Điểm báo tuần số 564 từ ngày 18/3 đến ngày 24/3 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 25/03/2024, 15:32 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Các báo (18/3) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ thứ 38 để xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi. Theo đó, các ông, bà: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Khoa, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Hoàng Việt Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc,... đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các đảng viên nêu trên và tiếp tục kiểm tra, xem xét, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.
Các báo (19/3) đưa tin, Công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thị Lượng, trú tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, cơ quan Công an xác định, năm 2020, qua mối quan hệ xã hội, chị P.T.P. làm kinh doanh ngành than tại tỉnh Quảng Ninh có quen biết với bà N.T.N. làm Phó phòng tổ chức của một bệnh viện ở Hà Nội và bà N.T.H, trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Năm 2021, chị P. và chồng là anh N.Đ.C. đến nhà bà H. chơi. Tại đây, vợ chồng chị P. gặp Bùi Thị Lượng và chị C.T.V, trú tại quận Cầu Giấy. Bà H. đã giới thiệu cho vợ chồng chị P. Lượng có mối quan hệ thân tình với nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương và TP. Hồ Chí Minh. Do tin tưởng nên vợ chồng chị P. đã nhiều lần chuyển tiền nhờ Lượng giúp đỡ lo công việc với tổng số tiền trên 95 tỷ đồng, chuyển cho bà H. 460 triệu đồng, chuyển cho bà V. 800 triệu đồng. Sau khi chuyển tất cả các khoản tiền nhưng vợ chồng chị P. thấy Lượng không giúp được việc nên đã yêu cầu đối tượng này phải trả lại tiền. Hiện tại, Lượng chưa trả số tiền 86 tỷ 675 triệu đồng cho vợ chồng chị P.
Các báo (20/3) đưa tin, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp xem xét, cho ý kiến đồng ý để đồng chí Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026; quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc do vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các báo (21/3) đưa tin, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua: Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, VietNamNet, SGGP, Báo mới, Dân trí và một số báo (20/3) đưa tin, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Văn Bắc, Trần Hồng Quân, Lê Văn Hiền, cùng trú tại tỉnh Quảng Bình về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 8/2023, ba đối tượng trên thành lập Công ty TNHH Bắc Nam Vinh có trụ sở tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình để tìm kiếm và làm hồ sơ đưa người đi du lịch ở Hàn Quốc, sau đó tìm cách trốn ở lại. Các đối tượng đã thu nhận hồ sơ của 16 người, với số tiền gần 6 tỷ đồng để tổ chức đi Hàn Quốc. Trung bình nhóm thu phí 420 triệu đồng/người.
Báo Tin tức, Công lý, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (21/3) đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trần Du, thường trú tại thôn Thái Hòa, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; Phạm Văn Sơn, trú tại thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng; Huỳnh Văn Quá, trú tại ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP. Cà Mau và Nguyễn Hải Âu, trú tại ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để làm rõ tội “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Tiếp tục đấu tranh, mở rộng Chuyên án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ thêm 03 đối tượng trong đường dây này. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Các báo (22/3) đưa tin, Công an tỉnh Phú Yên khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Huỳnh Chí Linh, thường trú huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu và Nguyễn Mậu Văn, thường trú TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, năm 2023, Linh và Văn đã tự tạo giấy tờ giả mạo gồm: Kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên; sau đó, chuyển file văn bản giả mạo qua Zalo cho ông Nguyễn Văn B. về việc chuyển hình thức từ thuê đất trả tiền hàng năm sang trả tiền một lần đối với 25.000m2 đất ở xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Duy Tín để lừa, chiếm đoạt của ông Nguyễn Văn B. số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Các báo (23/3) đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ. Việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng quy định pháp luật về đầu tư công. Thủ tướng chỉ đạo cần thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Báo Chinhphu.vn, Đắk Nông (19/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố Giám đốc Công ty Bảo hiểm cùng 4 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Các bị can gồm: Nguyễn Văn Thuật, trú tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn; Ngô Anh Tuấn, trú tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định; Lê Thanh Hải, trú tại phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa; Nguyễn Đức Vượng, trú tại phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình. Quá trình điều tra xác định, Lê Văn Hồng, trú tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa với vai trò là Giám đốc Công ty Bảo hiểm trên địa bàn thành phố Ninh Bình, lợi dụng việc tiếp cận hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm đối với chủ phương tiện ô tô gây tai nạn giao thông nên đã câu kết với một số đối tượng trong và ngoài Công ty lập nhiều hồ sơ yêu cầu bồi thường giả để lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền gần 4 tỷ đồng của nhiều Công ty bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và một số địa phương khác…
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (19/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai quyết định khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác để tiến hành điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội phạm chưa bị xử lý ở giai đoạn 1 của Chuyên án 920G. Trước đó, ở giai đoạn 1 của Chuyên án 920G, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã đề nghị truy tố đối với 74 bị can về tội buôn lậu và 1 bị can về tội nhận hối lộ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai xác định, tổng số lượng xăng các bị can buôn lậu lên đến hơn 200 triệu lít, tương ứng với tổng giá trị hàng hóa phạm pháp là hơn 2.690 tỷ đồng. Kết thúc điều tra giai đoạn 1 của Chuyên án 920G, đã có 74 bị cáo bị tuyên phạt với nhiều mức án khác nhau. Trong đó, các đối tượng cầm đầu là: Đào Ngọc Viễn bị tuyên phạt 15 năm tù; Phan Thanh Hữu bị tuyên phạt 13 năm 6 tháng tù về tội buôn lậu; Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bị tuyên phạt 15 năm tù về tội nhận hối lộ.
Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (19/3) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai là bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi phạm tội của bị cáo Đỗ Anh Dũng thể hiện qua việc, thông qua các công ty con phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.600 nhà đầu tư. Cùng bị xét xử về tội danh trên, có 13 bị cáo khác gồm: Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Phùng Thế Tính, cựu Giám đốc Tài chính kế toán của Tập đoàn... Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày. Báo VietNamNet và các báo (19/3) cho biết, theo lời khai của Đỗ Anh Dũng, ngay từ khi phát hành trái phiếu, bị cáo chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư mà chỉ muốn huy động tiền để kinh doanh, thanh toán các khoản nợ. Theo cáo buộc, ông Đỗ Anh Dũng, là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Công ty Tân Hoàng Minh và hệ thống các công ty thuộc tập đoàn này. Trong hơn 1 năm bị khởi tố, bắt giam, đến nay, bị cáo đã khắc phục được toàn bộ hậu quả vụ án, thậm chí còn nộp thừa hơn 1 tỷ đồng. Báo Pháp luật TP.HCM và các báo (22/3) thông tin thêm, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh đây là vụ án đầu tiên có thủ đoạn phạm tội thông qua việc phát hành trái phiếu, có số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, xuất phát từ nhu cầu huy động vốn để hoạt động kinh doanh, có phần nguyên nhân từ đại dịch Covid-19. Trong quá trình điều tra, bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tích cực khắc phục hết hậu quả vụ án, giảm bức xúc cho người bị hại. Đại diện Viện kiểm sát đã thay đổi quan điểm, giảm mức án đề nghị đối với tất cả bị cáo trong vụ Tân Hoàng Minh.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Quochoi.vn và các báo (19/3) đưa tin, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo đó, Viện kiểm sát đánh giá hành vi của bà Đỗ Thị Nhàn, (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Trưởng Đoàn thanh tra) đã phạm vào tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, nhằm che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB, hành vi này đã gây bức xúc trong dư luận, gây mất uy tín cơ quan nhà nước nên cần cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội. Bị cáo Nhàn đã thành khẩn khai báo, đã nộp lại 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Quochoi.vn và các báo (20/3) cho biết, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục diễn ra. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội Tham ô tài sản; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các báo (21/3) thông tin, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan đã gửi đơn xin Hội đồng xét xử được chuyển 1.650 tỷ đồng để bồi thường trách nhiệm trong vụ án cho cháu gái là Trương Huệ Vân và chồng là Chu Lập Cơ. Trước đó, Trương Mỹ Lan muốn dùng số tiền trên để bồi thường cho Ngân hàng SCB để giúp đỡ ngân hàng vì “hiện SCB đang rất cần tiền”, nhưng nay bị cáo mong muốn sử dụng để khắc phục hậu quả cho chồng và cháu gái. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (21/3) thông tin thêm, bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) thừa nhận thực hiện việc lập các công ty “ma” theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để rút tiền từ SCB. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng mình không ăn chia và không có quan hệ tài sản gì với bà Lan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa |
Báo Pháp luật TP.HCM (20/3) đưa tin, Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo trong đường dây làm căn cước công dân (CCCD) “dịch vụ”. Đây là vụ án được phanh phui từ điều tra, phản ánh của phóng viên báo Pháp luật TP.HCM. Trong vụ án, bị cáo Lê Ngọc Minh, công tác tại Tổ cấp CCCD thuộc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp bị xét xử về tội nhận hối lộ. Năm bị cáo khác bị xét xử về tội môi giới hối lộ. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Minh 7-8 năm tù. Theo thông tin, lợi dụng việc làm CCCD có khe hở nên Minh đã nảy sinh ý định móc nối với các đối tượng môi giới làm nhanh CCCD gắn chip để thu lợi bất chính. Theo cáo trạng, ngày 26/4/2022, phóng viên báo Pháp luật TP.HCM phát hiện tài khoản Facebook “Hanh Vũ” (tên thật là Vũ Văn Hạnh) có đăng tải nội dung “làm CCCD nhanh trong thời gian 3-5 ngày”. PV liên hệ và được Hạnh cho biết giá là 3,5 triệu đồng. Báo Pháp luật TP.HCM sau đó đã có công văn gửi Công an Thành phố để xử lý vụ việc theo quy định.
Các báo (20/3) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sáu, cựu Giám đốc CDC Bình Phước 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai bị cáo Lê Thành Bắc, Khoa Dược và Đinh Thị Vân, Khoa Xét nghiệm cùng bị Tòa tuyên phạm tội nhưng được miễn hình phạt. Theo cáo trạng, năm 2019, để phục vụ cho việc phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời, Sáu thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á về việc tạm ứng trước kit xét nghiệm, sinh hóa phẩm của công ty này rồi mới hợp thức hóa đấu thầu. Sáu chỉ đạo Bắc, Vân và một số nhân viên hợp thức hồ sơ, thủ tục mua sắm số hàng đã tạm ứng của Công ty Việt Á với tổng trị giá hàng hóa hơn 41,5 tỷ đồng. Tháng 9/2021, nhân viên Công ty Việt Á chi 680 triệu đồng tiền hoa hồng cho Sáu, Bắc và Vân. Theo cáo buộc, hành vi của Sáu, Bắc và Vân đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 5,1 tỷ đồng.
Đài TNVN và các báo (21/3) đưa tin, Công an tỉnh Trà Vinh quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nhan Thành Trung, nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Quỹ tín dụng Đại An và Tăng Văn Vũ, nhân viên Quỹ Tín dụng Đại An. Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ ngày 09/8/2017 đến ngày 07/9/2017, Trung đã nhờ Tăng Vinh Quang là cán bộ tín dụng lấy thông tin của một số khách hàng để lập 6 hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản; Trung giả chữ ký để lãnh đạo và nhân viên quỹ tín dụng Đại An tin tưởng người vay là có thật, thực hiện phê duyệt, giải ngân, gây thiệt hại hơn 873 triệu đồng. Đối với bị can Tăng Văn Vũ, trong khoảng thời gian từ ngày 05/01/2015 đến ngày 18/12/2017, Vũ đã lợi dụng vị trí, nhiệm vụ được phân công lấy thông tin cá nhân, tài sản của 18 người là khách hàng vay vốn, gửi tiền tại quỹ để lập 46 hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản, giả chữ ký của khách hàng, tạo lòng tin để lãnh đạo và nhân viên quỹ tín dụng Đại An tin tưởng người vay là có thật, thực hiện phê duyệt, giải ngân nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền được giải ngân, gây thiệt hại cho Quỹ hơn 9,5 tỷ đồng.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM, Dân trí, VietNamNet, Pháp luật TP.HCM, SGGP và một số báo (21/3) đưa tin, Công an tỉnh Bình Dương quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự, điều tra bị can đối với cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương”. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án này do hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định. Liên quan đến vụ án, Viện kiểm sát đã nhiều lần trả hồ sơ cho Công an Bình Dương, yêu cầu điều tra bổ sung các nội dung liên quan. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã nhận được bản kết luận giám định và văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương. Ông Khanh từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm, tuyên phạt 10 năm tù. Hai cán bộ ngân hàng lần lượt lĩnh 11 và 12 năm tù giam cùng về tội trên. Tất cả đều kêu oan. Tại phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy toàn bộ bán án sơ thẩm, chuyển hồ sơ để điều tra lại.
Các báo (22/3) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận mở phiên sơ thẩm hình sự xét xử đối với hai bị cáo Dương Bá Thanh Dân và Nguyễn Đăng Đức là cựu cán bộ và nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt Dương Bá Thanh Dân và Nguyễn Đăng Đức cùng mức án 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Đối với số tiền hơn 9,1 tỷ đồng mà các bị cáo và những người liên quan gây thiệt hại do chỉ định thầu trái pháp luật, nội dung này đã được đề cập giải quyết trong vụ án do Bộ Công an khởi tố, điều tra nên không xem xét xử lý trong vụ án này.
TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Tuổi trẻ TP.HCM, VietNamNet, Người Lao động, Dân Việt và một số báo (22/3) đưa tin, Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, xảy ra trong quá trình thu hồi đất để thực hiện Dự án khu Trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại phường 7, thành phố Bạc Liêu. Theo đó, dự án này được UBND tỉnh cho một doanh nghiệp ở thành phố Bạc Liêu thuê với mục đích cải tạo khu vui chơi và thể dục, thể thao cho thanh thiếu niên. Song, trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp này thực hiện nhiều hạng mục không phép, không phù hợp quy hoạch và cho nhiều cá nhân thuê lại trái quy định. Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi 41.064m2 đất để giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ nhà và đất quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đã có nhiều sai phạm dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Báo VietNamNet, Baomoi.com và một số báo (22/3) đưa tin, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Bùi Thị Thu Hằng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên về tội “Nhận hối lộ”. Thời điểm bị bắt, bà Hằng là kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, bà Hằng phân công kiểm sát viên Vũ Đình Hải giải quyết một vụ án. Sau đó, Hải nhận 80 triệu đồng của Lê Xuân Hồng (Phó Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh) để giải quyết theo hướng không xử lý về hình sự đối với Hồng trong vụ án trên và đưa cho bà Hằng hơn 30 triệu đồng.
Báo Công an nhân dân, Baomoi.com và một số báo (23/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Du, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp (Ban QLDA) tỉnh An Giang. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, Ban QLDA phê duyệt dự toán xây dựng 3 gói thầu (do Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hưng Lợi lập, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Song Tiến thẩm tra và tổ thẩm định của chủ đầu tư thẩm định) với các thông số không đúng theo quy định, dẫn đến tăng giá trị dự toán, đơn giá giao thầu; cũng như việc nghiệm thu, thanh toán với số tiền sai phạm lớn.
Báo Pháp luật TP.HCM (24/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố bốn bị can trong vụ án sai phạm đất đai xảy ra tại phường Ninh Hải. Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Trần Hải, nguyên Chủ tịch UBND phường Ninh Hải về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; ông Trần Thanh Tùng, nguyên Phó chủ tịch UBND phường về tội lạm quyền trong thi hành công vụ; ông Trịnh Thanh Bình, nguyên công chức địa chính phường về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; ông Hồ Nhật Trung, nguyên nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Ninh Hòa về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo nội dung vụ án, năm 2017, bà T.T.X. đến gặp ông Trần Thanh Tùng tại UBND phường nhờ hướng dẫn thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu thửa đất hơn 14.200 m2 tại khu vực núi Bức Trong. Sau đó, với nhiều thủ đoạn, ông Tùng chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa 7.200 m2/14.200 m2 chuyển nhượng giữa bà X. và con trai ông Tùng. Cơ quan điều tra xác định ông Tùng vì động cơ cá nhân đã vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 455 triệu đồng...
TIN QUỐC TẾ
Đài TNVN, Baomoi.com (19/3) đưa tin, Trung Quốc tiếp tục tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng khi chỉ một tuần sau “Lưỡng hội” tức hai kỳ họp Nhân đại và Chính hiệp toàn quốc, 4 lãnh đạo cấp bộ đã bị “ngã ngựa”. Mới nhất là quan chức chống khủng bố cấp Thứ trưởng Bộ Công an bị thông báo điều tra hôm 18/3. Theo đó, ông Lưu Dược Tiến (Hu Yuejin), quan chức chống khủng bố cấp Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Công an bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng sau 4 năm rời vị trí. Với thông báo trên, ông đã trở thành quan chức cấp cao thứ hai trong hệ thống Công an bị cách chức sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông cũng là quan chức do Trung ương quản lý thứ 13 bị “ngã ngựa” trong năm nay. Trước khi ông Lưu Dược Tiến bị điều tra, Trung Quốc đã mạnh tay chống tham nhũng trên 6 lĩnh vực gồm tài chính, doanh nghiệp nhà nước, năng lượng và y tế.
Báo Thanh tra (20/3) đưa tin, Trung Quốc vừa phát động Chiến dịch Chống tham nhũng “Sky Net” (tạm dịch: Lưới trời) năm 2024, nhằm bắt giữ những tội phạm chạy trốn, thu hồi tài sản bị biển thủ và chống tham nhũng xuyên biên giới. Theo báo cáo được công bố tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong năm 2023, Cơ quan chống tham nhũng đã tập trung xử lý các vụ tham nhũng xuyên biên giới, thu hồi số tiền thiệt hại khoảng 10,2 tỷ nhân dân tệ (1,42 tỷ USD). Ngoài ra, 1.624 kẻ đào tẩu đã bị đưa về nước thông qua Chiến dịch “Lưới trời 2023”. Cũng theo CCDI, trong giai đoạn 2018-2022, Chiến dịch “Lưới trời” đã bắt được hơn 7.000 kẻ chạy trốn và thu hồi khoảng 35,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,12 tỷ USD).
Báo Gia đình và Xã hội, Baomoi.com và một số báo (22/3) đưa tin, Tòa án Thái Lan kết án 468 năm tù đối với ông Phra Ajarn Khom, cựu trụ trì chùa Wat Pa Dharmakiri vì liên quan vụ biển thủ gần 300 triệu baht (khoảng hơn 200 tỷ đồng) tiền công đức. Theo điều tra, ông Khom đã sử dụng đặc quyền để chuyển các khoản quyên góp cho chùa vào tài khoản riêng. Số giao dịch chuyển tiền được xác định là 76 lần với số tiền là 51,4 triệu baht. Khi điều tra, giới chức phát hiện Khom có cả một kho chứa đồ tham ô, gồm nhiều tiền mặt và tài sản trị giá 299,5 triệu baht. Với 78 tội danh được xác lập, Khom lĩnh khung hình phạt 468 năm tù. Trong khi đó, cựu trụ trì Wutthima bị kết án 312 năm tù, Juthathip nhận 308 năm tù. 5 bị cáo còn lại hưởng mức án 2 năm tù. Vụ việc gây rúng động Thái Lan, không chỉ vì quy mô tham nhũng, mà còn khiến niềm tin tôn giáo của người dân bị lung lay.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
- Khởi tố điều tra giai đoạn 2 đại án buôn lậu xăng;
- Phá chuyên án vũ khí quân dụng khủng;
- Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội Tham ô tài sản;
- Xét xử vụ lừa đảo 8.600 tỷ đồng của cha con Chủ tịch Tân Hoàng Minh.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH