Điểm báo tuần số 324 từ ngày 15-7 đến ngày 20-7 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 23/07/2019, 16:41 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-7) đồng loạt đưa tin, Ðoàn kiểm tra của Ban Bí thư do đồng chí Phan Ðình Trạc, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Lắk để công bố Quyết định kiểm tra và triển khai kế hoạch, nội dung kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện các Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí Thư; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị và việc triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng đánh giá báo cáo tự kiểm tra của Tỉnh ủy Đồng Nai tương đối chi tiết, đã nêu được kết quả, ưu điểm cũng như khuyết điểm sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương ương 4 (khóa XII) và các quy định của Đảng về nêu gương; đồng thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk rất quan tâm chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với các quy định của Đảng về nêu gương; đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết, Quy định phù hợp với tình hình và điều kiện của tỉnh; xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng về chính trị bắt buộc đối với cán bộ. Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Lắk cần tiếp tục bổ sung, làm rõ thêm các nội dung về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc tiêu cực gây bức xúc trong Nhân dân; việc phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, báo chí và Nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên... Trên cơ sở đó, hoàn thiện báo cáo và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết, quy định của Ðảng trong thời gian tới.
Ðoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Ðảng kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các quy định của Đảng về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên tại tỉnh Đồng Nai |
Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Đời sống và Pháp luật, Giáo dục Việt Nam, Dân trí, VietnamNet, TTXVN (15-7) dẫn theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết: Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP, ngày 11-7-2019, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước. Cụ thể, đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định mới ban hành quy định hình thức xử phạt hành chính có mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Nghị định cũng quy định các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Dự trữ quốc gia; Kho bạc nhà nước; quản lý, sử dụng: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Giao thông, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Sức khỏe và Đời sống, Đời sống và Pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16-7) cho biết, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và đồng chí Nguyễn Hồng Trường, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sau khi xem xét Tờ trình số 214-TTr/UBKTTW ngày 12-7-2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: Vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011-2016 là nghiêm trọng, làm thiệt hại và thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, để nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Giao thông vận tải. Căn cứ Quy định số 07-QĐ/TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị về xử lý tổ chức đảng vi phạm. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức cảnh cáo. Đối với đồng chí Nguyễn Hồng Trường, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp; đồng ý cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ; thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách vi phạm, khuyết điểm gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Hồng Trường là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Giao thông vận tải và cá nhân đồng chí. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-12-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm và quá trình công tác, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Hồng Trường bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021. Đồng thời, Ban Bí thư yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Nguyễn Hồng Trường đồng bộ với xử lý kỷ luật về Đảng.
Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16-7) phản ánh các nội dung Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 04 dự án luật, gồm: Luật dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Cho ý kiến về việc đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 7, Khóa XIV; về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026; về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Xem xét, quyết định phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét, quyết định thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân (17-7) cho biết, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019. Sáu tháng đầu năm 2019, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng ủy Khối cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, bộ, ngành trong toàn Đảng bộ. Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên đúng quy định, có hiệu quả; đã thi hành kỷ luật 43 đảng viên. Đảng ủy Khối xác định nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối chủ động nắm tình hình, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc, quy chế, quy định, quy trình trong công tác tổ chức, cán bộ; công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên; kiểm tra những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra vi phạm, các đơn vị còn nhiều hạn chế, khuyết điểm; thường xuyên thực hiện việc giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần tích cực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng các cấp theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
Báo Đại biểu Nhân dân, Lao Động, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Đài THVN (17-7) đưa tin, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, toàn ngành đã chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thực hiện bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, kịp thời; công tác thông tin, báo cáo phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền được chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; công tác cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biển rõ nét; bộ phận “một cửa”, một cửa liên thông tiếp tục được duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính… Đáng chú ý, về tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến 30-6-2019, Bộ Nội vụ đã thẩm tra việc tinh giản biên chế với số lượng 41.515 người, giảm được 6,75% so với năm 2015; đến nay đã có 40 tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh… Đối với nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời để phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính các cấp; tập trung tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại, tạo thuận tiện cho người dân và tổ chức.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Thanh tra, Lao Động, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Thời báo Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (18-7) cho biết, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành Thanh tra. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm, ngành thanh tra phát hiện vi phạm gần 50.340 tỷ đồng, hơn 1.000 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách 34.500 tỷ đồng và 142 ha đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng. Về công tác tiếp công dân, cơ quan hành chính nhà nước các cấp thông qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại quyền lợi cho công dân 73 tỷ đồng, 2 ha đất; trả lại quyền lợi cho 800 người, xử lý hành chính 183 người, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ... Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra trọng tâm, trọng điểm, triển khai hiệu quả các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng theo kế hoạch; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng có hành vi tham nhũng...
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Kiểm Toán, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-7) đưa tin, Đoàn công tác do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng đoàn đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước về hoạt động kiểm toán và vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao kết quả ngành kiểm toán đã đạt được trong những năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, hoạt động Kiểm toán Nhà nước muốn đạt được hiệu quả thì phải đi vào trọng tâm, luôn bám sát nghị quyết của Đảng; góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng chí yêu cầu, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động; đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, biết lắng nghe, thận trọng, có phương pháp hoạt động khoa học và đạo đức nghề nghiệp; chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào những đối tượng có dấu hiệu vi phạm để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán…
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-7) phản ánh các nội dung của Hội nghị triển khai xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2019 và năm 2020 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức. Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 78/2019/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 714/NQ-UBTVQH14 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kèm theo bảng phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến về tám dự án luật; tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5-2020), sẽ xem xét thông qua 08 dự án luật, một dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về bảy dự án luật; tại Kỳ họp thứ 10, sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật và cho ý kiến về hai dự án luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nhận được đề nghị bổ sung hai dự án luật và một dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; một dự án luật vào năm 2020. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo, nhấn mạnh: Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác; coi việc hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Phát biểu ý kiến bế mạc Hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Để bảo đảm khối lượng, chất lượng công việc, yêu cầu đặt ra là Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra phải quyết liệt chỉ đạo, có kế hoạch chi tiết, giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm hoàn thành chương trình đề ra. Các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phát huy kết quả đạt được, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, thống nhất ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Thanh tra, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền Phong, Thời báo Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20-7) đồng loạt đưa tin, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ (phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8-2011 đến tháng 4-2016), đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh; đồng ý chủ trương để Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà sau khi nhận chuyển giao Công ty cổ phần cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; đồng ý chủ trương cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hoá); đồng ý chủ trương cổ phần hoá 10 đoạn quản lý đường thủy nội địa, đây là các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa được quy định cổ phần hoá trái với Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.... Với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (giai đoạn từ tháng 7-2006 đến năm 2011), đồng chí Vũ Văn Ninh đã thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, vi phạm Luật bảo hiểm xã hội, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; để hai Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (năm 2008-2009) vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong việc ký các hợp đồng cho Công ty cho thuê tài chính II, là tổ chức tín dụng phi ngân hàng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vay 1.010 tỷ đồng, làm cho Nhà nước thiệt hại lớn số tiền gốc và tiền lãi, hai lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị khởi tố để điều tra hình sự… Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vũ Văn Ninh là nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn tiền của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Vũ Văn Ninh bằng hình thức cảnh cáo. Bộ Chính trị yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Vũ Văn Ninh tương ứng với xử lý kỷ luật về Đảng.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Lao Động, Gia Lai, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Đấu thầu, Giao Thông, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN (15-7) dẫn thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với 3 đối tượng, gồm: Ngô Xuân Hiền, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku; Lê Huy Phong, Nguyễn Thành Tiên, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Pleiku vì có liên quan trong việc hợp thức hoá hồ sơ, giấy tờ để biến đất lâm nghiệp thành đất thổ cư, sau đó đem bán trục lợi. Liên quan đến vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố thêm 11 bị can khác với các tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Báo Thanh Niên, Đài TNVN (15-7) cho biết, từ thông tin nhận được qua đơn tố giác của công dân, Công an thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành xác minh, điều tra và phát hiện Nguyễn Duy Tân, Kế toán Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Giá Rai có hành vi lập chứng từ thanh quyết toán công trình xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, nhưng không chuyển khoản trả tiền cho đơn vị thi công, mà lại chuyển tiền vào tài khoản của người thân nhằm mục đích chiếm đoạt với số tiền hơn 151 triệu đồng. Hiện vụ án đã kết thúc điều tra, hồ sơ được chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân thị xã Giá Rai, đề nghị truy tố đối với Nguyễn Duy Tân về hành vi “Tham ô tài sản”.
Báo Công an nhân dân, Hải Phòng, Tuổi Trẻ, VnExpress (16-7) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đề nghị truy tố Trần Thị Kim Chi, cựu Giám đốc Oceanbank chi nhánh Hải Phòng; Lê Vương Hoàng, cựu kiểm soát viên; Nguyễn Thị Minh Huệ, cựu Trưởng phòng Kế toán kho quỹ và Chu Văn Nha, cựu thủ qũy cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”. Cơ quan chức năng xác định, theo chỉ đạo của bà Chi, Hoàng và Huệ nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nhưng không hạch toán lên hệ thống giao dịch của ngân hàng; phát hành 79 sổ tiết kiệm ngoài hệ thống cho khách hàng để chiếm đoạt hơn 242 tỷ đồng và gần 2,8 triệu USD (gần 61 tỷ đồng)... Bà Chi còn chỉ đạo cấp dưới tất toán và lập khống hồ sơ cho vay, cầm cố sổ tiết kiệm có trên hệ thống. Bà cho phát hành 28 sổ tiết kiệm ngoài hệ thống cho khách hàng, qua đó chiếm đoạt gần 111 tỷ đồng của ngân hàng.
Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet (17-7) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Ngọc Châu, nguyên là Chủ tịch UBND xã và Trương Thanh Thụ, nguyên là cán bộ địa chính xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo kết quả điều tra, cuối 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty cổ phần may Thịnh Vượng xây dựng nhà máy trên đất thuộc xã Hoằng Ngọc. Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc Bùi Ngọc Châu đã chỉ đạo Trương Thanh Thụ và một số đối tượng khác lập khống hồ sơ 05 hộ dân trong xã thuộc diện bị thu hồi đất để nhận 442 triệu đồng tiền đền bù, giải phóng mặt bằng rồi chia nhau 300 triệu đồng, còn 142 triệu đồng sử dụng xây dựng đường giao thông nông thôn. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan phục vụ điều tra mở rộng vụ án.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Giao Thông, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Thời đại, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN (17-7) dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã bắt tạm giam ông Tống Quang Thái, Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố Thanh Hóa. Trước đó, tháng 3- 2019, Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Đức và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú với bị can Dương Văn Trung, là hai cán bộ dưới quyền của Tống Quang Thái. Theo kết quả điều tra, từ tháng 01-2016, Đức và Trung được giao thực hiện công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất bị thu hồi tại phố Lễ Môn và phố Vạn Sơn thuộc phường Đông Hải. Thái đã chỉ đạo Đức và Trung tẩy xóa 38 biên bản kiểm kê thực tế hoa màu từ lúa sang thành hoa ly để tăng tiền chênh lệch đền bù đất, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1 tỷ đồng.
Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN, TTXVN (18-7) cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Mỹ Dung, nguyên nhân viên kế toán của Chi nhánh khu vực 6 - Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco) về tội "Tham ô tài sản". Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 1-2015 đến tháng 5-2018, tiền bán thuốc thu được và tiền thuế giá trị gia tăng đại lý nộp, Dung chỉ thanh toán một phần cho Công ty Sapharco, số còn lại chiếm đoạt tiêu xài cá nhân, số tiền mà Dung chiếm đoạt là gần 5,2 tỷ đồng. Bà Đặng Quyền Xuân Thanh, nguyên Trưởng Chi nhánh khu vực 6 - Công ty Sapharco, dù biết những việc làm của Dung, nhưng đã không báo cáo về Công ty Sapharco để giải quyết sự việc, tạo điều kiện cho Dung tiếp tục phạm tội. Bà Đặng Quyền Xuân Thanh bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
TIN QUỐC TẾ
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Nam Mỹ (17-7) dẫn thông báo của Cơ quan công tố Peru cho biết, ông Alejandro Toledo, cựu Tổng thống nước này đã bị bắt giữ tại Mỹ theo đề nghị dẫn độ của cơ quan chức năng Peru để điều tra về những cáo buộc tham nhũng trong thời gian tại vị (2001-2006). Ông Alejandro Toledo bị điều tra vì có liên quan tới hoạt động tham nhũng lớn của Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil. Theo lời khai của các nhân chứng, ông Toledo đã nhận 20 triệu USD của tập đoàn này để được tạo điều kiện thắng thầu các công trình công cộng ở Peru.
Theo tin từ Báo Thanh tra (18-7), Ủy ban Trách nhiệm Giải trình Quốc gia (NBA) - Cơ quan chống tham nhũng của Pakistan thông báo, ông Shahid Khaqan Abbasi, cựu Thủ tướng nước này đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng. Ông Abbasi giữ cương vị Thủ tướng Pakistan trong vòng chưa đầy một năm sau khi người tiền nhiệm là cựu Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức vào năm 2017. Năm 2018, Ủy ban Trách nhiệm Giải trình Quốc gia đã mở cuộc điều tra đối với ông Shahid Khaqan Abbasi và ông Sharif liên quan tới một dự án về khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Hiện nay, ông Nawaz Sharif đang thụ án 7 năm tù giam sau khi bị kết tội trong một vụ án tham nhũng khác.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
- Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên tại tỉnh Đồng Nai và Đắk Lắk.
- Bắt tạm giam Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố Thanh Hóa.
- Khởi tố Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG