Điểm báo tuần số 570 từ ngày 29/4 đến ngày 05/5 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 06/05/2024, 10:47 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Đài THVN và một số báo (29/4) đưa tin, Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi, trú tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ và Nguyễn Đăng Trình, trú tại xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đầu tư xây dựng Linh Yến Phi do Nguyễn Minh Tân làm Giám đốc. Các đối tượng cấu kết với nhau lợi dụng tư cách pháp nhân của Công ty đưa ra nhiều thông tin gian dối để huy động vốn của khách hàng tại một số tỉnh, thành phố và chiếm đoạt trên 4,4 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Công ty Linh Yến Phi về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố giác tội phạm, số tiền lừa đảo chiếm đoạt trên 25,8 tỷ đồng.
 
    Báo Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Công an TP.HCM, SGGP (29/4) đưa tin, Công an Quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) đã khởi tố hàng loạt bị can là Giám đốc, Kế toán liên quan đường dây mua bán hóa đơn do Nguyễn Xuân Vinh, trú tại Quận 10 cầm đầu về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Qua điều tra xác định, Nguyễn Xuân Vinh và 04 đồng phạm đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty “ma” trên địa bàn Quận 10 và các địa bàn lân cận nhằm mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Từ năm 2020 đến nay, thông qua 12/26 công ty “ma”, nhóm Vinh đã xuất hơn 12.000 hóa đơn GTGT cho hàng trăm doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tổng số tiền ghi khống hơn 2.500 tỷ đồng, qua đó, thu lợi hàng chục tỷ đồng. Mở rộng, cơ quan Công an xác định nhiều doanh nghiệp mua hóa đơn từ đường dây của Vinh để đưa vào sử dụng trong hoạt động tài chính, kế toán, báo cáo thuế, vi phạm quy định của pháp luật.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (30/4) đưa tin, Công an tỉnh Cà Mau quyết định khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc của Đặng Quốc Việt, trú tại ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh để điều tra về hành vi mua bán hóa đơn trái phép. Theo điều tra, Việt đã thành lập và điều hành hoạt động 3 công ty gồm: Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Việt Phát; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Việt Phát Cà Mau và Công ty TNHH MTV Quốc Việt Cà Mau. Trong đó, Việt là Giám đốc 02 công ty; Phó giám đốc 01 Công ty. Từ năm 2020 đến nay, Việt điều hành 3 công ty trên mua bán khoảng 350 hóa đơn của nhiều công ty ở các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ..., trị giá khoảng 130 tỷ đồng để bán lại cho các doanh nghiệp khác. 
 
    TTXVN và một số báo (30/4) đưa tin, Công an huyện Đức Trọng, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng triệu tập, làm việc với chủ tài khoản FacebookT.A. (trú tại phường 8, Đà Lạt); K.A. (trú tại Phường 6, Đà Lạt); V.T. (trú tại Phường 9, Đà Lạt) đã đăng tải các nội dung gây hoang mang dư luận. Thông tin các tài khoản này đăng hoàn toàn sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, gây hoang mang dư luận tại địa phương. Trước đó, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bác bỏ các thông tin sai sự thật, như: “Đà Lạt xảy ra biến lớn”, “Đà Lạt xảy ra vấn đề, cấm người dân ra đường”, “Đà Lạt xảy ra bạo động, bắn súng...”, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân dân điện tử và các báo (02/5) đưa tin, Quốc hội khóa XV đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 7, xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng xem xét việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.
 
Quốc hội khóa XV họp Kỳ bất thường lần thứ 7
Quốc hội khóa XV họp Kỳ bất thường lần thứ 7
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và một số báo (03/5) đưa tin, Công an huyện Cam Lộ tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân đối tượng Trần Văn Tuân (trú tại Thôn Long Hồ Hạ 2, xã Hương Hồ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ xông vào phòng làm việc đâm trọng thương ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Cam Lộ. Trước đó, Tuân gây tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Cam Lộ làm chết tại chỗ một phụ nữ; tại bản án sơ thẩm 19/12/2023, Tòa án nhân dân huyện Cam Lộ tuyên phạt Trần Văn Tuân 3 năm tù. Sau đó, Tuân kháng cáo. Ngày 26/3/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tuân 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
 
    Báo Dân Việt (29/4) có bài, “Đại án nào cũng có “bóng hình” cán bộ nhà nước”. Bài báo cho hay, từ vụ Việt Á, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An... Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can. Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 07 người, trong đó có có ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội...Thủ đoạn phạm tội của các bị can trong các vụ án cơ bản giống nhau về bản chất và hình thức phạm tội đó là đưa hối lộ và nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, gây bức xúc trong nhân dân…
 
    Báo Nhân Dân, Thanh tra, Tuổi trẻ TP.HCM, Công lý, Thanh niên, VnExpress, Người Lao động, Bảo vệ pháp luật, Dân Việt, An ninh Thủ đô và một số báo (29/4) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thành phố quyết định thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Du Việt Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc về hành vi nhận hối lộ. Qua quá trình mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát hiện Du Việt Thanh đã nhận hối lộ 01 xe ô tô và tiền mặt trị giá hơn 5 tỷ đồng để làm ngơ cho các hoạt động phân lô bán nền đất rừng, đất nhà nước quản lý, tiếp tay cho các bị can khác lừa đảo chiến đoạt tài sản. Báo Công an nhân dân và một số báo (02/5) thông tin thêm, liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP. Phú Quốc, Đoàn Thanh Tuấn, công chức địa chính xã Cửa Dương đã đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình. Theo khai nhận, năm 2021-2022, một nhóm người thuộc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và phát triển LHĐ tiến hành san lấp mặt bằng trên các thửa đất nông nghiệp để phân lô bán nền trái phép tại Khu dự án K8 (dự án “ma”), đã gặp gỡ ông Tuấn và đưa số tiền 50 triệu đồng để nhờ giúp đỡ, làm ngơ hoặc bỏ qua các vi phạm của nhóm đối tượng. Sau khi nhóm người của Công ty này bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Tuấn đã tự nguyện đến Công an TP. Phú Quốc đầu thú và giao nộp lại toàn bộ số tiền.
 
    Báo Pháp luật TP.HCM và các báo (29/4) đưa tin, trong vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm thông thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an kiến nghị xử lý nhiều doanh nghiệp. Vụ án xảy ra tại Trung tâm này, bà Nhàn cùng 13 bị can bị đề nghị truy tố về các tội đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đài TNVN và các báo (03/5) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan. Trong đó, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) cùng Phó tổng Giám đốc Trần Mạnh Hà về các tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, trong vụ án xảy ra tại công ty AIC và Trung tâm CNSH, ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt được xác định là người có liên quan, song “không hưởng lợi gì” trong vụ án AIC, không bị xử lý hình sự.
 
    Báo Pháp luật TP.HCM và một số báo (02/5) đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đồng ý với đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang). Vậy, câu hỏi đặt ra, từ vụ ông Dương Văn Thái: Khi đại biểu Quốc hội bị khởi tố, tiếp theo sẽ xử lý ra sao?. Theo quy định của pháp luật, đối với đại biểu Quốc hội, khi bị khởi tố bị can thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Trường hợp đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Cũng theo quy định của pháp luật, đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu biểu quyết tán thành.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (02/5) đưa tin, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong gói thầu số 25 xảy ra tại Sở Y tế. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tạ Quang Trường, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex; khởi tố bị can, lệnh khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với: Huỳnh Tuấn Anh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tạ Thiên Ân; Lê Hữu Lễ, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Dược phẩm và Trang thiết bị y tế - Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex. Cơ quan điều tra cũng đã bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với Trần Mạnh Hải, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế; Đỗ Hữu Hải, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Sơn Hà về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
 
    Các báo (02/5) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh và đơn kháng cáo của một số bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với các bị cáo, đồng thời, yêu cầu được tính lãi suất trên số tiền bị chiếm đoạt. Bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ về việc hậu quả vụ án đã được khắc phục hoàn toàn, bị cáo đã nỗ lực nộp lại toàn bộ số tiền thu của các bị hại. Bản thân bị cáo đã khai báo thành khẩn, ăn năn, hối hận và mong được hưởng khoan hồng của pháp luật. Trước đó, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử vụ án này và tuyên phạt 15 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, tòa tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng 8 năm tù; Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc (con trai bị cáo) 3 năm tù. 07 bị cáo được hưởng án treo. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án 24 tháng tù và 30 tháng tù.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (02/5) đưa tin, Bộ Công an đề nghị tỉnh Bình Thuận rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu và tạm dừng giao dịch đối với tài sản của 12 cá nhân phục vụ yêu cầu điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết”. Trong 12 cá nhân có ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
 
    Báo Công lý, Báo mới và một số báo (02/5) đưa tin, Cục thuế tỉnh Bình Định đang phối hợp với công an để xác minh, làm rõ việc xuất hoá đơn kê khai thuế cao gấp 3.300% so với công suất được UBND tỉnh Bình Định cấp phép, xảy ra tại Công ty TNHH Đắc Tài. Làm việc với Sở TNMT tỉnh Bình Định, lý giải cho việc dù được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát lòng sông công suất gần 10.000m3/năm, nhưng khi xuất hoá đơn kê khai thuế, con số này tăng gấp 3.300%, đại diện Công ty TNHH Đắc Tài cho rằng, đã tiến hành mua cát từ các mỏ cát được cấp phép của 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Kôn (huyện Tây Sơn). Sở TNMT tỉnh Bình Định đã mời lãnh đạo Công ty TNHH Đắc Tài và 4 doanh nghiệp có liên quan đến trụ sở để làm việc. Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp phản ứng rất gay gắt và cho rằng, không liên quan đến việc mua bán cát với Công ty TNHH Đắc Tài. Việc kiểm tra của cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Định nhằm làm rõ, có hay không việc Công ty TNHH Đắc Tài kê “khống” hoá đơn, hợp thức hoá cho việc tiêu thụ khai thác cát trái phép.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (03/5) đưa tin, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên án vụ nhận hối lộ và giả mạo trong công tácxảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 66-02D, địa chỉ tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Bị cáo Trần Lập Nghĩa (trú tại TP. Hồ Chí Minh) bị tuyên 29 năm tù về các tội “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”, phạt tiền bổ sung 40 triệu đồng, phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 600 triệu đồng; Nguyễn Thành Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 22 năm tù cùng về hai tội danh trên. Các nhân viên Trung tâm gồm: Trần Thanh Nhã, Trần Thị Ngọc Dung mỗi bị cáo 15 năm tù; Lê Minh Nhí, Kim Thị Huỳnh Duy mỗi bị cáo 2 năm tù, cùng về tội “Nhận hối lộ”.
 
    Các báo (03/5) đưa tin,Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành cáo trạng truy tố, chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố xét xử 254 bị can trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm, chi cục đăng kiểm tại Thành phố và một số địa phương. Trong đó, bị can Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cùng 132 đồng phạm bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Trong số 254 bị can bị Viện kiểm sát truy tố, có nhiều người là lãnh đạo chủ chốt đầu ngành của Cục Đăng kiểm Việt Nam; trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm. Các bị can vì vụ lợi, động cơ cá nhân đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Đến nay, các bị can trong vụ án đã tự nguyện giao nộp lại 46 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính (trong đó, giao nộp trong giai đoạn truy tố hơn 7,8 tỷ đồng) và 113.000 USD.
 
    Báo Tiền phong và các báo (03/5) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội hoàn thành cáo trạng truy tố bị can Phạm Bích Hằng, Giám đốc Công ty CP Vinamichi về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hằng là bị án, đang phải thi hành bản án 20 tháng tù về tội “đưa hối lộ” trong vụ “Chuyến bay giải cứu”. Ở vụ án này, Viện kiểm sát xác định, năm 2009, Hằng thành lập là làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty; trong đó, kinh doanh thuê xe ô tô dài hạn của nhiều người sau đó cho thuê lại để hưởng chênh lệch. Theo Viện kiểm sát, năm 2022, do cần tiền chi tiêu cá nhân Hằng đã bán 04 chiếc xe thuê của người khác với tổng giá trị 1,8 tỷ đồng. Cuối tháng 7/2023, Hằng bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xử 20 tháng tù về tội “Đưa hối lộ”, liên quan đến đại án “Chuyến bay giải cứu”. Trong vụ án, Hằng bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng cho Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thái Hòa để người này xin cấp phép chuyến bay. Tuy nhiên, số tiền 12 tỷ đã bị Tuấn chiếm đoạt 5 tỷ đồng.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật và các báo (03/5) đưa tin, Bộ Công an thông báo tìm 04 người liên quan trong vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Đây là những người bị nghi thực hiện tội phạm, hiện không rõ đang ở đâu, cần truy tìm để phục vụ công tác điều tra vụ án hình sự. Các đối tượng, gồm: Nguyễn Tuấn Danh, Tưởng Hữu Hạnh, Đàm Lê Duy, cùng trú tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp và Trần Thị Ngọc My, trú tại ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang. 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Tuổi trẻ, Thái Nguyên, Báo mới và một số báo (03/5) đưa tin, Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố các bị can: Đỗ Mạnh Dũng, sinh năm 1984, trú tại tổ dân phố Sơn Tập 2, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đào Văn Thể, sinh năm 1980, trú tại xóm Đầm Giáo, xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Hoàng Văn Hữu, sinh năm 1991, trú tại xóm Ngọc Tiến, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Vũ Hoàng Bình, sinh năm 1987, trú tại xóm Cầu Thành 2, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đào Đình Luyện, sinh năm 1977, trú tại xóm Cây Hồng, xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Viết Kiên, sinh năm 1985, trú tại xóm La Vĩnh, xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đỗ Văn Hùng, sinh năm 1981, trú tại xóm Cuốn Cờ, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Lưu Văn Tuyền, sinh năm 1968, trú tại tổ 2, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên về tội “cưỡng đoạt tài sản” với thủ đoạn mượn danh, mạo danh cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí để đe dọa người khác chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở. Khi tìm ra sơ hở, thiếu sót của cơ sở, các đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở đưa tiền, nếu không sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và viết bài phản ánh trên báo chí. Do lo sợ việc bị đưa thông tin trên báo chí sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên các cơ sở đã phải đưa tiền cho các đối tượng.
 
    Báo Pháp luật TP.HCM và một số báo (04/5) đưa tin, siêu dự án Sài Gòn - Đại Ninh được khởi công từ cuối năm 2010 nhưng đến nay vẫn còn dang dở, nhiều lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng đã bị khởi tố, bắt giam. Tính đến nay đã gần 14 năm sau ngày khởi công, dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh của Công ty Sài Gòn Đại Ninh vẫn chỉ là một vùng đất bỏ hoang. Dự án có tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng gần 3.600 ha. Vậy, những cán bộ nào của Lâm Đồng “dính chàm” trong siêu dự án Đại Ninh. Theo đó, dự án này đã khiến Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã bị khởi tố, bắt giam. Trong đó, ông Quận bị khởi tố, bắt giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; ông Hiệp bị điều tra về hành vi nhận hối lộ. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh để điều tra về tội nhận hối lộ. Bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Văn phòng Chính phủ bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, do lợi dụng vị trí công tác làm trái chức trách, nhiệm vụ được phân công trong việc giải quyết thanh tra, khiếu nại đối với dự án Khu đô thị Đại Ninh. Tháng 12/2023, Cơ quan điều tra cũng tiếp tục triệu tập nhiều lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Lâm Đồng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến siêu dự án nêu trên. Báo VietNamNet và một số báo (05/5) thông tin thêm, sai phạm ở siêu dự án Đại Ninh 3.600 ha khiến nhiều quan chức bị bắt. Trước đó, C03 đã bắt Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh. Trong đó, ông Quận bị điều tra lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, những người còn lại tội nhận hối lộ. Liên quan đến Lâm Đồng, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, ngày 30/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Mai Tiến Dũng bị bắt để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
    Báo Thanh tra, Chinhphu.vn và một số báo (04/5) phản ánh, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ấn định thời gian mở phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của11 bị cáo và 03 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vào ngày 15/5 tới. Sau khi bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Nguyễn Thanh Long hiện đang nhận mức án 18 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (02/5) đưa tin, Vương quốc Anh vừa áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 nhà lập pháp Uganda, cáo buộc họ tham nhũng.Các lệnh trừng phạt nhắm vào Chủ tịch Quốc hội Uganda Anita Annet Among và bà Mary GorettiKitutu, cựu Bộ trưởng Phụ trách Các vấn đề khu vực Karamoja; bà AgnessNandutu, cựu Quốc vụ khanh Phụ trách các vấn đề Karamoja bị cho là đã xà xẻo tấm lợp và chuyển chúng đến tay các chính trị gia cũng như gia đình họ. Vương quốc Anh cho biết, đã trừng phạt 42 cá nhân và tổ chức theo Chương trình Chống tham nhũng toàn cầu (Global Anti-Corruption scheme) kể từ khi chương trình này được thiết lập vào năm 2021. Các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt đến từ Nam Sudan và Venezuela.
 
    Báo Thanh tra,Baomoi.com (03/5) đưa tin, Chủ tịch Đảng Dân chúng Đài Loan, cựu Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ko Wen-je) đã bị đưa vào danh sách nghi phạm trong vụ án tham nhũng liên quan đến 2 dự án lớn của Đài Bắc. Các dự án bao gồm: Dự án Tái phát triển Trung tâm thương mại Core Pacific City và Dự án Công viên Công nghệ BeitouShilin. Các cuộc điều tra được tiến hành sau khi nhận được đơn khiếu nại về những góc khuất của 2 dự án, trong đó có những hành vi bị cho là đã vi phạm Đạo luật chống tham nhũng mà ông Kha bị nêu tên là nghi phạm. Cách đây hơn 10 năm, vào tháng 5/2013, ông Kha từng nhận được công văn từ Văn phòng Điều tra Đài Bắc, nêu tên ông là nghi phạm hình sự trong vụ biển thủ trợ cấp của Hội đồng Khoa học Quốc gia.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026;
    - Khởi tố nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng;
    - Khởi tố Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
    - Truy tố 254 bị can trong sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH
.