Điểm báo tuần số 306 từ ngày 11-3 đến ngày 16-3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 19/03/2019, 08:15 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong,  Công lý,  Thanh tra, Nhà báo và Công luận,  Giáo dục và Thời đại, Pháp luật và Xã hội, Văn Hóa, Giao thông, Đấu thầu, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-03) đăng tải các nội dung Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 05 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán Nhà nước; Luật dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật kiến trúc; Luật giáo dục (sửa đổi); dự án Luật thư viện; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, thông qua: Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật công an nhân dân năm 2018; xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. 
 
Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, TTXVN (12-03) cho biết, Bộ Công An phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về đẩy mạnh Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới (Chương trình 09); 5 năm Chương trình hành động số 22-CTr/ĐUCA-V28 (Chương trình 22) và hai năm Chương trình phối hợp số 38-CTr/BDVTW-BCA (Chương trình 38) về thực hiện công tác dân vận. Báo cáo cho thấy vai trò, hiệu quả trong mối quan hệ phối hợp gắn bó truyền thống giữa các lực lượng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên mặt công tác đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc và điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng, củng cố và nhân rộng, phát huy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội. Việc thực hiện Chương trình 09 và Chương trình 38 đã tạo được sự gắn kết giữa Đảng, chính quyền, nhất là lực lượng công an với Nhân dân thông qua diễn đàn công an đối thoại với nhân dân, và diễn đàn lắng nghe ý kiến Nhân dân tố giác tội phạm ở khu dân cư và địa bàn xã, phường do Mặt trận tổ chức. Đặc biệt là sự gắn kết giữa lực lượng công an và lực lượng quân sự trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các mô hình, phong trào, điển hình tiên tiến và các cách làm hay sáng tạo trong quá trình thực hiện các chương trình phối hợp và hành động đã góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong thời gian tới, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận các cấp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp về công tác dân vận và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xây dựng thế trận an ninh Nhân dân, nền an ninh Nhân dân vững chắc.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Công lý, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội mới, Sài gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (12-03) đưa tin, ngày 25-2-2019, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 179-QÐi/TW về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; thay thế Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 58-QÐ/TW (ngày 7-5-2007) của Bộ Chính trị. Về chế độ kiểm tra công tác cán bộ, Quy định nêu rõ, đối với cán bộ, đảng viên, phải thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong công tác và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Ðịnh kỳ hằng năm, cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình ở chi bộ và cấp ủy, tổ chức chính quyền, đoàn thể mà mình là thành viên. Ðồng thời, chi bộ nơi cư trú có ý kiến nhận xét về bản thân cán bộ, đảng viên và gia đình trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra về công tác cán bộ thuộc cấp mình quản lý và chỉ đạo, thực hiện; tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ; thực hiện chế độ kiểm tra công tác cán bộ theo định kỳ hoặc đột xuất… Về chế độ giám sát công tác cán bộ, tổ chức đảng cấp trên có chương trình, kế hoạch giám sát công tác cán bộ thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý, lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, tổ chức đảng thuộc quyền quản lý, cấp ủy cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ các đơn vị làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ. Ban tổ chức và ủy ban kiểm tra giám sát tổ chức đảng thuộc cấp ủy quản lý, cấp ủy cấp dưới và các ban của cấp ủy cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, người đứng đầu các ban của cấp ủy cùng cấp và cán bộ các đơn vị làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ… Quy định có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Phòng không - Không quân, Biên Phòng, Thanh tra, Hải quan, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN (14-3) đưa tin, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Qua 24 năm thực hiện pháp lệnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, công tác quản lý, Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đạt được kết quả quan trọng. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành địa phương phát huy tốt vai trò tham mưu trong thực hiện Pháp lệnh, đặc biệt là vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp, từ đó phát huy chức năng quản lý Nhà nước đối với nhiệm vụ Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, từng bước được củng cố, hoàn thiện theo quy hoạch, hình thành thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, bảo đảm tính liên hoàn, cơ bản, vững chắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn với quản lý, Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, nhất là các địa bàn có công trình quốc phòng và khu quân sự quan trọng. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc phức tạp, các vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, cấu kết các đối tượng chống đối bên trong lôi kéo người dân tranh chấp, khiếu kiện, phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự; xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, bảo đảm minh bạch, không có vùng cấm theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó là phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, vi phạm liên quan đến đất quốc phòng. Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp Nhân dân; chú trọng xây dựng tinh thần tự giác chấp hành và kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những hành vi xâm hại công trình quốc phòng, khu quân sự…
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân,  Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân,  Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-3) phản ánh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị liên tịch thường niên phối hợp công tác. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, hai bên làm tốt công tác phối hợp, tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; chú trọng đẩy mạnh gặp gỡ, tiếp xúc với nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Công tác xây dựng pháp luật và phản biện xã hội được đẩy mạnh, mở rộng hình thức lắng nghe, tập hợp ý kiến nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều dự án luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hai bên đã đa dạng hóa hình thức giám sát; hoạt động phối hợp giám sát đã bổ sung, hỗ trợ nhau giữa giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và các hình thức giám sát Nhân dân... Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024), do vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả; phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng pháp luật và phản biện xã hội, nhất là tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật. Các cơ quan của Quốc hội cần nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu thỏa đáng các ý kiến góp ý và phản biện của Đoàn Chủ tịch; chú trọng hoạt động phối hợp trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát; sự phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục có những đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như nhiệm vụ chung được giao.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Giao thông, Giáo dục, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, TTXVN (11-03) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 40/QĐ-C01-P4 ngày 29-10-2018. Qua quá trình điều tra, ngày 08-3-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Trần Đức Hải, sinh năm 1961, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trú tại đường Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định, lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Thanh tra, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Đầu tư, Văn hóa, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Vnexpress, Đài TNVN (11-03) dẫn nguồn tin từ Công an thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Thân Cầu, nguyên Chủ tịch phường Điện Nam Đông; ông Đỗ Búp, nguyên Trưởng Ban quản trang Điện Nam Đông và ông Ngô Hải Bình, thành viên Ban quản trang Điện Nam Đông để điều tra về hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo kết quả điều tra, từ năm 2005 đến 2015, ông Thân Cầu đã ký giấy bán đất nghĩa trang cho 40 người với diện tích 4.680m2, thu lợi hơn 1,9 tỷ đồng. Hai bị can Búp và Bình đã bán đất cho 8 người thu lợi 132 triệu đồng.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Phụ nữ Việt Nam, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ,  Đài THVN, Đài TNVN (13-03) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết, vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ba bị can, gồm: Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Hòa Bình; Ðỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy và Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục. Theo kết luận điều tra, Vinh đã bàn bạc, chỉ đạo Mạnh Tuấn và Khắc Tuấn xử lý, can thiệp, nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình. Ba người này thống nhất phải sửa trực tiếp trên bài thi của thí sinh, trước khi đưa vào máy quét file ảnh bài làm gửi về Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Theo kết luận điều tra, bị can Đỗ Mạnh Tuấn đã thừa nhận được hưởng 550 triệu đồng để can thiệp sửa bài thi trắc nghiệm của các thí sinh.
 
