Điểm báo tuần số 314 từ ngày 06-5 đến ngày 11-5 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 13/05/2019, 14:38 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Văn hóa, Xây dựng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (06-5) phản ánh nội dung Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết 48-NQ/TW được thông qua ngày 24-5-2005. Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết nhằm đánh giá thực trạng tình hình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong 15 năm qua, đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, phục vụ việc xây dựng các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc tổng kết phải bám sát nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 48-NQ/TW, liên hệ với thực tiễn triển khai và quá trình bổ sung, phát triển các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư kể từ sau khi ban hành Nghị quyết 48-NQ/TW đến nay, gắn với thực tiễn trong quá trình đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo đồng thời cũng là lãnh đạo các cơ quan đầu mối tiến hành tổng kết cần chủ động triển khai công việc, bảo đảm chất lượng và hiệu quả với tinh thần khẩn trương, tích cực, khoa học, thực tiễn, bám sát mục đích, yêu cầu tổng kết và tiến độ mà Ban Chỉ đạo đã đề ra; tăng cường việc quán triệt, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổng kết. 
 
    Báo Nhân Dân, Nghệ An, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07-5) cho biết, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị công bố quyết định, kế hoạch kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu rõ, Bộ Chính trị thành lập các đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 và Nghị quyết số 18 tại các bộ, ban, ngành, địa phương trong cả nước, nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết đồng bộ, hiệu quả. Đồng chí yêu cầu, việc kiểm tra phải bảo đảm đúng quy trình, quy định của Đảng; nêu cao ý thức phê bình, tự phê bình của tổ chức đảng và đảng viên. Đoàn kiểm tra sẽ tập trung tìm hiểu tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ ra những mặt mạnh, nét mới của các địa phương, đơn vị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, những khó khăn, vướng mắc trong việc sáp nhập (thôn, xóm, xã…) để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị về thực tế triển khai ở cơ sở. Dự kiến Đoàn sẽ kiểm tra 10 đơn vị, địa phương ở Nghệ An, thời gian kiểm tra từ nay đến tháng 7-2019.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08-5) đưa tin, Đoàn kiểm tra 1152 của Bộ Chính trị do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, công bố quyết định kiểm tra và tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đoàn kiểm tra tập trung vào những nội dung: Việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu quả các quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; thực hiện việc quản lý cán bộ do các ngành Trung ương quản lý nhưng hoạt động ở địa phương như: Thuế, hải quan, quản lý thị trường, kho bạc nhà nước...  Xem xét, đánh giá, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, từ đó rút kinh nghiệm đối với cấp ủy địa phương và các đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương. Theo kế hoạch, Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tại thành phố Đồng Xoài, huyện Bù Gia Mập, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước. Công tác kiểm tra hoàn tất vào quý III, báo cáo Bộ Chính trị trong quý IV năm 2019.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Thanh Niên, Công thương, Đấu thầu, Biên Phòng, Xây dựng, Giao thông, Hà Nội mới,  Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08-5) đồng loạt đăng tải các nội dung Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công; cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Cho ý kiến về Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu của Quốc hội; Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy của Quốc hội. Cho ý kiến về: Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017; xem xét việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn Dự án đóng mới sáu tàu kiểm ngư và Dự án sửa chữa nâng cấp ba tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản viện trợ (thành tàu kiểm ngư) theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội; xem xét việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung danh mục mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội. Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch, 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy của Quốc hội.
 
    Báo Thanh tra, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, TTXVN (08-4) cho biết, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 1849/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác để chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nổi cộm. Tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài do 1 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng và có sự tham gia của các ban, sở, ngành liên quan. Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát, có phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội hướng đến phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
 
    Báo Nhân Dân, Đồng Nai,  Công an nhân dân, Sài Gòn giải phóng, Công lý, Gia đình và Xã hội, Người đưa tin, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên (11-5) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Ðồng Nai xét xử sơ thẩm và tuyên phạt hai bị cáo: Vũ Thị Dung, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú 06 năm tù và Nguyễn Thị Ngọc Sương, xã Phú Tân, huyện Ðịnh Quán 05 năm tù về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo cáo trạng, từ tháng 8 đến tháng 10-2018, Dung và Sương sử dụng nhiều tài khoản Facebook thường xuyên truy cập vào các trang mạng xã hội tương tác với các tài khoản Facebook "Tân Thái", "Benny Trương" để xem, nghe các nội dung video, bài viết có nội dung chống phá Nhà nước, kích động kêu gọi biểu tình chống Dự án Luật đặc khu, Luật an ninh mạng, phản đối Trung Quốc, kích động kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào ngày 13-10-2018. Sau đó, Dung đã tham gia viết tờ rơi, truyền đơn, rồi bàn bạc với Sương mang 117 tờ rơi, trong đó có 103 tờ có ghi khẩu hiệu, nội dung xuyên tạc, kích động biểu tình đi rải ở nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn huyện Ðịnh Quán.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Công lý, Tiền Phong, Đấu thầu, Tài nguyên và Môi trường, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Dân trí, Vnexpress (06-5) dẫn thông tin từ Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đã bắt tạm giam 03 cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, gồm: Phan Tiến Sỹ, nguyên Trưởng Ban cùng Nguyễn Thọ Huy, Phó Trưởng ban và Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Kết quả điều tra ban đầu cho biết trong năm 2014, thời điểm ông Phan Tiến Sỹ làm Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành đã lập hồ sơ khống để chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền đền bù tài sản trên đất rừng sản xuất... Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, xử lý.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Nông nghiệp Việt Nam, Thời báo Tài chính, Xây dựng, Hà Nội mới, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07-5 và 09-5) đưa tin, Đoàn công tác số 2 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của Bộ Tài chính cho thấy, xử lý thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc, vi phạm pháp luật về lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán từ năm 2013 đến tháng 9-2018: Trong ngành thuế có 16 vụ việc tham nhũng phải xử lý hình sự, với tổng số tiền vi phạm là trên 15 tỷ đồng, đã thu hồi, khắc phục là trên 4 tỷ đồng; đã kiến nghị khởi tố, chuyển Cơ quan điều tra trên 550 vụ việc, Cơ quan điều tra khởi tố 119 vụ án, số tiền công an đã thu hồi là trên 348 tỷ đồng. Ngành Hải quan đã trực tiếp ra quyết định khởi tố 248 vụ việc, giá trị tang vật vi phạm là trên 1.000 tỷ đồng... Về công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng. Nổi bật, đã quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nhất là Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X); Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng đến tất cả cán bộ, đảng viên. Đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo về “phòng, chống tham nhũng vặt” theo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo; Chỉ thị về việc đẩy mạnh phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020... Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại 2 buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề nghị, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tài sản công, thu chi ngân sách Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá, rửa tiền;  bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực… Đối với công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, cấp ủy lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ; thực hiện nghiêm việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản công. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng khắc phục tính hình thức của việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập và đề cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.
 
Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố kết quả kiểm tra thu hồi tài sản tham nhũng tại TP.Hồ Chí Minh
Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố kết quả kiểm tra thu hồi tài sản tham nhũng tại TP.Hồ Chí Minh
    Theo tin từ Báo Đồng Nai, Pháp luật Việt Nam, Người đưa tin, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên (07-5), Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án “Làm thất thoát hàng chục tỷ đồng tại Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai” cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai để tiến hành xét xử. Trong vụ án này, có 2 bị can bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, gồm: Nguyễn Văn Minh, nguyên Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xổ số Đồng Nai và Nguyễn Thị Thùy Oanh, nguyên Kế toán trưởng. Có 3 bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo cáo trạng, từ năm 2008-2012, trong quá trình quản lý, điều hành Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai, bị can Nguyễn Văn Minh và các đối tượng liên quan đã thực hiện hành vi phạm pháp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 79 tỷ đồng. 
 
    Báo Long An, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Giao thông, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, Vnexpress (09-4) dẫn nguồn tin từ Công an huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết, đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thừa để điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Trước đó, UBND huyện Thủ Thừa đã thanh tra trường THPT Thủ Thừa phát hiện ông Nguyễn Văn Đức với tư cách là hiệu trưởng nhà trường đã gây ra nhiều sai phạm trong việc quyết toán một số hạng mục xây dựng tại trường làm thất thoát gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông Đức còn liên quan đến lập khống chứng từ, lập quỹ và đấu thầu căngtin, bãi giữ xe trong trường học… 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Nhà báo và Công luận, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11-5) cho biết, Ðoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng; văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác thu hồi tài sản; xây dựng, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng… Cơ quan điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý 749 vụ với 916 bị can phạm các tội tham nhũng, kinh tế với tổng số tiền thiệt hại là 771 tỷ đồng. Cơ quan Thi hành án dân sự thụ lý 422 bản án, quyết định của Tòa án hình sự, tham nhũng, với tổng số tiền thu hồi hơn 39 nghìn tỷ đồng. Ðến nay, đã thu hồi hơn 10.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26,7%. Phát biểu tại buổi công bố, đồng chí Phan Ðình Trạc, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường hơn nữa lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác truy nguyên, truy tìm tài sản để kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ việc thi hành án. Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản. Chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan nâng cao trách nhiệm, khẩn trương thực hiện và kết luận giám định, định giá theo trưng cầu, các yêu cầu của cơ quan điều tra. Ðoàn công tác số 3 kiến nghị Ban Chỉ đạo giao Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra việc tổ chức thi hành án; Ðảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo cơ quan điều tra phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao rà soát các vụ việc sai phạm, nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố điều tra theo thẩm quyền. Ðồng thời, đề nghị thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong một số vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Nhân Dân (10-5) dẫn nguồn tin của Hãng tin Reuters, Viện kiểm sát Peru đã khởi tố ông Ollanta Humala, cựu Tổng thống với tội danh tham nhũng liên quan vụ bê bối của Tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht, với mức án đề nghị là 20 năm tù. Công tố viên cũng đưa ra cáo buộc liên quan tới vợ ông Humala, bà Nadine Heredia, và đảng Dân tộc chủ nghĩa của cựu Tổng thống này đã nhận trái phép 3 triệu USD của Odebrecht trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2011. Riêng bà Heredia còn đối diện các tội danh biển thủ công quỹ với mức án đề nghị tổng cộng lên tới 26 năm tù. Ông Humala, phủ nhận tất cả các cáo buộc trên và khẳng định đây là một “âm mưu chính trị”.
 
    Thông tấn xã Việt Nam (11-5) đưa tin, tại Tòa án thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc, các công tố viên đã chính thức buộc tội ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) với các tội danh lạm quyền và nhận hối lộ trong thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an và Cục trưởng Cục Cảnh sát biển. Cuối năm 2018, ông Mạnh Hoành Vĩ đã bị khai trừ khỏi Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân, đến tháng 3-2019, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã khai trừ ông Mạnh Hoành Vĩ khỏi Đảng.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
 
    - Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. 
 
    - Đoàn công tác số 2 và 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố kết quả kiểm tra thu hồi tài sản tham nhũng tại Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và TP.Hồ Chí Minh.
 
    - Truy tố 7 bị can làm thất thoát 79 tỷ đồng tại Công ty Xổ số Đồng Nai.
 
    - Bắt tạm giam 03 cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.