Điểm báo tuần số 304 từ ngày 25-02 đến ngày 02-3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 04/03/2019, 16:06 [GMT+7]
 
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Công lý, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Dân trí, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25-02) đồng loạt đưa tin, sau buổi kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam vinh dự được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị quan trọng đối với hòa bình của khu vực và thế giới. Thủ tướng hoan nghênh các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương, công ty, đơn vị đã tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, chu đáo nhất cho cuộc gặp của các nhà lãnh đạo hai nước đến Hà Nội, với trách nhiệm đối với hòa bình thế giới và quảng bá hình ảnh mến khách, thân thiện, hữu nghị của nước chủ nhà, là nét văn hóa, nếp sống của người Việt Nam. Vui mừng được biết, công việc chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, với các tuyến đường đã được trang trí, công tác vệ sinh, trật tự được nâng lên một bước, trung tâm báo chí đã chuẩn bị đủ các điều kiện để phục vụ tốt nhất Hội nghị; Thủ tướng khẳng định, tinh thần mến khách, trách nhiệm, văn hóa Việt Nam sẽ được thể hiện qua việc tổ chức Hội nghị này. Thủ tướng nhấn mạnh về việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mọi người khi đến Việt Nam, đến Hà Nội dịp này. Với tinh thần đó, “chúng ta tiếp tục kiểm tra mọi công việc, hoàn thiện mọi phương án, đưa ra các biện pháp hết sức cụ thể để hoàn thiện trước khi các vị khách quý đến Việt Nam”. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan thảo luận thêm những vấn đề cần quan tâm, nhất là các vị trí cần tăng cường, một số công việc cần hoàn tất để không xảy ra bất cứ sơ suất nào, nhằm phục vụ tốt Hội nghị. Thủ tướng đánh giá báo chí có vai trò vô cùng quan trọng để thế giới hiểu biết hơn về Việt Nam, đất nước hòa bình, hữu nghị, mến khách, thân thiện; về Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - mô hình phát triển mới của Việt Nam, với đời sống của người dân được nâng cao. Thủ tướng mong muốn, báo chí tiếp tục tuyên truyền về tình hình Việt Nam, những bước tiến bộ sau 30 năm đổi mới và hình ảnh một Việt Nam thân thiện, độc lập, tự cường, thịnh vượng.
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Xây dựng, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN (26-02) cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội có buổi làm việc với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người. Thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 6.525 tỷ đồng và 5.000 hecta rừng. Trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra trên 3.200 vụ cháy... Về nguyên nhân xảy ra cháy, chủ yếu do sự cố hệ thống điện chiếm trên 50%; do vi phạm, sơ suất trong quá trình sử dụng xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 30%. Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, những năm qua, Bộ Công an đã thường xuyên chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thụ về phòng cháy chữa cháy, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Theo đó, trong 4 năm gần đây, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trên 1,5 triệu lượt, xử phạt trên 98.000 trường hợp, đình chỉ gần 2.000 trường hợp, tạm đình chỉ gần 3.000 trường hợp; khởi tố, điều tra, xét xử 66 vụ án, truy tố 43 bị can. Qua đó, kịp thời pháp hiện hàng triệu vi phạm, tồn tại, thiếu sót để kiến nghị và hướng dẫn chủ cơ sở biện pháp khắc phục, góp phần loại trừ các nguy cơ cháy, nổ trong quá trình hoạt động. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần tiếp tục làm rõ, cụ thể thêm về nguyên nhân khách quan, chủ quan; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức; đánh giá bài học kinh nghiệm, những vấn đề cần giúp ra từ các vụ cháy, công tác thanh tra, kiểm tra; việc chấp hành pháp luật về Luật phòng cháy chữa cháy. Từ đó, tổng kết xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và giải pháp...
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, TTXVN (26-02) đưa tin về Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ lần thứ tư, nhiệm kỳ 2016-2021, với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp của Thường trực HĐND trong giải quyết một số vấn đề của người dân địa phương trên lĩnh vực kinh tế - xã hội”. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát hiện, đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp HĐND, cũng như hoạt động tiếp dân, giám sát trong giải quyết một số vấn đề bức xúc của người dân địa phương trên lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, môi trường; kinh nghiệm trong xác định vấn đề người dân quan tâm để tăng cường hoạt động giám sát và kinh nghiệm trong tổ chức đối thoại giữa tổ chức, cá nhân với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương để giải quyết những vấn đề bức xúc. Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như ý thức pháp luật, phương pháp tiếp cận giải quyết và nhận diện vấn đề, xây dựng nội dung chương trình kỳ họp, thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo các nghị quyết cho đến việc giám sát thi hành các nghị quyết. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đại biểu HĐND cần thường xuyên tiếp dân, tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và theo đến cùng các vụ việc bức xúc, xứng đáng là cầu nối quan trọng của cử tri với chính quyền; các hoạt động của HĐND phải được tuyên truyền, phổ biến để những nội dung đã được HĐND xem xét, quyết định sớm đi vào thực tiễn cuộc sống…
    
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật (27-02) phản ánh nội dung Phiên họp thứ nhất của Tòa án nhân dân tối cao về Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án. Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, việc nghiên cứu, xây dựng Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Dự án Luật góp phần đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, tạo ra bước đột phá về cải cách tư pháp. Đồng thời, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án và chuẩn bị dự thảo một số tài liệu của Dự án Luật. Tòa án nhân dân tối cao đã tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của pháp luật nước ngoài về hòa giải, đối thoại; phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, góp phần đáp ứng việc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Thanh Niên, Dân trí (28-02) cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh (nhiệm kỳ 2010-2015) vì liên quan đến sai phạm tại dự án đường quốc phòng kinh tế Nam Đông - A Lưới (Tỉnh lộ 74). Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh đã thiếu giám sát việc triển khai thực hiện dự án Tỉnh lộ 74, để chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, dẫn đến công trình này kém chất lượng; nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng không sử dụng được, gây lãng phí lớn và thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cảnh cáo các ông: Trần Đình Phòng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (từ năm 2012 đến năm 2015); ông Ngô Tăng Định, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Phó trưởng ban và Trưởng ban Quản lý dự án đường 74 (hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh); khiển trách nhiều sĩ quan của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Liên quan đến vụ việc này, tháng 12-2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cảnh cáo Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nghĩa đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng Tỉnh lộ 74. Dự án đường Nam Đông - A Lưới được triển khai xây dựng năm 2011 từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với số vốn hơn 530 tỷ đồng do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, sau 8 năm xây dựng, tuyến đường này vẫn chưa thành hình, nhiều đoạn hư hỏng không sử dụng được. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Đài TNVN, TTXVN (01-03) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. Dự Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong hai năm qua, hoạt động phối hợp công tác theo Quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ban Nội chính Trung ương đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động phối hợp từng bước đi vào nền nếp, tạo chuyển biến tích cực trong mối quan hệ phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Về phương hướng thời gian tới, hai cơ quan thống nhất tiếp tục phối hợp, triển khai giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong chấp hành quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phối hợp giám sát việc thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài và ảnh hưởng trật tự trị an; phối hợp giám sát việc thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và phối hợp giám sát việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
 
Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan
Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân (25-02) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, sau quá trình điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng Phan Trọng Vệ, nguyên nhân viên tài chính kế toán xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu để điều tra về tội “Tham ô tài sản”. Theo điều tra ban đầu, trong thời gian từ tháng 2 đến  tháng 8-2017, Phan Trọng Vệ được phân công làm kế toán thu thay cho kế toán nghỉ thai sản. Vệ biết nguồn tiền xã hội hóa nhân dân đóng góp 20% chưa sử dụng đến khi xây dựng các công trình, mà sử dụng trước nguồn hỗ trợ 80% từ ngân sách của tỉnh và huyện cấp. Vệ không nộp vào kho bạc số tiền hơn 540 triệu đồng tiền xã hội hóa nhân dân đóng góp mà chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân.
 
    Báo Đại biểu Nhân dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Thanh Niên, Dân trí, Vnexpress, Đài THVN (26-02) cho biết, Phòng cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cựu cán bộ xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, gồm: Ông Ngô Xuân Nghĩa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đồng; ông Trịnh Hữu Minh, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nghĩa Đồng; ông Trần Văn Tuyên, công chức địa chính xã và ông Nguyễn Công Dũng, nguyên là công chức tài chính xã Nghĩa Đồng để điều tra về hành vi “Lạm quyền trong thi hành công vụ”. Các bị can đã bán trái thẩm quyền 337 lô đất ở, diện tích khoảng 17,8 héc ta cho người dân thu về 22,5 tỷ đồng; việc bán đất trái thẩm quyền trên gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 14 tỷ đồng. Một số cán bộ khác có liên quan đến vụ án này đang bị công an điều tra, làm rõ trách nhiệm. 
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Giao thông, Văn hóa, Đấu thầu, Sài Gòn giải phóng, Người lao động, Dân trí, TTXVN (26-02) thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, các cơ quan tố tụng của tỉnh Đắk Nông đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Huân, cán bộ Văn phòng UBND huyện Tuy Đức, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức. Theo điều tra ban đầu, trong thời gian làm Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (từ năm 2007 đến 2018), ông Huân đã lấn chiếm đất do Lâm trường Quảng Trực quản lý để canh tác, sau đó nhờ người khác đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình tại hai thửa đất với diện tích hơn 7,7 ha tại Bon Bu Sóp, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Đến năm 2013, ông Huân nhờ người khác hợp thức hóa hồ sơ để chuyển nhượng hai thửa đất trên sang tên vợ mình. Với các vi phạm của mình, năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã thi hành kỷ luật cách chức Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Huân. Sau khi bị cách chức, ông Huân về làm cán bộ Văn phòng UBND huyện Tuy Đức. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông tiếp tục được điều tra, làm rõ.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Thời báo Tài chính, Công thương, Giáo dục, Hải quan, Đấu thầu, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Đài THVN, TTXVN (01-3) cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019. Mục tiêu của chương trình là tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa công tác này đi vào thực chất với những kết quả cụ thể; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, trong năm 2019, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán. Trong đó, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên; tiếp tục thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương,...
 
    Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Giao thông, Người đưa tin, Tuổi Trẻ, Dân trí, TTXVN (01-3) dẫn nguồn tin từ UBND tỉnh Cà Mau cách chức ông Diệp Tấn Lưu, Phó Chủ tịch phường vì gợi ý dân ủng hộ tiền khi xác nhận giấy tờ liên quan đến nhà đất. Trước đó, vào tháng 10-2017, ông T đến UBND Phường 9, gặp ông Lưu xin xác nhận đơn sửa chữa nhà. Sau khi ký đơn, ông Lưu “gợi ý” hỗ trợ 5 triệu đồng để ủng hộ đội bóng đá của Phường. Khi ông T sửa nhà thì bị Phường 9 lập biên bản vì xây dựng không phép, buộc ông T. phải ngưng thi công để bổ sung giấy phép xây dựng. Sau khi vụ việc vỡ lở, ông Lưu có đơn tường trình thừa nhận việc nhận 5 triệu đồng của ông T, nhưng cho rằng, ông T. ủng hộ đội bóng đá của Phường. Theo ông Lưu, lúc vận động lấy tiền thì Phường 9 chưa mở sổ vận động, chưa thông qua tập thể nên ông chưa nộp vào quỹ, sau đó thấy “nhạy cảm” nên đã trả lại. Việc ký xác nhận của ông Lưu là sai, nhận 5 triệu đồng cũng sai. Ông Lưu không được giao nhiệm vụ xác nhận việc sửa chữa nhà cũng như vận động tiền khi hội thao bóng đá chưa diễn ra. Hội đồng kỷ luật thành phố Cà Mau đưa ra hình thức kỷ luật cách chức đối với ông Lưu.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Thanh tra, Tiền Phong, Người đưa tin, Người lao động, Thanh Niên, VietNamNet (01-3) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thi hành kỷ luật đối với 4 đảng  viên, trong đó thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai ông Huỳnh Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất phường Phú Đông và ông Huỳnh Minh Kỳ, đảng viên, công chức địa chính phường Phú Đông do đã vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai, gây hậu quả rất nghiêm trọng; kỷ luật ông Trần Minh Thủ, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Tuy Hòa và ông Nguyễn Lương Sinh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa bằng hình thức cảnh cáo. Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ông Sinh khi được phân công làm Trưởng Ban Quản lý Dự án nạo vét cửa Đà Diễn, đã thực hiện không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, ký một số văn bản không đúng trình tự, thủ tục, không đúng thẩm quyền được giao; thiếu kiểm tra, ký cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất ở đô thị, đất nông nghiệp cho 4 trường hợp tại phường Phú Đông sai các quy định của pháp luật về đất đai.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (26-02) cho biết, ngày 25-02-2019, Tòa án ở Thủ đô của Italy đã kết án ông Gianni Alemanno, cựu Thị trưởng thành phố Rome tội tham nhũng và nhận tài trợ bất hợp pháp. Các công tố viên cáo buộc chính trị gia Gianni Alemanno đã nhận gần 300.000 euros (khoảng 345.000 USD) tiền tài trợ bất hợp pháp thông qua một tổ chức mà ông là người điều hành. Mức án tù dành cho cựu thị trưởng tham nhũng này là 6 năm và cấm trọn đời không được giữ bất kỳ vị trí nào trong khu vực công. Ông Alemanno được tự do trong khi chờ kết quả kháng cáo.
 
    Thông tấn xã Việt Nam (27-02) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố quyết định khai trừ đảng đối với Quách Lâm, nguyên thành viên Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) vì vi phạm nghiêm trọng các quy định về tinh thần liêm khiết trong thời gian giữ chức Giám đốc chi nhánh Thiên Tân trực thuộc CDB. Kết quả điều tra cho thấy Quách Lâm đã không thanh toán chi phí sửa chữa nhà riêng cho doanh nghiệp tư nhân đã sửa chữa trụ sở làm việc của chi nhánh CDB tại Thiên Tân, và bán nhà riêng của ông này cho một khách hàng vay tiền của CDB với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.  
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ nhất của Tòa án nhân dân tối cao về Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án.
 
    - Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan.
 
    - Thừa Thiên Huế: Kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh
 
    - Khởi tố bị can đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.