Điểm báo tuần số 544 từ ngày 23/10 đến ngày 29/10 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 30/10/2023, 16:05 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Các báo (23/10) đồng loạt đưa tin, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6. Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác. Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024. Đồng thời, xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.
Quang cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV |
Các báo (23/10) cho biết, Công an tỉnh Hà Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Huyền, trú tại xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn đưa thông tin giả là hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, đang cần tiền thu gom hàng ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên rồi chuyển về Hải Phòng để xuất khẩu, khi có lợi nhuận sẽ chia phần cho người góp vốn, Huyền đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang với số tiền hơn 70 tỷ đồng.
Theo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (24/10) thông tin, từ ngày 30/8 đến 15/10, các tổ công tác đặc biệt của Cục CSGT đã phối hợp với Công an các địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, 6.119 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức.
TTXVN, Công an nhân dân, Thanh niên, Đại Đoàn kết và một số báo (24/10) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang quyết định thi hành kỷ luật hình thức khiển trách Chi bộ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025; thi hành kỷ luật hình thức cảnh cáo ông Nguyễn Huỳnh Quốc Bảo, Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Phước, Thị ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân An, thị xã Tân Châu theo quy định; yêu cầu Ban Thường vụ Thị ủy và Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Tịnh Biên tiếp tục phát huy ưu điểm, rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.
Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (24/10) đưa tin, Công an TP. Hà Nội quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Sinh Lợi và Nguyễn Chí Tỉnh cùng ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức; Đỗ Hoài Nam ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai cùng 08 đối tượng khác về các hành vi Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cơ quan Công an cho biết, số tiền đánh bạc của Lợi, Tỉnh với những người liên quan lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Chí Tỉnh còn cho nhiều khách hàng tại địa phương vay tiền lãi suất “cắt cổ”.
Báo Nhân Dân điện tử, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, SGGP, Đài TNVN và một số báo (26/10) cho biết, Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ hình sự đối tượng Trần Duy Khánh, hộ khẩu thường trú tỉnh Tiền Giang; tạm trú tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh để điều tra làm rõ hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Mở rộng điều tra vụ án “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” do bị can Phạm Hồng Sơn và đồng bọn thực hiện, Công an tỉnh Bình Dương đã triệu tập làm việc và tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở đối tượng Trần Duy Khánh, qua khám xét, Công an phát hiện thu giữ nhiều súng, đạn các loại.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Theo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (23/10), Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc, nơi ở của các bị can Nguyễn Thị Gái, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Thị Gái và Hồ Văn Ngọc, Công chứng viên để thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan tới hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Quá trình điều tra mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) do bị can Đỗ Thị Mỹ Hạnh, thường trú phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một thực hiện, Cơ quan điều tra xác định bà Nguyễn Thị Gái đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát các hoạt động công chứng tại Văn phòng công chứng, tạo điều kiện để bị can Hạnh và một số đối tượng khác thực hiện việc công chứng các Hợp đồng ủy quyền, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rồi chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Báo Đại đoàn kết (23/10) thông tin, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam xác nhận, đơn vị đã bắt một đối tượng bị truy nã khi đang chuẩn bị vượt biên trái phép sang Lào. Lực lượng chức năng xác định người đàn ông là Nguyễn Văn Tô, Phó Giám đốc một doanh nghiệp, là đối tượng đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam phát lệnh truy nã về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Báo Tiền phong và các báo (23/10) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC, cùng 03 bị cáo khác đang bỏ trốn bị xét xử vắng mặt. Tại phiên tòa, cựu kế toán trưởng AIC khai bị bà Nhàn lừa sang Dubai, “giam lỏng” nhiều tháng. Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (26/10) thông tin, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên án đối với 16 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh. Theo đó, tòa đã tuyên án vắng mặt đối với 04 bị cáo hiện đang bỏ trốn về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC 10 năm tù; Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng Giám đốc Công ty AIC 7 năm tù; Trương Thị Xuân Loan, Trưởng ban Quản lý dự án 3 thuộc Công ty AIC 5 năm tù và Nguyễn Thị Tích, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha 3 năm tù. 12 bị cáo khác có mặt tại tòa bị tuyên án cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng Công ty AIC 3 năm tù; Nguyễn Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng 3 năm tù; Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC 6 năm tù; 9 bị cáo khác có vai trò giúp sức cho các bị cáo chủ mưu “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đã bị tuyên từ 18 tháng đến 3 năm tù và 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
TTXVN, Nhân Dân điện tử và một số báo (24/10) cho biết, Viện kiểm sát thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam và khám xét chỗ ở đối với Trần Quốc Vượng, trú tại phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh và Lê Văn Ân, trú tại xã Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh là nhân viên hợp đồng của Trạm kiểm dịch và xét nghiệm động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh. Theo Cơ quan điều tra, tháng 5/2023, trong quá trình kiểm tra xe ô tô tải chở lợn qua địa bàn Hà Tĩnh để vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ, hai nhân viên Vượng và Ân đã “gây khó khăn”, buộc chủ hàng phải đưa 30 triệu đồng mới cho xe tiếp tục di chuyển.
Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (24/10) đưa tin, Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị truy tố bà Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cùng 21 bị can khác liên quan đường dây mua bán hóa đơn khống. Công an xác định, từ năm 2017-2023, bà Trang cùng đồng phạm đã thành lập, sử dụng 41 pháp nhân mua, bán trái phép 34.292 hóa đơn giá trị gia tăng cho 3.273 doanh nghiệp, đơn vị khác nhau trên 52 tỉnh/thành trên cả nước với tổng giá trị gần 4.337 tỷ đồng, trong đó, trị giá chưa thuế hơn 3.956 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 380 tỷ đồng.
Báo Lao động, Công thương, Giao thông, Công lý, Dân Việt, Đời sống và pháp luật, Người Lao động, VnExpress, VietNamNet, Tuổi trẻ TP.HCM, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Người Đưa tin, Dân trí, Kinh tế Đô thị, Pháp luật TP.HCM, Baomoi.com.vn, Đồng Nai, Hải Dương (25/10) cho biết, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt tạm giam bà Lê Thị Hoài Lan, nguyên Trưởng bộ môn quản lý giáo dục; ông Đặng Minh Thư, nguyên Phó phòng đào tạo; Dương Minh Hiếu, nguyên Phó phòng khảo thí đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Đồng Nai. Trước đó, tháng 6/2023, Công an tỉnh Đồng Nai đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Minh Hùng, nguyên Hiệu trưởng và ông Phan Văn Thanh, nguyên Trưởng phòng tài chính kế hoạch liên quan đến sai phạm lập chứng từ chi quản lý cho đối tác không có trong hợp đồng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, việc hạch toán sổ sách thu chi trong năm 2018, Trường Đại học Đồng Nai đã để ngoài sổ sách kế toán doanh thu hơn 37 tỷ đồng, dẫn đến việc giảm số tiền thuế phải nộp gần 700 triệu đồng.
Báo Pháp luật TP.HCM, VietNamNet, Dân trí, Bảo vệ pháp luật, Tiền phong, Thanh tra, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động, Công thương, Người Lao động, Công luận, Đấu thầu, Gia Lai (25/10) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai ra quyết định khai trừ Đảng đối với ông Võ Đình Sớm, thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai. Ông này đã đã bị Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra tội nhận hối lộ 500 triệu đồng để giải quyết thắng kiện cho đương sự trong một vụ án tranh chấp đất đai. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai ra quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trần Phú Quý, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Gia Lai do bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 18 tháng tù về tội che giấu tội phạm. Vụ án liên quan bà Đỗ Thị Minh Huệ, cựu Hiệu phó một trường tiểu học ở huyện Ia Grai, vợ cũ ông Quý lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Các báo (26/10) thông tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Võ Tiến Hùng, nguyên Phó Trưởng phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư Công ty Cao su Đắk Lắk (nay là Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Liên quan đến vụ án này, trước đó Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã ban hành quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Đức Lư, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk để điều tra cùng tội danh trên.
Báo Bảo vệ pháp luật, Tiền phong, Đầu tư, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Hải Dương và một số báo (26/10) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành bản cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Lợi, cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV sản xuất Nguyễn Tâm về tội “Tham ô tài sản”. Liên quan đến vụ án, cùng bị truy tố với 02 bị can nêu trên còn có 06 bị can khác bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó có 5 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện TP. Thủ Đức và 01 bị can bị truy tố về tội “Rửa tiền”. Theo cáo trạng, Bệnh viện TP. Thủ Đức được tổ chức, thực hiện mua sắm thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh, Nguyễn Minh Quân lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao tham ô tài sản thông qua việc sử dụng các công ty gia đình để nâng khống giá thiết bị y tế bán vào bệnh viện; điều hành chi phối nhân viên dưới quyền vi phạm các quy định về đấu thầu; thực hiện hành vi rửa tiền để hợp thức nguồn tiền chiếm đoạt trái pháp luật. Cụ thể, từ năm 2016-2020, Bệnh viện Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Kết quả điều tra xác định, nhóm 4 Công ty do Nguyễn Văn Lợi quản lý tham gia đấu thầu và trúng thầu 27/28 gói thầu tại Bệnh viện Thủ Đức, với tổng giá trị hơn 345 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng xác định, tổng số tiền lợi nhuận 4 Công ty nêu trên thu được là hơn 102,5 tỷ đồng.
Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, Công lý, Baomoi.com.vn, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP.HCM và một số báo (26/10) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tuyên án bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh 13 năm tù giam; Nguyễn Văn Võ, nguyên Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Tân Châu, Công an tỉnh An Giang 8 năm tù giam; Mai Văn Đẹp, Tống Trường Giang cùng mức án 7 năm tù. Liên quan vụ án này, Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ thông tin Kim Hạnh chuyển 379 triệu đồng cho Võ. Công an tỉnh An Giang cũng đang xử lý làm rõ việc một số cán bộ, điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh An Giang khi điều tra, xác minh thiếu khách quan dẫn đến xử phạt vi phạm hành chính vụ vận chuyển đường lậu.
Theo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (27/10) cho biết, Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Huỳnh Thế Năng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood II và Đinh Trường Chinh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Hai bị can trên có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Tháng 9/2020, Huỳnh Thế Năng từng bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
Báo Nhân Dân điện tử, Tuổi trẻ TP.HCM, VietNamNet, Lao động, Pháp luật TP.HCM, Baomoi.com, Đài TNVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (28/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố Trịnh Văn Quyết và đồng phạm. Theo đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán thu lời 732 tỷ đồng và chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng bằng chiêu tăng vốn điều lệ khống. Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: Trong thời gian từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/01/2022, Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Các báo (29/10) cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiến hành điều tra vụ án “Tham ô tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; rửa tiền; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã đối với 07 bị can, gồm: Nguyễn Thị Thu Sương, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB; Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB; Chiêm Minh Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc SCB; Trầm Thích Tồn, thành viên HĐQT SCB; Sun Henry Ka Ziang, thành viên HĐQT SCB, quốc tịch Trung Quốc; Lam Lee George, thành viên HĐQT SCB và Nguyễn Lâm Anh Vũ, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (23/10) đưa tin, Cơ quan công tố Albania đã cáo buộc cựu Thủ tướng SaliBerisha và con rể về tội tham nhũng trong một thỏa thuận đất đai liên quan đến khuôn viên của một câu lạc bộ thể thao. Văn phòng Công tố đặc biệt chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức cho biết, ông SaliBerisha đã sử dụng ảnh hưởng của mình với tư cách là Thủ tướng từ năm 2005-2009, gây áp lực “để hoàn tất các thủ tục tư nhân hóa có lợi cho những người khác, trong đó có chồng của con gái ông. Trong khi con rể của ông bị bắt vào cuối ngày 21/10, thì bản thân Berisha là một nhà lập pháp đã được miễn truy tố. Ông Berisha đã được lệnh không được rời khỏi đất nước và phải báo cáo với cảnh sát.
Báo Thanh tra, Người bảo vệ quyền lợi (24/10) cho biết, Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul đã khám xét nhà và văn phòng của LeeHo-jin, cựu Chủ tịch Tập đoàn Taekwang ở trung tâm Seoul và Câu lạc bộ Đồng quê Taekwang ở Yongin, phía Nam Seoul để thu thập bằng chứng vì bị nghi ngờ đã tạo ra các quỹ đen trị giá hơn 2 tỷ won (1,5 triệu USD) thông qua các chi nhánh của Tập đoàn Taekwang. Lee trước đó từng phải ngồi tù 3 năm vì tội tham ô, vi phạm lòng tin và trốn thuế, trước khi được trả tự do vào tháng 10/2021. Cuộc điều tra của cơ quan cảnh sát diễn ra chỉ khoảng 2 tháng sau khi ông Lee được Tổng thống Hàn Quốc ân xá đặc biệt và được phục hồi quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 15/8.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV;
- Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhận thêm bản án 10 năm tù;
- Khởi tố nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam;
- Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tội thao túng thị trường chứng khoán.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG