Điểm báo tuần số 569 từ ngày 22/4 đến ngày 28/4 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Năm, 02/05/2024, 15:03 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Các báo (22/4) đưa tin, trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ của Nhà máy Xi măng (thuộc Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái) đã xảy ra sự cố tai nạn lao động. Hậu quả làm 7 công nhân tử vong; 3 người khác bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nguyên nhân xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền dẫn đến tai nạn. Các báo (23/4) cho biết thêm, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trần Mạnh Hùng, nhân viên Nhà máy xi măng về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.
TTXVN và một số báo (23/4) đưa tin, Tòa án nhân tỉnh Gia Lai tuyên án nhóm đối tượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Tòa đã tuyên phạt 13 năm tù giam đối với các bị cáo gồm: Phan Thị Thảo, quê tỉnh Vĩnh Phúc, tạm trú tại Tổ dân phố 8, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai; Tạ Văn Triệu, trú tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. 03 bị cáo trú tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang bị tuyên 12 năm tù giam. 02 bị cáo trú tại TP. Hồ Chí Minh bị tuyên 9 năm tù giam. 02 bị cáo trú tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên - Huế bị tuyên 8 năm tù giam. 01 bị cáo trú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bị tuyên 4 năm tù giam.
Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (24/4) đưa tin, tại Kỳ họp 40, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo đối với: Đảng đoàn HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021-2026; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và 19 cán bộ. Kỷ luật Khiển trách: Đảng đoàn HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và 04 cán bộ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại Đảng bộ các tỉnh An Giang, Sóc Trăng; Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo đối với nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Khiển trách nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình và Bạc Liêu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác cán bộ và việc quản lý, sử dụng đất trong các dự án đầu tư; việc kê khai tài sản, thu nhập. Yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường.
Quang cảnh Kỳ họp 40 Ủy ban kiểm tra Trung ương |
Các báo (26/4) đưa tin, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ. Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Lê Viết Chữ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng.
Báo Công an nhân dân, Baomoi.com và một số báo (26/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang bắt tạm giam đối với Dương Hồng Hiếu, trú tại phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”. Kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2020 đến nay, Hiếu sử dụng mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết, video có nội dung bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và nhiều cá nhân, chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh.
Đài THVN (27/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh triệt xóa đường dây tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, hoạt động “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Đây là đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia; đường dây “rửa tiền” này tổng giao dịch 13.000 tỷ đồng. Trước đó, Công an Thành phố nhận được nguồn tin về việc một Công ty có trụ sở tại Ukraine bị một số đối tượng chưa rõ lai lịch sử dụng địa chỉ Email gần tương tự địa chỉ Email của Công ty đối tác tại Hàn Quốc để liên hệ, trao đổi các nội dung liên quan đến giao dịch hợp đồng kinh tế mà 2 công ty đang thực hiện khiến cho Công ty tại Ukraina lầm tưởng, sau đó chuyển tiền vào một tài khoản tại Ngân hàng Việt Nam và nhanh chóng bị chuyển tiếp qua nhiều tài khoản khác rồi chiếm đoạt. Cơ quan điều tra đã khẩn trương tiến hành xác minh, xác định có dấu hiệu tội phạm, đồng thời, tiến hành xác lập chuyên án để đấu tranh, tập trung lực lượng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để điều tra đối với tổ chức hoạt động tội phạm này. Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 13 đối tượng về các tội danh trên, gồm: Mai Trà My, Mai Vũ Minh, Lê Thị Thắm, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thanh Thúy, Okoye Christinan Ikechukwy, Eneh Davidson Caleb, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Thị Thu Thủy, Đỗ Viết Đại, Nguyễn Thị Kim Ngân, Dương Đại Nghĩa, Dương Thành Hiếu. Các đối tượng có hộ khẩu thường trú tại Đắk Lắk, Nam Định, TP. Hồ Chí Minh và có quốc tịch tại Nigeria.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Các báo (22/4) đưa tin, mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) và các đơn vị, tổ chức có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án xảy ra tại Thuận An Group và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Thuận An Group tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An được thành lập từ năm 2004 do Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch. Thuận An Group được biết đến là Tập đoàn chuyên về lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, kinh doanh và đầu tư bất động sản.
TTXVN, Đài THVN, báo Lao động, Dân trí, Đại đoàn kết, Thanh niên, Công an nhân dân, Kinh tế Đô thị và các báo (22/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Đặng Thế Việt, Phó Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tiền Hải, thuộc Văn phòng đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình để điều tra tội “Nhận hối lộ”. Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian làm Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện này, ông Việt đã có hành vi nhận hối lộ.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (23/4) đưa tin, mở rộng điều tra vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình Công ty Bất động sản Thăng Long thực hiện Dự án Chợ đầu mối và Khu đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Hậu đã nhiều lần trực tiếp gặp, đưa tiền và đặt vấn đề nhờ tạo điều kiện tính giá tiền sử dụng đất có lợi cho Công ty. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng đối với 06 đối tượng, gồm: Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh; Chu Quốc Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Hoàng Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Tài chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để chỉ đạo bà Đinh Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giá đất bồi thường tái định cư, Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định giá đất, thông qua ông Cao Đại Nghĩa, Phó trưởng phòng Giá, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc Công ty Thẩm định giá Nam Hà để tư vấn, thẩm định giá đất tạo điều kiện cho Công ty Bất động sản Thăng Long, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 200,9 tỷ đồng. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với: Nguyễn Văn Khước, Chu Quốc Hải và Hoàng Văn Nhiệm về tội “Nhận hối lộ”; khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với: Cao Đại Nghĩa về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét đối với: Đinh Thị Thu Hương và Nguyễn Ngọc Huy về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Báo Kinh tế Đô thị, Baomoi.com, Tiền phong, Chinhphu.vn, Dân trí, Lao động, Công lý và một số báo (23/4) phản ánh, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu công bố Kết luận thanh tra đối với Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh này. Qua đó, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế. Theo thông tin, với kinh phí hơn 200 tỷ đồng từ ngân sách do Sở Y tế tỉnh làm chủ đầu tư, Bệnh viện này được khởi công xây dựng năm 2010 trên khu đất rộng 13.000m2. Tuy nhiên, Bệnh viện xây dựng xong “đắp chiếu”, gây thất thoát lãng phí, các gói thầu mua sắm trang thiết bị nâng khống giá gấp nhiều lần, có dấu hiệu thiếu minh bạch trong việc lựa chọn đơn vị báo giá, để xảy ra nhiều sai phạm trong giao, nhận thiết bị, vi phạm Luật Đấu thầu; thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, khả năng gây thiệt hại đến ngân sách nhà nước số tiền lớn. Thanh tra tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan gói thầu số 11 để Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Các báo (24/4) đưa tin, Công an TP.Hà Nội quyết định khởi tố vụ án, khám xét khẩn cấp trụ sở làm việc của Công ty cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát (địa chỉ tại khu đô thị mới Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội); quyết định tạm giữ, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Khuyên, Tổng Giám đốc và Văn Đình Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội phát hiện vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư, ký kết Hợp đồng góp vốn kinh doanh, Hợp đồng góp vốn cổ đông với Công ty Tâm Lộc Phát. Tính từ năm 2019 đến nay, các đối tượng đã huy động được hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thị Khuyên, Văn Đình Toàn đã chiếm đoạt hơn 61 tỷ đồng của 18 nhà đầu tư đã có đơn tố giác.
Đài THVN và một số báo (24/4) đưa tin, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03), Công an tỉnh Thái Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc; đồng thời, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Viên Thị An, Tiến sĩ kinh tế, nguyên là Giảng viên Bộ môn Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Thái Bình, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Anh An Định và Trương Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Sao Kim về tội Mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Chi cục Đăng kiểm số 11 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam). Kết quả điều tra ban đầu thể hiện, các bị can không chỉ bán hóa đơn GTGT cho Chi cục Đăng kiểm số 11, mà còn bán cho nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng nhằm thu lợi bất chính.
Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (24/4) đưa tin, Công an tỉnh Đắk Lắk quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Ninh, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk và Huỳnh Văn Toàn, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Liên quan đến vụ án này, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Đức Lư, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cuối tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, nguyên Phó Phòng Kỹ thuật - kế hoạch đầu tư Công ty này.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (23/4) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm xét xử 3 cha con chủ Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Các báo (24/4) thông tin, tại phiên tòa, Viện kiểm sát nêu các yêu cầu của bà Đặng Thị Kim Oanh về việc buộc các bị cáo phải hoàn trả một lần, đầy đủ và toàn bộ 100% cổ phần Công ty Minh Thành; toàn bộ dự án khu dân cư - dịch vụ tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho Công ty Kim Oanh; toàn bộ dự án khu dân cư Nhơn Thành tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho Công ty Thuận Lợi. Trước yêu cầu của bà Oanh về việc buộc trả toàn bộ cổ phần của Công ty Minh Thành, 2 dự án tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành; bồi thường thiệt hại 531 tỷ đồng, ông Trần Quý Thanh đề nghị xử lý theo pháp luật. Các báo (25/4) thông tin thêm, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Trần Quý Thanh 8 năm tù; Trần Uyên Phương 4 năm tù; Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Quý Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ giá trị tài sản chiếm đoạt. Trần Uyên Phương với vai trò giúp sức, phải chịu trách nhiệm với giá trị tài sản chiếm đoạt là 350 tỷ đồng; Trần Ngọc Bích đồng phạm giúp sức phải chịu trách nhiệm với giá trị tài sản chiếm đoạt là 600 tỷ đồng. Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên hủy tất cả các hợp đồng chuyển nhượng về tài sản mà các bị cáo và các bị hại giao kết nhằm che giấu việc cho vay tiền, buộc các bị hại trả lại số tiền gốc đã vay cho bị cáo Thanh. Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc những người môi giới vay tiền trả lại số tiền môi giới trong quá trình các bị cáo và bị hại giao dịch. Các báo (25/4) cho biết thêm, cho nói lời sau cùng tại phiên tòa, ba cha con ông Trần Quý Thanh đều cho biết đã nhận thức được sai lầm, xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Các báo (25/4) đưa tin, Công an tỉnh An Giang bắt tạm giam Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”. Liên quan vụ án này, trước đó, Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và bắt tạm giam Nguyễn Bảo Sinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố về hành vi trên. Trước đó, Công an tỉnh bắt tạm giam các bị can Nguyễn Thanh Phong, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố; Nguyễn Thiện Thanh, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố; Huỳnh Lê Phong, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố.
Báo Nhân Dân điện tử và một số báo (25/4) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên miễn hình phạt cho các bị cáo Nguyễn Ngọc Chơn, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh và 3 đồng phạm là Võ Thanh Bình, nguyên Trưởng Khoa Xét nghiệm; Triệu Vương Tuyền, cán bộ dược sĩ và Đặng Minh Uy, nhân viên Khoa Xét nghiệm về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo Hội đồng xét xử, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tự nguyện nộp lại số tiền đã nhận, phạm tội lần đầu, gia đình có công với cách mạng. Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên hội đồng xét xử đã tuyên miễn hình phạt cho cả 4 bị cáo. Tòa tuyên tuyên tịch thu và sung công quỹ nhà nước số tiền hơn 2 tỷ đồng các bị cáo nhận của Công ty cổ phần Thương mại - sản xuất và dịch vụ Việt Á.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (26/4) đưa tin, Công an huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Năng, cựu Chủ tịch UBND xã Bảo Đài; đồng thời, khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vũ Văn Tuân, cán bộ địa chính - xây dựng cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Quá trình điều tra, Công an huyện xác định 2 bị can đã lợi dụng khe hở chính sách pháp luật, từ đó, lập hồ sơ đề nghị UBND xã Bảo Đài, UBND huyện Lục Nam xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng về nguồn gốc, hiện trạng, thời gian sử dụng đất. Hành vi này đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước và thiệt hại cho cá nhân; trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giáp Văn Đông, trưởng thôn Sen về tội danh trên.
Các báo (26/4) đưa tin, căn cứ kết quả điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, do Công ty CP Rạng Đông làm chủ đầu tư, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 05 đối tượng gồm nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình; nguyên Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết; nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá và nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp thuộc Chi cục quản lý đất đai tỉnh. Khởi tố và bắt tạm giam đối với 06 bị can nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, cán bộ Chi cục quản lý đất đai tỉnh... (hiện 06 bị can này đều đang chấp hành án phạt tù trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, tỉnh Bình Thuận).
Các báo (26/4) đưa tin, Công an tỉnh Bắc Kạn khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vũ Thị Thùy Linh, kế toán Công ty Cổ phần vận tải, dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn. Kết quả điều tra xác định, năm 2022, bị can Nông Xuân Bính đã có hành vi nhận tiền hối lộ của 7 học viên đang theo học lái xe tại Công ty này; Nông Xuân Bính cũng đồng thời nhận tiền hối lộ của Công ty để tạo điều kiện trong việc thi sát hạch lái xe hạng B2. Trong khi đó, Vũ Thị Thùy Linh có hành vi tham mưu, giúp sức cho Hoàng Văn Linh, Giám đốc Công ty thống nhất thu tiền học phí của học viên cao hơn so với mức học phí phải nộp theo quy định. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần vận tải, dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Linh cùng một số đối tượng là nhân viên, giáo viên dạy lái xe.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (26/4) đưa tin, Thủ tướng thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Các báo (27/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra về vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC cùng 13 bị can về các tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị can Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm CNSH bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị đề nghị truy tố ở vụ án thứ 3. Theo kết quả điều tra, Trung tâm CNSH từ năm 2004-2020 triển khai thực hiện dự án mua sắm thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm với kinh phí là 425 tỷ đồng. Giúp cho Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) trúng 6 gói thầu và các công ty do AIC chỉ định gồm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Dương Hoa Xô và các bị can khác đã phạm vào tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; trong đó, bị can Nhàn đã cùng các bị can thông đồng, nâng giá gói thầu, gian lận, cố ý làm trái quy định pháp luật để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại gần 95 tỷ đồng. Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo cấp dưới đưa tiền cho Dương Hoa Xô 6 lần, tổng cộng 14,4 tỷ đồng. Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn “dính” đến những vụ án: Liên quan Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; vụ án thông thầu Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh; vụ án tại Trung tâm CNSH. Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định đấu thầu trong vụ án vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo Pháp luật TP.HCM (28/4) cho biết, mối quan hệ tay ba giữa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Việt Á, Vimedimex. Theo đó, bà Nhàn đã hợp tác với Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex để không bị hủy thầu, không bị khiếu kiện. Báo VietNamNet, Người Lao động và một số báo (28/4) cho biết thêm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, vì động cơ vụ lợi, bà Trần Thị Bình Minh, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh nhận tiền của AIC nên đã bị đề nghị truy tố. Cựu Phó Giám đốc Sở này đã chỉ đạo Phan Tất Thắng, Phó trưởng phòng Kinh tế của Sở đề xuất, phê duyệt điều chỉnh dự án không đúng quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 33 tỷ đồng. Qua đó, bà Trần Thị Bình Minh được hưởng lợi bất chính 1,9 tỷ đồng. Ông Phan Tất Thắng cũng được Công ty AIC tặng quà và 50 triệu đồng.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (22/4) đưa tin, ông Gao Peng, Phó Thị trưởng Bắc Kinh đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát quốc gia điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Gao Peng, trước khi vào các cơ quan Chính phủ đã làm việc nhiều năm tại các doanh nghiệp nhà nước. Ông từng giữ chức Phó Giám đốc Kế hoạch Tài chính của Công ty Metro Bắc Kinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Bắc Kinh... Vào tháng 01/2023, ông được bổ nhiệm làm Phó Thị trưởng Bắc Kinh, chịu trách nhiệm quản lý đô thị, giao thông, nông nghiệp và nông thôn...
Báo Tin tức, Thanh tra (24/4) đưa tin, Cục Chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NABU) cáo buộc Bộ trưởng Nông nghiệp Mykola Solsky chiếm đoạt trái phép đất đai của Nhà nước trị giá hơn 7 triệu USD trong thời gian từ năm 2017-2021. Ông Solsky, từng là chủ sở hữu một số doanh nghiệp nông nghiệp, được bầu vào Quốc hội năm 2019 và được chỉ định làm Bộ trưởng Nông nghiệp vào tháng 3/2022. NABU cáo buộc ông Solsky đứng đầu một nhóm chiếm đoạt đất nông nghiệp ở Đông Bắc khu vực Summy, trước khi trở thành Bộ trưởng, bằng cách tiêu hủy các tài liệu chứng minh hai công ty nhà nước có quyền sử dụng khu đất này. Sau đó, nhờ cơ quan nhà nước chuyển quyền sử dụng đất cho các cá nhân liên quan đến nhóm dưới chiêu bài là một kế hoạch của Chính phủ sử dụng khu đất nông nghiệp đó. NABU trước đó đã ngăn chặn “một nhóm tội phạm” đang cố lặp lại âm mưu chiếm 3.300 hecta đất khác trị giá gần 5 triệu USD.
Báo Pháp luật TP.HCM, Người Lao động (24/4), Thanh tra, Baomoi.com (25/4) đưa tin, Ủy ban Điều tra Nga thông báo đã bắt Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Timur Ivanov - người chịu trách nhiệm giám sát việc xây dựng các công trình quân sự của Bộ này vì bị tình nghi nhận hối lộ. Việc bắt giữ Thứ trưởng Quốc phòng được tiến hành sau nhiều năm điều tra và nhân vật thứ hai có liên quan cũng được hé lộ và chỉ diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) tăng cường nỗ lực nhổ tận gốc nạn tham nhũng. Đây là một trong những vụ bê bối tham nhũng cấp cao nhất ở Nga trong nhiều năm. Ông Timur Ivanov, người chịu trách nhiệm về các dự án cơ sở hạ tầng quân sự của Nga, đã bị cơ quan FSB bắt giữ tại nơi làm việc.
Đài TNVN, Baomoi.com (25/4) đưa tin, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) đã thông qua nghị quyết với số phiếu ủng hộ từ tất cả 6 ủy viên có mặt, bác bỏ cáo buộc tham nhũng đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thu hồi lệnh bắt giữ đối với bà Yingluck liên quan chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân Thái Lan năm 2011. Như vậy, cựu Thủ tướng Thái Lan đã thoát cáo buộc tham nhũng, không còn phải đối diện với bất kỳ cáo buộc tham nhũng nào.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Khởi tố Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà;
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội;
- Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
- Khởi tố Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước và 5 bị can khác.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH