Điểm báo tuần số 447 từ ngày 22/11 đến ngày 28/11 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 29/11/2021, 14:34 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22/11) đưa tin, tại kỳ họp thứ 8, khóa 11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với đồng chí Vy Vũ Hồng Thảo, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh theo thẩm quyền. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai cũng nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm đối với đồng chí Tạ Quang Trường, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nội vụ và đồng chí Trần Thị Ái Liên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nội vụ.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Đảng Cộng sản, Công an nhân dân, Quốc hội, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/11) đồng loạt phản ánh các nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bằng hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh thành trên cả nước. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị cũng là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với hơn 150 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học… nhằm khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa, đồng thời, các tham luận cũng “hiến kế” định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động,Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (25/11) cho biết, Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa tham nhũng và tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế. Vì vậy, trong thời gian tới, 2 bên cần tăng cường phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về hoạt động của các tổ chức tín dụng; phải quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, có bệnh phải chữa ngay, không nuôi ung thành họa, không để sai phạm trong hoạt động của một tổ chức tín dụng làm đổ vỡ cả hệ thống; cần đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Cục Chống rửa tiền, Cơ quan giám sát nội bộ, cơ quan xử lý nợ xấu..; chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác thẩm định cho vay; quản lý, xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu... để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh và xử lý nghiêm các sai phạm ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của ngành ngân hàng; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng (rửa tiền, thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay, cho thuê, thanh toán...) qua tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”. Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị, 2 cơ quan phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá các hành vi vi phạm pháp luật qua xử lý các vụ án, vụ việc vừa qua trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng để rút ra những bài học kinh nghiệm; vừa để tăng cường các biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa các loại tội phạm có thủ đoạn tinh vi, phức tạp, công nghệ cao; vừa kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc trong lĩnh vực ngân hàng, không để xảy ra các vụ án, vụ việc tương tự trong thời gian tới; tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án và công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phối hợp chỉ đạo xử lý, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt của các tổ chức tín dụng trong các vụ án theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
    Báo Nhân Dân điện tử, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (25/11) đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã ký Quyết định số 4135/QĐ-UBND về việc kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Đàm Quang Vinh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai theo quy định tại khoản 3, Điều 13, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Ông Đàm Quang Vinh, bị buộc thôi việc kể từ ngày 25/11/2021, do đã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không hợp pháp. Trước đó, Kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai khóa XVI đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng đối với ông Đàm Quang Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai do đã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không hợp pháp. Ông Vinh được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai từ ngày 27/3/2020.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Dân trí, Khánh Hòa, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (26/11) phản ánh nội dung Hội nghị giao ban đánh giá tình hình, kết quả công tác công an tháng 11/2021, do Bộ Công an tổ chức. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu, trong tháng 12, lực lượng công an nhân dân cần tiếp tục triển khai các phương án của Bộ về tăng cường phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19; phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm; tập trung hoàn thành mục tiêu giảm 5% số tội phạm về trật tự, an toàn xã hội so với năm 2020 và mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội bảo đảm chất lượng và tiến độ trả căn cước công dân cho người dân; tiếp tục thúc đẩy triển khai phần mềm VN-eID ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường kiểm tra toàn diện cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trong toàn quốc; triển khai cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại biểu Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Sài Gòn Giải phóng, Thanh Niên, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26/11) cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương để xem xét về 5 vấn đề cấp bách, dự kiến được đưa ra thảo luận tại kỳ họp bất thường của Quốc hội. Cụ thể gồm các nội dung như sau: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật (Luật Đầu tư công, Luật đầu tư công theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự); (2) Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; (3) Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; (4) Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; (5) Dự án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Mục đích của cuộc làm việc này nhằm định hướng việc nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các chính sách để tiếp tục hoàn thiện về từng nội dung; đồng thời, xác định rõ quy trình, thủ tục trình, thẩm tra, xem xét trên cơ sở đó, nếu đủ điều kiện và bảo đảm chất lượng sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là những nội dung có tính cấp bách, đột xuất, rất quan trọng cho quốc kế dân sinh, nhưng cũng là vấn đề khó, phức tạp, cần tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo, bảo đảm chất lượng nội dung 5 vấn đề nêu trên; đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Quốc hội sẽ chỉ xem xét tối đa 5 vấn đề mà không nhất thiết phải làm cho đủ nếu các vấn đề này có chất lượng chuẩn bị không bảo đảm yêu cầu và không bổ sung thêm các nội dung khác. Trên tinh thần đó, lãnh đạo Quốc hội đã nghe, cho ý kiến cụ thể từng vấn đề để xem xét về quy trình, thủ tục; xem xét tác động từng chính sách để chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, nếu đủ điều kiện sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường dự kiến tổ chức cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/11) đưa tin, thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu quốc hội TP Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa theo hình thức trực tuyến. Trả lời ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc; đã đánh giá cao kết quả của Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV. Công tác xây dựng luật; những vấn đề hệ trọng của đất nước đưa ra trong chương trình kỳ họp; công tác giám sát đều được Quốc hội thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc trước khi quyết định. Chất vấn và trả lời chất vấn đều tập trung vào những vấn đề được cử tri quan tâm. Tổng Bí thư đồng tình với cử tri cho rằng, chất lượng ý kiến phát biểu của đại biểu, công tác giám sát của Quốc hội cần quan tâm hơn; cần cải tiến, nâng cao chất lượng các nghị quyết, các luật nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống,… Trao đổi với cử tri một số vấn đề được quan tâm, Tổng Bí thư nêu rõ, Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới được tổ chức có quy mô lớn, có nhiều nội dung quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Đây là cách làm mới của nhiệm kỳ này. Trước đó, đã có một số hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, như phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới với các đia phương; các hội nghị của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 9 cơ quan khối nội chính. Trong tháng 12 tới, sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; về công tác đối ngoại. Việc tổ chức 6 hội nghị này là để xây dựng, thống nhất chương trình hành động, kế hoạch công tác cho toàn khóa với tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” dưới sự lãnh đạo của Đảng để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nhấn mạnh, điểm mới trong nhiệm kỳ này là không chỉ phòng, chống tham nhũng mà chú trọng phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây mới là cái gốc. Nếu có tư tưởng, đạo đức trong sáng, thật sự vì nước vì dân thì ai tham nhũng. Phải đấu tranh, triệt từ cái gốc này. Tổng Bí thư cũng trao đổi về một số kết quả trong công tác đối ngoại gần đây; về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Theo Tổng Bí thư, đường lối đối ngoại của Đảng phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, có lý luận, có chiến lược và tầm nhìn; đồng thời luôn bám sát thực tiễn, kiên quyết, độc lập, tự chủ và cũng rất mềm dẻo, khôn khéo. Về phòng, chống dịch, Tổng Bí thư cho biết, chúng ta đã có các giải pháp kịp thời, vừa chống dịch vừa tổ chức phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội; tuyệt đối không được chủ quan, quyết tâm ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VnExpress, VietNamNet, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22/11) đưa tin, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên để kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá cao và biểu dương tỉnh Phú Yên trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát được tình hình và tổ chức đón công dân về địa phương và chăm lo đời sống người lao động gặp khó khăn. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị tỉnh Phú Yên thực hiện nghiêm các chủ trương chỉ đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là các nghị quyết mới của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4; khắc phục những tồn tại, hạn chế, phối hợp nâng cao chất lượng xử lý các vụ việc, vụ án; trong xử lý tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa là chính, tuy nhiên khi phát hiện các sai phạm phải xử lý nghiêm, bảo đảm tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh hơn… Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục xem phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ quan trọng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, khẩn trương có những giải pháp thích hợp để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; báo cáo Trung ương kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh; đề cao công tác phòng ngừa, giáo dục và vai trò giám sát của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, xây dựng Đảng bộ tỉnh Phú Yên đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, đưa Phú Yên ngày càng phát triển.
 
    Báo Tiền  Phong, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Công lý, Hà Nội mới, Người lao động, Dân trí, VnExpress (22/11) cho biết, Công an thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt tạm giam Trần Minh Hải, cán bộ Tổ quản lý Đô thị xây dựng UBND phường 11, thành phố Vũng Tàu về hành vi “Nhận hối lộ”. Châu Thị Thuận, trú tại phường 11, thành phố Vũng Tàu, khai đã mua mảnh đất tại phường 11, nhưng là đất nông nghiệp không xây dựng được nên đặt vấn đề nhờ Hải giúp đỡ. Hải ra giá 50 triệu đồng, đưa trước 30 triệu đồng, phần còn lại sẽ gửi khi làm nhà xong. Ngày 20/11/2021, công an phường phát hiện nhà Thuận xây trái phép, quay video ghi nhận sự việc. Theo hướng dẫn của Hải, Thuận bỏ 10 triệu đồng vào phong bì kẹp vào xấp giấy mang đến trụ sở công an phường đưa cho cảnh sát nói "tài liệu UBND phường nhờ gửi" rồi ra về. Cán bộ công an sau đó yêu cầu Thuận đến nhận lại phong bì tiền nhưng chị này không thực hiện nên báo cáo cấp trên. Biết Thuận bị triệu tập, Hải ra đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Người Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (23/11) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Quan, Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông - Chi nhánh Cần Thơ về hành vi “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra, lợi dụng chức vụ Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông, Quan tự tạo tài khoản công ty mở tại Ngân hàng Tiên Phong - Chi nhánh Cần Thơ, tự ghi hóa đơn giá trị gia tăng chênh lệch số tiền giữa liên 1 và liên 2, liên 1 xuất bán bảo hiểm cho khách lẻ và đăng nộp tiền về Công ty, còn liên 2 sẽ xuất hóa đơn bán bảo hiểm cho các công ty, doanh nghiệp với số tiền lớn và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Quan tự mở để chiếm đoạt. Từ tháng 9/2018 đến nay, với thủ đoạn trên, Quan chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (23/11) cho biết, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quyết định về việc phân công kiêm giữ chức Phó Trưởng ban và Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Quyết định số 378-QĐNS/TW, Bộ Chính trị quyết định phân công bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiêm giữ chức Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Quyết định số 379-QĐNS/TW, Bộ Chính trị quyết định phân công ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, kiêm giữ chức Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sau khi kiện toàn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm 18 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm Phó Trưởng Ban Thường trực và 5 Phó Trưởng ban khác.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/11) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt  tạm giam đối với 04 bị can, gồm: Hồ Đắc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam; Hà Văn Thuận, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương; Nguyễn Kim Liên, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; Vũ Thị Lợi, nguyên Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện là Phó Phòng Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh nêu trên đúng quy định pháp luật. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (24/11) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C01) cho biết, đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 04 đối tượng là cán bộ, viên chức Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị can gồm: Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện; Phan Thị Bích Hạnh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện; Nguyễn Đỗ Nguyên, Trưởng Khoa Tổng hợp Bệnh viện và Lương Ngọc Tuấn, Phó trưởng Khoa Khám mắt Bệnh viện. Trước đó, liên quan đến vụ án C01 đã khởi tố, bắt tạm giam 04 bị can; trong đó có 01 Giám đốc Bệnh viện và 02 Phó Giám đốc Bệnh viện mắt thành phố Hồ Chí Minh. Các bị can này được xác định có tham gia chỉ đạo, thực hiện gói thầu "Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018" của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh và phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
 
    Báo Vĩnh Long, Tiền Phong, Đài THVN (26/11) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử 04 bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, gồm Lê Hữu Rí, nguyên Hiệu trưởng; Nguyễn Văn Sang , nguyên kế toán; Nguyễn Thị Đào, nguyên thủ quỹ và Lê Thị Đỗ Quyên, nhân viên của trường. Theo cáo trạng, Lê Hữu Rí đã lợi dụng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính chỉ đạo Sang, Đào, Quyên  lập hàng loạt chứng từ giả, không có chi thật, mua bán hóa đơn quyết toán khống để quyết toán với Kho bạc Nhà nước số tiền 4 tỷ 681 triệu đồng, sau đó chia nhau tiêu xài. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lê Hữu Rí và Nguyễn Văn Sang mỗi bị cáo 16 năm tù, Nguyễn Thị Đào 9 năm tù và Lê Thị Đỗ Quyên 3 năm tù.
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26/11) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Đình Đạt, cựu Trưởng quỹ Phòng giao dịch nội bộ và giao dịch 3, thuộc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng TMCP An Bình, mức án chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Liên quan vụ án, bị cáo Phan Thanh Đăng, cựu Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, kiêm nhiệm trưởng Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt, bị phạt 30 tháng tù; Nguyễn Kiều Hương; cựu Trưởng phòng dịch vụ nội bộ và giao dịch 3, bị phạt 30 tháng tù, Phạm Công Thủy, cựu Thủ quỹ Phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt, bị phạt 27 tháng tù, cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”. Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa còn buộc bị cáo Đạt phải bồi thường hơn 74 tỷ đồng cho ngân hàng An Bình. Theo cáo trạng, các bị cáo Đạt, Đăng và Hương được ngân hàng An Bình giao nhiệm vụ đối chiếu số lượng tiền trong kho quỹ với hệ thống sổ sách, rồi mới được khoá cửa kho. Tuy nhiên, trong nhiều tháng, ông Đăng và bà Hương không thực hiện việc kiểm kê kho tiền vào cuối ngày theo quy định. Lợi dụng sơ hở trên, Đạt nhiều lần tự ý vào kho quỹ và sử dụng một số thủ đoạn khác để chiếm đoạt hơn 74 tỷ đồng của ngân hàng. 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (27/11) dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết đã phê chuẩn các quyết định của Công an tỉnh Bình Phước về khởi tố, bắt tạm giam 03 bị can: Đoàn Thế Nam, nguyên Hiệu trưởng; Lê Thành Trung, nguyên Phó Hiệu trưởng và Nguyễn Trung Tín, nguyên Kế toán trưởng Trường cao đẳng nghề Bình Phước về tội “Tham ô tài sản”. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm học 2015-2016 đến năm học 2018-2019, các bị can Đoàn Thế Nam, Lê Thành Trung, Nguyễn Trung Tín đã lập các tờ trình UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt, cấp kinh phí đào tạo, kèm theo danh sách học sinh, sinh viên trúng tuyển nhiều hơn số trúng tuyển, tham gia học thực tế là 673 học sinh, sinh viên, rồi rút khống số tiền hơn 6,28 tỷ đồng của ngân sách Nhà nước. Các bị can này còn lập khống danh sách học sinh, sinh viên diện chính sách (học sinh dân tộc nội trú) trúng tuyển tham gia học tại trường được Nhà nước chi trả tiền cơm, tiền tàu xe, đồ dùng cá nhân, chi bảo hiểm y tế… rút khống số tiền hơn 7,7 tỷ đồng của ngân sách Nhà nước. Các hành vi vi phạm này gây tổng thiệt hại tạm tính hơn 14 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (26/11) đưa tin, Jordan đạt 38 điểm đứng đầu khu vực Ả Rập và thứ 57 trên toàn cầu về các nỗ lực chống tham nhũng theo Chỉ số Tham nhũng toàn cầu (GCI) năm 2021, so với thứ hạng 66 của năm ngoái. Báo cáo GCI 2021 là ấn bản thứ tư, bao gồm đánh giá xếp hạng 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, cung cấp một cái nhìn tổng thể về tình trạng tham nhũng trên thế giới dựa trên 43 biến số. Chỉ số này cũng liệt kê Jordan là quốc gia có “nguy cơ tham nhũng thấp”. Trong khu vực Ả Rập, Jordan đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là Qatar, Ả Rập Saudi, Oman và UAE. Kết quả chỉ số tham nhũng các quốc gia được trình bày trên thang điểm từ 0-100, với 0 là rủi ro tham nhũng thấp nhất và 100 là cao nhất. Theo chỉ số này, các tiêu chí chính được xem xét để đo lường tham nhũng là tình trạng phê chuẩn các công ước chống tham nhũng chính; mức độ nhận thức của công chúng về tham nhũng; kinh nghiệm được báo cáo về tham nhũng trong lĩnh vực công, tư nhân và lựa chọn các đặc điểm của quốc gia có liên quan chặt chẽ đến tham nhũng. Trên toàn cầu, Phần Lan đứng đầu bảng xếp hạng về ít rủi ro tham nhũng nhất, tiếp theo là Na Uy, New Zealand, Đan Mạch và Thụy Điển. Nhóm các quốc gia có nguy cơ tham nhũng cao là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Syria, Libya, Yemen và Cộng hòa Congo. Kể từ năm 2018, GCI là một chỉ số tham khảo đo lường cả tham nhũng công và tư (dựa trên nhận thức và kinh nghiệm) cũng như các tội phạm liên quan khác như rửa tiền và các vấn đề tài trợ cho khủng bố.
 
    Báo An ninh Thủ đô (28/11) cho biết, Ông Nir Hefetz - cựu Cố vấn truyền thông cho cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuần qua đã ra điều trần trước tòa. Đây được coi là một nhân chứng quan trọng trong vụ xét xử cựu lãnh đạo Israel với cáo buộc gian lận, vi phạm tín nhiệm và tham nhũng. Trong các ngày 22/11 và 23/11/2021, cựu cố vấn Nir Hefetz đã đưa ra lời khai tại phòng xử án quận Jerusalem liên quan đến “Vụ án 4000”, trong đó ông Netanyahu bị cáo buộc đã tác động để thu lợi bất chính và sinh lợi cho “gã khổng lồ viễn thông” Israel Bezeq của doanh nhân Shaul Elovitch, đổi lại ông Netanyahu được đưa tin tích cực trên trang tin tức Walla (thuộc sở hữu của ông Elovitch). Năm 2018, sau khi bị bắt vì liên quan đến một trong các vụ án tham nhũng của cựu Thủ tướng Netanyahu, ông Hefetz đã ký một thỏa thuận làm nhân chứng và cung cấp cho cơ quan điều tra bản ghi âm các cuộc trò chuyện với ông Netanyahu và gia đình vị lãnh đạo này…
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phú Yên
    - Hội nghị trực tuyến Văn hóa toàn quốc
    - Kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
    - Ban Nội chính Trung ương sơ kết Quy chế phối hợp với Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.