Điểm báo tuần số 316 từ ngày 20-5 đến ngày 25-5 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 27/05/2019, 13:54 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Pháp luật Việt nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Giao thông, Xây dựng, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuổi trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-5) đồng loạt đăng tải các nội dung của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục dành thời gian cho công tác xây dựng pháp luật và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp trong năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, củng cố quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Quốc hội dành thời gian xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan, các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã khẩn trương triển khai các công việc, nội dung để trình Quốc hội xem xét. Trước khi về dự kỳ họp thứ bảy, các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành tiếp xúc cử tri để trực tiếp lắng nghe, tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của cử tri cả nước, kịp thời phản ánh với Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét, thông qua các Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng khác...
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân (21-5) đưa tin, Bộ Công an tổ chức Lễ phát động hưởng ứng phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" và phong trào thi đua đặc biệt kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước; hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến công an các đơn vị, địa phương. Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an chủ trì buổi lễ. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, lãnh đạo công an các cấp phải nghiêm túc quán triệt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung đợt thi đua đặc biệt theo Kế hoạch của Bộ. Nêu cao tính gương mẫu, vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Ðồng chí lưu ý, công an các đơn vị, địa phương phải tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; duy trì mối quan hệ phối hợp chặt chẽ trong tổ chức các phong trào thi đua...
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới (23-5) cho biết, Đoàn công tác của Ban Bí thư  công bố Quyết định của Ban Bí thư về việc thành lập Đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tại Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhằm khảo sát thực tế, từ đó nắm bắt được các kết quả, phương pháp thực hiện, các vướng mắc khó khăn từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể. Trong đó lưu ý tới các cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế. Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra sẽ có đánh giá, đề xuất kiến nghị với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đồng thời đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư, Bộ Chính trị về những vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc, cần cấp trên tháo gỡ. Thông qua đó, góp phần giúp Bộ, ngành Tư pháp thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng nói chung cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói riêng. 
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Tiền Phong, Đất Việt, Dân trí, VietnamNet (24-4) phản ánh nội dung Kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật 7 đảng viên vi phạm, trong đó kỷ luật về Đảng theo thẩm quyền 3 đồng chí, kỷ luật quân đội 7 đồng chí. Phát biểu tại kỳ họp, Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương yêu cầu trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương cần chủ động nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ; kết luận phải rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; kỷ luật phải nghiêm minh, thuyết phục. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress (24-5) đưa tin, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể của Hội đồng Thẩm phán để xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH); tội xâm hại tình dục (XHTD) và tội rửa tiền. Các ý kiến cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung ba tội danh là: Tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT); tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Bởi vậy, việc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều luật về tội gian lận BHXH, BHTN, BHYT và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự năm 2015 là cần thiết; tội rửa tiền thường là tội phạm có tính chuyên nghiệp, gắn với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác như: Tham nhũng, mua bán ma túy, mua bán vũ khí, mua bán người xuyên quốc gia và tài trợ khủng bố. Trong khi đó, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thường có đặc tính là nhỏ lẻ, gắn các hành vi trộm cắp vặt. Do đó, không nên hướng dẫn hai tội phạm này trong cùng một nghị quyết, mà nên tách ra hướng dẫn riêng…
 
    Báo Quảng Ninh, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25-5) cho biết, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đã thông báo Quyết định và Kế hoạch kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết 26 và Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh. Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị sẽ kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đối với 10 tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí  Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Đây là đợt kiểm tra để chúng ta coi việc thực hiện các Nghị quyết trong thời gian qua có những cách làm nào hay, mới, kinh nghiệm nào có thể nhân rộng để tổng kết, đánh giá, trên cơ sở đó có gì còn vướng mắc khó khăn có thể tháo gỡ cho Quảng Ninh, đồng thời rút ra kinh nghiệm chung cho toàn quốc để Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo”. Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các tổ chức Đảng của tỉnh Quảng Ninh tự kiểm tra, có báo cáo chắt lọc và phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra. Với việc Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm mô hình tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan truyền thông báo chí, Đoàn cũng sẽ có buổi làm việc chuyên sâu để tìm hiểu, xem xét các kinh nghiệm cách làm hay cũng như trao đổi, góp ý để nâng cao hiệu quả hoạt động thời gian tới.
 
Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, TTXVN (20-5) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Đàng Chi Uyên, Tổ kế toán Phòng giao dịch Bắc Ninh Phước, Ninh Thuận 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, Đàng Chi Uyên nguyên là kế toán kiêm giao dịch viên tại quầy phụ trách giải ngân, thu nợ khách hàng tại Phòng Giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Ninh Phước, đã lợi dụng nhiệm vụ được giao và sơ hở trong quản lý để hủy bút toán thu nợ tiền vay, không lập chứng từ thu nợ hoặc lập chứng từ thu nợ có số tiền hạch toán nộp quỹ ít hơn số tiền khách hàng thanh toán thực tế để chiếm đoạt 2 tỷ đồng chi dùng vào việc cá nhân.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Đấu thầu, Người đưa tin, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (21-5) cho biết, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên án phạt 03 bị cáo phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ". Theo đó: Bị cáo Cao Minh Huệ, nguyên Giám đốc Sở Ðịa chính tỉnh Bình Dương, 12 năm tù; Phan Văn Trung, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cát, 11 năm tù và Ðỗ Văn Sâm, nguyên cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Bến Cát, 10 năm tù. Ngoài ra 03 bị cáo liên đới bồi thường số tiền thuê đất hơn 230 triệu đồng; yêu cầu UBND thị xã Bến Cát thu hồi hơn 128 tỷ đồng đã bồi thường giải phóng mặt bằng sai cho 32 hộ dân… Trước đó, nhân cơ hội Công ty Chế biến cây công, nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Bình Dương thanh lý 658 héc ta vườn cây cao su, các bị cáo đã đưa người thân trong gia đình vào đăng ký để mua cây đồng thời tự ý cấp sổ đỏ cho diện tích đất trồng cây cao su đã mua. Số diện tích đất thanh lý này nằm trong quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp An Tây, Nhà nước không phải mất tiền đền bù đất nhưng vì các bị cáo đã tự ý cấp sổ đỏ nên gây thiệt hại số tiền bồi thường 131 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Giao thông, Công lý, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Người đưa tin, Dân trí (21-5) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 17 bị cáo liên quan đến vụ án sai phạm về đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La dẫn đến việc thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền lớn. Trong số các bị cáo có Trương Tuấn Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La; Phan Tiến Diện, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La. Đây là vụ án được dư luận, người dân địa phương rất quan tâm khi nhiều bị cáo từng giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng tại một số sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La và huyện Mường La. Phiên tòa xét xử dự kiến kéo dài 10 ngày.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Giao thông, Đầu tư, Hà Nội mới, Dân trí (22-5) phản ánh các nội dung cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 15 đến nay. Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ khởi tố mới bốn vụ án, phục hồi điều tra bốn vụ án, kết thúc điều tra hai vụ án, bảy bị can, ban hành cáo trạng truy tố năm vụ, 15 bị can, xét xử sơ thẩm năm vụ, 12 bị cáo, xét xử phúc thẩm bốn vụ, 109 bị cáo; đã kết thúc xác minh, giải quyết 14 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo; Thanh tra Chính phủ đã tập trung kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc quản lý, sử dụng số tiền tạm ứng và nguồn vốn tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin); Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao có sai phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo; phấn đấu từ nay đến hết năm 2019 kết thúc điều tra 28 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án; xét xử sơ thẩm 29 vụ án; xét xử phúc thẩm bảy vụ án; kết thúc xác minh 36 vụ việc. Nhất là, tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm tám vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2019. Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo cho ý kiến đối với báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 163-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo; Quyết định bổ sung ba vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với năm vụ án, 14 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Đấu thầu, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Tuổi Trẻ, Dân trí, VnExpress (23-5) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Mạc Thị Bưởi (Agribank Mạc Thị Bưởi- nay là chi nhánh Trung tâm Sài Gòn). Trong vụ án này, các bị cáo là: Phạm Thị Mai Toan, Giám đốc Chi nhánh Agribank Mạc Thị Bưởi; Phí Thị Ong và Đỗ Thị Yến, nguyên Phó Giám đốc, cùng hai bị cáo khác. Quá trình làm thủ tục cho một số công ty vay tiền, nhân viên và lãnh đạo Chi nhánh Agribank Mạc Thị Bưởi không thẩm định, đồng thời nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp… Đến hạn, các công ty này không có tài sản đảm bảo để thanh toán nên không có khả năng thu hồi khiến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thiệt hại gần 100 tỷ đồng.
 
    Báo Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Đấu thầu, Xây dựng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Dân Trí, VietnamNet (23-5) cho biết, Bộ Công Thương vừa công bố Kết luận Thanh tra về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM). Một số vi phạm cụ thể như: Hồ sơ bổ nhiệm một số trường hợp không đầy đủ theo quy định; còn sai sót trong quá trình ban hành một số quyết định, không ban hành các quyết định về bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đơn vị thuộc phù hợp với mô hình tổ chức mới của VEAM theo mô hình công ty mẹ - công ty con…. Không chỉ để xảy ra sai phạm trong công tác cán bộ, kết luận của Bộ Công Thương đã chỉ rõ việc VEAM để xảy ra một loạt sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản lãng phí, thua lỗ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng… Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển các sai phạm xảy ra tại VEAM sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế. 
 
    Báo Lao Động, Bảo vệ p háp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Xây dựng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động (24-5) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đã khởi tố ông Lương Văn Luận, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND thành phố Mỹ Tho và ông Đào Thanh Phong, cán bộ Phòng Quản lý đô thị thành phố Mỹ Tho để điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Theo thông tin ban đầu, các ông Lương Văn Luận và Đào Thanh Phong đã thiếu trách nhiệm khi tham mưu một số khoản chi về tài chính cho UBND thành phố Mỹ Tho gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng.  
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Hải quan, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Người lao động, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN (24-5) đưa tin, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay để Đoàn thanh tra của Cục Hải quan Quảng Trị điều tra, xác minh những phản ánh của báo chí liên quan đến một số cán bộ Hải quan cửa khẩu La Lay có dấu hiệu nhận tiền "bôi trơn" trong hoạt động làm thủ tục xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu tại cửa khẩu. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh (25-5) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc chính thức thông báo, ông Viên Nhân Quốc, cựu Chủ tịch Tập đoàn rượu Mao Đài Quý Châu đã chính thức bị bắt do nhận hối lộ. Hiện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quý Dương đang thụ lý vụ án này. Trước đó, thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Tỉnh ủy Quý Châu ngày 22-5 cho biết ông Viên Nhân Quốc đã bị cách chức và khai trừ Đảng do vi phạm nhiều tội danh, trong đó có tội liên quan đến hối lộ và cản trở các cuộc điều tra chính thức.
 
    Báo Thanh tra (25-5) đưa tin, ông Rodrigo Rato, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với 12 người khác sẽ bị xét xử về tội tham nhũng. Ông Rato đang phải đối mặt với một phiên tòa tham nhũng mới, với một bản án 4 năm tù và 2,5 triệu euro (2,8 triệu USD) tiền phạt. Trước đó, ngày 3-10-2018, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã ra phán quyết giữ nguyên mức án 4 năm 6 tháng tù giam đối với ông Rodrigo Rato do tội lạm dụng, biển thủ công quỹ khi ông làm lãnh đạo 2 ngân hàng Caja Madrid và Bankia, bất chấp kháng cáo của ông.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. 
 
    - Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. 
 
    - Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 01 tổ chức đảng và 07 đảng viên. 
 
    - Bộ Công thương chuyển hồ sơ về các sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp sang Bộ Công an.
 
    - Nguyên Giám đốc Sở Ðịa chính tỉnh Bình Dương nhận mức án 12 năm tù.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.