Điểm báo tuần số 560 từ ngày 19/02 đến ngày 25/02/2024 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 26/02/2024, 13:59 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Các báo (19/02) đưa tin, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Luật Đất đai (sửa đổi) có một số điểm mới, trong đó, quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng, xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách; quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng... Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất và thời điểm xác định giá đất. Về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được xây dựng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập thời gian qua, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng... 
 
    TTXVN, báo Công lý và các báo (19/02) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố Phạm Văn Đảng, ở phường Đức Giang, quận Long Biên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, từ tháng 3/2017 - 9/2023, ông Phạm Văn Nhâm (ở Hải Dương) đại diện cho nhiều người đã có đơn gửi Công an TP. Hà Nội tố giác hành vi lừa đảo của Phạm Văn Đảng thông qua việc mua mã cộng tác viên môi giới bất động sản của Công ty TNHH thiết kế 3D Viettek (Công ty Viettek). Kết quả điều tra cho thấy, năm 2016, Phạm Văn Đảng mua lại Công ty Viettek nhằm sử dụng công ty này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết luận của Viện kiểm sát, từ ngày 22/11/2016 đến ngày 17/01/2017, Đảng đã nhận của 34 người số tiền hơn 2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Đảng nộp cho Cơ quan điều tra hơn 650 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
 
    Báo Lao động, Hà Nội mới, VietNamNet và một số báo (19/02) đưa tin, Công an quận Hà Đông, TP. Hà Nội quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Hoàng Nam, quê quán TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra bước đầu xác định, tháng 12/2020, Hoàng Nam thành lập Công ty cổ phần đầu tư tài chính PFS và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (địa chỉ trụ sở số 770 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp); văn phòng đại diện miền Bắc (tại số 26, Khu Galaxy Vạn Phúc, Hà Đông, TP Hà Nội). Công ty PFS hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ tư vấn các khoản vay tài chính - ngân hàng và cho vay các hình thức tín chấp, thế chấp, cầm cố tài sản. Quá trình hoạt động, Hoàng Nam đã kêu gọi góp vốn đầu tư, do đó, đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng.
 
    Đài THVN, báo Quân đội nhân dân và một số báo (20/02) đưa tin, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh họp kiểm điểm tập thể và cá nhân liên quan trong vụ việc bà Nguyễn Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội dùng xe công vụ, bật đèn, còi ưu tiên để đón con gái tại sân bay. Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân, tổ chức vi phạm. Lái xe của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng bị Công an tỉnh xử phạt hành chính và tước bằng lái 2 tháng vì phát tín hiệu còi, đèn ưu tiên khi chạy qua xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, đồng thời, tịch thu bộ còi, đèn ưu tiên gắn trên chiếc xe công vụ này.
 
    Các báo (23/02) đưa tin, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Tại Phiên họp, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đại hội XIV của Đảng có nhiệm vụ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, từ đó, rút ra những bài học quan trọng; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Đại hội cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; kiểm điểm việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XIII và tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Đại hội XIV là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng một nước Việt Nam “giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên CNXH.
 
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí tham dự Phiên họp
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí tham dự Phiên họp
    Báo VietNamNet, Baomoi.com.vn (25/02) có bài, “Vi phạm gì khiến loạt lãnh đạo vụ, cục ở Bộ Công Thương bị “đảo” ghế, hạ cấp?”. Nhiều lãnh đạo vụ, cục ở Bộ Công Thương vừa bị điều chuyển từ cấp trưởng thành cấp phó ở đơn vị khác, từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật do có vi phạm trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách. Tháng 12/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và trong lĩnh vực xăng dầu đã chỉ ra nhiều sai phạm. Cơ quan Thanh tra đã chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra. Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (25/02) đưa tin, gần 200 học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng đã tụ tập phá cửa bỏ trốn. Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Sóc Trăng sớm có mặt nhưng nhóm người cai nghiện đã chống lại và trốn chạy. Ngành chức năng đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động truy tìm các học viên trở lại cơ sở cai nghiện. 
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
 
    Đài THVN, báo Tiền phong, Công an TP.HCM, Thanh niên và một số báo (20/02) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Sương, thẩm phán Tòa án nhân dân thị xã Bình Minh về tội “Nhận hối lộ”. Theo cáo trạng, bị cáo Sương được phân công giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng thuê đất”. Bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, yêu cầu ông T.H., nguyên đơn trong vụ án dân sự trên phải đưa 50 triệu đồng để vụ án sớm được đưa ra xét xử, nhưng ông T.H. xin giảm số tiền xuống còn 40 triệu đồng. Đến ngày 03/10/2023, khi đang nhận tiền của ông T.H. tại phòng làm việc thì bị Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao bắt quả tang. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Sương 4 năm tù giam. Riêng ông T.H. đã chủ động tố cáo toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo Sương, tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra nên không xử lý trách nhiệm hình sự.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (21/02) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất cáo trạng truy tố vợ chồng “trùm mua bán hóa đơn” Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh cùng cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và 10 đối tượng khác với 5 nhóm tội danh, gồm: “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, tại địa bàn thành phố Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh, vợ của Đước đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm kiếm lời. Số lượng hóa đơn Đước và Ngọc Anh mua bán trái phép là 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính hơn 41,2 tỷ đồng. Đước và Ngọc Anh đã đưa hối lộ cho Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng và Đỗ Thanh Hoài, cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng 362 triệu tạo điều kiện cho vợ chồng Đước thành lập các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Vợ chồng Đước và Ngọc Anh đã tìm cách chạy tội vì lo sợ sẽ sớm bị bại lộ. Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2022, vợ chồng Đước đã đưa cho Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng 35 tỷ đồng nhờ ông Ca chạy tội. Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước và Ngọc Anh thoát khỏi việc bị xử lý tội “Mua bán trái phép hóa đơn” nhưng đã hứa hẹn, nhận và chiếm đoạt tiền của vợ chồng Đước và Ngọc Anh. Baomoi.com.vn (21/02) cho biết thêm, sau khi nhận đủ 35 tỷ đồng do xe ngân hàng chở đến nhà, ông Đỗ Hữu Ca nói với vợ chồng Đước và Ngọc Anh rằng đã lo xong việc ở Công an Hải Phòng; đồng thời, bảo Đước “cứ yên tâm về nhà ăn Tết, không phải lo lắng”. VTC News (22/02) thông tin, cựu Chi cục trưởng Chi cục thuế Cát Hải Nguyễn Đình Đương nhận gần 400 triệu để bảo kê “trùm mua bán hóa đơn”. Do có mối quan hệ quen biết từ trước, Đước đến nhờ Đương giúp trong lĩnh vực quản lý thuế đối với một số công ty Đước sẽ thành lập để mua bán trái phép hóa đơn trên huyện Cát Hải và được Đương đồng ý. Baomoi.com.vn (22/02) thông tin thêm, quá trình khám xét nơi ở của bị can Đỗ Hữu Ca, lực lượng chức năng phát hiện trên 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khối tài sản khủng gồm tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức… Báo Pháp luật TP.HCM, Baomoi.com.vn (23/02) phản ánh, bất ngờ về lời khai của cựu Giám đốc Công an Đỗ Hữu Ca về 35 tỷ đồng. Liên quan đến số tiền chạy án này, ông Ca khẳng định không nhận tiền nhưng đối tượng chạy án cứ để tiền lại trong nhà, tổng cộng bốn lần. Sau khi Đước bị bắt, bị can Ngọc Anh đã tìm đến nhà ông Ca xin lại 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Ca không trả lại tiền và đuổi Ngọc Anh về. Đến ngày 18/02/2023, ông Ca bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
    Các báo (21/02) đưa tin, sau hơn một tháng tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, đến nay, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã nhận được kháng cáo của 12 bị cáo, trong đó chủ yếu là đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Cụ thể, hai bị cáo: Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) gửi đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) có đơn kháng cáo nội dung đề nghị xem xét, đánh giá lại đúng bản chất của vụ án và tội danh đối với bị cáo. Các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt. Đáng lưu ý, bị cáo Trần Thanh Phong (Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán, CDC Bình Dương) bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” cũng làm đơn kháng cáo. Trong đơn kháng cáo, bị cáo Phong cho rằng, quyết định của bản án sơ thẩm là không phù hợp với động cơ, tính chất, mức độ sai phạm của bị cáo. Bị cáo chỉ là nhân viên, làm việc hoàn toàn theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương), là bị cáo được Tòa sơ thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án này. Phong cho rằng, bị cáo làm việc theo động cơ trong sáng, không vụ lợi cá nhân, hết lòng vì người dân… Do vậy, bị cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại hình phạt đối với bị cáo.
 
    Theo báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Lao động, Báo mới và các báo (22/02) đưa tin, Công an tỉnh Sơn La tổ chức thi hành các quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét nơi làm việc, nơi ở đối với 08 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bắt tạm giam 05 người; 03 người bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Khởi tố bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Đào Hữu Bính, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc. Đào Hữu Bính bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với các sai phạm trong thực hiện hợp đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ dưới 3 tháng (thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022), tại địa bàn 07 huyện và thành phố. Qua điều tra mở rộng, ngoài vai trò chủ mưu của nhà thầu, có đủ căn cứ xác định sai phạm của đại diện các chủ đầu tư gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 7 tỷ đồng. 
 
    Các báo (22/02) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành cáo trạng truy tố 05 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can gồm: Trịnh Quang Trí, cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk; Trần Thị Nguyên Hằng, cựu nhân viên khoa xét nghiệm; Trần Thanh Mỹ, cựu Trưởng phòng Tài chính - Kế toán; Đặng Minh Tuyết, cựu Phó khoa xét nghiệm và Đinh Lê Lê Na, cựu nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á. Theo điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định, hậu quả thiệt hại đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hơn 6,8 tỷ đồng đối với 04 gói thầu.
 
    Báo Công an Đà Nẵng, Baomoi.com.vn và một số báo (23/02) đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Định di lý Đoàn Thị Ngọc Hà, kế toán Công ty TNHH Bất động sản Hồng Đức (TP Quy Nhơn) về tỉnh Bình Định sau khi phối hợp với Công an xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bắt. Đoàn Thị Ngọc Hà bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định quyết định truy nã đặc biệt về hành vi “tham ô tài sản” ngày 29/8/2022. Trước đó, lợi dụng sự tin tưởng của bà Nguyễn Thị Mộng Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Hồng Đức khi ký các thủ tục mở tài khoản tại Ngân hàng (Vietcombank, Á Châu, Techcombank), Hà đã tự ý điền thêm thông tin về việc được Công ty ủy quyền trực tiếp giao dịch tại Ngân hàng và thực hiện chuyển tiền từ các tài khoản của Công ty đến tài khoản cá nhân để tham ô, chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng.
 
    Các báo (24/02) đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương, Phó Giám đốc Công ty và Trần Ngọc Bích về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trần Quý Thanh cùng 2 con gái chiếm đoạt hơn 1.048 tỷ đồng. Tại Cơ quan điều tra, mặc dù đã có đầy đủ tài liệu và chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Trần Quý Thanh và đồng phạm, tuy nhiên, bị can vẫn ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo và không nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân. Kết luận điều tra bổ sung cũng nêu rõ bị can Trần Quý Thanh đã thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
 
    Các báo (24/02) đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang điều tra, xử lý vụ án hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros, các công ty liên quan thuộc hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, do Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC cùng đồng phạm và các cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán thực hiện. C01 đã ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Baomoi.com.vn (25/02) cho biết thêm, chỉ hơn 1 năm sau khi được bổ nhiệm vào vị trí mới, ông Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc Sở Giao dịch TP. HCM (HOSE) bị khai trừ khỏi Đảng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào giữa tháng 5/2022, sau khi 02 vụ thao túng chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Thành Nhân bị phát giác. Ít ngày sau, HOSE quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Lê Hải Trà. Mới đây, ông Lê Hải Trà đã bị đề nghị truy tố trong vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết. 
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (25/02) đưa tin, ngày 06/3, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thiết bị, máy móc và phương tiện giao thông trong vụ án xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm. Sau khi làm thủ tục kê biên xong, cơ quan thi hành án sẽ xem xét đến thủ tục về định giá tài sản, sau đó bán đấu giá. Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đang tống đạt văn bản thông báo về việc kê biên tài sản cho các bị hại nắm rõ. Theo cơ quan thi hành án, tổng số bị hại trong vụ án là 4.929 người, số lượng bị hại đã thực hiện quyền làm đơn yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành án là 3.899 người cư trú ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Phú Thọ (22/02) đưa tin, Ủy ban Độc lập chống tham nhũng Hong Kong (ICAC) tổ chức lễ thành lập Học viện Chống tham nhũng Quốc tế Hồng Kông; với mục tiêu đi đầu về các sáng kiến đào tạo chống tham nhũng ở đặc khu và toàn cầu cũng như thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, củng cố vị thế quốc tế của Hồng Kông như một trung tâm chống tham nhũng. Học viện cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với 5 trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc, Macao và Hồng Kông, thúc đẩy nghiên cứu chống tham nhũng và thúc đẩy trao đổi nhân tài. Công chức ICAC đều phải bảo vệ danh tiếng của Ủy ban và ghi nhớ nguyên tắc liêm chính và công bằng; tôn trọng quyền lợi của người dân trước pháp luật; thực hiện nhiệm vụ không sợ hãi, không thiên vị và không định kiến; luôn hành động theo pháp luật; không lợi dụng thẩm quyền và chức vụ; giữ bí mật cần thiết; chịu trách nhiệm về hành động của mình; lịch sự và kiềm chế trong lời nói và hành động; phấn đấu hoàn thiện tính cách và chuyên môn.
 
    Báo Thanh tra (22/02) đưa tin, hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập Albania đã xuống đường ở Thủ đô Tirana hôm 20/02 để phản đối tham nhũng của Chính phủ cũng như cách giải quyết các cáo buộc tham nhũng. Đảng Xã hội cầm quyền đã từ chối điều tra các cáo buộc tham nhũng liên quan đến Thủ tướng Edi Rama và những quan chức hàng đầu khác. Người biểu tình cũng bày tỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Sali Berisha, người hiện đang bị quản thúc tại gia trong khi đang bị điều tra vì cáo buộc lợi dụng chức vụ để giúp con rể tư nhân hóa đất công để xây dựng chung cư. Tuy nhiên, những người ủng hộ từ một phe của Đảng Dân chủ bị chia rẽ đã tránh xa cuộc biểu tình, cáo buộc ông Berisha lợi dụng nó để trục lợi cá nhân.
 
    Báo Thanh tra (23/02) đưa tin, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã ban hành các quy định sửa đổi về kiểm tra kỷ luật Đảng, trong đó, chú trọng hơn đến việc giám sát lãnh đạo Đảng ở các cấp và các ngành khác nhau. Một quan chức của Ban Chỉ đạo Công tác kiểm tra Trung ương cho biết, các quy định sửa đổi đã “mài sắc thanh bảo kiếm” để chống tham nhũng. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc được yêu cầu khắc phục những vấn đề được phát hiện trong quá trình kiểm tra kỷ luật và phải tuân thủ ngay cả khi có thay đổi nhân sự, đồng thời, “dựa trên phản hồi, các quy định sửa đổi đã kéo dài thời gian khắc phục các vấn đề được phát hiện từ 2 tháng lên 6 tháng”. Các quy định sửa đổi cũng bao gồm những điều khoản nhằm tăng cường phối hợp giữa kiểm tra kỷ luật và các hình thức giám sát khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp giám sát. 
 
    Báo Tiền phong, Baomoi.com.vn (25/02) đưa tin, lại xôn xao về đại án tham nhũng bóng đá ở Trung Quốc. Động thái mới nhất là vụ án Lý Thiết đã bị Viện kiểm sát tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc khởi tố và phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Lý Thiết mức án tù chung thân. Lý Thiết cho rằng, ông không phải công chức nhà nước, kiếm được một số tiền bằng kiểu xã hội đen, không đáng phải nhận mức án tù chung thân, nên ông đã “kháng cáo kêu oan”. Theo báo thông tin thì Lý Thiết đã lật ngược nhiều lời khai của mình, khiến cơ quan công tố buộc phải điều tra lại và thu thập bằng chứng. Nếu Lý Thiết phản cung những lời khai liên quan đến Trần Tuất Nguyên và Đỗ Triệu Tài, bản án của hai người này có thể sẽ thay đổi. Vào ngày 26/01/2024, Đỗ Triệu Tài, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trung Quốc đã bị truy tố. Ông bị buộc tội nhận bất hợp pháp “một lượng tài sản đặc biệt lớn” từ người khác. Ngày 29/01/2024, vụ án Trần Tuất Nguyên, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc CFA được đưa ra xử. Ông bị buộc tội nhận hối lộ hơn 81,03 triệu nhân dân tệ. Bản án vẫn chưa được chính thức công bố. Từ tháng 11/2022, đã có 14 quan chức cấp cao trong làng bóng đá đã lần lượt bị bắt và điều tra.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi);
    - Hoàn tất cáo trạng vụ án cựu Giám đốc Công an Hải Phòng và đồng phạm;
    - Khởi tố, điều tra 8 cán bộ ngành lao động, thương binh, xã hội Sơn La;
    - Đề nghị truy tố Chủ tịch Tân Hiệp Phát và 2 con gái lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng;
    - Đề nghị truy tố Trịnh Văn Quyết và 50 đồng phạm trong vụ án Tập đoàn FLC.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH
.