Điểm báo tuần số 321 từ ngày 24-6 đến ngày 29-6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 01/07/2019, 16:07 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Pháp luật Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Công lý, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Đầu tư, Giao thông, Xây dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VnExpress, Đài THVN, TTXVN (24-6) phản ánh các nội dung Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức. Tại Hội thảo, các ý kiến tập trung nhận diện các vấn đề pháp lý mới phát sinh; đánh giá mức độ thích ứng của hệ thống pháp luật Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đề xuất các định hướng lớn cũng như các giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan tới quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, Fintech, tài sản mã hóa, áp dụng cơ chế thử nghiệm trong phạm vi hạn chế (sandbox), quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chứng cứ số, giải quyết tranh chấp trực tuyến; đồng thời tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Phát biểu tại Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tư pháp tập trung nghiên cứu, đề xuất những vấn đề đặt ra, tham mưu các giải pháp đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo xây dựng, thực thi pháp luật luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cần sớm hình thành ý tưởng chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; xây dựng sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cần nghiên cứu các vấn đề đặt ra đối với quy trình soạn thảo, ban hành, giám sát thực thi pháp luật, bảo đảm yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tận dụng thời cơ 4.0, xây dựng Chính phủ điện tử, công tác dự báo, phân tích phản ứng chính sách một cách kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, xây dựng cơ chế phản hồi thông tin chính xác, nhanh chóng trong thi hành chính sách, pháp luật…
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Biên Phòng, Sức khỏe và Đời sống, Công thương, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25-6) đồng loạt đưa tin về Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy - Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6) với thông điệp “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu” do Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cùng Bộ Công an và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức. Thời gian qua, các cơ quan, đoàn thể các cấp, ngành đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống ma túy; qua đó đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc và các lực lượng chức năng, trong đó có tỉnh Nghệ An đã phối hợp phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy rất lớn, bắt giữ các đối tượng cầm đầu, được các lực lượng phòng, chống ma túy trên thế giới ghi nhận… Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của lực lượng công an cùng các lực lượng chức năng, các tổ chức, cá nhân đã luôn đồng hành trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Đồng thời cảm ơn Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các nước láng giềng đã luôn phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy. Để đẩy lùi ma túy, cần phải nỗ lực liên tục, trong thời gian dài ở mọi nơi mọi lúc. Trong đó cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, cảnh báo, giáo dục để không có người nghiện mới…
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Văn hóa, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Người đưa tin, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress, Đài THVN, TTXVN (25-6) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo cáo trạng, các bị cáo Nguyen Michael Phuong Minh, quốc tịch Mỹ; Huỳnh Đức Thanh Bình, sinh viên Đại học Kinh tế - Tài chính và Trần Long Phi, quê Đồng Nai đã cấu kết với đối tượng Lê Quốc Phong (bỏ trốn và đang bị truy nã) cùng thành lập, tham gia tổ chức “Quốc nội quật khởi”. Tổ chức này lập kế hoạch mua vũ khí, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia biểu tình, gây rối trật tự xã hội và lật đổ chính quyền Nhà nước CHXH Việt Nam. Đối tượng Nguyen Michael Phuong Minh đã cấp tiền cho Phong làm kinh phí và mua vũ khí. Phuong Minh cũng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam, gặp và trao đổi kế hoạch với các đối tượng. Các đối tượng còn nhiều lần đến các địa phương khác kêu gọi nhiều người khác tham gia tổ chức. Đến ngày 7-7-2018, Phuong Minh, Bình, Phi quay lại TP. Hồ Chí Minh thì bị công an bắt giữ. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sự tồn tại vững mạnh của chính quyền nhân dân và Nhà nước CHXH Việt Nam, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyen Michael Phuong Minh 12 năm tù; Huỳnh Đức Thanh Bình, 10 năm tù; Trần Long Phi, 08 năm tù, cùng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Riêng bị cáo Huỳnh Đức Thịnh (bố của Huỳnh Đức Thanh Bình) lãnh án 01 năm tù về tội "Không tố giác tội phạm". Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên bị cáo Nguyen Michael Phuong Minh sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Báo Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật (26-6) thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa triển khai các quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ba cán bộ liên quan các sai phạm nghiêm trọng trong xây dựng khu dân cư Nọc Nạng, thuộc địa bàn phường 1, thị xã Giá Rai, gồm: Mai Chí Tính, nguyên Phó Bí thư Thị ủy, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai; Võ Văn Phượng, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Bạc Liêu; Ngô Văn Hà, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Giá Rai, hiện đang giữ chức Bí thư Ðảng ủy phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai. Dự án khu dân cư Nọc Nạng do Công ty TNHH Thiên Phúc trúng thầu năm 2011. Sau đó, Công ty này xin điều chỉnh quy hoạch phân lô dự án tăng từ 294 nền lên thành 358 nền. Mặc dù chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất nhưng UBND thị xã Giá Rai có công văn gửi UBND tỉnh Bạc Liêu xin hoãn việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp này. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Thiên Phúc đã bán đất nền tràn lan. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Việt Trung, sinh năm 1984, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại dự án khu dân cư Nọc Nạng.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Hà Nội mới, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (27-6) cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết công tác công an sáu tháng đầu năm 2019, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2019. Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương những kết quả, thành tích, chiến công của lực lượng Công an nhân dân và trân trọng tưởng nhớ, tri ân những cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã anh dũng, hy sinh, bị thương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sáu tháng đầu năm 2019. Chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, lực lượng Công an nhân dân phải chủ động nắm chắc, dự báo sát tình hình quốc tế, khu vực và trong nước liên quan an ninh, lợi ích an ninh quốc gia Việt Nam để tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước..., nhất là khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch năm ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020-2021, chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp; tiếp tục đẩy lùi các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng đối ngoại và chủ động, tích cực hội nhập quốc quốc tế... Thủ tướng cũng yêu cầu, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh Niên, Đài TNVN (27-6) đưa tin, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, thời gian qua, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng Nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), từ đó công tác này có bước tiến rõ rệt và chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng cán bộ lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở về cơ chế, chính sách pháp luật, lòng tin của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc; gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân là do người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa thực hiện đúng, đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền chưa thường xuyên, chặt chẽ; việc thanh, kiểm tra công vụ chưa được chú trọng,... Ở một số lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch, vẫn còn nhiều “giấy phép con”. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, ngành và mỗi cá nhân cùng Chính phủ, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 10 một cách nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả; bảo đảm đồng bộ với các biện pháp khác trong lĩnh vực này. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với lĩnh vực quản lý; chủ động nhận diện, tập trung nguồn lực, giải pháp vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm; nhanh chóng tạo sự chuyển biến thực chất, tích cực, rõ nét, tiến tới thay đổi căn bản tình hình trong thời gian tới. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải gương mẫu đi đầu; coi phòng, chống tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, phiền hà là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, công tác. Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp |
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Giáo dục Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, Nông nghiệp Việt Nam, Giao thông, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Người đưa tin, Dân trí, Đài TNVN (24-6) dẫn thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, trong quá trình thanh tra phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài chính tại Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình do ông Lê Quang Sỹ làm Giám đốc; bà Trần Thị Thủy, kế toán và Hoàng Thị Hường, thủ quỹ đã làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình. Vụ việc đã được chuyển giao cho Công an tỉnh Quảng Bình củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, điều tra xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Theo tin từ Báo Thừa Thiên Huế, Công an nhân dân, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (24-6), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Trần Đình Nam, nguyên Giám đốc Ban đầu tư và xây dựng huyện Phú Vang. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt giam đối với Vương Quốc Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Ban đầu tư và xây dựng huyện Phú Vang về hành vi tham ô tài sản với số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Nam đã ký 23 chứng từ gây thiệt hại 3,248 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng có liên quan.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Thanh tra, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Công an TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (26-6) cho biết, Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố, bắt giam các đối tượng nguyên là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Trà Vinh để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”. Các bị can gồm: Nguyễn Văn Chiến, nguyên Trưởng phòng; Lê Hữu Lễ, nguyên Phó phòng; Lý Kiến Trung, nguyên Phó phòng; Nguyễn Trọng Nghĩa và Trần Thanh Sơn, nguyên chuyên viên. Trước đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một số cán bộ của thành phố Trà Vinh đã thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về đất đai, để cho "cò" nhà đất và một số cán bộ, công chức trên địa bàn lợi dụng sơ hở trong thực hiện chính sách để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Báo Thái Bình, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Đài TNVN (27-6) dẫn nguồn tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị này đã đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thị Thủy, nhân viên Bưu điện huyện Thái Thụy về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra ban đầu, trong số những khách hàng đến Bưu điện huyện Thái Thụy gửi tiết kiệm, Thủy đã thu tiền gửi tiết kiệm của bảy khách hàng, nhưng không cấp số thẻ cho khách hàng mà phát hành biên lai thu tiền, đóng dấu phòng giao dịch, tất toán khống sổ tiết kiệm để chiếm đoạt 8,6 tỷ đồng.
Báo Lao Động, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Giao thông, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN (27-6) cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội công bố các quyết định kỷ luật cán bộ đảng viên vi phạm tại Đảng bộ huyện Phúc Thọ. Theo đó, ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện: Chịu trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy về những khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy. Trong thời gian là Chủ tịch UBND huyện (từ năm 2015 đến tháng 9-2016), ông Phú có sai phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo, quản lý và thực hiện để xảy ra vi phạm trong một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện, có dự án vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có cán bộ, đảng viên bị khởi tố và bắt tạm giam. Các vi phạm của ông Hoàng Mạnh Phú đã tác động làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương và cá nhân ông. Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật ông Hoàng Mạnh Phú bằng hình thức cách chức tất các chức vụ trong Đảng, đồng thời giao Công an Thành phố Hà Nội vào cuộc rà soát, xác minh về những sai phạm trên.
Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Người đưa tin, Đài TNVN (27-6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank). Hầu toà có bị cáo Phạm Văn Minh, cựu Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh thẻ Saigonbank; Dương Xuân Hùng, cựu nhân viên Trung tâm kinh doanh thẻ Saigonbank và Trần Vũ Long, cựu Giám đốc Trung tâm kinh doanh thẻ Saigonbank. Lợi dụng chức vụ, sau khi nhận tiền thu hồi từ các máy ATM và tiếp quỹ máy ATM, các đối tượng trên đã không làm theo quy trình do ngân hàng đưa ra mà cố tình tìm cách chiếm đoạt số tiền trên 17,3 tỷ đồng.
Báo Đại đoàn kết, Lao Động, Thanh tra, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN (27-6) theo nguồn tin của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, ông Trần Hữu Ninh, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, với trách nhiệm phụ trách Chương trình 135, trong 2 năm 2017 và 2018 đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, điều hành, thống nhất lập khống chứng từ để thanh toán chi phí phục vụ các lớp tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức, làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Đối với ông Đặng Thái Tôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã có những khuyết điểm vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Báo Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động (29-6) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa vừa tiến hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm huấn luyện thi đấu thể dục - thể thao tỉnh; ông Phạm Hồng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm và ông Hoàng Trung Thắng, Trưởng bộ môn đấu kiếm, Trung tâm huấn luyện thi đấu thể dục - thể thao tỉnh Thanh Hóa để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gây thất thoát kinh phí của nhà nước.
TIN QUỐC TẾ
Báo An ninh Thủ đô (26-6) cho biết, ông Vasily Boiko, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vash Finansovy Popechitel (VFP) được triệu tập đến trụ sở Tổng cục Điều tra, Ủy ban Điều tra Nga ở Mátxcơva vì có liên quan đến vụ tham ô 17 triệu rúp khiến Ngân hàng Kredit Express bị tước giấy phép hoạt động vào năm 2018 (vào thời điểm đó, ông là thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng này). Kết thúc buổi thẩm vấn, ông Vasily bị buộc tội “Tham ô tài sản” với số lượng đặc biệt lớn và bị bắt giam. Cùng bị bắt với ông Vasily còn có bà Alla Kabanova, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kredit Express ở Rostov.
Thông tấn xã Việt Nam (27-6) đưa tin, ông Ahmad Zahid Hamidi, cựu Phó Thủ tướng Malaysia đã bị Tòa sơ thẩm Shah Alam của bang Selangor cáo buộc 33 tội danh về nhận hối lộ liên quan đến hệ thống thị thực của Malaysia ở nước ngoài. Theo đó, ông Ahmad Zahid bị cáo buộc đã nhận hối lộ 9,32 triệu đô la Singapore (6,87 triệu USD) từ công ty Ultra Kirana Sdn Bhd. Đổi lại, ông đã giúp Ultra Kirana kéo dài hợp đồng cung cấp dịch vụ cho Trung tâm một cửa của Malaysia tại Trung Quốc cũng như hệ thống xử lý thị thực trực tuyến. Ultra Kirana cho biết Công ty này đã hối lộ ông Zahid tổng cộng khoảng 47 triệu ringgit (khoảng 11,3 triệu USD). Tuy nhiên, ông Zahid đã bác bỏ các cáo buộc này.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết công tác công an sáu tháng đầu năm 2019.
- Lãnh đạo Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình có hành vi tham ô hơn 1 tỷ đồng.
- Công an TP. Hà Nội vào cuộc xác minh sai phạm cựu Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ.
- Bắt tạm giam nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG