Điểm báo tuần số 513 từ ngày 13/3 đến ngày 19/3 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 20/03/2023, 16:24 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Thanh niên, Tiền phong, Zingnews.vn, Dân trí, Công thương, Giao thông, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới và các báo (13-14/3) đồng loạt thông tin, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Quyết định do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký. Việc kỷ luật cảnh cáo với ông Mai Tiến Dũng là do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Thủ tướng cũng ban hành quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Trịnh, nguyên Trợ lý của Phó Thủ tướng Chính phủ. Quyết định do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký, nêu rõ việc thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc với ông Nguyễn Văn Trịnh. Ông Trịnh bị kỷ luật là do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.
 
    Báo Pháp luật TP.HCM, Người Lao động (14/3) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí  Minh mở phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Bảo Trinh, làm việc tại Công ty TNHH BĐS Nam Thị và 02 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến chung cư La Bonita. Theo cáo trạng, dự án chung cư La Bonita đã được Công ty Nam Thị thế chấp cho Công ty tài chính Cao su để vay số tiền 95 tỷ đồng. Mặc dù chưa được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đồng ý cho chuyển nhượng, thế chấp, nhưng Trinh đã chủ mưu, chỉ đạo Tô Văn Chí Tâm, Hoàng Thái Anh ký hợp đồng mua bán căn hộ, sàn thương mại thuộc dự án cho nhiều người. Sau khi khách hàng chuyển tiền mua căn hộ, Trinh chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ để hợp thức hóa, thực tế việc luân chuyển tiền hoàn toàn không qua quỹ tiền mặt của Công ty Nam Thị, mà rút tiền đưa cho Trinh để chiếm đoạt. Có 44 cá nhân, tổ chức đã nộp đơn tố cáo Trinh và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 279,2 tỷ đồng.
 
    Báo Tiền phong (14/3) phản ánh, UBND thành phố Hà Nội giao lực lượng chức năng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trật tự công cộng tại khu vực xung quanh trụ sở khu liên cơ số 258 đường Võ Chí Công; đồng thời, yêu cầu Công an Hà Nội kiểm tra, làm rõ thông tin theo phản ánh của báo đăng “Hà Nội: Xuất hiện cò dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm hành chính công”, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng “cò mồi”, “cò dịch vụ” tại Trung tâm hành chính công của thành phố. UBND thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải khẩn trương kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh nêu trên; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện không đúng quy định về việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính “Cấp đổi giấy phép lái xe” (nếu có) tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Sở. 
    
    Các báo (16/3) thông tin, Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc tổng hợp lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải toàn diện, đầy đủ khách quan, trung thực, tôn trọng mọi ý kiến góp ý, không để xảy ra tình trạng có ý kiến không được tổng hợp, giải trình, tiếp thu đầy đủ. Kết quả lấy ý kiến nhân dân cần khẩn trương gửi về Chính phủ (qua Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp, đồng thời gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) để theo dõi, giám sát. Chú trọng chất lượng báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân. 
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (16/3) cho biết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã báo cáo một số nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông Lê Minh Trí, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, phi truyền thống với tính chất phức tạp hơn, hậu quả đặc biệt lớn. Nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng với số tiền bị chiếm đoạt và thất thoát rất lớn. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác” nhằm đào tạo, phát huy sở trường của từng cán bộ và PCTN, TC. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện kiểm sát các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ; áp dụng đúng các quy định pháp luật trong xác định tội danh và đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội. Bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản. Áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất. Viện kiểm sát các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ (điển hình như trong quá trình giải quyết các vụ án: AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma).
 
    Báo Lao động và các báo (16/3) thông tin, thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh phía Nam và Hà Nội đã xảy ra tình trạng nhiều phụ huynh nhận được tin nhắn, gọi điện mạo danh giáo viên, nhân viên y tế yêu cầu chuyển tiền gấp cho con bị tai nạn nhập viện. Đáng lo ngại hơn, thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng xấu còn diễn ra trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Những dòng tin nhắn với nội dung xoay quanh việc “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” đã đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi của các phụ huynh, khiến một số người bị lừa, chuyển tiền cho đối tượng xấu. Thông tin về việc có chuyện bắt buộc đóng viện phí tại thời điểm cấp cứu hay không, các bác sĩ thuộc các tuyến bệnh viện đều khẳng định, tính mạng của người bệnh là quan trọng nhất và được đặt lên trên hết, vì thế khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu sẽ thực hiện mọi biện pháp để cứu chữa, còn các vấn đề khác được thực hiện sau. Cho nên, không có chuyện phải chuyển tiền thì bác sĩ mới cấp cứu. 
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (17/3) cho biết, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines đang làm việc với Tổng cục Hải quan về thông tin 04 tiếp viên hàng không hãng này xách hơn 10kg nghi thuốc lắc và ma túy trên chuyến bay từ Pháp về Việt Nam. Trước đó, ngày 16/3, chuyến bay VN10 chặng Pari (Pháp) - Sài Gòn (Việt Nam), cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra hành lý của 04 nữ tiếp viên, qua đó, phát hiện trong hành lý của những người này có chất nghi ma túy và thuốc lắc. Các báo (18/3) tiếp tục thông tin, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin chính thức về việc 04 tiếp viên Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vận chuyển trái phép chất cấm. Theo đó, số lượng ma túy được xác định là 11,4 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp được ngụy trang trong những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng trong hành lý của các tiếp viên này. Cùng ngày, các báo này cho biết thêm, việc 04 nữ tiếp viên hàng không vận chuyển hơn 11kg ma túy: Người nhờ là ai? Liệu rằng những tiếp viên này có ngây thơ đến mức nhận chuyển giúp hàng mà không biết là hàng gì và vận chuyển cho ai hay không? Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, không phải việc phát hiện, phá án dạng này là tình cờ. Căn cứ loạt thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan, loạt dấu hiệu nghi vấn, đối tượng trọng điểm, thông tin thu nhập... Cục Hải quan Thành phố mới chỉ đạo phá án. Từ lời khai của các nữ tiếp viên, có 02 vấn đề cần làm rõ là tiền công vận chuyển và diễn biến giao nhận hàng hóa với người lạ mặt như thế nào?! Theo luật sư, nếu lời khai là đúng, các nữ tiếp viên không biết đây là chất ma túy thì sẽ không bị xử lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, nếu họ biết đây là chất ma túy mà vẫn vận chuyển sẽ bị xử lý hình sự. Cũng theo luật sư, nếu bị kết tội vận chuyển trái phép chất ma túy với trọng lượng hơn 11 kg ma túy là đặc biệt lớn thì cả 04 nữ tiếp viên sẽ phải đối mặt với bản án tử hình.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (13/3), Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định khởi tố bị can và khám xét nơi ở đối với bà Phan Thị Anh, nguyên thủ kho kiêm văn thư Chi cục Thi hành án dân sự TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để điều tra về tội tham ô tài sản. Theo kết quả xác minh, trong thời gian từ 2019 đến tháng 10/2022, bà Anh được giao nhiệm vụ thủ kho kiêm văn thư của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Đông Hà. Tuy nhiên, bà đã nhiều lần không nộp tiền thi hành án dân sự hoặc nộp tiền không đầy đủ vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý thuộc Chi cục Thi hành án. Sau đó, bà Anh bị phát hiện đã chiếm đoạt số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Để qua mắt các cơ quan liên quan, bà đã sử dụng tài liệu giả để hợp thức hóa chứng từ.
 
    Báo Tiền phong (13/3) cho biết, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đình Cương, Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị để điều tra, làm rõ hành vi giả mạo công tác xảy ra tại đơn vị này. Liên quan đến hoạt động giám định thương tích tại Trung tâm pháp y tỉnh, trước đó Đoàn Thanh tra của Sở Y tế đã tiến hành thanh tra về quy trình giám định thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh đối với ông N.M.D, ở thôn Long Phụng, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Quá trình thanh tra, đoàn kiểm tra đã chỉ ra một loạt sai sót, chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật về công tác giám định pháp y trong quá trình giám định lần đầu và giám định lại lần thứ nhất. Được biết, bản giám định lại đã được cung cấp cho Công an huyện Hướng Hóa, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm trong vụ việc cố ý gây thương tích xảy ra tại thôn Long Phụng (xã Tân Long).
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (13/3) đưa tin, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Ông Đồng bị điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Kết quả điều tra xác định, thời điểm năm 2016, ông Đồng với cương vị Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, là người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án xây dựng Hội nghị trực tuyến của tỉnh, đã có vi phạm, giúp Công ty cổ phần đầu tư P&T trúng thầu, sau đó, ông Đồng ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với giá trúng thầu hơn 15,6 tỷ đồng. Kết quả trích xuất dữ liệu điện thoại của bị can trong vụ án thể hiện bị can này đã trao đổi qua tin nhắn việc chuyển 1 tỷ đồng cho ông Đồng. Sai phạm này đã gây hậu quả thiệt hại cho ngân sách của Nhà nước hơn 6,2 tỷ đồng. Theo Cơ quan điều tra, đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư P&T và các cơ quan liên quan. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 07 người cùng về tội danh trên.
 
    Báo Dân Việt (13/3-16/3) có loạt bài điều tra độc quyền gồm 4 kỳ cả video và bài viết, phản ánh những thông tin liên quan thủ đoạn vận chuyển gỗ quý trái phép qua đường bưu chính tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Loạt bài điều tra: “Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh”, nhóm PV Dân Việt cho biết, từ tố cáo của một lái xe tải chuyển phát nhanh, nhóm PV đã nhiều tháng tìm hiểu tại huyện Sìn Hồ và ghi lại tư liệu xác thực về việc vận chuyển hàng cấm là gỗ quý hiếm bằng xe chuyển phát nhanh từ vùng cao về Hà Nội. Theo đó, những “ông trùm” buôn gỗ không phải lo đến việc tự thuê xe chuyển hàng mà phó thác cho dịch vụ chuyển phát nhanh hoạt động công khai. Khách mua hàng dù ở bất kỳ nơi đâu chỉ cần có địa chỉ và số điện thoại, vài ngày sau sẽ có người của hãng chuyển phát nhanh liên hệ giao hàng, thậm chí là đưa đến tận nhà. 4 bài điều tra gồm: Bài 1: “Giáp mặt “lâm tặc” trong rừng già”; bài 2: “Bí quyết buôn gỗ lậu “bao” chuyển về tận nhà”; bài 3: “Tận thấy đường đi của gỗ quý trên chuyến xe chuyển phát nhanh”; Video kỳ cuối đăng ngày 15/3: “Một số đơn vị bưu chính có đang “tiếp tay” cho các đối tượng buôn bán gỗ quý trái phép?”. Theo đó, nhóm PV, việc các chủ xưởng đã hợp thức hóa nguồn gỗ quý thông qua những bộ hồ sơ đấu giá gỗ, liệu số gỗ này có được các bưu cục nhận vận chuyển trước những quy định chặt chẽ về kiểm tra hàng hóa gửi? Sự thật này được phơi bày khi PV theo một chuyến xe chở hàng cho bưu cục từ Sìn Hồ về TP. Lai Châu. Phóng viên Dân Việt sẽ cung cấp bằng chứng và làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, một số đơn vị bưu chính để làm rõ việc, có hay không dấu hiệu “bảo kê”, “tiếp tay” cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển gỗ quý trái phép!. Ngay sau khi Dân Việt đăng tải loạt phóng sự điều tra, ngày 14/3, các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và xử lý nhiều cơ sở có dấu hiệu mua bán gỗ quý trái phép. Viện kiểm sát nhân dân huyện Sìn Hồ đã phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Vũ Duy Biên, một trong những chủ xưởng gỗ mà Dân Việt phản ánh. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sìn Hồ đã khởi tố bị can đối với đối tượng Vũ Duy Biên và Đào Đặng Nghĩa về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” để điều tra về tình trạng phá rừng, hợp thức hóa hồ sơ rồi vận chuyển bằng hình thức gửi xe chuyển phát nhanh. Tiến hành kiểm tra tại các cơ sở của 02 đối tượng trên, các lực lượng chức năng phát hiện nhiều vật chứng là các khúc gỗ thuộc nhóm quý, hiếm với khối lượng lớn. Trong đó: Tại cơ sở của Biên, phát hiện 324 khúc gỗ lũa các loại có khối lượng khoảng 03 tấn và 01 bức tượng thành phẩm có khối lượng khoảng 200 kg; Tại cơ sở của Nghĩa, phát hiện khoảng 30 tấn gỗ lũa các loại, 74 khúc gỗ tròn và 230 sản phẩm từ gỗ đã được chế tác thành phẩm. Hai đối tượng khai đã hợp thức hóa số gỗ trên bằng các giấy tờ mua bán thanh lý gỗ của Hạt Kiểm lâm.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (13/3) cho biết, tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án siêu lừa Hà Thành, theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành là lao động tự do nhưng lại là khách hàng VIP của nhiều ngân hàng. Do thua lỗ, Thành đã tìm một số người đến ngân hàng gửi tiết kiệm đồng sở hữu với số tiền lớn, sau đó sử dụng các sổ tiết kiệm này để cầm cố vay tiền ngân hàng. Khi vay tiền, Thành và các đồng phạm đã ký giả người đồng sở hữu vào các giấy tờ trong hồ sơ vay vốn. Tổng cộng, Thành đã chiếm đoạt 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng NCB, VAB, PVComBank và một số cá nhân. Riêng VAB bị chiếm đoạt 273,9 tỷ đồng. Luật sư bảo vệ người gửi tiền tập trung thẩm vấn, làm rõ các sự việc đã diễn ra tại Ngân hàng Việt Á (VAB) - nơi xảy ra nhiều cuộc lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lớn gấp nhiều lần hai ngân hàng Đại chúng (PVComBank), Quốc dân (NCB). Trong số ba ngân hàng liên quan, Việt Á (VAB) bị chiếm đoạt nhiều nhất, ngót 274 tỷ đồng. Tuy nhiên, trách nhiệm của Hội sở ngân hàng này cũng đang được đặt dấu hỏi. Báo Tuổi trẻ TP.HCM (14/3) phân tích thêm, nhiều người gửi tiền đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm tại ba ngân hàng NCB, VietAbank và Pvcombank đã bị “siêu lừa” chiếm đoạt, được xác định là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Những người gửi tiền dính hàng chục tỷ với “siêu lừa” bị các ngân hàng liên quan vụ án “giam” sổ tiết kiệm, tại Tòa, người gửi tiền đề nghị ba ngân hàng chấm dứt việc phong tỏa các sổ tiết kiệm và sớm trả toàn bộ tiền gửi của họ. Tuy nhiên, các ngân hàng yêu cầu “siêu lừa” phải chịu trách nhiệm, song, những người gửi tiền này không đồng ý với đề nghị trên vì tiền họ gửi vào ngân hàng theo đúng quy trình. Các báo (17/3) tiếp tục phản ánh, trong khi siêu lừa Hà Thành thừa nhận cáo buộc chiếm đoạt 433 tỷ đồng, nhiều bị cáo xin giảm nhẹ, trong đó Quản Trọng Đức, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank bị đề nghị 15-17 năm tù và Đặng Thị Quỳnh Hương, Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank bị đề nghị 16-18 năm tù kêu oan.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (13/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Vũ Đức Thắng, đăng kiểm viên bậc cao, Trưởng dây chuyền kiểm định của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Hà Giang về hành vi “Nhận hối lộ”. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2020 đến nay, Thắng cùng các nhân viên làm việc tại Trung tâm (23-01S) có hành vi nhận tiền của nhiều chủ phương tiện để hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho xe cải tạo. Báo Tiền phong (13/3) cho biết, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) tiến hành khám xét Trung tâm đăng kiểm 29-08D trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trung tâm này bị khám xét sau khi có một số thông tin liên quan đến việc tiêu cực trong đăng kiểm xe. Hiện tại, ở Hà Nội, Cục Đăng kiểm đã mở cửa trở lại 05 trung tâm đăng kiểm đã bị dừng hoạt động trước đó phục vụ công tác điều tra. Như vậy, hiện Hà Nội đang có tổng số 13 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động. 50 Cảnh sát giao thông đã được chi viện cho một số trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. VOV (14/3) thông tin, ông Nguyễn Chí Quyết, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-13D ở TP. Hồ Chí Minh vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ. VOV và các báo (15/3) đưa tin, cơ quan chức năng khám xét Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bách Việt (78-02D) ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (16/3) tiếp tục thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố 04 bị can liên quan đến vụ nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D thuộc Công ty TNHH Đăng kiểm Bách Việt Phú Yên. Các bị can bị khởi tố gồm: Phó Giám đốc Công ty TNHH Đăng kiểm Bách Việt và Giám đốc, Đăng kiểm viên, thủ quỹ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 78-02D. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bách Việt.
 
    Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM (14/3) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng mở phiên xét xử cựu Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng cùng các thuộc cấp về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Do sự vắng mặt của một số luật sư, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên phiên tòa quyết định tạm hoãn. Theo cáo trạng, ông Nguyễn Quang Trung (cựu Tổng giám đốc); Lâm Phụng Tiên (cựu kế toán); Bùi Lê Duy (cựu Giám đốc xí nghiệp); Nguyễn Hoàng Phượng Uyển (cựu Trưởng phòng tài chính); Lê Thị Thu Hà (cựu kế toán xí nghiệp) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tổng số tiền bị thất thoát tại các tài sản là nhà đất hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài vụ án trên, hiện Cơ quan công an đang điều tra vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng. Giá trị tài sản thiệt hại tính đến 28/10/2022 là 20 tỷ đồng. Giá trị tài sản đã tạm giữ, thu hồi là 196 tỷ đồng và một căn nhà.
 
    TTXVN, Đài TNVN và các báo (14/3) phản ánh, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Quốc Hùng, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô và 06 bị cáo khác trong vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô và một số đơn vị liên quan. Năng lực yếu kém, mập mờ của Kenmark đã được Thanh tra Ngân hàng Nhà nước nêu trong nhiều lần làm việc. Dù có lý lịch không đủ yêu cầu, tổ thẩm định vẫn đánh giá Kenmark đáp ứng được và đề xuất cho vay tối đa hơn 67 triệu USD. Cựu Giám đốc này thừa nhận có một phần lỗi trong việc thẩm định hồ sơ chủ đầu tư chưa bảo đảm, vẫn đồng ý cho vay, dẫn đến cho vay sai 360 tỷ đồng tại dự án này.
 
    Theo thông tin từ báo Dân Việt (14/3), sau khi báo đăng bài: Quảng Trị: Nhận tiền làm sổ đỏ của dân rồi “lặn mất tăm”, báo phản ánh, do tin tưởng nên ba người dân thuộc xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong đã đưa 151 triệu đồng cho ông Lê Ngọc Phương, cựu nhân viên Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Trị để chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn sang đất ở. Tuy nhiên, sau thời gian dài hứa hẹn nhiều lần, Phương vẫn không thực hiện cam kết. Khi được Công an mời làm việc, cựu nhân viên Sở này đã tác động người thân trả lại tiền làm sổ đỏ cho dân. 
 
    Báo Thanh tra (14/3) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ra thông báo phục hồi giải quyết nguồn tin báo tố giác tội phạm liên quan đến vụ việc tham mưu chỉ định thầu sai để rút tiền từ ngân sách nhà nước xảy ra tại Phòng Văn hóa Thông tin quận Bắc Từ Liêm. Đây là lần thứ 4 phục hồi giải quyết tố giác. Tại sao vụ việc bị tố giác từ năm 2021 đã phải nhiều lần tạm đình chỉ rồi phục hồi giải quyết trở lại để đến nay phải chuyển lên Cơ quan điều tra cấp thành phố xem xét tiếp. Đây có phải là một vụ việc quá phức tạp và có giá trị lớn? Báo phản ánh, người dân tố giác Phòng Văn hóa Thông tin quận Bắc Từ Liêm tham mưu chỉ định và lựa chọn nhà thầu không có chức năng để cung cấp dịch vụ đường truyền và dịch vụ tăng cường bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin. Trước đó, như báo đã phản ánh, lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin quận từng bị tố giác tại 04 gói thầu mua sắm, lắp dựng biển bảng quảng cáo rao vặt và bảng biển quy tắc ứng xử nơi công cộng để nhà thầu đánh tráo vật liệu không đúng quy chuẩn khi mời thầu nhưng vẫn được nghiệm thu và thanh quyết toán đầy đủ. Tuy nhiên gần đây, tại Kết luận giải quyết tố cáo của Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ ra hành vi vi phạm của Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận theo quy định bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Hội đồng Kỷ luật quận chỉ đề nghị Chủ tịch UBND quận áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận là chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Liên quan đến một vụ việc khác tại quận này, nội dung tố giác trong giải phóng mặt bằng tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) đã được Công an quận thông báo chuyển đơn đến Công an thành phố giải quyết. Nội dung tố giác này lại bị Công an thành phố tạm đình chỉ giải quyết để chờ trả lời của UBND quận. Liệu vụ việc mới được chuyển lên cho Công an thành phố có bị lặp lại vòng quay “tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết” như vụ việc trước đó?
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (14/3) thông tin, quá trình điều tra các vụ án hình sự “trốn thuế”; “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh xác định có một số cán bộ thuế đã “nhận hối lộ”. Cụ thể, Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi “nhận hối lộ” của một số cán bộ thuộc Chi cục Thuế huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng, tạo điều kiện cho một số bị can trong vụ án thành lập các công ty “ma” chuyên mua bán trái phép hóa đơn. Cơ quan an ninh điều tra Công an Quảng Ninh đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khám xét nơi làm việc, chỗ ở của Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng và Đỗ Thanh Hoài, nhân viên Chi cục Thuế huyện Cát Hải để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”. Trong quá trình điều tra các vụ án, đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 07 bị can, trong đó có Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (15/3) cho biết, vụ ông Đỗ Hữu Ca: “Điểm danh” 18 doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn, liên quan đến vụ án hình sự trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn tại Quảng Ninh và Hải Phòng khiến ông Đỗ Hữu Ca bị bắt. Nguồn tin của các báo cho biết: Cục Thuế Hải Phòng đã có văn bản hỏa tốc thông báo gửi các doanh nghiệp về việc giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến việc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của 18 doanh nghiệp có danh sách kèm theo. Cục Thuế Hải Phòng yêu cầu họ giải trình sau khi nhận được các văn bản của Công an tỉnh Quảng Ninh về việc đề nghị cung cấp các thông tin, tài liệu. 
 
    Theo thông tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Điện tử Chính phủ, Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Thanh niên, Tiền phong, Zingnews.vn, Dân trí, Công thương, Giao thông, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới và các báo (15/3), ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Ông Ánh có liên quan tới sai phạm xảy ra tại dự án xây dựng Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư. Đây là thông tin Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc thanh tra quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Liên quan đến sai phạm tại dự án còn có một số cán bộ lãnh đạo khác của tỉnh Lâm Đồng. Dự án này có quy mô hơn 3.595 ha, trong đó diện tích thuê rừng hơn 1.050 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 25.243 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới nay, dự án này mới chỉ xây dựng được vài công trình tạm và để rừng bị phá, lấn chiếm hàng trăm ha. 
 
    Báo Tiền phong (15/3) phản ánh, Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland tổ chức hàng loạt hội nghị, sự kiện để quảng cáo, mở bán dự án bất động sản nhằm thu hút người tham gia với những chương trình hấp dẫn như tặng thưởng đất, vàng, ô tô; thậm chí phát hành chui 10.000 cổ phiếu mã BLI nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can, tạm giam Quản Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland; Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Vũ Đức Tĩnh, Nguyễn Đức Minh và Nguyễn Văn Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan chức năng xác định những dự án bất động sản mà Công ty Bankland quảng cáo là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa được cấp phép đầu tư. Sơ bộ đến nay có khoảng hơn 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư và nộp số tiền hơn 400 tỷ đồng vào Công ty Bankland.
 
    TTXVN, Đài TNVN, báo Tiền phong và một số báo (15/3) thông tin, theo Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cao Bằng, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, Đàm Văn Hiệu, Phó Chi cục trưởng chi cục Thuế huyện Thạch An và Hà Minh Huy, cán bộ Chi cục Thuế thành phố đã có sai phạm trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Cao Bằng. Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Hiệu và Huy đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Hà Minh Huy và Đàm Văn Hiệu. Trước đó, Công an tỉnh đã làm rõ, bắt tạm giam, khởi tố nhiều cán bộ ở địa phương có liên quan đến Văn phòng đăng ký đất đai thành phố có sai phạm trong quá trình cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại lô đất trụ sở Đoàn Nghệ thuật Cao Bằng vào tháng 9/2017, gây thiệt hại ngân sách nhà nước khoảng 9 tỷ đồng.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Tiền phong, Dân Việt, Giao thông, VietNamnet và một số báo (15/3), Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Công luận, VnExpress, Tạp chí Tòa án (16/3) cho biết, diễn biến mới trong vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia Đặng Minh Phương về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 08 bị can về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”. Liên quan đến vụ các chuyến bay giải cứu hồi dịch Covid-19, cơ quan Công an đã khởi tố 41 bị can, phong tỏa và kê biên 80 tỷ đồng.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (15/3) phản ánh, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB); Phùng Ngọc Khánh (cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M&C) và đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo Trần Phương Bình bị cáo buộc có vai trò chủ mưu cầm đầu, có nhiều sai phạm gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng, bị Viện kiểm sát đề nghị 20 năm tù trong vụ án thứ 4. Phùng Ngọc Khánh bị đề nghị mức án 18 - 19 năm tù, các bị cáo khác bị đề nghị mức án 02 - 12 năm tù. Theo Hội đồng xét xử, tổng hợp với 3 án tù chung thân trong các vụ án trước (đều về sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của DAB), mức án tổng hợp được đề nghị cho bị cáo Trần Phương Bình là chung thân, bị cáo Phùng Ngọc Khánh là 30 năm tù. Trong vụ án này, Trần Phương Bình và đồng phạm bị cáo buộc có sai phạm liên quan 07 khoản vay của 06 công ty, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Trần Phương Bình bị xác định đã bảo lãnh thanh toán lô trái phiếu cho M&C trái quy định, gây thiệt hại hơn 460 tỷ đồng. Các báo (17/3) cho biết thêm, trong lần hầu tòa thứ 4, bị cáo Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á (DAB) bị tuyên phạt 20 năm tù vì gây thất thoát hơn 5.500 tỷ đồng tại DAB. Đây là bản án thứ 4, sau 3 bản án chung thân trước đó với bị cáo Trần Phương Bình. Tổng hợp chung với án chung thân trong các bản án trước, mức án mà bị cáo Bình phải thi hành là chung thân. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Phùng Ngọc Khánh phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng cho DAB. Bị cáo Trần Phương Bình phải hoàn trả số tiền hơn 51 tỷ đồng cho DAB, khấu trừ vào số tiền Phùng Ngọc Khánh phải bồi thường cho DAB.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (15/3) đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Chí Thành, nguyên là Phó Chi cục Thuế huyện Thường Xuân và khởi tố bị can đối với ông Vũ Ngọc Nam, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo điều tra, năm 2014, trên cương vị là Phó Chi cục Thuế, sau khi nhận được chỉ đạo của ông Cầm Bá Xuân (lúc đó là Chủ tịch UBND huyện), ông Nguyễn Chí Thành đã ký vào biên bản kiểm tra, xác định giá đất để thực hiện chuyển mục đích sử dụng 5.000m2 từ đất rừng sản xuất sang đất ở nông thôn, cho Thiều Quang Thực và Lê Đình Bình, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng.
 
    Báo Lao động (16/3) cho biết, ông Đinh Văn Khoa, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Pháp y (Sở Y tế Thái Bình) bị tố cáo nhận 70 triệu đồng để làm sai lệch kết quả giám định tỷ lệ thương tật của bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích. Ông Nguyễn Văn Dũng, ở thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải gửi đơn và bằng chứng đến Báo Lao động tố cáo ông Khoa nhận hối lộ để thay đổi, làm sai lệch kết quả giám định thương tật của bị hại trong vụ án. Con trai ông Dũng là anh Nguyễn Thành Trung gây thương tích cho ông Vượng, tỷ lệ thương tật giám định lần 1 tại Trung tâm Pháp y Thái Bình là 38%, giám định lại lần 2 tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giảm xuống còn 34%. Anh Trung cho biết: Ông Khoa chủ động đến nhà, ra giá 100 triệu đồng để mua tỷ lệ thương tật của ông Vượng giảm từ 38% xuống 31%; ra giá 80 triệu đồng để mua tỷ lệ thương tật ông Dũng từ 8% tăng lên thành 12%. 
 
    Báo Lao động và một số báo (16/3) cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn yêu cầu giám đốc một số sở, ngành cung cấp thông tin về tài sản của một số cán bộ và cựu lãnh đạo tỉnh cho Bộ Công an phục vụ yêu cầu điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản phục vụ yêu cầu điều tra đối với vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết mà Bộ công an vừa khởi tố vụ án ngày 01/3. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát các thông tin, tài liệu về tài sản (gồm bất động sản, cổ phần, phần góp vốn…) của các pháp nhân, cá nhân. Trong đó, có 02 công ty và 30 cá nhân là các nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ tỉnh và cả các cựu lãnh đạo tỉnh đã bị khởi tố, bắt giam trong vụ án Tân Việt Phát 2.
 
    Báo Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM (16/3) thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 03 cán bộ quận Tân Bình về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Các bị can gồm: Phạm Thị An Nương, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường; Trần Anh Vũ, nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận và Võ Trung Dũng, cán bộ địa chính xây dựng của UBND phường 5. Các bị can liên quan sai phạm vì đã xác nhận để cấp “sổ đỏ” của một căn nhà trong hẻm đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình (tài sản do Nhà nước quản lý) cho tư nhân.
 
    Báo Công thương, Dân Việt, VnExpress, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, Tiền phong và một số báo (16/3) phản ánh, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Bùi Việt Anh, Phó trưởng Trung tâm An ninh mạng, ban khai thác mạng Tổng công ty hạ tầng mạng thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) 30 tháng tù về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông được cấp tại Tổng Công ty Vinaphone, Bùi Việt Anh đã lấy thông tin liên quan đến số điện thoại như: Định vị điện thoại; lịch sử cuộc gọi đi, đến... để đem bán nhằm thu lời bất chính. Cùng tội danh, tòa tuyên 05 bị cáo từ 12 đến 18 tháng tù; 01 bị cáo 20 tháng tù treo. Riêng bị cáo Trần Mạnh Quân (nguyên cán bộ Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên) lĩnh tổng mức án 06 năm tù. Theo cáo trạng, Việt Anh mua thông tin liên quan đến số điện thoại của nhà mạng Viettel và Mobifone từ Trần Mạnh Quân và bốn người khác để đem bán; qua đó, hưởng lợi bất chính hơn 2,7 tỷ đồng. Bị cáo Trần Mạnh Quân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giả Công văn gửi các nhà mạng Viettel, Mobifone, để thu thập dữ liệu của 1.007 số điện thoại, sau đó bán lại cho Bùi Việt Anh, hưởng lợi bất chính số tiền 254 triệu đồng.
 
    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (17/3), Công an Đà Nẵng vừa tiến hành khám xét khẩn cấp Phòng Đăng kiểm tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, tạm giữ hình sự 04 đối tượng có liên quan đến các sai phạm trong công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn. Theo đó, 04 đối tượng bị tạm giữ để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, trong đó có 02 người là đăng kiểm viên của Chi cục Thủy sản TP. Đà Nẵng. Các đối tượng này đã hoán cải một số phương tiện không tuân thủ quy định, gây nguy cơ mất an toàn khi hoạt động trên biển hoặc kê khống công suất máy để trục lợi chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ của Nhà nước.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (17/3) cho biết, điều tra mở rộng vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 05 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can gồm: Tạ Hải Anh, cựu Trưởng ban xuất khẩu lao động, Công ty AIC; Cao Việt Bách, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BVA; Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Phúc Hưng, anh trai bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC). Hai người còn lại là Trần Quốc Công, Giám đốc Công ty Cổ phần Uy tín Toàn Cầu và Nguyễn Thị Quyên, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH định giá Cimeico. Trong bản án sơ thẩm công bố hôm 04/01, Tòa án nhân dân Hà Nội xác định bà Nhàn (đang trốn truy nã, bị tuyên 30 năm tù) là chủ mưu vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan. Hội đồng xét xử cho rằng, bà Nhàn chỉ đạo nhân viên móc ngoặc với chủ đầu tư, phân công một số công ty làm “quân xanh, quân đỏ” trong quá trình đấu thầu và trúng thầu.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (17/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bổ sung vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”. Theo đó, quyết định khởi tố 04 bị can tại Công ty Công viên cây xanh Hà Nội về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ. 
 
    Các báo (17/3) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương khởi tố 06 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Xi măng Hoàng Thạch. Trước đó, tháng 11/2022, Công an tỉnh này đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch. Tại thời điểm bị khởi tố, ông Lê Thành Long cũng đang là thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần bao bì Hoàng Thạch.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (14/3) đưa tin, Ủy ban Độc lập Chống tham nhũng Hồng Kông (ICAC) cho biết, Cheung Chin-hang, một bác sĩ y tế cộng đồng tại một trung tâm y tế quận ở Hồng Kông, bị cáo buộc đã cố gắng hối lộ y tá tại Trung tâm Thể thao Osman Ramju Sadick Memorial ở Kwai Chung vào tháng 9 năm ngoái với đề nghị cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 mà không cần tiêm mũi nào. Trước đề nghị hối lộ của Cheung, nữ y tá đã từ chối và sau đó báo cáo trường hợp này với nơi cô công tác là Cơ sở Dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng - đơn vị điều hành công tác tiêm chủng tại Trung tâm Thể thao Osman Ramju Sadick Memorial.
 
    Báo này cùng ngày cho biết, Cơ quan Điều tra liên bang của Ấn Độ đã khởi động cuộc điều tra về các cáo buộc “tham nhũng và sai phạm tài chính” đối với 7 chi nhánh khu vực của Hội Chữ thập đỏ Ấn Độ (IRCS). IRCS là một tổ chức xã hội nhân đạo chăm lo hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp và hoạt động hướng tới phúc lợi của những người dân dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Theo thông tin trên trang web của IRCS, IRCS là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế, có mạng lưới hơn 1.100 chi nhánh trên khắp Ấn Độ. Trong tuyên bố ngày 13/3, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết: “Một số cáo buộc được ghi nhận chống lại Hội Chữ thập đỏ Ấn Độ và các chi nhánh khu vực. Bộ muốn làm rõ rằng cuộc điều tra của Cục Điều tra Trung ương (CBI) đã được bắt đầu đối với những trường hợp này”.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 
 
    - Tạm giữ 04 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển 11,4 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp trên chuyến bay từ Pháp về Việt Nam;
    - Xét xử sơ thẩm vụ án siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 433 tỷ đồng;
    - Thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Chi cục trưởng và nhân viên Chi cục Thuế huyện Cát Hải, Hải Phòng để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”;
    - Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ;
    - Bị cáo  DAB bị tuyên phạt thêm 20 năm tù trong bản án thứ 4 vì gây thất thoát hơn 5.500 tỷ đồng tại DAB; 
    - Khởi tố 05 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.