Điểm báo tuần số 541 từ ngày 02/10 đến ngày 08/10 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 09/10/2023, 15:14 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Các báo (02-08/10) đồng loạt đưa tin, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị này, đã bàn và cho ý kiến kết luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, có vấn đề Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và đồng chí Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, thống nhất để đồng chí Điểu K'ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Toàn cảnh Hội nghị |
Các báo (02/10) thông tin, Công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ Nguyễn Thị Chi Anh, trú tại xóm Tân Phúc, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Bước đầu, Cơ quan điều tra đã chứng minh được: Từ tháng 11/2022, Nguyễn Thị Chi Anh đã cho chị Trần Thị T., trú tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu vay tổng số tiền 900 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 109,5%/năm); thu lợi bất chính số tiền 402 triệu đồng.
Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (03/10) cho biết, Công an tỉnh Trà Vinh thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Hoàng, ngụ Ấp 4, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, từ tháng 4/2021, Hoàng đến sinh sống tại tỉnh Trà Vinh và giới thiệu chuyên kinh doanh bất động sản. Quá trình quen biết các bị hại, Hoàng đưa ra thông tin gian dối có mua 5 thửa đất trên địa bàn thành phố Trà Vinh để phân lô bán nền. Từ tháng 5/2022 đến tháng 9/2022, Hoàng đã lợi dụng lòng tin của nhiều người, chiếm đoạt số tiền gần 9 tỷ đồng và trên 500 triệu đồng của một bị hại khi nhận làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Báo Nhân dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (05/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Dương Ngọc Hân, trú tại Khóm 2, phường 5, thành phố Trà Vinh về hành vi cho vay nặng lãi. Theo điều tra, Hân cùng chồng cho vay với lãi suất 2%/ngày, 60%/tháng và 720%/năm, vượt quá mức lãi suất quy định của Nhà nước. Trong quá trình xác minh, cơ quan Công an xác định, Hân và chồng thu lợi bất chính 308 triệu đồng.
Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (05/10) cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020; Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Đức Long, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Đặng Huy Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh; Vũ Xuân Diện, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh; Vũ Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Trần Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
Các báo (06/10) thông tin, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị triệt phá thành công chuyên án “tín dụng đen” cho vay với lãi suất 110-360%/năm. Cầm đầu nhóm này là Đặng Ngọc Đức, trú tại xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đức khai nhận, từ đầu năm 2023 đến nay, đã cho hàng trăm người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vay số tiền hơn 3 tỷ đồng. Những người vay nợ khi chưa kịp trả tiền, thì các đối tượng này nhắn tin khủng bố, đe dọa.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (08/10) cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra, làm rõ và bắt hai đối tượng chế tạo, mua bán, tàng trữ súng quân dụng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hoàng Đình Nam trú tại xã Cư Yang, huyện EaKar đã chế tạo và mua bán 13 khẩu súng các loại. Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt Hoàng Văn Vũ, trú tại phường Đông Hải 1, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Bước đầu, Vũ khai nhận, do cần tiền tiêu xài nên đã lên mạng xã hội tìm mua 2 khẩu súng của Nam để về bán lại kiếm lời. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ nhiều súng, đạn các loại và nhiều dụng cụ chế tạo súng.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo VietNamNet, Baomoi.com (02/10), Lao động, Dân Việt (06/10) phản ánh, quá trình điều tra vụ Việt Á, 38 bị can trong vụ án đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân và đồng phạm, hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án. Các bị can đã tự nguyện nộp tiền hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả. Ông Phan Quốc Việt có đơn đề nghị sử dụng tiền, tài sản của mình đang bị tạm giữ, kê biên để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỷ đồng), đã khắc phục 2,22 triệu USD. Ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN gây thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền 18,98 tỷ đồng. Trong đó ông Chu Ngọc Anh đã khắc phục 1 tỷ đồng; ông Phạm Công Tạc đã khắc phục 80 triệu đồng. Ngoài ra, một số bị can khác cũng đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Trong đại án Việt Á, Viện kiểm sát nhân dân tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự với nhiều cá nhân. VietNamNet, Baomoi.com (04/10) cho biết thêm, người hướng dẫn cho Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt có những hành vi sai phạm, thu lợi ngàn tỷ là ông Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng. Cáo buộc chỉ ra rằng, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt đã thông đồng, câu kết với các bị can là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ để được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về test xét nghiệm. Từ đây, loạt sai phạm của Việt Á, của những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ bị phát hiện. Cáo trạng thể hiện, ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao giúp đỡ Công ty Việt Á trong quá trình phối hợp nghiên cứu Đề tài, cấp số đăng ký lưu hành, tiêu thụ test xét nghiệm. Ông Trịnh còn hướng dẫn Chủ tịch Việt Á soạn công văn đề nghị cấp số đăng ký lưu hành khẩn cấp cho test xét nghiệm.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (03/10) cho biết, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa bắt giữ Nguyễn Thị Tuyết Sương, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long vì có hành vi gây khó khăn cho đương sự, đòi nguyên đơn phải đưa số tiền 50 triệu đồng (để bồi dưỡng cho Hội đồng xét xử) mới đưa vụ án ra xét xử. Sáng 03/10, tại phòng làm việc của Nguyễn Thị Tuyết Sương, trong khi nhận số tiền 40 triệu đồng của đương sự, nữ Thẩm phán này bị Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao bắt quả tang.
Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04/10) đưa tin, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thanh Giang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VEAM. Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội xác định các bị can đã gây lãng phí số tiền của Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
TTXVN, Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, VietNamNet và một số báo (04/10) cho biết, Công an thành phố Pleiku phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thành phố quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can: Cao Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D (từ tháng 07/2020 đến tháng 04/2021) về tội “Nhận hối lộ”; Hoàng Nam Đàn, Phó Giám đốc Trung tâm (từ tháng 06/2021 đến tháng 11/2022) về tội “Nhận hối lộ” và Trần Xuân Hải, trú tại phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai về tội “Môi giới hối lộ”. Trước đó, Cơ quan Công an đã quyết định khởi tố vụ án “Nhận hối lộ và môi giới hối lộ” xảy ra tại Trung tâm này. Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định: Từ năm 2020-2022, Tuấn và Đàn đã lợi dụng chức vụ nhận tiền của các chủ phương tiện và đối tượng môi giới Trần Xuân Hải để làm khống hồ sơ cải tạo xe cơ giới, tiến hành nghiệm thu cải tạo trái quy định, hưởng lợi bất chính.
Báo Kinh tế Đô thị, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, Văn hóa, Quochoitv.vn, Baomoi.com (05/10) đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 05/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin liên quan đến bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường phát triển - Change bị kết án tù vì tội danh trốn thuế và bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam bị bắt về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức. Đây đều là những trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam, bị điều tra, khởi tố và xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Bà Hồng bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt 3 năm tù về tội trốn thuế. Bà Nhiên, bị bắt về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức.
Các báo (05/10) cho biết, Công an tỉnh Bình Dương quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại xã An Tây, Thị xã Bến Cát do hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định. Đây là vụ án liên quan đến ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu Bí thư Thị xã Bến Cát. Trước đó, vào tháng 8/2023, Cơ quan điều tra cũng đã trả tự do cho hai bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng BIDV là ông Nguyễn Huy Hùng, cựu Giám đốc và ông Nguyễn Quang Lộc, cựu Phó phòng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn vì đã hết thời hạn tạm giam. Như vậy, sau 5 năm vụ án được khởi tố điều tra, với hai phiên tòa xét xử diễn ra tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương và Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, đây là động thái mới nhất của Cơ quan điều tra sau khi bị Tòa án nhân dân cấp cao tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (06/10) thông tin, căn cứ kết quả điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Y dược LanQ và các đơn vị liên quan, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Mạnh Quyền, Tổng Giám đốc Công ty; Phạm Văn Cách, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sơn Lâm cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (07/10) cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đang điều tra vụ án Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68; Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh An Giang và các đơn vị có liên quan. Mở rộng điều tra cơ quan Công an xác định: Phùng Mỹ Luông, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Mỹ Luông đã thỏa thuận, chi tiền cho Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68 để được khai thác cát, trái phép tại mỏ của Công ty Trung Hậu 68, bước đầu xác định Phùng Mỹ Luông khai thác và bán trái phép 197.112 m3 cát, thu lợi bất chính hơn 19 tỷ 711 triệu đồng.
Báo Công an nhân dân, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, Lao động, Pháp luật TP.HCM, Baomoi.com và một số báo (08/10) đưa tin, Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Lê Văn Ngọc, trú tại quận Gò Vấp và Nguyễn Anh Tuấn, trú tại quận Bình Tân về tội buôn lậu; ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thúy Nga, trú tại quận Bình Tân là vợ của bị can Tuấn, với vai trò đồng phạm. Hành vi của Tuấn là buôn lậu hơn 600 điện thoại iPhone 14 Pro Max với giá trị gần 20 tỷ đồng từ Thái Lan về Việt Nam bằng đường hàng không.
Báo TTXVN, Công an nhân dân, Dân trí, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (80/10) cho biết, Công an tỉnh Bắc Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Chu Quang Thành, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2010-2020) về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Theo điều tra, năm 2016, ông Chu Quang Thành đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn của xã lập danh sách, giao đất trái thẩm quyền cho các gia đình mua 79 lô đất ở thôn Thắng, xã Tân An gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra, Pháp luật Việt Nam (04/10) đưa tin, Bộ trưởng Lao động Thulas Nxesi và các nhà lập pháp Cedric Frolick, MosebenziZwane, Winnie Ngwenya bị dính líu cáo buộc tham nhũng sau khi một ủy ban điều tra về tham nhũng quy mô lớn dưới thời cựu Tổng thống Jacob Zuma - người đã lãnh đạo Nam Phi từ năm 2009-2018 điều tra. 04 nhà lập pháp này đã bị điều tra từ năm ngoái vì các cáo buộc riêng biệt. Bộ trưởng Lao động Thulas Nxesi bị cáo buộc nhận tiền từ một công ty có liên hệ với doanh nhân nổi tiếng người Nam Phi Edwin Sodi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thulas Nxesi và 3 nhà lập pháp khác từ Đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền đã được Ủy ban Đạo đức của Quốc hội xóa tội tham nhũng hôm 03/10.
Báo Thanh tra, Hà Nội mới (06/10) cho biết, dù chưa chính thức bị nêu tên là nghi phạm, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia đã từ chức hôm 05/10, trong khi Ủy ban Chống tham nhũng tăng cường điều tra cáo buộc tham nhũng tại Bộ Nông nghiệp. Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) cáo buộc, ông này đã có hành vi hối lộ liên quan đến việc thăng tiến công việc tại Bộ Nông nghiệp cũng như những dự án gian lận liên quan đến các nhà cung cấp tư nhân. Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo từ chức để tập trung vào vụ việc chống lại mình và hy vọng công chúng sẽ cho rằng ông vô tội cho đến khi có phán quyết của tòa án. Tuần trước, KPK đã tiến hành khám xét nơi ở chính của ông Limpo ở Jakart, trong khi Bộ trưởng này đang có chuyến thăm và làm việc tại Ý, Tây Ban Nha. Người phát ngôn của KPK cho biết, các nhà điều tra đã phát hiện khoảng 10 khẩu súng và tiền giấy trị giá chừng 30 tỷ rupiah bằng nhiều loại tiền tệ (1,9 triệu USD) tại nơi ở của ông Limpo.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII;
- Kỷ luật lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh;
- Khởi tố vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG