Điểm báo tuần số 310 từ ngày 08-4 đến ngày 13-4 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 16/04/2019, 15:08 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, TTXVN (09-4) phản ánh các nội dung của buổi lễ ký Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp giai đoạn 2019-2023. Chương trình phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh và nguồn lực sẵn có của mỗi bên; nâng cao trách nhiệm của hệ thống Tòa án nhân dân và Bộ Tư pháp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cao sáng kiến ký chương trình phối hợp, đồng thời, cảm ơn Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ thời gian qua đã hợp tác với Tòa án nhân dân tối cao trong nhiều lĩnh vực: Xây dựng pháp luật, tuyển chọn, phát triển án lệ, đánh giá, bổ nhiệm thẩm phán các cấp, tổ chức thi hành án… Trong thành công của ngành tòa án có sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ Tư pháp. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình bày tỏ tin tưởng, sự hợp tác phối hợp thời gian qua của hai ngành sẽ đem lại những hiệu quả tích cực hơn và Chương trình phối hợp cũng hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể triển khai tốt. Đồng chí nhấn mạnh, cần tăng cường công tác tuyên truyền về chế định hòa giải cơ sở để hàn gắn những rạn nứt trong xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công lý, An ninh Thủ đô, Dân trí, Vnexpress, Đài THVN, TTXVN (09-4) đưa tin, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Luật đặc xá 2018. Luật đặc xá 2018 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và khắc phục những bất cập của Luật đặc xá năm 2007 nhằm bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, đã được Quốc hội thông qua tháng 11-2018. Luật gồm 6 Chương, 39 Điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 01-7-2019. Luật đặc xá năm 2018 có nhiều nội dung mới, thay đổi về điều kiện của người được đề nghị đặc xá, trường hợp không đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, về thủ tục đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện. Hội nghị nhằm quán triệt những nội dung cơ bản của Luật đặc xá 2018 để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN(10-4) thông tin về Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía bắc lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh”. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: Trong những năm qua, hoạt động của HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía bắc tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định; bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, chọn trúng các vấn đề quan trọng, cấp bách để quyết định và giám sát; nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số bất cập, hạn chế, như: Trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát chưa cao; chưa có cơ chế để huy động các chuyên gia tham gia giám sát trực tiếp; năng lực thực tiễn, kỹ năng phản biện của một số đại biểu còn hạn chế; giám sát còn chồng chéo về nội dung, địa điểm, đối tượng… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, cần hết sức coi trọng và nâng cao vai trò của hoạt động giám sát trong các mặt hoạt động của HĐND; đồng thời, phát hiện những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị, đề xuất quyết định các biện pháp, giải pháp để hoạt động của bộ máy Nhà nước đạt hiệu quả cao hơn. Thường trực HĐND, các ban của HĐND coi trọng công tác chất vấn, xem xét cẩn trọng để lựa chọn đúng và trúng nội dung giám sát, phù hợp yêu cầu thực tế của địa phương, tránh dàn trải; tập trung vào những vấn đề được đa số cử tri quan tâm...
Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Công lý, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Giao thông, Xây dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Đài TNVN, TTXVN (10-4) đồng loạt đăng tải nội dung Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành các nội dung phiên họp. Tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về những nội dung: 1) Về công tác xây dựng pháp luật: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội và cho ý kiến về 09 dự án Luật sau: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ; Luật chứng khoán (sửa đổi); Luật lực lượng dự bị động viên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; nghe Chính phủ báo cáo một số vấn đề về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; cho ý kiến lần 2 về dự án Luật thư viện. 2) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020; cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. 3) Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách Trung ương, việc bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Đài TNVN, TTXVN (11-4) đưa tin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gặp mặt đại diện Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghe báo cáo tình tình công tác mặt trận năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ năm 2019; tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, năm 2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018 được tổ chức rộng khắp, có bước phát triển mới. Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, cần quan tâm đúng mức hơn đối với các vấn đề xã hội; đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. Đảng, Nhà nước phải tăng cường tự kiểm soát quyền lực của mình, nhất là đối với người đứng đầu; kiểm soát quyền lực theo luật định với những thiết chế cụ thể; đồng thời tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện quyền giám sát và phản biện; tổ chức lấy ý kiến tư vấn của các nhà khoa học về các vấn đề lớn của đất nước, nhất là những vấn đề phức tạp hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau... Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, lâu nay Đảng, Nhà nước luôn luôn mong muốn lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu, các tầng lớp nhân dân qua nhiều kênh thông tin; trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng ta luôn quan tâm “xây” chứ không phải chỉ có “chống”; “xây” là cơ bản, “chống” là quan trọng. Không ai thích gì việc kỷ luật cán bộ, nhưng phải làm để giữ vững sự nghiêm minh của Đảng, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn vi phạm, tiêu cực. Chúng ta đã xây dựng hàng loạt văn bản, như quy định nêu gương, quy định không được chạy chức, chạy quyền, không được sửa tuổi; chú trọng và hiện đang làm, như việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhất là đối với những nhóm vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau; có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, quyền lực trong Đảng cho tốt, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”; thực hiện kiểm tra, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, kiểm tra trên xuống, kiểm tra dưới lên; Nhân dân giám sát bằng nhiều kênh để chống lạm quyền…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Biên Phòng, Văn hóa (11-4) cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (Nghị quyết 33) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Ðây là một quyết sách chiến lược, kịp thời, thể hiện quyết tâm và các chủ trương, biện pháp mạnh mẽ nhằm phòng ngừa, kiên quyết ngăn chặn, xử lý thắng lợi các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, không để bị động, bất ngờ về chiến lược. Mục tiêu chung của Chiến lược là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước. Ðể Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia sớm đi vào thực tế cuộc sống, Bộ Chính trị giao cho các tỉnh ủy, thành ủy; các tỉnh, thành phố biên giới, các Ban đảng, Ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao. Ðảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng để ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm ngân sách và chỉ đạo huy động nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Ðảng đoàn MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm chỉ đạo đẩy mạnh vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết, Quân ủy Trung ương chủ trì, phối hợp với Ðảng ủy Công an Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Ðảng và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết tổng kết và định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Công lý, Đài THVN (12-4) đưa tin, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Ðảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo quốc tế "Về dự án Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án", do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức. Thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao xác định hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Ðổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của tòa án trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp... Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; đúng quan điểm, định hướng của Ðảng về cải cách tư pháp. Ðơn vị thường trực soạn thảo đã cố gắng xây dựng dự thảo theo hướng tiệm cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế nói chung nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Qua phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu, đề nghị các cơ quan, đơn vị đầu mối khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện dự án Luật, trình xin ý kiến Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và bộ, ngành có liên quan. Dự thảo luật được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, qua đó tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực trong hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ sung dự án Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2019 và năm 2020.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Thanh tra, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (13-4) đồng loạt đưa tin, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký Nghị quyết số 676/NQ-UBTVQH14 về việc phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa XIV và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Lê Đình Nhường, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình kể từ ngày 12-4-2019. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về các vi phạm, khuyết điểm của Thiếu tướng Lê Đình Nhường, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an liên quan đến việc tiếp tay, bao che cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Công an TP. Hồ Chí Minh, VietnamNet (07-4) cho biết, trước dư luận của người dân xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bất bình trước những việc làm có dấu hiệu vi phạm của ông Võ Ngọc Khoa, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Triệu Đại mà lại được cất nhắc lên giữ chức Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. UBND huyện Triệu Phong quyết định thanh tra đột xuất công tác quản lý, sử dụng đất và công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài chính đối với UBND xã Triệu Đại và cá nhân ông Võ Ngọc Khoa. Theo kết luận của cơ quan Thanh tra huyện, trong giai đoạn giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Triệu Đại, ông Khoa đã đặt ra các mức thu và thu tiền của các hộ dân từ việc giao đất, giao đất kinh doanh, cho thuê ki ốt, chờ làm thủ tục giao đất và các khoản thu không có nội dung với tổng số tiền hơn 3,9 tỷ đồng và số tiền này để ngoài sổ sách, sử dụng chi các công việc của xã trái quy định. Dư luận đang yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra để làm rõ.
Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Vnexpress, Đài TNVN (09-4) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đã khởi tố bà Triệu Thị Chính và ông Phạm Văn Khuông, đều cùng là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang; bà Lê Thị Dung, Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang về hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Tháng 7-2018, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang thực hiện việc điều tra gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, sau đó đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục và Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cơ quan điều tra xác định các bị can đã trực tiếp can thiệp vào bài thi để nâng điểm cho hơn 114 thí sinh.
Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Đấu thầu, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, An ninh Thủ đô, Dân trí, Vnexpress, TTXVN (09-4) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng truy tố Nguyễn Ngọc Sự, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin; Trương Văn Tuyến, cựu Tổng Giám đốc Vinashin; Phạm Thanh Sơn, cựu Phó Tổng Giám đốc Vinashin và Trần Đức Chính, cựu Kế toán trưởng Vinashin cùng về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, từ tháng 3-2011 đến 8-2014, Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng Oceanbank chi lãi ngoài, bỏ ngoài sổ sách kế toán, không vào hạch toán để chi tiêu, sử dụng cho các công việc chung của Vinashin và chia nhau. Tổng số tiền 4 bị can chiếm hưởng cá nhân 10 tỷ đồng.
Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam (10-4) dẫn nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, trong quá trình công tác ông Kiều Văn Lân, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Trưởng Công an huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã chấp hành không nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập như: Không kê khai, kê khai không đầy đủ, không giải trình… Từ những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Kiều Văn Lân.
Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Giáo dục và Thời đại, Đấu thầu, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Dân trí, Vnexpress, Đài TNVN, TTXVN (11-4) dẫn thông tin từ Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ba đối tượng, gồm: Lê Tự Trung, Nguyễn Ngọc Đãi, cả hai nguyên là cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn và Trần Việt Hùng, cán bộ thẩm định Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn liên quan về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”. Trong quá trình thực hiện việc áp giá, lập phương án đền bù, thẩm định phương án đền bù đối với đất, các đối tượng này đã làm trái quy định cho 21 trại nuôi tôm của 16 hộ dân thuộc khu vực dự án khu dân cư dịch vụ du lịch làng chài Điện Dương, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng. Vụ án đang được mở rộng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Tiền Phong, Xây dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên (12-4) đăng tải nội dung kết luận của Thanh Tra Chính phủ về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng. Theo kết luận thanh tra, Công ty này đã giả mạo hồ sơ, tài liệu; việc thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án; việc vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng: Kê khai, giả mạo hồ sơ về Báo cáo tài chính, năng lực, kinh nghiệm; sử dụng tài sản bảo đảm không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng; dấu hiệu trốn thuế, bảo hiểm; hạch toán thiếu doanh thu trên 135 tỷ đồng và không đóng bảo hiểm 205 triệu đồng. Trước những vi phạm nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam (12-4) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa bị cáo Kiều Đức Ấm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Đại Đồng, huyện Thạch Thất ra xét xử về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tuyên phạt 16 năm tù. Theo cáo trạng, năm 2016, ông Kiều Đức Ấm đã sử dụng chìa khóa dự phòng tự mở kho tiền của Quỹ tín dụng lấy số tiền gần 1,4 tỷ đồng cho người quen vay lấy lãi và tiêu xài cá nhân. Ngoài ra, ông Ấm còn chỉ đạo thuộc cấp làm sai quy định để hợp thức hóa khoản tiền đã chi xây dựng trụ sở để thanh toán tiền xây dựng hơn 452 triệu đồng, gần 1,4 tỷ đồng còn lại được hạch toán “treo” trên sổ sách kế toán. Quá trình điều tra, Kiều Đức Ấm đã khắc phục, trả lại cho quỹ được hơn 147 triệu đồng, số tiền ông ta còn chiếm đoạt của quỹ tín dụng là hơn 2,2 tỷ đồng.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu nhân dân, Nhân Dân, Kiểm toán, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Công thương, Nhà báo và Công luận, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12-4) cho biết, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng. Các ý kiến tham luận khẳng định, với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, cũng như kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra. Những kết quả này đã khẳng định vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước…
Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12-4) đưa tin, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức đảng và Nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này. Cuốn sách gồm 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII đến nay. Cuốn sách được chia làm hai phần. Phần thứ nhất: Một số bài phát biểu, bài viết và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng. Phần thứ hai: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại một số phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Giao thông, Giáo dục, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (13-4) cho biết, căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được liên quan đến vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an đã ra các Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án về tội “Nhận hối lộ”; đồng thời, C03 ra Quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), về tội “Đưa hối lộ”. Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, về tội “Nhận hối lộ”. Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên.
TIN QUỐC TẾ
Thông tấn xã Việt Nam (10-4) đưa tin, bà Rosmah Mansor, phu nhân cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak, đã bị tòa sơ thẩm Kuala Lumpur buộc tội nhận hối lộ liên quan đến một dự án về năng lượng Mặt Trời ở bang Sarawak. Theo cáo trạng, bà Rosmah đã nhận 5 triệu ringgit từ Công ty Jepak Holdings để giúp Công ty này giành được dự án lắp đặt hệ thống năng lượng Mặt Trời cho 369 trường học ở khu vực nông thôn bang Sarawak. Tổng trị giá của dự án này là 1,25 tỷ ringgit, do Bộ Giáo dục Malaysia làm chủ đầu tư. Theo luật, nếu bị kết án, bà Rosmah sẽ đối mặt với án tù lên đến 20 năm hoặc bị phạt tiền gấp 5 lần số tiền nhận hối lộ. Tuy nhiên, bà Rosmah Mansor đã bác bỏ cáo buộc. Phiên tòa sẽ được nối lại vào ngày 10-5 tới.
Báo Hà Nội mới (10-4) cho biết, Cảnh sát Peru đã thực hiện lệnh bắt ông Pedro Pablo Kuczynski, cựu Tổng thống Peru để điều tra về những cáo buộc nhận hối lộ của Tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht để đổi lấy các hợp đồng dự án xây dựng đường cao tốc xuyên đại dương và nhà máy thủy điện Olmos; cùng bị bắt còn có thư ký và lái xe riêng của ông Pablo Kuczynski. Trước mắt, cựu Tổng thống Kuczynski sẽ bị tạm giam 10 ngày và có thể kéo dài lên 36 tháng. Cảnh sát cũng đã khám xét nơi ở và làm việc của các bị can để thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gặp mặt đại diện Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Miễn nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh với ông Lê Đình Nhường.
- Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ về tội “Đưa hối lộ”.
- Hai Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang bị khởi tố liên quan đến gian lận điểm thi.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG