Điểm báo tuần số 511 từ ngày 27/02 đến ngày 05/3 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 06/03/2023, 11:10 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Theo tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN (28/02), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Chí Học, thường trú TP. Hồ Chí Minh, hiện trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bước đầu làm việc với những người tố giác, cho thấy Học đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của năm người với số tiền hơn 16 tỷ đồng.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (01/3) cho biết, Công an tỉnh Quảng Nam quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Thị Huỳnh Nga, Nguyễn Thị Hiệp và Đinh Thị Tiến để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2018 đến năm 2022, Dương Thị Huỳnh Nga dùng thủ đoạn gian dối, nói với bà Mai Thị Hành Tr. (trú TP Tam Kỳ) là bản thân có nhiều mối quan hệ, có thể mua được các lô đất tái định cư của người dân tại khu dân cư ADB (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ) với giá rẻ. Do tin tưởng nên bà Tr. nhiều lần giao tiền cho Nga. Ngoài ra, Nga còn mượn tiền của bà Tr. với lý do là cho những người có chức vụ, quyền hạn vay để đáo hạn ngân hàng, nộp thuế nhà đất, bỏ bì để làm dự án đất. Tuy nhiên, Nga không mua đất cho Tr. và cũng không cho những người có chức vụ, quyền hạn mượn tiền như đã nói, mà sử dụng số tiền của Tr. vào mục đích trả nợ, tiền lãi cho nhiều người. Tổng số tiền Nga chiếm đoạt của Tr. và nhiều người khác trên 70 tỷ đồng. Đối với Đinh Thị Tiến, kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2022 đến tháng 8/2022, lợi dụng sự tin tưởng của bà Trần Thị Kim H. (trú huyện Thăng Bình) và ông Lại Văn H. (trú TP Đà Nẵng), Tiến đề nghị 2 người này góp vốn mua đất tại thị xã Điện Bàn nhằm bán lại để hưởng chênh lệch về giá. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Tiến không mua đất mà sử dụng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Tổng số tiền Tiến chiếm đoạt của 02 nạn nhân là trên 45 tỷ đồng.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, VietNamPlus, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (01/3) đồng loạt đưa tin, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026; bầu bổ sung 03 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Các báo (02/3) tiếp tục thông tin, Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao bầu Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026). Thực hiện nghi lễ Tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức |
Báo Xây dựng, Tiền phong, Lao động, VietNamNet, Người đưa tin và một số báo (02/3) cho biết, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, kết luận và thi hành kỷ luật một số tổ chức đảng và đảng viên. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ea Bung, thuộc Đảng bộ huyện Ea Súp nhiệm kỳ 2015-2020; và ông Nguyễn Đình Toản, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp giai đoạn 2011-2016 và 2016-2021; thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ea Bung, nhiệm kỳ 2010-2015 và các cá nhân: Ông Trần Ngọc Quang, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện giai đoạn 1994-2009, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2010-2015, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp giai đoạn 2011-2016; ông Bùi Đức Hạnh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Bung; ông Nguyễn Văn Đông, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ea Súp, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Súp, nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Công an nhân dân, Giao thông, Tiền phong, Thanh niên, Người Lao động và một số báo (27/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 08 bị can là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào (nay là phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào) trong vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra từ năm 2003 đến năm 2007. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2003 đến năm 2008 chính quyền địa phương xã Dị Sử (nay là phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào) và các thôn của xã đã bán và giao đất trái thẩm quyền 640 suất đất với diện tích 68.843,7m2.
Báo Thanh tra (27/02) cho biết, sau khi báo chí phản ánh, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước đã vào cuộc, kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, lãnh đạo và viên chức, người lao động Chi nhánh Văn Phòng Đăng ký đất đai huyện Lộc Ninh đã có khuyết điểm, sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ. Trước đó, Báo này đã phản ánh về dấu hiệu tiêu cực trong việc cấp, đổi sổ đỏ bằng dịch vụ làm sổ nhanh thông qua “cò pháp lý” tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định tạm đình chỉ Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện. Chi nhánh này cũng có quyết định tạm đình chỉ 06 nhân viên. Về nội dung phản ánh “cò làm luật” gây hiểu nhầm trong dư luận; với nội dung gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân khi làm thủ tục đất đai tại bộ phận một cửa, qua kiểm tra một số hồ sơ cho thấy, việc làm này chưa đúng quy định. Việc tiếp nhận hồ sơ đo đạc của các công ty đo đạc bên ngoài, không có phiếu tiếp nhận và trả kết quả là vi phạm quy định. Việc bà Nguyễn Đỗ Thúy Anh nhận chuyển khoản của người khác vào tài khoản cá nhân, qua kiểm tra cho thấy, bà Nguyễn Đỗ Thúy Anh, kế toán chi nhánh có nhận tiền của người quen chuyển khoản vào tài khoản cá nhân với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Công an huyện Lộc Ninh đang tiến hành xác minh liên quan đến việc thu, nộp tiền của bà này.
Theo nguồn tin của báo Tiền phong (27/02), ông Trần Sĩ Em, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Bạc Liêu bị đề nghị xem xét chuyển vị trí công tác do có liên quan đến nội dung phản ánh, kiến nghị của công dân. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có công văn đề nghị Thành ủy chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu xem xét, xử lý vi phạm theo thẩm quyền quản lý đối với ông Trần Sĩ Em và ông Võ Công Hải, Phó Trưởng phòng và các tập thể, cá nhân có liên quan đến nội dung phản ánh, kiến nghị của ông Phạm Thanh Đông ở phường 7, TP. Bạc Liêu (đề nghị xử lý nghiêm, không bao che, vi phạm tới đâu, xử lý tới đó). Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị xem xét điều chuyển vị trí công tác đối với ông Trần Sĩ Em. Trước đó, Tổ kiểm tra của UBND thành phố có báo cáo kết quả kiểm tra nội dung phản ánh, kiến nghị của ông Phạm Thanh Đông phản ánh ông Trần Sĩ Em vi phạm những điều đảng viên không được làm; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa nước trái quy định pháp luật;…
Báo Thanh tra (27/02) có bài: “Diễn biến bất thường liên quan vụ Bắc Từ Liêm: Gần trăm trường hợp vi phạm đất đai chưa được xử lý dứt điểm”. Báo Thanh tra ngày 25/12/2022 đã phản ánh, do chưa đồng tình với Kết luận của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm về nội dung tố cáo Chủ tịch, nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường Liên Mạc nên công dân tố cáo tiếp tới Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Theo phản ánh, công dân tố cáo làm việc với Thanh tra TP. Hà Nội vào ngày 06/02/2023, sau đó vài ngày, cán bộ Thanh tra quận Bắc Từ Liêm thụ lý vụ việc gọi điện nhờ rút nội dung tố cáo mà các công dân đã trình bày với Thanh tra thành phố, nhất là nội dung tố cáo Chủ tịch UBND phường Liên Mạc buông lỏng quản lý đất đai với diện tích vi phạm khoảng 30ha. Tuy nhiên, UBND quận Bắc Từ Liêm lại căn cứ vào kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường để kết luận diện tích vi phạm 1,51ha là không đúng về diện tích. UBND phường Liên Mạc không thu tiền vào ngân sách nhà nước, công dân đề nghị làm rõ có hay không việc thu tiền; gây thất thoát thoát này. Đáng nói là, công dân rất lo ngại việc lộ, lọt thông tin dẫn đến tình trạng “vận động, tác động” như vừa qua, đặc biệt là gây ra nguy cơ trả thù và trù dập người tố cáo.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo VietNamNet và một số báo (28/02) cho biết, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương ký ban hành Kế hoạch tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Mục đích nhằm đánh giá tình hình, kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33. Từ đó, kiến nghị, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong thời gian tới.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM (28/02) đưa tin, Kế toán trường mầm non ở Đà Nẵng đã lập khống hồ sơ để tham ô tài sản số tiền trên 939 triệu đồng. Để đối phó với đoàn kiểm tra, che giấu hành vi, kế toán này còn giả chữ ký của chủ tài khoản, làm giả con dấu của kho bạc. Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng đã xét xử và tuyên phạt Nguyễn Thị Vân Kiều, nguyên kế toán Trường mầm non Hoa Ngọc Lan, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng 19 năm tù về các tội tham ô tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Các bị cáo: Trương Thị Thanh Vân, Trịnh Thị Thu Tâm, cùng nguyên hiệu trưởng; Trần Thị Thúy Hoa, nguyên thủ quỹ; Nguyễn Thị Duy Hoàng, nguyên văn thư, thủ quỹ, bị các mức án khác nhau, từ 09 - 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (28/02) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt Ngô Minh Khâm, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Phú An Thịnh Land (Phú An Thịnh Land) tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các lãnh đạo khác của Phú An Thịnh Land cùng lãnh án về tội danh trên gồm Hoàng Tấn Thành (Phó tổng giám đốc) 18 năm tù; Phương Cẩm Thành (Giám đốc sàn) 15 năm tù; Tiêu Trọng Tiến (Giám đốc sàn) 13 năm tù và Trần Mạnh Hùng (Phó tổng giám đốc) 11 năm tù. Theo cáo trạng, Tổng giám đốc Phú An Thịnh Land đã chỉ đạo cấp dưới lập các dự án “ma” rồi mời gọi khách hàng ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng để chiếm đoạt 74,9 tỷ đồng của 93 bị hại.
Báo Thanh niên, Dân Việt, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (28/02) phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận luận thanh tra Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Thanh tra Chính phủ đã chuyển 07 thông tin có dấu hiệu vi phạm hình sự đến Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ. (1) Liên quan tới việc xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện thể dục, thể thao Vĩnh Phúc trái pháp luật, xuất khống không có hợp đồng, không có khả năng thu hồi gây thất thoát số tiền 1,4 tỷ đồng của Vinasport. (2) Trả trước số tiền 150.000 EURO cho Hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu, không có khả năng thu hồi làm mất vốn của Vinasport. (3) Các khoản công nợ phải thu, các khoản huy động vốn tại Xí nghiệp Sản xuất dụng cụ thể dục, thể thao giai đoạn 2008-2010. (4) Các khoản chi cho Công ty Nam Đô số tiền 01 tỷ đồng mà không có khả năng thu hồi. (5) Liên quan đến hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trái quy định đối với hợp đồng với Công ty HBI. (6) Việc phá dỡ tài sản là nhà xưởng tại 181 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để hợp tác đầu tư nhưng không được thực hiện gây thiệt hại tài sản Nhà nước (nguyên giá gần 7,5 tỷ đồng). (7) Mua bán phôi thép với Công ty TNHH An Việt Úc không có khả năng thu hồi, làm mất vốn với số tiền gần 5,9 tỷ đồng. TTXVN, báo Công an nhân dân, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Nông nghiệp Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (28/02) tiếp tục đặt dấu hỏi, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm gì trong sai phạm cổ phần hóa Vinasport? Theo đó, cùng với việc chuyển 07 vụ việc sai phạm nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản nhà nước sang Bộ Công an đề nghị điều tra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến hàng loạt sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty CP Thể dục thể thao Việt Nam. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các cá nhân là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo từng thời kỳ. Theo đó, sai phạm cụ thể là: Đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa quyết toán giá trị doanh nghiệp phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Việc quyết toán thuế, báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hóa, bàn giao công ty nhà nước sang công ty cổ phần, theo thanh tra là cũng chưa được thực hiện. Do đó, Vinasport chưa thực hiện việc nộp tiền thu từ cổ phần hóa về ngân sách nhà nước, chưa thực hiện nộp số tiền cổ tức phải trả cho Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra những vi phạm trên thuộc lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ban giám đốc và người đại diện phần vốn tại Vinasport, ban chỉ đạo cổ phần hóa qua từng thời kỳ. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra còn cho rằng bộ đã lựa chọn nhân sự để cử làm người đại diện tại Vinasport “không bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí được ủy quyền”, làm tình hình công ty bất ổn định trong thời gian dài, mất đoàn kết nội bộ, hiệu quả kinh doanh thấp, kéo theo việc mất vốn của Nhà nước. Việc bộ cử ông Nguyễn Ngọc Thạch làm đại diện phần vốn nhà nước tại công ty bị Thanh tra Chính phủ cho là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước”. Đáng chú ý, 02 người được bộ cử làm người đại diện tại công ty là Nguyễn Ngọc Thạch và Lê Hồng Nam năm 2019 đã bị kỷ luật về Đảng. Trách nhiệm của sai phạm trên, theo thanh tra thuộc về bộ trưởng và thứ trưởng phụ trách lĩnh vực “đổi mới và phát triển doanh nghiệp”. Kết luận thanh tra đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từ cấp bộ đến tổng cục và công ty. Liên quan đến sai phạm trên, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (28/02 đến 01/3) nêu rõ, có đến 07 vụ việc tại Vinasport bị Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm nghiêm trọng và chuyển Bộ Công an để điều tra. Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng các khu “đất vàng” của Vinasport cũng bị phát hiện. Sai phạm tại Vinasport từ quá trình cổ phần hóa đến quản lý sử dụng nhiều khu “đất vàng”, thực hiện các hợp đồng… diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không bị phát hiện. Việc cổ phần hóa Công ty Thể dục thể thao Việt Nam được thực hiện năm 2006 từ thời điểm trực thuộc Ủy ban Thể dục thể thao. Những sai phạm này gây thất thoát tài sản nhà nước hàng chục tỷ đồng. Thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ qua từng thời kỳ (2007-2021). Vinasport là công ty cổ phần, Nhà nước giữ 51% vốn điều lệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Theo kết luận thanh tra, tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, Vinasport đã “sử dụng đất sai mục đích”; giá cho thuê thấp hơn giá phải nộp cho cơ quan thuế, gây thất thoát tạm tính là 2,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, việc sử dụng đất, tiến hành cho thuê khi chưa được UBND TP. Hà Nội cho phép. Quá trình hợp tác đầu tư không thực hiện được, một số tài sản tại khu đất đã bị phá dỡ gây thiệt hại vốn của doanh nghiệp hơn 7,4 tỷ đồng. Công ty này đã quản lý sử dụng vốn tùy tiện, trái pháp luật. Đây là cuộc thanh tra đột xuất do Thủ tướng chỉ đạo. Việc thanh tra này xuất phát từ nhiều chuyện “lùm xùm” về nhân sự của doanh nghiệp, trong đó có người đại diện phần vốn của Nhà nước. Trước khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hợp nhất với Ủy ban Thể dục thể thao, từ năm 2007, ông Bùi Duy Nghĩa được giao là người đại diện phần vốn nhà nước, nắm giữ 51,32% vốn điều lệ của công ty. Đến tháng 10/2012, bộ cử ông Bùi Duy Nghĩa nắm giữ 30% và một người khác nắm giữ 21,32% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2017, ông Bùi Duy Nghĩa bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (28/02) đưa tin, cơ quan chức năng phong tỏa Trung tâm đăng kiểm 50-13D ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh tìm chứng cứ liên quan việc nhận tiền, bỏ qua sai phạm của phương tiện xe cơ giới. Theo đó, hơn hai tháng qua, lực lượng Công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, khám xét hơn 50 trung tâm, khởi tố hơn 300 người. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã bắt tạm giam 128 người là Giám đốc, Phó giám đốc, nhân viên 13 trung tâm đăng kiểm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và 08 đơn vị tại Thành phố này. Đến nay, người có chức vụ cao nhất bị bắt về hành vi Nhận hối lộ là hai cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam. Họ bị cáo buộc cùng nhiều cấp dưới nhận tiền hàng tháng, hàng quý của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành, bỏ qua các lỗi vi phạm của các phương tiện đến đăng kiểm tại các đơn vị này. Ngoài ra, các trạm đăng kiểm muốn thành lập phải hối lộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam mới được chấp nhận. Còn tại các trung tâm sẽ có “cò” dẫn mối đến đăng kiểm. Trung tâm sẽ bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công phương tiện, hoặc cho thuê phụ tùng không bảo đảm kỹ thuật... Ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới, hơn 52.300 giấy chứng nhận kiểm định đã được đường dây này cấp sai quy định. Việc này là đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người đi đường; ảnh hưởng đến việc giám sát số lượng, chất lượng xe; xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, trật tự quản lý công cộng; gây dư luận xấu cho xã hội... Báo Tuổi trẻ TP.HCM (28/02) cho biết, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự nghi phạm Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-10D; Phạm Trung Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm và 07 đăng kiểm viên khác để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Theo điều tra, trong bốn năm (cuối năm 2018 đến khoảng tháng 9/2022), các lãnh đạo và nhân viên Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-10D nhận 5 tỷ đồng để bỏ qua lỗi vi phạm cho các xe đến đăng kiểm. Bình quân mỗi tháng, tùy theo chức vụ, vị trí công việc, các cá nhân được nhận “tiền ngoài luồng” 2-10 triệu đồng. TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Lao động, Thanh niên, VietNamNet, Dân trí, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (01/3) dẫn nguồn tin cho biết, Công an huyện Hoài Đức quyết định tạm giữ hình sự Hoàng Ngọc Quý, Nguyễn Văn Định, cùng là Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-21D và Trần Văn Doanh là nhân viên thuộc Trung tâm để điều tra về hành vi nhận hối lộ và giả mạo trong công tác. Quá trình điều tra, lực lượng Công an còn làm rõ hành vi nhận hối lộ của Trần Văn Doanh là người trực tiếp nhận chỉ đạo thu tiền cao hơn thực tế của các xe ô tô “hoán cải” đến đăng ký. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt giữ Hoàng Ngọc Quý để điều tra về vai trò điều hành trong việc nhận hối lộ. Các báo (02/3) thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Cần Thơ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Châu Ngọc Ý, Giám đốc của các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 6502D, 6504D và 6506D và Nguyễn Sỹ Hùng (Doanh nghiệp tư nhân sửa chữa ô-tô Phú Hưng ở Bến Tre) về hành vi nhận hối lộ. Qua điều tra ban đầu, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến đầu năm 2023, Ý đã nhận tiền của các chủ phương tiện để làm hợp thức hóa các hồ sơ cải tạo xe cơ giới các loại đối với những phương tiện không đủ hồ sơ kỹ thuật theo quy định. Ý đã câu kết với Hùng để lập khống hồ sơ cải tạo phương tiện, ký khống biên bản nghiệm thu và đã nhận số tiền từ 10-12 triệu đồng/hồ sơ để làm hồ sơ hợp thức hóa cho các phương tiện trên. Tổng số tiền Ý đã nhận để làm hồ sơ hợp thức hóa cho các phương tiện cải tạo là hơn 2 tỷ đồng. Cùng ngày, các báo cho biết, tại Khánh Hòa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với Nguyễn Hữu Trường, đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 7901S (đơn vị trực thuộc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Khánh Hòa), nguyên Phó giám đốc phụ trách Chi nhánh Đăng kiểm xe cơ giới Cam Ranh; Nguyễn Văn Phiêu, Giám đốc hợp tác xã vận tải Hòa Bình, thành phố Nha Trang. Các báo (05/3) thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 92-02D thuộc Công ty TNHH đăng kiểm cơ giới Quảng Nam. Bước đầu xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo tại Trung tâm này, các đối tượng đã thỏa thuận nhận tiền của các chủ phương tiện để hợp thức hồ sơ cải tạo xe. Số tiền sai phạm của các bị can ban đầu được xác định hơn 152 triệu đồng. VOV (01/3) cho biết thêm, thủ đoạn tại các trung tâm đăng kiểm gần như giống nhau và hoạt động theo một cách có hệ thống. Tiến hành lấy lời khai của các đối tượng, cán bộ đăng kiểm tại các trung tâm cho biết đã được “bật đèn xanh” từ cấp trên. Nhiều trung tâm phải đều đặn hối lộ lên cấp trên để được duyệt cấp mã số đăng kiểm và chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Còn chủ xe đăng kiểm thì phải nộp tiền cho các trung tâm đăng kiểm. Cách làm này đã trở thành luật “bất thành văn”. Nhiều chủ xe biết nhưng vẫn nộp tiền để đỡ mất thời gian và được bỏ qua lỗi vi phạm của xe mình.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (01/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố Vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Dự án Khu Đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Liên quan đến vụ án, báo Tuổi trẻ TP.HCM (01/3) cho biết thêm, dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nằm trên diện tích đất tiền thân là sân golf Phan Thiết với diện tích hơn 62ha. Dự án đã trải qua nhiều lần điều chỉnh quy mô và chủ đầu tư. Đến ngày 26/3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận thay đổi lần thứ 6, với việc điều chỉnh nội dung từ đất sân golf sang khu đô thị biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư. Dự án đã có nhiều lùm xùm, đơn thư tố cáo của công dân như xác định giá đất thấp gây thiệt hại ngân sách, không bố trí 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội… Liên quan đến dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021. 02 cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận (nhiệm kỳ 2010-2015) bị kỷ luật khiển trách, (nhiệm kỳ 2015-2020) bị cảnh cáo. Riêng Chủ tịch UBND tỉnh (nhiệm kỳ 2011-2016) bị cách hết chức vụ trong Đảng và chính quyền. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo kết quả giám định tài sản phần diện tích 36ha đất ở đô thị tại dự án là hơn 2.800 tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước chỉ thu về hơn 900 tỷ đồng phần diện tích này. Trước đó đã khởi tố vụ án, khởi tố 12 bị can liên quan đến dự án Tân Việt Phát 2.
Theo tin từ báo Xây dựng, Thanh tra (01/3) cho biết, liên quan đến một số “lùm xùm” gần đây tại Tổng Công ty xi măng Việt Nam (Vicem), đang được dư luận quan tâm. Mới đây, dư luận trong ngành Xây dựng lại nổi lên thông tin về việc ông Dương Phan Anh, hiện đang công tác tại Công ty CP Vicem thương mại xi măng, tố cáo một số vấn đề thuộc Công ty CP Vicem thương mại xi măng và cá nhân ông Đặng Phúc Tân, Phó Giám đốc Công ty CP Vicem thương mại xi măng. Một số nội dung tố cáo chính như sau: Thứ nhất, liên quan đến việc ông Tân sử dụng bằng thạc sĩ không hợp pháp kê khai vào hồ sơ để làm cơ sở để cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ. Thứ hai, ông Tân cố tình chiếm đoạt 20 cây vàng 9999 mà bố đẻ của ông là Dương Đoàn Công, trước là nhân viên lái xe thuộc công ty cho ông Tân vay. Thứ ba, liên quan đến việc đấu thầu vận chuyển xi măng có “dấu hiệu” lợi ích nhóm. Qua nghiên cứu đơn của ông Dương Phan Anh, theo nhóm phóng viên cho thấy, trong thời gian gần đây có một số cá nhân đã sử dụng những bằng cấp bất hợp pháp để “leo” vào các cương vị của các cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước. Đối với việc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để thăng tiến, Đảng, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo phải kiên quyết làm sạch các gian lận. Việc sử dụng bằng không hợp pháp để bổ nhiệm xảy ra tại Công ty CP Vicem là việc cụ thể, có người phát hiện tại sao không được xem xét xử lý mà lại “làm ngơ”?. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về Tổng Giám đốc Tổng Công ty xi măng Việt Nam. Lãnh đạo Tổng Công ty xi măng Việt Nam phải có trách nhiệm kiểm tra và trả lời trước công luận, làm rõ trách nhiệm của cá nhân đương sự… Vấn đề cá nhân ông Đặng Phúc Tân trong việc vay, mượn kéo dài nhiều năm, cần phải xem xét tư cách, đạo đức và vai trò nêu gương của người lãnh đạo. Về hành vi của ông Tân trong sự việc này là lợi dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Vụ việc rất cần các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (02/3) dẫn nguồn tin từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này vừa hoàn tất cáo trạng vụ đại án buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng dầu (chuyên án 920G giai đoạn 2), chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân cùng cấp truy tố 32 bị can về tội trốn thuế. Theo cáo trạng, đầu tháng 02/2021, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ buôn lậu gần 198 triệu lít xăng dầu (Chuyên án 920G giai đoạn 1) về tội buôn lậu và nhận hối lộ xảy ra tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành phố khác. Từ ngày 06/7/2020 đến ngày 08/10/2021, các tàu Hà Anh 1, Hà Anh 2, Hà Anh 5, Hà Anh 9 đã có 48 lần nhập vào kho xăng dầu của Công ty Hà Lộc với tổng số lượng hơn 7,4 triệu lít xăng và hơn 2,1 triệu lít dầu DO không hóa đơn, chứng từ. Cơ quan điều tra xác định, các bị can đã trốn thuế với tổng số tiền hơn 15,2 tỷ đồng. Hiện Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ, khởi tố điều tra 32 bị can; tạm giữ, kê biên 04 tàu thủy; tạm giữ tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng (gồm 1,2 tỷ đồng thu giữ khi khám xét và hơn 21 tỷ đồng các bị can tự nguyện nộp) cùng nhiều tang vật liên quan. Báo Tuổi trẻ TP.HCM (01/3) cho biết thêm, tháng 02/2021, Công an tỉnh Đồng Nai đã quyết định khởi tố vụ buôn lậu gần 198 triệu lít xăng dầu, nhận hối lộ xảy ra tại Đồng Nai và nhiều tỉnh thành khác (chuyên án 920G giai đoạn 1). Quá trình điều tra phát hiện, Nguyễn Thăng Long (Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu 55555, huyện Trảng Bom) ngoài liên quan tội buôn lậu (đại án xăng dầu giai đoạn 1, đã xét xử) còn tiêu thụ nguồn xăng dầu không có hóa đơn, chứng từ do Công ty TNHH Hà Lộc (TP Vũng Tàu) cung cấp. Cấu kết lập công ty để mua bán xăng dầu “lậu”, nhận tiền chênh lệch cao hơn giá mua từ 200 - 300 đồng/lít. Cơ quan điều tra xác định, các bị can đã mua bán hơn 9 triệu lít xăng dầu “lậu”, trốn thuế hơn 15,2 tỷ đồng. Đến nay, Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ, khởi tố điều tra 32 bị can; tạm giữ tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng (gồm 1,2 tỷ đồng thu giữ khi khám xét và hơn 21 tỷ đồng các bị can tự nguyện nộp) cùng nhiều tang vật liên quan. Liên quan đến vụ án này, báo Tuổi trẻ TP.HCM (01/3) thông tin, Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức công bố quyết định và trao các phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước tặng các tập thể, cá nhân (Huân chương Chiến công hạng nhất cho tập thể Công an tỉnh Đồng Nai cùng 02 cá nhân; Huân chương Chiến công hạng nhì cho ba tập thể (Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Phòng Ngoại tuyến) cùng 02 cá nhân; 04 tập thể, 07 cá nhân được trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba). Các tập thể, cá nhân này có thành tích đặc biệt xuất sắc tham gia đấu tranh, phá đường dây buôn lậu gần 190 triệu lít xăng dầu (chuyên án 920G).
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN (02/3) đưa tin, sau gần 2 ngày xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên án Nguyễn Văn Kiên, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cùng 07 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong 02 dự án mua sắm trang thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh (2019-2020) xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Hội đồng xét xử tuyên án: Bị cáo Nguyễn Văn Kiên và bị cáo Đinh Văn Hữu cùng mức án 05 năm tù; Trịnh Mạnh Cường và Nguyễn Quang Tuyến cùng mức án 04 năm tù; Mai Thanh An và Võ Thúc Chính cùng mức án 30 tháng tù. Bị cáo Hồ Thị Sáu và Nguyễn Quốc Việt mức án 02 năm tù. Hội đồng xét xử buộc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên và các bị cáo nộp lại số tiền 7,5 tỷ đồng cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên để nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên phải nộp số tiền 996 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Văn Kiên phải nộp lại số tiền 600 triệu đồng; Hội đồng xét xử chấp nhận sự thỏa thuận và tự nguyện khắc phục hậu quả tổng số tiền 5,9 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Văn Kiên cùng các bị cáo đã nộp. Theo VOV (01/3), Đinh Văn Hữu, Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên đã đến gặp Kiên đặt vấn đề tạo điều kiện để công ty này được thực hiện 02 gói thầu và được đồng ý với thỏa thuận có lợi nhuận từ 20-25%. Theo đó, gói thầu số 1 tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng (giá trị thật khoảng 6,5 tỷ đồng) và gói thầu số 2 hơn 9,9 tỷ đồng (giá trị thật khoảng 5,6 tỷ đồng) được thông qua. Được Kiên tạo điều kiện nên Đinh Văn Hữu đã 02 lần đến phòng làm việc của Kiên chúc tết với tổng số tiền 600 triệu đồng. Hữu đã thực hiện hành vi thông thầu, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Kiên, Trịnh Mạnh Cường (Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Sở) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, có tính chất vụ lợi. 05 bị can khác vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, thực hiện hành vi thông thầu, vi phạm trong quá trình thẩm định giá. Tổng số tiền các bị can gây thiệt hại của Nhà nước là hơn 14.9 tỷ đồng.
Báo Công lý, Tiền phong (02/3) phản ánh, tháng 6/2022, Đoàn kiểm tra Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu thực hiện việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với UBND TP Bạc Liêu. Qua kết quả kiểm tra các hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý trật tự do UBND TP Bạc Liêu cung cấp, Đoàn kiểm tra xác định tính chất, mức độ sai phạm tại đơn vị là nghiêm trọng, làm cho tính nghiêm minh của pháp luật bị xem nhẹ, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn quản lý, gây thất thu cho ngân sách nhà nước với số tiền trên 1,4 tỷ đồng… Đoàn kiểm tra kiến nghị xử lý sai phạm và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân, cụ thể: Đối với UBND TP Bạc Liêu, tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với cá nhân, người có thẩm quyền trong việc chỉ đạo, điều hành, tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về quản lý trật tự xây dựng để xảy ra nhiều công trình vi phạm mà không có biện pháp tổ chức cưỡng chế thi hành kịp thời, triệt để. Đối với cá nhân, đề nghị hình thức kỷ luật theo quy định đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu có dấu hiệu vi phạm về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Ngày 08/7/2022, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bạc Liêu đã có công văn gửi chuyển kết luận kiểm tra đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy TP Bạc Liêu để làm căn cứ xem xét và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến nay đã 07 tháng vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Báo Công an nhân dân, Người Lao động, SGGP, Tiền phong, Công thương, Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (02/3) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai nghi can Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Tâm Trình để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản... Đây là 02 đối tượng có giấy chứng nhận phóng viên và cộng tác viên Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Theo điều tra ban đầu, trước đó một người dân trên địa bàn xã Phú Lợi, huyện Định Quán trong quá trình cải tạo đất, có vận chuyển một số tảng đá về vườn thì đối tượng Thọ và Trình đến liên hệ có ý định hù họa sẽ viết bài đăng báo. Sau đó, 02 đối tượng này được cho là đã yêu cầu gặp người dân trên, nói rằng phải biết điều để khỏi bị đăng báo. Người dân này đã bí mật trình báo cơ quan Công an. Khi người dân và 02 đối tượng nói trên gặp nhau tại một địa điểm trên địa bàn huyện Định Quán để giao, nhận tiền thì bị các trinh sát Công an huyện Định Quán bắt quả tang.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (03/3) đưa tin, điều tra mở rộng vụ án tham ô tài sản tại trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, ngày 03/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Huỳnh Như để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Phạm Thị Huỳnh Như đã gặp gỡ Lâm Thị Hồng Tâm, thủ quỹ trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, sau đó dựng lên màn kịch “hùn vốn” để chiếm đoạt của Tâm hàng chục tỷ đồng.
TTXVN, Đài THVN, Đời sống pháp luật, Dân Việt, Tiền phong, Pháp luật TP.HCM và một số báo (04/3) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc của Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hàng Giang Đào Đức Hạnh để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (01/3) đưa tin, Tổng thống thứ tám của Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides chính thức đảm nhận vị trí. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, ông Christodoulides cam kết cải thiện cuộc sống của người dân, giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp và chống tham nhũng. Ông cam kết sẽ mang đến một xã hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Vấn nạn tham nhũng ở Cộng hòa Síp được đánh giá là có chiều hướng gia tăng trong 10 năm trở lại đây, làm cản trở tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Theo TI, Síp là một trong nhiều quốc gia EU không thể điều tra và truy tố hiệu quả các vụ án tham nhũng. Hệ thống tư pháp phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài trong các vụ án tham nhũng. Và, việc vận hành đầy đủ cơ quan chống tham nhũng mới được thành lập vẫn còn là một thách thức.
Báo Thanh tra (02/3) đưa tin, Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã điều tra 12 ngân hàng và tiến hành các thủ tục pháp lý đối với 02 trong số đó, liên quan đến các cáo buộc tham nhũng đối với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon Riad Salameh. Theo Hãng tin Reuters, các nhà chức trách Lebanon đã buộc tội Riad Salameh cùng anh trai, Raja Salameh và một trong những trợ lý của ông vào ngày 23/02 với tội rửa tiền, biển thủ và làm giàu bất hợp pháp sau nhiều tháng trì hoãn vụ án cấp cao. Riad Salameh - người đã lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Lebanon 30 năm và Raja Salameh đã phủ nhận hành vi sai trái trong suốt quá trình. Thống đốc Ngân hàng Trung ương khẳng định mình vô tội và cam kết tuân thủ các thủ tục pháp lý. Các cáo buộc là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 18 tháng của Lebanon về việc liệu Salameh và anh trai Raja có biển thủ hơn 300 triệu USD từ Ngân hàng Trung ương từ năm 2002 đến 2015 hay không. Vụ việc chống lại Riad Salameh bắt nguồn từ vụ kiện do một nhóm luật sư đưa ra về việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương tham nhũng. Vào tháng 01/2022, thẩm phán Ghada Aoun của Tòa án quận Mount Lebanon đã áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng một số tài sản của ông Riad. Ngoài Thụy Sĩ, Pháp cũng tiến hành điều tra ông Riad vì tội rửa tiền và tham ô.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước;
- Tiếp tục điều tra các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Nam;
- Vụ buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng dầu: Truy tố 32 bị can về tội trốn thuế;
- Thanh tra Chính phủ đã chuyển 07 thông tin có dấu hiệu vi phạm hình sự tại Vinasport đến Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ;
- Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm gì trong sai phạm cổ phần hóa Vinasport?
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG