dân, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12-02) đưa tin về Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Tổ chức Xây dựng Đảng. Trong tháng 01-2019, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tổ chức kiểm điểm năm 2018 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Thực hiện Quy định số 132 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 16 của Ban Tổ chức Trung ương về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị kiểm điểm theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo nội dung, thời gian theo quy định. Đã có 60/63 địa phương, 48/70 cơ quan, đơn vị hoàn thành kiểm điểm tập thể, cá nhân năm 2018. Hầu hết các đồng chí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn có tỉ lệ cao về số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao, không có đồng chí nào có số phiếu tín nhiệm thấp từ 50% trở lên. Kết quả lấy phiếu là sự ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu trong công tác, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”,“tự sửa”, là kênh thông tin quan trọng giúp cho các cấp ủy đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ khách quan, chính xác hơn. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, biên chế và xây dựng vị trí việc làm; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, giảm đầu mối bên trong và giảm cấp phó. Về các nhiệm vụ về công tác cán bộ, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị cần đổi mới toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; tham mưu cấp ủy chỉ đạo và đôn đốc thực hiện có hiệu quả các quy định về trách nhiệm nêu gương; thực hiện tốt công tác nhân sự thường xuyên, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, chú ý tham mưu công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Tổ chức Xây dựng Đảng |
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Phụ nữ Việt Nam, Giao thông, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12-02) phản ánh các nội dung cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và những nhiệm vụ trọng tâm triển khai sau Tết. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân, các bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế ngày đêm trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; cán bộ, công nhân, người lao động trực làm việc trong dịp Tết. Về nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai sau Tết, Thủ tướng nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá trong thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước rất nặng nề, do đó chúng ta không được chủ quan mà phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hành động, đổi mới sáng tạo để đạt kết quả năm 2019 tốt hơn năm 2018. Các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới phương thức, cách làm, quyết liệt chỉ đạo, điều hành; có các chương trình hành động mạnh mẽ, cụ thể, hiệu quả để thực hiện tốt hơn trọng trách được giao; khắc phục các tồn tại, yếu kém, “trên nóng, dưới lạnh”; quán triệt tinh thần kỷ cương, liêm chính, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, cách làm, nâng cao trách nhiệm, nhất là các ngành liên quan trực tiếp đến nhân dân như y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải, công an… để góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ, tránh quan liêu, xa dân, gây ách tắc cho sự phát triển của đất nước, gây mất niềm tin trong Nhân dân; cần tập trung theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Nhà báo và Công luận, Thanh tra, Đài THVN, TTXVN (13-02) cho biết, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến thăm và làm việc với với Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong năm 2018, nhiều vụ đại án về tham nhũng, về phạm tội an ninh quốc gia, ma túy, buôn lậu… đã được Tòa án xét xử đều có sự tham gia của luật sư với vai trò người bào chữa cho bị can, bị cáo. Qua đó, cộng đồng xã hội đã đánh giá cao về công tác xét xử của Tòa án trong việc xem xét khách quan, thận trọng những chứng cứ đưa ra từ phía luật sư, tôn trọng quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa của các bị cáo, từ đó tạo niềm tin của người dân vào tòa án, vào công lý, làm cho bị can, bị cáo tâm phục khẩu phục vào quyết định của tòa án. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sau 9 năm được thành lập, Liên đoàn đã tạo lập được niềm tin với Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội, đã trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội với đội ngũ luật sư. Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị trong năm 2019, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo tại các tỉnh, thành phố; tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân, qua đó tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật cho công dân.
Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Biên Phòng, Pháp luật Việt Nam, TTXVN (14-02) đưa tin, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Năm 2018, Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền của Quân ủy Trung ương đã chủ động tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương về các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa; hướng dẫn hoạt động thông tin, tuyên truyền trước các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các vấn đề nhạy cảm, phức tạp được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm; kịp thời định hướng tư tưởng, thống nhất dư luận trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội... Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng đánh giá cao kết quả đã đạt được trong công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng; thực hiện tốt việc trao đổi, cung cấp thông tin, xử lý kịp thời, chặt chẽ, đúng định hướng những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, tăng thời lượng các chương trình, mở chuyên mục mới, cải tiến các trang chuyên đề theo hướng chuyên sâu tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình"; tuyên truyền hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới; các điển hình tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; hoạt động của bộ đội giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; các sự kiện đối ngoại quốc phòng tiêu biểu; những đóng góp của Quân đội nhân dân Việt Nam trên các diễn đàn song phương, đa phương, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh...
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công thương, Hải quan, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-02) đưa tin, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự báo trong năm nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng Quản lý thị trường cần tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường quán triệt đến toàn thể lực lượng phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, gắn với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn hàng năm. Đồng thời chủ động xây dựng Quy chế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến các địa phương trong đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Lực lượng quản lý thị trường thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động trong lực lượng Quản lý thị trường, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo sự đoàn kết trong nội bộ.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Người lao động (11-02) dẫn nguồn tin từ Chi cục Thuế huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, cơ quan này vừa chuyển hồ sơ cho Công an huyện Phù Mỹ đề nghị xử lý ông Đỗ Văn Huệ, Đội trưởng Đội liên xã số 2 Chi cục Thuế huyện Phù Mỹ, về hành vi chiếm đoạt 956 triệu đồng từ nguồn thu thuế rồi tự ý bỏ việc, trốn khỏi địa phương. Số tiền ông Huệ chiếm đoạt là tiền bán hóa đơn lẻ và tiền thu thuế của các hộ kinh doanh cá thể trong năm 2018 trên địa bàn đơn vị ông quản lý. Việc ông Huệ dễ dàng chiếm dụng tiền thuế có một phần trách nhiệm của lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Phù Mỹ trong công tác quản lý. Cụ thể, trước khi chiếm dụng số tiền trên, ông Huệ được cấp một lần 9 tập hóa đơn, 5 tập biên lai sai quy định.
Báo Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Gia Đình và Xã hội, Đài TNVN (14-02) cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân thành phố Việt Trì đề nghị truy tố 5 bị can, gồm: Lê Sỹ Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì; Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Chí Thành, cán bộ Phòng TN&MT thành phố Việt Trì; Nguyễn Đức Sơn và Dương Hồng Tuyến, Phó trưởng Phòng TN&MT thành phố Việt Trì. Cơ quan điều tra xác định, các đối tượng đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao để làm trái công vụ trong việc thẩm định hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước 815 triệu đồng.
Theo báo Bảo vệ pháp luật (14-02), Viện kiểm sát nhân dân thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang phê chuẩn khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Thu Hồng, công chức kế toán xã Bình Đông và bà Lê Cao Quý Lộc, cán bộ thủ quỹ xã Bình Đông để điều tra về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra ban đầu, Huỳnh Thị Thu Hồng đã làm mất các biên lai trắng thu phí, lệ phí số tiền hơn 70 triệu đồng; thu phí, lệ phí không nộp vào ngân sách và không ra biên lai số tiền gần 45 triệu đồng; thu tiền ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa số tiền 28 triệu đồng không nộp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của xã; thu cố định năm 2016 đến ngày tháng 5-2018 với số tiền hơn 44 triệu đồng không nộp vào ngân sách. Huỳnh Thị Thu Hồng còn bị điều tra về hành vi tham mưu Ủy ban nhân dân xã Bình Đông rút vượt số tiền hơn 334 triệu đồng hỗ trợ đất lúa và hỗ trợ thiệt hại hạn mặn năm 2017. Đối với bà Lê Cao Quý Lộc có hành vi chiếm đoạt số tiền của nguồn hỗ trợ sản xuất lúa là 260 triệu đồng và nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg là 80 triệu đồng.
Báo Thanh tra (14-02) cho biết, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Dương Thị Hà, nữ cán bộ địa chính phường Ba Đình vì liên quan đến việc đền bù dự án Nhà máy Xi măng Long Sơn. Trước đó, trong đơn tố cáo của công dân gửi các cơ quan chức năng chỉ rõ những người trong Ban giải phóng mặt bằng đã lập hồ sơ khống và thành lập hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất cho những trường hợp không có đất trong phạm vi giải phóng để rút tiền ngân sách Nhà nước, cụ thể: Ông Vũ Mạnh Quyến, ông Nguyễn Văn Kỳ ở thôn Đông Thôn không có đất trong phạm vi xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn nhưng lại được cán bộ trong Ban giải phóng mặt bằng lập hồ sơ khống để rút ruột tiền Nhà nước lên đến hàng tỷ đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Đông Thôn cũng không có đất nhưng lại ký nhận 300 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này các hộ dân không được nhận mà chỉ ký nhận trên danh sách được cán bộ Ban giải phóng mặt bằng lập.
Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, TTXVN (15-02) cho biết, quá trình điều tra giai đoạn II vụ án xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố 06 vụ án với 10 bị can, trong số đó có Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc DAB; Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu Phó Tổng Giám đốc DAB); Nguyễn Đức Tài, cựu Giám đốc DAB Sở giao dịch; Nguyễn Chí Công, Phó trưởng phòng Tín dụng DAB Sở giao dịch; Phạm Huy Luận, Giám đốc DAB Chi nhánh quận 4, TP.HCM),… Cơ quan công an cũng khởi tố 06 vụ án hình sự, trong đó có lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Căn cứ kết quả điều tra cho thấy từ năm 2011-2015, DAB chi nhánh Đà Nẵng đã chi lãi ngoài hơn 660 triệu đồng cho Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng; DAB Chi nhánh Cần Thơ chi lãi suất ngoài cho Công ty TNHH Nhà nước MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ hơn 3,7 tỷ đồng và Quỹ Đầu tư phát triển TP Cần Thơ hơn 1,7 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng đang xác định để khởi tố các bị can trong các vụ án này.
Báo Nhân Dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Người đưa tin (16-02) dẫn thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Bùi Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Krông Nô để tiếp tục điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”. Trong quá trình bồi thường, hỗ trợ công trình hạ lưu nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, hạng mục: sạt lở, ngập úng xã Đức Xuyên, ông Bửu đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hợp đồng, biên bản thanh lý hợp đồng và một hóa đơn đỏ để quyết toán khống 23 chuyến xe, nhằm chiếm đoạt 23 triệu đồng. Vào năm 2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Krông Nô đã chi sai mục đích số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ông Bùi Tấn Bửu và ông Vũ Công Tư, nguyên kế toán Trung tâm đã hợp thức hóa chứng từ để rút số tiền trên sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau; trong đó, có chi sử dụng cá nhân hơn 150 triệu đồng.
TIN QUỐC TẾ
Thông tấn xã Việt Nam (12-02) đưa tin, phiên tòa xét xử tham nhũng đối với cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak với cáo buộc liên quan vụ bê bối nhiều tỷ USD tại Quỹ 1MDB của nhà nước dự kiến diễn ra ngày 12-02, nhưng đã bị hoãn lại do ông Najib Razak kháng án. Ông Najib Razak khẳng định vô tội đối với các cáo buộc hình sự về lợi dụng tín nhiệm, rửa tiền và lạm dụng quyền lực do bị tình nghi chuyển 42 triệu ringgit (khoản10,3 triệu USD) từ SRC International (một chi nhánh thuộc quỹ 1MDB) vào tài khoản ngân hàng của mình. Hiện, tòa án chưa thông báo lịch xét xử tiếp theo.
Báo Điện tử Chính phủ (14-02) cho biết, Ủy ban châu Âu đã đưa thêm 7 quốc gia, trong đó có Saudi Arabia và Panama vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ gây ra mối đe dọa do tình trạng kiểm soát lỏng lẻo các hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền. Như vậy, đến nay có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong "danh sách rửa tiền”. Trước việc bị đưa vào danh sách đen của Ủy ban châu Âu, ông Arabia Mohammed al-Jadaan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Saudi Arabia, nêu rõ: Cam kết của Saudi Arabia chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là một ưu tiên chiến lược và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển cũng như cải thiện các khung pháp lý và quy định để nhằm đạt được mục tiêu này...
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và những nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.
- Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Tổ chức Xây dựng Đảng.
- Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai công tác tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
- Chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân thành phố Việt Trì đề nghị truy tố 5 bị can, trong đó có đối tượng Lê Sỹ Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì.
- Quá trình điều tra giai đoạn II vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), quyết định khởi tố 06 vụ án với 10 bị can.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG