Điểm báo tuần số 450 từ ngày 13/12 đến ngày 19/12 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 20/12/2021, 11:22 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13/12) đưa tin, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai thực hiện Lệnh bắt tạm giam một bị can là cán bộ quản giáo tại Trại giam Thủ Đức (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an), đóng tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận về “Tội dùng nhục hình” được quy định tại Điều 373 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan điều tra đã được Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 6) phê chuẩn. Đối tượng bị Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bắt tạm giam là Đại úy Nguyễn Doãn Tú, cán bộ quản giáo tại một Phân trại sản xuất thuộc Trại giam Thủ Đức (Trại giam Z30D). Trước đó, Trại giam Z30D đã đình chỉ công tác Đại úy Nguyễn Doãn Tú để phục vụ điều tra, sau khi một phạm nhân tố cáo vị đại úy này có hành vi dùng nhục hình đối với mình trong quá trình đưa phạm nhân đi lao động. 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Thanh tra,  Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (14/12) đưa tin, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; và cũng có thể gọi đây là Hội nghị có ý nghĩa lịch sử vì đây là Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị... Để góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất đỗi vẻ vang  cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại. Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia-dân tộc. Tổng Bí thư nêu rõ, cần phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030. Tổng Bí thư đề nghị, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh-quốc phòng với các nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực; tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/12) đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo cáo trạng truy tố, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 - 5/12/2018, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng theo tài liệu truy tố, ngày 9/8/2018, Phạm Thị Đoan Trang trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt và có phát ngôn các nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Tiếp đến, ngày 5/12/2018, bị cáo Trang có hành vi trả lời phỏng vấn trên Đài Á Châu tự do (RFA), trong đó có những phát ngôn, tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân thông qua trả lời phỏng vấn tại bài “Phạm Thị Đoan Trang: Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam không có khát khao dân chủ và tự do”. Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhiều lần thực hiện các hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Thị Đoan Trang 9 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/12) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương và Quân ủy Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác. Hội nghị lần này thảo luận, cho ý kiến, đánh giá tình hình, kết quả công tác phối hợp, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chiến lược, đề án, chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, quân sự quốc phòng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nghiên cứu xây dựng, thẩm định các đề án về tổ chức hoạt động của các cơ quan chức năng, tư pháp, thanh tra, pháp lý trong Quân đội; tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hướng dẫn theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện, trao đổi thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của 2 cơ quan và một số nhiệm vụ khác. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban Nội chính Trung ương và Quân ủy Trung ương, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên. Đồng chí nhấn mạnh, nội dung công phối hợp giai đoạn mới. Trong đó, hai bên tăng cường phối hợp, tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ thành kế hoạch, chương trình hành động của mỗi cơ quan để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính và Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị...
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/12) đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo Trịnh Bá Phương (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1972), cùng trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo cáo trạng truy tố, đầu năm 2020, lực lượng quân đội thực hiện xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn và Công an TP Hà Nội, thực hiện công tác bảo vệ an ninh-trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Thời điểm này, lợi dụng mạng xã hội Facebook, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên tài khoản cá nhân “Trịnh Bá Phương”, “Nguyễn Thị Tâm”, “Tâm Dương Nội” các nội dung liên quan đến sự việc ở xã Đồng Tâm. Những thông tin và nội dung phát tán, chia sẻ này đã xuyên tạc, bịa đặt tình hình đang diễn ra tại xã Đồng Tâm, phỉ báng chính quyền, kích động nhân dân chống đối, thóa mạ, hạ uy tín lực lượng chức năng, xúc phạm uy tín danh dự người khác, gây hoang mang trong nhân dân, nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Trịnh Bá Phương không khai nhận hành vi phạm tội, không thành khẩn, chống đối. Qua quá trình xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tuyên phạt Trịnh Bá Phương 10 năm tù và Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù về tội danh nêu trên. 
 
    Báo Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (15/12) đưa tin, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí: Cao Minh Quang, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; Đại tá Phạm Thái Sơn, Phó Chủ nhiệm Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Đàm Quang Vinh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai; Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định: Thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Lê Hùng Sơn và Đàm Quang Vinh. Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Cao Minh Quang và Đại tá Phạm Thái Sơn. Giao các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ đối với các cá nhân nêu trên theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Dân trí, Khánh Hòa, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (15/12) đưa tin, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và Công an Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp… đồng loạt ra quân bảo đảm an ninh an toàn trong dịp Tết Nguyên đán. Với mục tiêu đảm bảo tốt ANTT phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân bình an và hạnh phúc, Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đồng loạt ra quân tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (16/12) đưa tin, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị lần thứ ba, nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị. Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị lần thứ ba, nhiệm kỳ 2020-2025 để thông qua báo cáo tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2021; xác định phương hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội năm 2022. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những kết quả đạt được của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021; đồng thời hoan nghênh việc xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”. Điểm lại những kết quả nổi bật trong năm 2021, bày tỏ sự đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, nhất là ở vùng biên giới, biển, đảo và chống tiêu cực trên không gian mạng. Quân đội phải tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch và giúp dân; tích cực, chủ động làm tốt hơn công tác dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước, thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tổng Bí thư lưu ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, xây dựng lực lượng tinh, gọn, mạnh, hiện đại; phòng, chống tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân; làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Công lý, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17/12) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã thông báo về việc xem xét thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Theo đó, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Chi ủy Ban Nội chính Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015-2020) do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc của chi bộ, quy chế dân chủ ở cơ sở; buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính của cơ quan; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn tố cáo của đảng viên trong chi bộ không đúng quy định, không nghiêm túc, không triệt để, dẫn đến phát sinh đơn tố cáo vượt cấp, kéo dài, gây mất đoàn kết nội bộ; quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng đối với ông Nguyễn Văn Chiến, với cương vị là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng thuộc Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang đã buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ, đảng viên trong chi bộ, cơ quan vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý kỷ luật; trực tiếp tham mưu ban hành chủ trương thanh, quyết toán kinh phí của cơ quan trái quy định của pháp luật, ký khống nhiều chứng từ kế toán để thanh toán tiền từ ngân sách Nhà nước sai quy định, gây thất thoát với số tiền lớn; thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng đối với bà Nguyễn Thị Hồng Vân, đảng viên, chuyên viên, kế toán Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát chứng từ kế toán; trực tiếp tham mưu lập khống, ký khống nhiều chứng từ kế toán để thanh toán tiền từ ngân sách Nhà nước sai quy định, gây thất thoát với số tiền lớn. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cũng xem xét, biểu quyết đề nghị Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện quy trình xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy do có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc sinh hoạt đảng, vi phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo, quản lý, sử dụng kinh phí của cơ quan, gây thất thoát với số tiền lớn, làm phát sinh đơn tố cáo, gây mất đoàn kết nội bộ kéo dài.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18/12) đưa tin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến vào Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật” do Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào chuẩn bị. Sau khi nghe các thành viên dự họp nêu ý kiến, phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật” có ý nghĩa lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Do đó Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu ý kiến, tiếp tục bổ sung Đề án, trong đó cần đưa ra được các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo luật trong cả hệ thống các cơ sở đào tạo lĩnh vực này mà trước hết là tập trung cho hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, cần triển khai kiên quyết hơn một số biện pháp, thí dụ như đóng cửa các cơ sở đào tạo không đạt yêu cầu về số lượng giáo viên cơ hữu, số lượng sinh viên, giáo trình giáo án, cơ sở vật chất… Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành bộ tiêu chí để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật. Một nội dung quan trọng là đối với sinh viên luật phải đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, quan điểm lập trường, trong đó có việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ Đảng, chế độ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Yêu cầu trong quý I/2022 Đề án phải được phê duyệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án, Bộ Tư pháp thẩm tra và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Về nhiệm vụ năm 2022, ngoài 11 chương trình Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã xây dựng, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như dành nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống các cơ quan tư pháp; tiếp tục dành thời gian đóng góp và hoàn thành dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, VnExpress, VietNamNet, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13/12) đưa tin, sau hai ngày xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan. Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội 8 năm tù; bị cáo Võ Tiến Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước) 4 năm tù và bị cáo Nguyễn Trường Giang, nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic 4 năm 6 tháng tù, cùng về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung, tổng hợp với bản án 5 năm tù trước đó về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, hình phạt chung đối với bị cáo Chung là 13 năm tù. Ngoài ra, Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt bổ sung, cấm hai bị cáo Nguyễn Đức Chung và Võ Tiến Hùng giữ các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp tài chính trong các tổ chức kinh tế Nhà nước từ 3-4 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Đối với số tiền thiệt hại trong vụ án, tòa yêu cầu các bị cáo Chung và Giang liên đới bồi thường cho Công ty Thoát nước hơn 36 tỷ đồng. Tại phần tuyên án, Hội đồng xét xử nêu rõ, đây là vụ án rất nghiêm trọng, quá trình triển khai thực hiện công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm nước tại các hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội, lợi dụng vị thế công việc trong Ủy ban nhân dân thành phố và vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác nhau, các bị cáo trong vụ án, đứng đầu là bị cáo Nguyễn Đức Chung đã có các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cố ý làm trái chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ký kết 15 hợp đồng kinh tế mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Watch Water thông qua Công ty Arktic (là công ty gia đình bị cáo Chung) để Công ty Arktic được hưởng lợi nhuận không chính đáng số tiền hơn 36 tỷ đồng, gây thiệt hại cho vốn ngân sách Nhà nước số tiền đặc biệt lớn và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác... 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13/12) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Hồ Quang Thi, nguyên kế toán Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai để điều tra về tội "Tham ô tài sản". Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận thanh tra “Dự án Xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh” do Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư. Kết luận thanh tra phát hiện gây thất thoát, lãng phí 979 triệu đồng ngân sách và để kế toán của Sở chiếm đoạt 575 triệu đồng rồi bỏ nhiệm sở. Trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thanh quyết toán liên quan gói thầu, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai giao cho ông Nguyễn Đình Trúc, Phó Chánh Văn phòng sở thực hiện thanh quyết toán số tiền nhập liệu với số tiền 575 triệu đồng. Tuy nhiên, khi kiểm tra máy tính cơ quan, ông Trúc biết được không có dữ liệu hồ sơ cán bộ nên tiến hành hoàn trả lại số tiền này vào tài khoản của cơ quan. Từ số tiền hoàn trả lại cơ quan do ông Trúc chuyển trả, ông Huỳnh Văn Tâm lúc này là Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai (hiện nay, ông Huỳnh Văn Tâm giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai) đã ký 16 ủy nhiệm chi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của ông Hồ Quang Thi là kế toán Sở Nội vụ. Sau đó, ông Thi chiếm đoạt số tiền nhập liệu khống 575 triệu đồng. Khi bị phát hiện, ông Thi bỏ việc (từ năm 2018)…
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (14/12) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bạc Liêu) đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Trần Huy Toàn (sinh năm 1979, trú ở Ấp 2, xã An Trạch A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) để điều tra, làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ của công an, thông qua giới thiệu, Trần Huy Toàn gặp gỡ bà N. T. L. (trú ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) và nói là quen biết nhiều người và có khả năng "chạy án" cho người thân của bà này đang bị tạm giam về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Trần Huy Toàn yêu cầu gia đình bà L. đưa tiền để Toàn "lo thủ tục". Với thủ đoạn trên, từ cuối tháng 5/2020, Trần Huy Toàn đã nhiều lần nhận tiền của bà L. với tổng số tiền gần 550 triệu đồng. Tuy nhiên, do nghi ngờ Toàn lừa đảo nên vào ngày 10/12 bà L. đã đến cơ quan công an để tố giác. Công an tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (15/12) cho biết, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các Kết luận, Quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị công an các đơn vị, địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo theo tinh thần mới của Trung ương; ban hành Bộ tiêu chí đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công an nhân dân, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của công an các đơn vị, địa phương. Đồng thời yêu cầu, công an các cấp nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo với phương châm giám sát phải thường xuyên và mở rộng; phát hiện và ngăn ngừa vi phạm từ sớm, từ xa, từ lúc mới manh nha; kiên quyết không để vi phạm nhỏ hình thành vi phạm lớn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng thực sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch. Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu: Tăng cường bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời cán bộ dũng cảm, đấu tranh phòng chống tham nhũng; đồng thời, tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu…
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Đại Đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên (17/12) dẫn nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Bùi Văn Dịp (SN 1973), trú tại TP Hòa Bình, là Giám đốc Thư viện tỉnh Hòa Bình, thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Qua tài liệu cơ quan điều tra, ngày 16/8/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình tiếp nhận đơn tố cáo của người dân về việc Bùi Văn Dịp có hành vi tham nhũng, chiếm đoạt dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình xác định, đối tượng Bùi Văn Dịp chỉ đạo nâng khống công nợ thực tế tại các cửa hàng hoa Tạ Văn Đại, in Lê Giang để rút số dư dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Hòa Bình số tiền 23,2 triệu đồng. Hành vi lập các chứng từ khống nhằm mục đích hợp thức, che đậy hành vi chiếm đoạt số tiền trên... Hành vi của Dịp là xâm phạm chiếm đoạt tiền ngân sách của Nhà nước gây thiệt hại trên 23,2 triệu đồng. Mặc dù nhận thức được việc nâng khống công nợ rút tiền ngân sách Nhà nước là sai quy định nhưng bị can Dịp vẫn cố ý thực hiện.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Người Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Dân trí, Thanh tra (18/12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can đối với bảy đối tượng gồm: Phan Quốc Việt, sinh năm 1980, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á; Phan Tôn Noel Thảo, Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng, nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến, sinh năm 1965, Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến... Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, VietNamNet, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18/12) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương phối hợp Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế, Chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng (2016-2021). Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị, Ban Nội chính Trung ương và 4 cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là phối hợp tham mưu chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo lâu dài; phải làm cho cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp nhận thức sâu sắc tính lâu dài, tính phức tạp của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phải luôn gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Công tác tuyên truyền của báo chí phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan phải tăng cương phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý. Tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực, vừa để xử lý nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật. Phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực do báo chí phản ánh, dư luận quan tâm. Đồng chí lưu ý, cần tiếp tục tích cực, chủ động hơn trong phối hợp cung cấp thông tin, định hướng tuyên tuyền việc xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm; các vụ việc, vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo xử lý. Bảo đảm việc thông tin khách quan, chính xác, kịp thời, nhạy bén và đi trước. Vừa để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân, vừa không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, nhất là phối hợp thông tin kịp thời trước, trong và sau xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, dư luận đặc biệt quan tâm. Phối hợp tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kết quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục phối hợp thông tin kịp thời hoạt động của 2 Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương-Cơ quan thường trực của 2 Ban Chỉ đạo. Nhất là thông tin kịp thời các phiên họp của 2 Ban Chỉ đạo, các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo, thành viên 2 Ban Chỉ đạo...
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (13/12) đưa tin, hàng nghìn người dân xuống đường tại Thủ đô của El Salvador phản đối tham nhũng; vài ngày sau khi Mỹ công bố các lệnh trừng phạt đối với một phụ tá thân cận của Tổng thống Nayib Bukele. Các thẩm phán hiện tại và cựu thẩm phán cũng đã tham gia cuộc biểu tình, kêu gọi tôn trọng sự phân chia quyền lực. Trước đó, ngày 9/12, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Carolina Recinos - Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống vì cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, lãnh đạo El Salvador gọi các cáo buộc này là "vô lý".
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
   
    - Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng  lần thứ XIII 
    - Ban Nội chính Trung ương sơ kết Quy chế phối hợp với Quân ủy Trung ương
    - Ban Bí thư thi hành kỷ luật cán bộ
    - Hội nghị lần thứ ba Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025
    - Chủ tịch nước chủ trì phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương
    - Ban Nội chính Trung ương sơ kết Quy chế, Chương trình phối hợp với các cơ quan truyền thông.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.