    Báo Nhân Dân (13-03) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội thảo "Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng của hệ thống tổ chức đảng Trung ương ở Việt Nam hiện nay". Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII của Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kết quả đạt được nêu trên có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng ở Trung ương, với cách làm bài bản, công phu, quyết liệt và công minh, được tiến hành ở tất cả các cấp, ngành, các lĩnh vực với nguyên tắc “Không có vùng cấm, vùng trống, bất kỳ ai tham nhũng đều phải xử lý nghiêm, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Hội thảo nhằm tiếp nhận ý kiến trao đổi thẳng thắn, khách quan, khoa học của các đại biểu, nhà khoa học để góp phần thực hiện thành công Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: “Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền Phong, Hà Nội mới, Người lao động, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14-3) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng quyết định truy tố Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP); Nguyễn Tuấn Hùng, nguyên Trưởng Ban Tài chính PVEP và Vũ Thị Ngọc Lan, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVEP về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2009-2014, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), PVEP đã giao dịch tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh Thăng Long. Ba bị cáo nêu trên đã nhận số tiền lãi ngoài hợp đồng với số tiền hơn 51,8 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN, TTXVN (15-3) dẫn thông tin từ Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong đã tiến hành bắt tạm giam ông Võ Việt Hùng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tuy Phong do vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong thời gian giữ chức vụ Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Phong,  vào tháng 4-2017, ông Hùng đã ký văn bản tham mưu cho UBND huyện Tuy Phong ra quyết định cho 03 cá nhân không phải là người địa phương thuê đất với tổng diện tích 58,1 héc ta đất tại có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý đất đai. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Hồ Minh, Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Phong, là người trực tiếp thực hiện các thủ tục, xử lý hồ sơ và tham mưu cho ông Hùng ký văn bản tham mưu cho UBND huyện Tuy Phong cho thuê số đất nêu trên.
 
    Báo Công an nhân dân, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Vnexpress, Đài TNVN (15-3) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tống đạt cáo trạng truy tố bị can Giáp Văn Huyên, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang về tội "Nhận hối lộ". Huyên được phân công thụ lý giải quyết vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; đã lần lượt gọi cho 03 bị can của vụ án này và yêu cầu nếu muốn xử nhẹ tội thì ba người phải chi số tiền 170 triệu đồng. Huyên đã nhận 19 triệu đồng của một bị can. Một trong ba bị can đã làm đơn tố cáo hành vi nhận tiền của Huyên với cơ quan chức năng. Ngay sau khi sự việc vỡ lở, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hoà chỉ đạo Huyên đến gia đình bị can trả lại số tiền đã nhận.
 
    Theo tin từ Báo Nhân Dân, Đắk Nông, Lao Động, Giao thông, Người lao động, Tuổi Trẻ, TTXVN (16-3), Công an tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với hai bị can gồm: Nguyễn Minh Vũ, quyền Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Tuy Đức và Trần Văn Thảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Thành Đạt Tây Nguyên, để điều tra về hành vi vi phạm trong đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Dự án công trình thủy lợi Đắk Ngo giai đoạn 2. Đơn vị tư vấn giám sát mới ký biên bản nghiệm thu khối lượng hai lần, thanh toán với giá trị là 6,2 tỷ đồng. Thế nhưng, trên thực tế, Ban quản lý các dự án huyện Tuy Đức thực hiện thanh toán bốn lần cho đơn vị thi công 15,5 tỷ đồng, chênh lệch 9,3 tỷ đồng; trong đó, nhiều hạng mục chưa thi công đã thực hiện thanh toán. Kiểm toán Nhà nước khu vực XII đã gửi công văn đề nghị Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, xử lý sai phạm đối với dự án này.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (11-3) cho biết, một số tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng Qatar đã hối lộ tới 880 triệu USD cho FIFA để giành quyền đăng cai World Cup 2022. Đây không phải lần đầu tiên, Qatar bị tố cáo hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup 2022. Trước đó, Tờ The Sunday Times từng đăng tải thông tin về khoản tiền 1 triệu USD mà Qatar đóng góp cho Samson, con trai của Amos Adamu - một thành viên Nigeria trong Ủy ban điều hành FIFA. Hiện tại, FIFA vẫn chưa đưa ra bình luận về những thông tin này.
 
    Đài Truyền hình Việt Nam (13-3) đưa tin, Mỹ phát hiện vụ gian lận tuyển sinh đại học chấn động lịch sử. Gần 50 người giàu có và nổi tiếng đã ra tòa ngày 12-3 do liên quan đến đường dây chạy vào các trường đại học hàng đầu như Yale, Stanford, Georgetown. Họ đã chi từ 15.000 đến 6 triệu USD để chạy suất cho con mình vào các trường đại học danh tiếng này. Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ. Hiện các công tác điều tra về đường dây chạy suất này vẫn đang được tiến hành. Tòa dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 19-6 tới.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
 
    - Quy định của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.
 
    - Truy tố các đối tượng sửa điểm thi ở tỉnh Hòa Bình.
 
    - Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
 
    - Truy tố nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí. 
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.