Điểm báo tuần số 566 từ ngày 01/4 đến ngày 07/4 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 08/04/2024, 11:09 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Pháp luật TP.HCM (01/4) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp kỳ thứ 27 và 28, xem xét, kết luận đề nghị thi hành kỷ luật ông Phan Xuân Phượng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhận thấy: Với cương vị là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng ông Phượng đã vi phạm pháp luật hình sự, bị khởi tố. Căn cứ quy định của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã họp, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và quyết định thi hành kỷ luật ông Phượng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Các báo (01/4) đưa tin, liên quan vụ việc nữ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nghi bị lừa đảo số tiền hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản mà Công an đang điều tra, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch vừa có đơn xin nghỉ phép năm. TTXVN, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (02/4) cho biết thêm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an vào cuộc vụ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai về vụ việc. Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ Công an, đại diện cơ quan Công an đã cung cấp thông tin về vụ việc này. Hiện, Cơ quan điều tra đang tích cực điều tra, làm rõ. Số tiền bà Giang Hương bị nhóm lừa đảo lấy đi được xác định lên đến hơn 171 tỷ đồng.
TTXVN, báo tin tức, Chinhphu.vn, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Công lý và một số báo (02/4) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, trú tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuấn Anh là đối tượng nằm trong đường dây giả mạo nhân viên sàn thương mại Shopee để chiếm đoạt tiền. Trước đó, giữa năm 2023, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa 06 đồng phạm của Tuấn Anh ra xét xử với các mức án từ 6-12 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Báo Điện tử ĐCS, Tuổi trẻ TP.HCM, Đại đoàn kết và một số báo (02/4) đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023. Theo đó, PAPI lần thứ 15 đã phản ánh cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của người dân Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. PAPI 2023 thực hiện dựa trên sự tham gia phỏng vấn trực tiếp của 19.536 người dân các tỉnh, thành phố. So sánh với năm 2021, 2022 cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và quản trị điện tử được cải thiện; thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có xu hướng giảm sút.
Báo VnExpress (02/4) có bài, “Cỗ máy cờ bạc online nghìn tỷ vận hành thế nào”. Theo bài báo, Nguyễn Minh Thành, với cáo buộc cầm đầu đường dây đánh bạc online nghìn tỷ đồng đã thuê 10 người viết lập trình, vận hành game cờ bạc, chỉ mất 4 tháng để dụ 6 triệu người mở tài khoản chơi, nạp hơn một nghìn tỷ đồng. Các báo (04/4) đưa tin, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử trùm đường dây cờ bạc nghìn tỷ Nguyễn Minh Thành và 52 đồng phạm trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ về các tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc. Các “trợ thủ” đầu tiên và đắc lực nhất của Thành gồm Vũ Tiến Duy, Bùi Nhật Anh, Phạm Trung Thành, Trần Đức Cường đều thừa nhận hành vi. Những bị cáo này, theo cáo buộc, tùy chức năng và mức độ tham gia đường dây, được Thành chia lợi ít nhất 150 triệu đồng, cao nhất 17,8 tỷ đồng. Các báo (05/5) cho biết thêm, Hội đồng xét xử đánh giá, hành vi phạm tội của Nguyễn Minh Thành cùng đồng bọn là nguy hiểm, tạo tiền lệ xấu cho xã hội nên tuyên phạt mức án 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc. Cùng tội danh, Vũ Tiến Duy mức án 3 năm 6 tháng tù; Trần Đức Cường 3 năm tù. Đối với 50 bị cáo còn lại ở các nhóm tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc bị tuyên phạt từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 39 tháng tù. Nguyễn Minh Thành được xác định hưởng 123 tỷ đồng, bị tịch thu sung công quỹ hơn 47 tỷ đồng, 116 lượng vàng, 300.000 USD và các tiền trong tài khoản...
TTXVN, báo Tin tức, VietNamNet và một số báo (03/4) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 39 quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cảnh cáo Đảng ủy Tổng cục Dạy nghề nhiệm kỳ 2010-2015; Đảng ủy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cá nhân. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận việc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ này vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề và vi phạm trong thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 39 Ủy ban Kiểm tra Trung ương |
Báo Dân Việt, Công lý, Baomoi.vn và một số báo (03/4) đưa tin, ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh được điều động về Ban Dân vận Tỉnh ủy và bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Dân vận do bị xem xét kỷ luật vì sử dụng bằng giả. Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã kết luận vi phạm của ông Thắng khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ đã sử dụng giấy công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch. Ông Thắng đã vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Báo Lao động, Thanh tra, Baomoi.com, Tiền phong, Pháp luật và Xã hội, Bảo vệ Pháp luật, VietNamNet, Người đưa tin và một số báo (03/4) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150 kg vàng từ Campuchia về Việt Nam do Nguyễn Thị Minh Phụng, quê Bình Định và Nguyễn Thị Kim Phượng, quê Tây Ninh cầm đầu. Hai bà trùm này bị cáo buộc buôn lậu vàng với tổng giá trị hơn 8.400 tỷ đồng. Bị can Huỳnh Minh Khánh, chủ tiệm vàng Khánh Kim Loan là cơ sở không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu, nhưng, để có nguồn vàng bán cho khách hàng với giá rẻ hơn trong nước, Khánh đã thỏa thuận mua vàng lậu của bà trùm Minh Phụng. Khánh bị cáo buộc buôn lậu 1.661 kg vàng, có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Các báo (03-04/4) đưa tin, đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Kha, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát mức án tù chung thân; Nguyễn Chí Thắng 07 năm tù; Hồ Thị Kim Ngân 05 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Hữu Kha còn phải bồi thường hơn 155 tỷ đồng cho hơn 200 bị hại. 03 người khác có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án phải nộp lại số tiền 45 tỷ đồng để bảo đảm quá trình thi hành án. Theo cáo trạng, cuối năm 2017, Kha thành lập Công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Đến tháng 8/2018, Kha mua đất tại tỉnh Bình Thuận và thành lập Chi nhánh Công ty tại Bình Thuận, sau đó, lập các dự án ma, lừa hơn 200 ký hợp đồng mua đất.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Báo Dân Việt, VTC News (01/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam quyết định khởi tố vụ án để điều tra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Theo đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng; ông Nguyễn Ba, nguyên Hiệu trưởng và 02 bị can khác là Kế toán Trường và một Giám đốc doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến vụ việc này.
Báo Lao động, Người Lao động và một số báo (01/4) đưa tin, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bình Thuận đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thành Duy, Giám đốc chi nhánh kiêm nhân viên kinh doanh Công ty Tân Á Đại Thành - Chi nhánh TP. Phan Thiết về hành vi “Tham ô tài sản”. Duy được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh, bán hàng, thu tiền và nộp về Công ty. Tuy nhiên, từ tháng 02-11/2022, Duy đã thu tiền nhưng không nộp về cho chi nhánh mà giữ lại để sử dụng cá nhân. Với thủ đoạn gian dối, Duy đã chiếm đoạt số tiền gần 1,4 tỷ đồng.
Báo Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (01/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Hồ Văn Điềm, cựu Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và bà Đinh Thị Giang, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan điều tra phát hiện từ tháng 02/2021-4/2023, Kế toán của cơ quan này là bà Đỗ Thị Thu Hiền đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, lập khống chứng từ rút hàng tỷ đồng tiền quỹ phòng, chống Covid-19 của tỉnh để sử dụng vào mục đích cá nhân; bà Hiền đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “tham ô tài sản”. Điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra xác định, ông Điềm và bà Giang đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tiền quỹ phòng, chống dịch của đơn vị để Hiền lợi dụng chiếm đoạt số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Các báo (01/4) đưa tin, Tập đoàn Phúc Sơn chỉ là một doanh nghiệp cấp huyện nhưng trúng nhiều dự án rất lớn ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Khánh Hòa. Đặc biệt, tại Khánh Hòa, Tập đoàn này triển khai nhiều dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang trên khu đất 62,9ha; theo đó, Phúc Sơn đã “xẻ thịt, phá nát” Nha Trang; sau đó, những hoạt động này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất nhiều sai phạm. Các báo (03/4) thông tin thêm, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra đã thu hồi gần 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn; đồng thời, rà soát, kê biên, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị của các bị can và các đối tượng liên quan. Thông qua điều tra vụ án, lời khai của một số bị can, Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi “Hậu Pháo”) Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn có hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực một số bị can để trục lợi.
Các báo (01/4) đưa tin, tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan thông tin về việc gia đình bị cáo đang tìm cách chuyển nhượng nhiều tài sản để khắc phục hậu quả; trong đó, đã liên hệ quỹ đầu tư nước ngoài để khắc phục. Viện kiểm sát đánh giá Trương Mỹ Lan ngoan cố, không dám chịu trách nhiệm; mặt khác, bị cáo không có nhiều tài sản, không có nguồn lực tài chính dồi dào như đã trình bày tại phiên tòa.
Báo Thanh tra, VnExpress và một số báo (01/4) cho biết, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao lần lượt đưa ra 08 vấn đề đối đáp lại phần bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan và các luật sư. Viện kiểm sát bác bỏ toàn bộ quan điểm cho rằng bị cáo đã đưa nhiều tài sản vào SCB “khiến cả gia tộc mất hết tài sản” khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng này; chỉ có 60 trong số 1.169 tài sản bị kê biên là hình thành trước thời điểm hợp nhất SCB, còn lại có được trong thời gian phạm tội. Các báo (03/4) đưa tin, đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng hình phạt mới, giảm nhẹ đối với 22 bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực nộp tiền khắc phục kể từ sau phiên luận tội đề nghị án trước đó, tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan không được đề nghị giảm án. Bị cáo được đề nghị giảm án nhiều nhất là Trương Huệ Vân. Viện kiểm sát cũng cho rằng, cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn có thái độ quanh co và không có ý định trả lại 5,2 triệu USD, vì thế, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết thái độ không thành khẩn của bị cáo. Các báo (03/4) cho biết, trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã bật khóc nói “sau vụ án gia đình tan nát”, đồng thời, xin Hội đồng xét xử xem xét có mức án khoan hồng cho mình và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đến mức thấp nhất có thể cho một số bị cáo, trong đó, có chồng là Chu Lập Cơ và cháu gái Trương Huệ Vân. Các báo (04/4) thông tin thêm, trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Đỗ Thị Nhàn bật khóc và cảm thấy ân hận, xấu hổ đối với hành vi sai phạm của mình; bị cáo coi đây là bài học sâu sắc đối với bản thân; mong Hội đồng xét xử mở lòng từ bi cho bị cáo và 11 bị cáo khác trong đoàn thanh tra được mức án nhẹ nhất để sớm về với gia đình. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng khi nói lời sau cùng đã tự nhận thấy bản thân có tội và lỗi rất lớn. Trình bày lời nói sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Nguyễn Cao Trí cũng cảm thấy day dứt và ân hận do hành vi sai phạm của bản thân gây ra. Các báo cho biết, chủ tọa phiên tòa thông báo ngày tuyên án các bị cáo dự kiến sẽ diễn ra vào sáng 11/4.
Báo Thanh niên, Thanh tra, Gia Lai và một số báo (01/4) phản ánh, các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk đang “loay hoay” tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án Trang trại điện mặt trời BMT. Đây là dự án đã bị Thanh tra Chính phủ “tuýt còi” và chỉ ra nhiều sai phạm. Dự án được xây dựng tại xã Ea Phê và xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, do Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BMT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 617 tỷ đồng. Báo Thanh tra (01/4) tiếp tục phản ánh, “Đắk Lắk xử lý thế nào sau khi để xảy ra loạt vi phạm về dự án điện mà Thanh tra Chính phủ đã phanh phui?”. Sau khi bị Thanh tra Chính phủ “tuýt còi”, UBND tỉnh Đắk Lắk giao các đơn vị liên quan tham mưu hướng xử lý, giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Thanh tra Chính phủ kiến nghị yêu cầu xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, chuyển Bộ Công an hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai đối với việc UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty TNHH Đầu tư Long Thành 1 thuê 60 ha đất để xây dựng Dự án nhà máy điện mặt trời Long Thành 1 bị trùng với diện tích quy hoạch vùng tưới Hồ chứa nước Ia Mơr...
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Chinhphu.vn, Công thương, Đấu thầu, Pháp luật Việt Nam, Xây dựng, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Tiền phong, Thanh niên, Công an nhân dân, VietNamNet, VnExpress, Thanh tra, Người Lao động và các báo (01-02/4) đưa tin, Công an tỉnh Đồng Nai quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Khuê, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán và thủ quỹ Lê Ngọc Muôn để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Bùi Thị Ngọc Yến, Kế toán trưởng để điều tra về hành vi “tham ô tài sản”. Theo điều tra, Yến đã lập khống hồ sơ rồi sử dụng chữ ký của Giám đốc để đề nghị Kho bạc trả tiền cho các hộ dân diện bồi thường trên địa bàn huyện, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 46,8 tỷ đồng. Ông Khuê và ông Muôn có hành vi thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hơn 64 tỷ đồng.
Báo Thanh tra (02/4) đưa tin, Đồng Tháp bất ngờ trước hàng loạt công trình “khủng” xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Theo đó, hàng loạt công trình có quy mô “hoành tráng”, xây dựng trên những khu đất nông nghiệp rộng hàng nghìn mét vuông, nằm ở trung tâm thành phố Cao Lãnh nhưng lại không hề được cấp phép xây dựng. Thậm chí, phải tới khi báo chí vào cuộc thì sự việc mới bị “phanh phui”… Cụ thể như: Nhà hàng Nét Quê xây dựng gần 1.000m2, nằm trong khu đất có tổng diện tích hơn 6.000m2, mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm. Nhà hàng Lộc Vừng Đỏ xây dựng không phép hơn 800m2 trong khuôn viên hơn 7.800m2, mục đích sử dụng đất là đất chuyên trồng lúa nước. Và nhiều công trình xây dựng không phép quy mô lớn khác... Câu hỏi đặt ra, liệu có hành vi tiếp tay, bao che của cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương không?. Bởi, việc quản lý là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan.
Báo Thanh tra (02/4) phản ánh loạt bài: “Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai tại “điểm nóng” Vĩnh Sơn (Quảng Trị): Bài 1: Xác định nguyên nhân chính phát sinh các đơn, thư khiếu nại, tố cáo và Bài 2: Tập trung xử lý các tồn đọng”. Theo báo, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn xã Vĩnh Sơn trong những năm qua diễn biến phức tạp, gay gắt và kéo dài. Đặc biệt, có thời điểm đây là “điểm nóng” của huyện Vĩnh Linh về khiếu kiện, khiếu nại. Theo Kết luận thanh tra, xuất phát từ Quyết định chưa nêu cụ thể lý do, mục đích thu hồi đất, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc làm cho nhân dân khó hiểu, hiểu nhầm. Đây là nguyên nhân chính phát sinh các đơn thư khiếu nại, phản ánh, tố cáo trên địa bàn xã Vĩnh Sơn.
Báo Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh tra và một số báo (02/4) đưa tin, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố Kết luận thanh tra về việc thanh tra hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam). Kết luận thanh tra nêu rõ các tồn tại trong hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; qua đó, lộ diện loạt vi phạm, kiến nghị xử lý tài chính trên 900 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý đại lý bảo hiểm.
Báo Thanh tra, Tiền Phong, Xây dựng, VietNamNet, Dân trí, Công an nhân dân, Người Lao động và một số báo (03/4) đưa tin, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Kiên cố hóa kênh, công trình trên kênh thủy lợi Buôn Triết, huyện Lắk. Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã gửi thông báo đến các đơn vị, cá nhân liên quan tại dự án này. Trước đó, Công an tỉnh nhận được phản ánh việc nhiều hạng mục tại công trình đã được nghiệm thu, thanh toán nhưng khối lượng nhỏ hơn thực tế, thậm chí có hạng mục “không hiện hữu”. Kết quả giám định cho thấy, giá trị khối lượng một số hạng mục đã thi công nhỏ hơn giá trị khối lượng đã nghiệm thu thanh toán gần 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, giá trị khối lượng nghiệm thu thanh toán một số kênh nhánh, công trình trên kênh không hiện hữu hơn 5 tỷ đồng.
Báo Pháp luật Việt Nam, Công lý, Chinhphu.vn, Thanh niên, Thanh tra, SGGP, Gia Lai và một số báo (03/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Phương, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Chi nhánh Gia Lai. Ông Phương bị điều tra về tội “làm, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Theo điều tra, ông Phương lúc đương chức đã lợi dụng vị trí công tác, làm giả hồ sơ 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; làm giả 3 lời chứng của công chứng viên trong hợp đồng thế chấp tài sản và 3 đơn yêu cầu đăng ký thế chấp sổ đỏ, sau đó làm các thủ tục thế chấp tại ngân hàng của mình để chiếm đoạt 3,09 tỷ đồng.
Báo Thanh tra (03/4) đưa tin, Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an thông tin vụ việc vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng, nguy cơ thất thoát, lãng phí đất đai của Công ty Cổ phần Fococev Việt Nam (trước đây là Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư Fococev) tại xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk để xác minh, điều tra, xử lý theo quy định. Cụ thể, việc quản lý và thực hiện phương án sử dụng đất đai của Bộ Công Thương, Fococev đối với khu đất tại thôn 2, xã Hòa Thuận, diện tích 596m2, vi phạm quy định về quy trình lập phương án sử dụng đất và phê duyệt trong phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp, dẫn đến không quản lý được và có nguy cơ thất thoát, lãng phí đất đai của Nhà nước.
Báo Thanh tra (03/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam vừa tiếp nhận hồ sơ thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật về mua sắm trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ do Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh (GD&ĐT) làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) nhận thầu. Trước đó, Thanh tra tỉnh đã ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với 4 gói thầu mua sắm thiết bị do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư; 3 gói thầu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Qua xác minh, kiểm tra thực tế, Thanh tra tỉnh xác định tại 4 gói thầu có tổng số tiền sai phạm hơn 4,85 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh đã chuyển Cơ quan điều tra 4 gói thầu này.
Các báo (03/4) đưa tin, phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Thị Hà Thành, siêu lừa chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 4 đại gia xuất hiện tình tiết mới. Sau 9 ngày xét xử nghị án, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội bất ngờ quay lại phần xét hỏi với Hà Thành về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xoay quanh con số chiếm đoạt ở 27 vụ lừa đảo ngân hàng. Thành đã thừa nhận các con số bị cáo buộc. Trong số các ngân hàng, VietABank bị Hà Thành chiếm đoạt nhiều nhất, với số tiền theo cáo buộc hơn 273 tỷ đồng. Hà Thành đã câu kết với 17 người là cựu cán bộ, nhân viên NCB, VAB và PVCombank để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các “đại gia”, hứa hẹn trả lãi ngoài cao.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân và các báo (03/4) đưa tin, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin liên quan về vụ án Xuyên Việt Oil. Theo đó, ông Trần Duy Đông, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hiện là Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Ông Đinh Tiến Dũng, Kế toán trưởng và Nguyễn Tiến Long, Trưởng phòng kinh doanh Xuyên Việt Oil cũng bị Cơ quan An ninh khởi tố, tạm giam với cáo buộc “Đưa hối lộ”. Báo An ninh Thủ đô và một số báo (04/4) thông tin thêm, quá trình điều tra vụ án, đến thời điểm này, có 14 người đã bị khởi tố về nhiều tội danh.
Báo An Giang (04/4) đưa tin, từ năm 2010-2017, Ngô Phú Cường, trú tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang thành lập và trực tiếp điều hành hoạt động 4 công ty, 1 chi nhánh để mua bán cát ở TP. Long Xuyên và huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, sau đó bán lại cho các công ty, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh phía Nam; tổng doanh thu hơn 84,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các giao dịch không được xuất hóa đơn và kê khai thuế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 8,5 tỷ đồng. Cơ quan điều tra còn phát hiện Cường có hành vi rửa tiền. Căn cứ vào các kết quả điều tra, Cường bị khởi tố điều tra về 2 tội danh “trốn thuế” và “rửa tiền”. Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Cường 4,5 tỷ đồng về tội “trốn thuế” và 3 năm tù về tội “rửa tiền”.
Báo Pháp luật TP.HCM (04/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Hữu Chính để điều tra về hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Trước khi bị bắt tạm giam, ông trùm “công trường sa tặc” đã sáu lần bị xử phạt về hành vi này. Theo điều tra, quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, Công an huyện Hàm Tân xác định tại năm vị trí đất (10/10 thửa đất) có dấu hiệu bị khai thác, vận chuyển khoáng sản. Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM có loạt bài điều tra “Công trường sa tặc trong rừng ở Bình Thuận”, phản ánh “công trường sa tặc” ở xã Sơn Mỹ vẫn khai thác cát trái phép xuyên Tết. Sau tuyến bài điều tra, ông trùm sa tặc ở Hàm Tân đã bị bắt.
Báo Lao động, Dân trí, SGGP, Người Lao động, Tiền phong, Đầu tư và các báo (04/4) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện Đông Anh vào ngày 09/4. Bị cáo Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc thông đồng với các bị cáo khác dìm giá và trúng đấu giá lô đất ở huyện với giá trị thấp, gây thiệt hại hơn 135 tỷ đồng. Sai phạm của bị cáo khi giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex. Trong số 11 bị cáo, bà Loan và 8 người khác bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. 02 bị cáo Bùi Thanh Huyền, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường và Nguyễn Thị Cẩm Lê, cán bộ Sở bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Tiền phong, VietNamNet, Lao động, Chinhphu.vn, Người Lao động và các báo (04/4), Gia Lai (06/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Tấn Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Định Thành A và Nguyễn Kim Thương, Kế toán xã để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Theo điều tra, tháng 11/2019, UBND huyện Đông Hải giao bổ sung dự toán 1,17 tỷ đồng cho xã này để xây dựng 26 căn nhà tình nghĩa (mỗi hộ 49 triệu đồng). Với vai trò là kế toán, Thương đã không nhập số tiền trên vào sổ theo dõi, chi không đúng mục đích..., gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng; Thương còn chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng tiền ngân sách để sử dụng vào mục đích cá nhân. Bị can Nguyễn Tấn Đức đã buông lỏng quản lý, chiếm đoạt trên 200 triệu đồng.
Báo Pháp luật TP.HCM và một số báo (05/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Võ Doãn Tấn, Võ Doãn Mỹ Thạnh và Võ Doãn Mỹ Phước tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lê Minh Thái, Nguyễn Đức Hải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội đưa hối lộ; Nguyễn Đắc Công tội giả mạo trong công tác. Bị can Lê Minh Thái là luật sư; Nguyễn Đắc Công, nguyên là cán bộ UBND phường 6. Theo hồ sơ vụ án, Phước, Thạnh và Tấn là ba trong số 11 người được hưởng di sản thừa kế căn nhà số 270A Bạch Đằng, phường 24 đã móc nối với Thái để sang tên căn nhà cho 3 người. Luật sư, cán bộ phường đã giả mạo chữ ký, đóng dấu khống để hoàn tất bán di sản thừa kế với chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Công đã lợi dụng nhiệm vụ đóng dấu, kiêm nhiệm chứng thực, nhận tiền để thực hiện theo yêu cầu.
Báo Người Lao động (05/4) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hải Phòng vừa phối hợp với Cục Thi hành án dân sự thành phố tiến hành giải tỏa kê biên tài sản của ông Ngô Văn Phát (tức đại gia Phát “dầu”) tại thửa đất số 07/13A, 08/13A số 9, Lê Hồng Phong, phường Đằng Hải, quận Hải An (đây là biệt thự “khủng” có diện tích 2.280 m2). Trước đó, như Báo Người Lao động đưa tin, tháng 6/2021, Tòa án nhân dân thành phố đưa vụ án Ngô Văn Phát (tức Phát “dầu”) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xăng dầu Phát, cầm đầu đường dây lập 22 doanh nghiệp “ma” để bán 25.125 hóa đơn GTGT với tổng số tiền lên đến hơn 17 ngàn tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 161 tỷ đồng tiền thuế ra xét xử. Tòa án nhân dân đã tuyên phạt bị cáo 24 tháng tù cho tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và phải nộp hơn 161 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.
TTXVN, Đài TNVN, báo Giao thông, Tin tức, VietNamPlus và các báo (05/4) đưa tin, vì sao 04 cán bộ huyện ở Thái Bình bị bắt? Theo thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 04 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Hồng An. 04 bị can gồm: Nguyễn Tiên Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện; Trần Đức Quang, lao động hợp đồng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; Trần Thị Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Anh Hoàn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Các báo (06/4) thông tin, năm 2019-2020, các bị can đã thực hiện trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai, thực hiện chuyển đổi 6.494,9m2 đất giao trái thẩm quyền, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 272 triệu đồng; trực tiếp tham mưu, cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở không đúng đối tượng 2.880,2m2 đất, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Các diện tích đất trên sau đó được tách thành 30 thửa, giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhiều lần, cho nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau. Báo Tiền phong và một số báo (07/4) thông tin thêm, trong vụ án lạm quyền cấp sổ đỏ ở Thái Bình, bắt thêm nhiều cán bộ huyện. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 05 bị can là lãnh đạo xã Hồng An và thôn Bắc Sơn để điều tra về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Báo Tiền phong và một số báo (06/4) đưa tin, theo Quyết định của Thanh tra tỉnh Quảng Bình, 13 cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản gồm: 05 hiệu trưởng các trường THPT, 06 hiệu phó và 02 cán bộ của Sở. Trong số này có đến 09 người không thực hiện đúng việc kê khai tài sản, đáng chú ý, có ông Đinh Ngọc Hà, Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT để “quên” 03 lô đất do vợ đứng tên. Sau khi kết luật thanh tra công bố, dư luận ở Quảng Bình xôn xao về giá chuyển nhượng của 03 lô đất này; theo dư luận, 03 lô đất của vợ ông Hà đứng tên có giá trị thực tế cao gấp nhiều lần với giá chuyển nhượng, thậm chí chênh lệch nhiều tỷ đồng. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu giá chuyển nhượng này là nhằm trốn thuế; hoặc tránh kê khai thu nhập khi vốn góp dưới 50 triệu?.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (02/4) đưa tin, Cơ quan Giám sát và Chống tham nhũng Ả Rập Saudi (còn được gọi là Nazaha) thông báo: Bắt giữ 146 công chức của 7 bộ trong tháng 3/2024. Các quan chức từ Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Đô thị - Nông thôn và Nhà ở... của Ả Rập Saudi bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực, rửa tiền. Ngoài ra còn có các quan chức của Cơ quan Thuế và Hải quan. Các cáo buộc tham nhũng chống lại họ bao gồm hối lộ, lạm dụng quyền lực, giả mạo và rửa tiền. Nazaha cho biết, đã tiến hành tới 1.657 cuộc thanh tra, kiểm tra trong tháng qua. Kết quả đã thực thiện thủ tục cáo buộc đối với 239 công chức; trong đó, 146 người đã bị bắt. Nazaha kêu gọi người dân gửi tố giác, thông tin về các vụ việc tham nhũng thông qua trang web của cơ quan, cũng như qua điện thoại miễn phí, hòm thư thông thường, điện tín, fax...
Báo Dân trí, Nhà báo và Công luận, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động, VnExpress, VTC News và các báo (03/4) đưa tin, ông Luis Rubiales, cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha bị bắt tại sân bay ngay khi ông vừa xuống máy bay trở về từ Cộng hòa Dominican về Madrid. Cơ quan điều tra đang xem xét các khoản giao dịch của ông Luis Rubiales với nhiều đối tượng khả nghi, trong đó có một khoản tiền được cho là hối lộ để đưa Siêu cúp Tây Ban Nha sang tổ chức ở... Ả Rập Xê Út.
TTXVN, Truyền hình Quốc hội, báo Thanh tra, Nhà báo và Công luận và một số báo (04/4) đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Nam Phi Nosiviwe Mapisa - Nqakula chính thức tuyên bố từ chức sau những cáo buộc tham nhũng. Trong thư từ chức, bà Mapisa - Nqakula xác nhận sẽ rời khỏi cương vị, đồng thời, nhấn mạnh quyết định này “nhằm bảo vệ sự liêm chính và tôn nghiêm” của cơ quan lập pháp Nam Phi. Bà khẳng định mình vô tội và quyết tâm khôi phục danh tiếng của bản thân. Quyết định từ chức được đưa ra sau khi Tòa án tối cao Gauteng ở Pretoria bác bỏ đơn kháng cáo khẩn cấp của bà nhằm ngăn cản Cơ quan công tố quốc gia (NPA) và Cảnh sát Nam Phi bắt giữ vì tội tham nhũng. NPA trước đó cáo buộc bà trong nhiệm kỳ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng đã nhận hối lộ 135.000 USD từ một nhà thầu.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150 kg vàng từ Campuchia về Việt Nam;
- Thu hồi gần 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn;
- Viện kiểm sát đề nghị giảm nhẹ hình phạt đối với 22 bị cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan không được đề nghị giảm án;
- Bắt tạm giam thêm 03 bị can với cáo buộc đưa và nhận hối lộ liên quan đến vụ án Xuyên Việt Oil.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH