Điểm báo tuần số 507 từ ngày 30/01 đến ngày 05/02 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 06/02/2023, 13:45 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Theo tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (30/01) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận Kết luận điều tra và hồ sơ vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đề nghị Viện kiểm sát truy tố 4 bị can. Theo điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, cung cấp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố cũng quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Mai Nhi, trợ lý bà Hằng; Lê Thị Thu Hà, nhân viên Công ty; Huỳnh Công Tân, Trưởng phòng truyền thông.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (01/02) cho biết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các ông: Dương Ngọc Long, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011-2016); Vũ Hồng Bắc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021. Cùng với đó, Thủ tướng quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nhữ Văn Tâm, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và ông Đoàn Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021; kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021. Việc kỷ luật các ông này do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (01/02) thông tin, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Thị Hồng Phúc, trú tại xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Cơ quan điều tra, qua nhiều tài liệu thu giữ được tại nơi ở của Võ Thị Hồng Phúc cho thấy, đối tượng này đã vay mượn tiền, lừa đảo, góp huê, hụi của nhiều người với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, Võ Thị Hồng Phúc và Võ Thị Thùy Tiên, cũng trú tại xã Trạm Hành đã lừa bà Thái Thị Thanh Phúc, trú tại phường 3, thành phố Đà Lạt để chiếm đoạt 6,81 tỷ đồng. Ngoài nạn nhân nói trên, Võ Thị Hồng Phúc còn dùng các thủ đoạn như: Đáo hạn ngân hàng, mua bán bất động sản và góp huê, hụi để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của nhiều nạn nhân khác…
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (02/02) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị, đồng chí Phan Thăng An, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao Quyết định của Ban Bí thư về việc bổ nhiệm đồng chí Đặng Văn Dũng, Trợ lý đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (02/02) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Lễ ra mắt Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuốn sách gồm hơn 600 trang, hơn 100 hình ảnh minh họa, chia thành 3 phần. Phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; Phần thứ hai: Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; Phần thứ ba: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Nội dung cuốn sách thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động. Từ đó cho thấy, tầm nhìn xa của Tổng Bí thư về các vấn đề xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phát triển đất nước, góp phần làm sáng rõ bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Lễ ra mắt Cuốn sách của Tổng Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực |
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (02/02) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can Nguyễn Sơn Lộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển SENA trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trước đó, ngày 27/7/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét chỗ ở và nơi làm việc, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Sơn Lộ về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (30/01) cho biết, Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can tại Trung tâm đăng kiểm 2915D thuộc Công ty TNHH Hiệp Hà (xã Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội) để điều tra, làm rõ các sai phạm. Theo điều tra, cơ quan Công an đã phát hiện Trung tâm đăng kiểm 2915D có hành vi nhận tiền hối lộ của các chủ phương tiện để bỏ qua các lỗi về đăng kiểm đối với các phương tiện không đủ tiêu chuẩn về hệ thống phanh và khí thải bảo vệ môi trường. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, các đối tượng đã gặp riêng chủ phương tiện yêu cầu đưa từ 200.000 - 300.000 đồng để làm thay đổi kết quả kiểm định. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, Công an thành phố phát hiện 09 vụ tại 10 trung tâm đăng kiểm. Qua đó, đã khởi tố 04 vụ với 18 bị can để điều tra về tội nhận hối lộ. Trong đó, 03 bị can là giám đốc trung tâm, 01 bị can là phó giám đốc trung tâm, 14 bị can là đăng kiểm viên. Năm vụ còn lại, Công an thành phố Hà Nội đã tạm giữ 57 đối tượng là các giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ. Số tiền thu lời bất chính xác định bước đầu khoảng 18,262 tỷ đồng. Báo Tiền phong (01/02) có bài, “Sai phạm tại nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội: Tiền nhận hối lộ được chia chác ra sao?”. Bài báo cho biết, Cơ quan điều tra làm rõ công thức chia chác tiền nhận hối lộ giữa nhóm lãnh đạo, nhân viên của các trung tâm đăng kiểm “dính” tiêu cực tại Hà Nội. Theo đó, bài báo nêu, công thức ăn chia “giám đốc 5 - bảo vệ 1”.
Zingnews.vn (30/01), báo Pháp luật TP.HCM (31/01) thông tin, sau khi Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên bản án sơ thẩm vụ Công ty địa ốc Alibaba, có 81 trong 4.548 bị hại nộp đơn kháng cáo yêu cầu được nhận lại đất. Các bị hại này kháng cáo yêu cầu được nhận đất vì họ cho rằng Công ty Alibaba và Nguyễn Thái Luyện có đất để trả cho khách hàng. Ngoài ra, các bị hại cho rằng họ có nhu cầu mua đất để sử dụng đúng như cam kết được ký trong hợp đồng với Công ty Alibaba. Một số bị hại có đơn đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt với các bị cáo vì cho rằng Nguyễn Thái Luyện không lừa dối khách hàng. Trước đó, hôm 16/01, bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) cũng có đơn kêu oan cho rằng bản thân không lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không rửa tiền.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Thanh niên, Lao động, Công an nhân dân, VietNamNet, Dân Việt, VietNamPlus, VietNamNet, Hà Nội mới và một số báo (31/01) dẫn nguồn tin cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Dương Tấn Bình, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình ký hồ sơ, đánh giá hồ sơ mời thầu. Thông tin ban đầu, từ tháng 10/2019 đến năm 2022, bị can Bình đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ký hợp thức hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu với Công ty T.D.T. Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định đã có 52 hợp đồng được ký, hợp thức với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; trong đó, Công ty T.D.T hưởng lợi hơn 600 triệu đồng, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn hưởng lợi hơn 1,5 tỷ đồng.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (01/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An quyết định khởi tố thêm 04 lãnh đạo và công chức thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cục Hải quan Nghệ An về tội “Nhận hối lộ” do liên quan vụ làm luật hơn 5.000 lượt xe chở quặng quá tải từ Lào về Việt Nam. Các bị can gồm: Nguyễn Cảnh Dũng, Lê Đình Sơn, đều là Phó chi Cục trưởng Chi cục Hải quan; Lưu Hồng Lân, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ và Vũ Hồng Hải, công chức thuộc Chi cục. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ”, khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam 03 bị can về hành vi “nhận hối lộ” đối với Chi Cục trưởng, Đội trưởng Đội nghiệp vụ, cán bộ Đội nghiệp vụ cùng về hành vi nhận hối lộ. Bước đầu, cơ quan chức năng làm rõ hành vi các cán bộ hải quan trên đã nhận tiền để làm thủ tục cho hơn 5.000 xe ô-tô quá tải qua cửa khẩu Nậm Cắn với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (02/02) cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Giang quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 02 đối tượng có liên quan trong vụ án khai thác trái phép khoáng sản tại sông Con, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang. Các đối tượng bị khởi tố gồm: Vi Văn Quảng, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo; Đoàn Quang Khải, viên chức xã về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo điều tra, từ tháng 4 đến tháng 5/2022, Quảng, thời điểm là Chủ tịch UBND xã đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, chỉ đạo cấp dưới thuê người tổ chức khai thác trái phép khoáng sản (cát, sỏi) với khối lượng lớn tại khu vực lòng sông thuộc địa bàn xã, gây thiệt hại tài sản cho nhà nước số tiền hàng trăm triệu đồng. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã quyết định khởi tố các đối tượng để điều tra về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Báo Thanh tra, Người Lao động, Xây dựng, Tiền phong, Dân Việt, Nghệ An, Dân trí, Công lý và một số báo (02/02) đưa tin, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, bắt tạm giam 02 đối tượng thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn về hành vi nhận hối lộ, đó là: Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc và Lê Quang Sáng, Phó Giám đốc. Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam Phạm Văn Tài, cán bộ hợp đồng tại Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Tương Dương, để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, Tài đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lập khống hồ sơ, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (03/02) dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giữ hình sự đối với Phùng Mạnh Duẩn, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 19-01V về tội danh “Nhận hối lộ”. Theo điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện trong thời gian từ năm 2021 đến 2022, Duẩn đã nhận số tiền 198 triệu đồng của 04 cá nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để làm thủ tục cải tạo xe cơ giới trái quy định. Theo đó, Duẩn đã liên hệ với Lê Đức Thiện, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thiết kế kỹ thuật ô-tô Đức Thịnh có địa chỉ tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để hợp thức hồ sơ đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo đối với 18 xe ô-tô của 04 cá nhân nêu trên.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (03/02) đưa tin, Công an tỉnh Hà Giang khởi tố, bắt tạm giam nguyên Phó Giám đốc CDC Hà Giang và hai cán bộ khác để điều tra về các sai phạm liên quan đến quá trình mua bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Theo đó, các đối tượng gồm: Phạm Thị Kim Dung, nguyên Phó giám đốc CDC Hà Giang; Hoàng Thị Phượng, kế toán và Bùi Văn Tuyển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên Hợp dược Hà Giang về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra xác định, trong quá trình mua bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, các bị can trên có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại nhiều tỷ đồng của Nhà nước. Liên quan đến vụ án, trước đó Công an Hà Giang cũng đã khởi tố bị can Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC Hà Giang; Tô Minh Huệ, Trưởng phòng tài chính, kế toán và Phan Thị Nga, Trưởng khoa xét nghiệm CDC Hà Giang về hành vi nhận hối lộ.
TTXVN, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các báo (05/02) cho biết, trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Với vụ án xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm, hiện nay công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can với các tội danh: Nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán trao đổi công cụ, thiết bị phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Có thể nói, đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội. Với vụ án Cục Lãnh sự, đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 41 bị can (tăng 2 bị can so với lần họp báo trước), phong tỏa kê biên khoảng 80 tỷ đồng. Với vụ Việt Á đã khởi tố 104 bị can (tăng 2 bị can so với lần họp báo trước). Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kê biên khoảng 1.700 tỷ đồng (tăng 30 tỷ đồng so với lần họp báo trước). “Về mục tiêu, Bộ Công an sẽ cố gắng phấn đấu kết thúc điều tra trong quý I/2023. Tuy nhiên, án tại hồ sơ nên không loại trừ khả năng sẽ có thêm tình tiết mới”, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (02/02) đưa tin, đơn vị Chống tham nhũng Campuchia (ACU) đã nhận được hơn 22.000 bản kê khai tài sản, thu nhập từ các công chức cấp cao trên cả nước trong tháng đầu của năm 2023. Luật Phòng, chống tham nhũng Campuchia quy định, các lãnh đạo và công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, các khoản nợ, bao gồm các thành viên của Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ và hội đồng cấp tỉnh, thành phố, huyện và xã. Các công chức có chức vụ ngang bằng và cao hơn trưởng phòng, sĩ quan quân đội, công an có cấp hàm từ thượng tá trở lên; thẩm phán, kiểm sát viên, công chứng viên và thư ký cũng sẽ phải kê khai tài sản, thu nhập cùng các khoản nợ. Được thành lập vào năm 2010, ACU đã điều tra một số vụ án tham nhũng và đưa nhiều quan chức tham nhũng ra tòa để chịu sự trừng phạt của pháp luật. Theo quy định pháp luật Campuchia, một quan chức tham nhũng nếu bị kết tội sẽ bị phạt tù từ 5 đến 15 năm.
Báo Thanh tra (03/02) cho biết, một tòa án ở Cameroon đã kết án cựu Bộ trưởng Quốc phòng Edgar Alain Mebe Ngo'o 30 năm tù vì biển thủ hơn 38 triệu USD. Edgar Alain Mebe Ngo’o bị bắt giam và ngồi tù từ năm 2019, mới đây đã bị Tòa án Hình sự Đặc biệt kết án với 04 tội danh, bao gồm biển thủ công quỹ, rửa tiền nghiêm trọng, lập hóa đơn quá mức cho các hợp đồng và tham nhũng. Vợ ông là Bernadette cũng bị kết tội biển thủ khoảng 8 triệu USD và bị kết án 10 năm tù. Ngoài ra, Tòa án đã ra lệnh tịch thu tài sản của cặp vợ chồng, bao gồm 53 tòa nhà, 21 tài khoản ngân hàng, 39 phương tiện xe cộ và hơn 500.000 USD tiền mặt. Cũng trong vụ việc, Đại tá Elie Mboutou và Maxime Leonard Mbangue - cựu Thanh tra Kho bạc và cố vấn của Bộ Quốc phòng, lần lượt bị kết tội biển thủ khoảng 26 triệu USD và 1 triệu USD. Cả hai bị kết án mỗi người 25 năm tù. Một đồng phạm khác là Victor Menye, cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, được trắng án về tội tham nhũng, nhưng bị kết tội đồng lõa rửa tiền và bị kết án 9 năm tù.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
- Kỷ luật Phó Chủ tịch và 04 nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên;
- Bắt tạm giam nguyên Phó Giám đốc và hai cán bộ CDC Hà Giang liên quan đến sai phạm của Công ty Việt Á;
- Nhiều bị hại liên quan đến vụ Công ty địa ốc Alibaba nộp đơn kháng cáo yêu cầu được nhận lại đất.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG