Điểm báo tuần số 576 từ ngày 10/6 đến ngày 16/6 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 17/06/2024, 16:07 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (10/6) đưa tin, Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Tiến Dũng (trú tại quận Tân Phú), Nguyễn Bảo Xuyên và Trần Đình Sinh (cùng trú tại quận Bình Tân) để điều tra về hành vi “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Tháng 7/2023, qua trinh sát đã bắt quả tang Quách Ngọc Giao (trú tại Quận 10) vận chuyển 300 hộp tân dược Fugacar; khẩn cấp khám xét nơi ở của Giao, kho chứa hàng và 19 điểm sản xuất, tiêu thụ tân dược giả ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Tiền Giang, lực lượng Công an đã thu lượng lớn tân dược… Bước đầu, nhóm Giao khai nhận mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam sản xuất, sau đó thay đổi bao bì, tem, nhãn thành các loại thuốc ngoại nhập để bán ra thị trường với giá cao. Tính đến nay, Công an Thành phố đã khởi tố, bắt giam 11 bị can; thu giữ hơn 500 thùng thuốc tân dược giả, trị giá trên 2,5 tỷ đồng...
 
    TTXVN và một số báo (11/6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 07 bị cáo về các tội: Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép; tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty TNHH phát triển Thiên Nguyên; Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Thịnh Vượng; Đỗ Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển thương mại mỹ thuật Vietship; Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Hải; Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại H3T; Nguyễn Hoài Nam, ở Hà Nội; Ma Thị Dịu, ở Thái Nguyên. Tòa đã tuyên án phạt bị cáo Nhung 9 năm tù. Các bị cáo khác bị phạt từ 30 tháng tù cho hưởng án treo đến 8 năm tù.
 
    Các báo (13-14/6) đưa tin, Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện làm Trưởng đoàn đã khảo sát, làm việc tại thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Thanh Hóa.
 
    Các báo (14/6) đưa tin, Huyện ủy Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Lương Thị Lan, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện. Từ tháng 6/2016-11/2019, bà Lan đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của Công ty cổ phần LDG tại Dự án khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, gây hậu quả nghiêm trọng và nhiều hành vi sai phạm khác. Hành vi của bà Lan được xác định là nghiêm trọng, làm giảm uy tín cá nhân, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của cấp ủy, UBND huyện. Trước đó, liên quan sai phạm tại Dự án khu dân cư Tân Thịnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Vũ Thị Minh Châu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom. Báo Nhân Dân (14/6) cho biết thêm, vi phạm của bà Lan được xác định là nghiêm trọng, có liên quan Dự án khu dân cư Tân Thịnh do Công ty cổ phần LDG làm chủ đầu tư, xây hơn 680 căn biệt thự, nhà liền kề trái phép, khiến dư luận cả nước bất bình.
 
    Các báo (15/6) đưa tin, từ ngày 12-14/6/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 42. Tại Kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho ý kiến, đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức, cá nhân có khuyết điểm và vi phạm pháp luật. 
 
Kỳ họp thứ 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Kỳ họp thứ 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (10/6) đưa tin,  Công an tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Minh Tuấn, trú tại phường Gia Hội, thành phố Huế về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, từ ngày 18/7-22/7/2022, Tuấn nhận hơn 1,8 tỷ đồng do nhân viên kế toán Công ty Cổ phần phân phối T.K, Chi nhánh Huế gửi và nhờ Tuấn chuyển số tiền này về Công ty. Tuy nhiên, Tuấn chỉ chuyển về Công ty số tiền 900 triệu đồng và chiếm đoạt hơn hơn 975 triệu đồng để tiêu xài vào mục đích cá nhân. Phạm Minh Tuấn còn đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt hơn 70 triệu đồng của khách hàng nói trên.
 
    Báo Tiền phong và một số báo (10/6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiếp nhận hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn hơn 2.700 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi nhánh Ba Đình. Hồ sơ vụ án xác định, năm 2013, Vũ Thị Thu Nhung, Phó giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình, đã đưa thông tin gian dối người quen về việc Eximbank có nhiều chương trình gửi tiền ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân có quan hệ nội bộ trong ngân hàng với lãi suất cao và quà tặng chăm sóc giá trị. Mục đích Nhung gian dối là để nhận tiền của nhiều người có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, Nhung còn lừa khách hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình tổ chức bán đấu giá tài sản nợ xấu tại ngân hàng. Qua đó, bị can chiếm lừa đảo của hàng trăm người, với tổng số tiền hơn 2.705 tỷ đồng.
 
    Theo TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (10/6) đưa tin, mở rộng điều tra vụ án vi phạm trong quản lý đất đai xảy ra tại thị xã Cửa Lò, Công an tỉnh Nghệ An quyết định khởi tố thêm 03 bị can là: Nguyễn Đức Lâm, Chủ tịch UBND phường Nghi Tân (nguyên Chủ tịch UBND phường Nghi Thu); Hoàng Đức Nam, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hưng Nguyên (nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Cửa Lò) và Nguyễn Trường Thi, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thị xã) về tội “Đưa hối lộ”. Đồng thời, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can trên. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố 05 bị can.
 
    Các báo (11/6) đưa tin, Công an huyện Hàm Tân khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Tuy, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; quyết định khởi tố bị can bổ sung về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hàm Tân; nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ và Trần Viết Quý công chức địa chính xã Sơn Mỹ. Hai bị can này, trước đó, đã bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngày 17/5, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hữu Chính cùng 04 đối tượng để điều tra về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Qua điều tra xác định, từ năm 2020 đến nay, Nguyễn Hữu Chính đã bất chấp pháp luật, tổ chức khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Sơn Mỹ. Cùng ngày, Các báo đưa tin, Công an tỉnh Bắc Kạn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ma Duy Phi Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lạc; Nông Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc và Hoàng Lệ Mỹ, công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và môi trường xã Xuân Lạc về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo điều tra, trong thời gian từ năm 2019-2021, các bị can đã lập khống hồ sơ, chi tiêu sai quy định nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng; gây thiệt hại hơn 700 triệu đồng.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (11/6) đưa tin, Công an tỉnh Quảng Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét đối với T.T.N, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông và công nghệ ATH, để điều tra về hành vi trốn thuế. Theo điều tra, T.T.N. là từ năm 2019-2020, công ty này đã bán thẻ cào viễn thông, trị giá gần 70 tỷ đồng nhưng không xuất hóa đơn, lập khống hồ sơ, tiêu hủy hàng hóa, nhằm mục đích trốn thuế với số tiền gần 7 tỷ đồng.
 
    Báo Lao động và một số báo (12/6) đưa tin, từ vụ việc sai phạm liên quan công tác quản lý, sử dụng đất đai ở xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bị phanh phui hồi tháng 2, đến nay qua 3 giai đoạn điều tra chính, đã có tổng cộng 10 người là cán bộ, lãnh đạo từ cấp thôn đến cấp huyện bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Hà quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 05 đối tượng để điều tra về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Tiến hành mở rộng điều tra, các cơ quan tố tụng huyện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam 04 đối tượng là cán bộ, lãnh đạo chuyên môn tại huyện Hưng Hà về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà để điều tra về cùng tội danh.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (12/6) đưa tin, Công an TP. Hà Nội khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. VEAM cũng đã thông báo về quyết định thay đổi nhân sự, bãi nhiệm chức Tổng Giám đốc đối với ông Phan Phạm Hà. Trước đó, ông Nguyễn Thanh Giang (cựu Tổng Giám đốc) và Hồ Mạnh Tuấn (Phó Tổng giám đốc) bị Công an TP. Hà Nội khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
 
    Các báo (12/6) đưa tin, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can đối với 41 đối tượng liên quan Công ty Lộc Phúc để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vào cuối tháng 8/2023, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh bắt quả tang Công ty Lộc Phúc mở sàn giao dịch bất động sản ảo tại một bãi đất trống thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom. Lực lượng chức năng đã khống chế 186 đối tượng liên quan tại hiện trường, trong đó có 143 đối tượng là Tổng giám đốc, cán bộ công nhân viên, đối tượng được Công ty thuê đóng giả khách hàng và 43 nạn nhân của công ty. Theo điều tra ban đầu, một lô đất có giá chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng công ty này đã vẽ lên dự án, rao bán với giá 2-3 tỷ đồng. Các đối tượng dùng các chiêu trò, thủ đoạn bắt ép khách hàng đặt cọc, nhằm chiếm đoạt. Số tiền công ty thu lời bất chính mỗi tháng lên đến hàng chục tỷ đồng. 
 
    Theo báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (13/6) đưa tin, Công an tỉnh Nghệ An quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có tình trạng lập khống báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường để thanh toán tiền ngân sách; Công an tỉnh quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ban Quản lý các cụm công nghiệp; quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hồng Nhung, chuyên viên Phòng Tài chính kế hoạch UBND huyện; Phạm Thị Giang, nhân viên Công ty cổ phần Môi trường Việt Anh; khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Việt Anh để phục vụ công tác điều tra.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài THVN, báo Nhân Dân điện tử và một số báo (13/6) đưa tin, Công an tỉnh Thái Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh La về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra về hành vi móc nối, chi phối cán bộ, cơ quan chức năng làm trái quy định của pháp luật về đất đai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Công ty này đăng ký với 53 ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó chủ yếu hoạt động lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ, sau đó mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản, cho thuê nhà xưởng… Các báo thông tin thêm, liên quan đến vụ án trên, công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Thành, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương và Phạm Thiên, nguyên cán bộ, công chức địa chính xã Minh Quang, huyện Kiến Xương.
 
    Báo Người Lao động và một số báo (13/6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử 05 bị cáo liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ tại Bệnh viện TP. Thủ Đức và Công ty Nam Phong. Vụ án xảy ra trong giai đoạn năm 2020-2021, khi Bệnh viện TP. Thủ Đức triển khai kế hoạch xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Cựu Giám đốc Bệnh viện trong phiên xét xử cho biết, để có đủ kit test, theo quy định, bệnh viện phải thực hiện đấu thầu; tuy nhiên, quá trình đấu thầu thường mất nhiều thời gian, khoảng 3 tháng, trong khi nhu cầu xét nghiệm cấp bách; do đó, Bệnh viện đã chọn cách mượn kit test cũng như nhận kit test trước rồi mới tiến hành các thủ tục đấu thầu. Cựu giám đốc bệnh viện nói dù biết cách làm này sẽ dẫn đến vi phạm quy định về đấu thầu và mua sắm công; dù biết sai nhưng vẫn phải làm.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, VietNamNet, SGGP, Báo mới, Dân trí và một số báo (13/6) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 06 bị cáo trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại và Dịch vụ Tân Đại Dương. Tòa tuyên phạt bị cáo Đoàn Mạnh Dương, Giám đốc Công ty 17 năm tù về tội “Buôn lậu”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Mua bán trái phép hóa đơn”; Đỗ Hải Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Vân Đồn 12 năm tù về tội “Buôn lậu”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hai cán bộ hải quan gồm: Nguyễn Hữu Chỉnh, nguyên công chức Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội 36 tháng tù cho hưởng án treo; Phạm Quang Thành, công chức hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài 24 tháng tù cho hưởng án treo cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu và du lịch Hà Nguyên bị phạt 24 tháng tù; Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Minh Khánh bị phạt 18 tháng tù về cùng tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Các bị cáo Dương, Phong có hành vi buôn lậu 81 lô hàng, trị giá hơn 10,4 triệu USD (hơn 224 tỷ đồng); gây thất thoát số tiền thuế gần 17 tỷ đồng.
    
    Báo Nhân Dân điện tử, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Tiền phong, SGGP và một số báo (14/6) đưa tin, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60.05D (Trung tâm 60.05D), phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa. Theo đó, tuyên phạt các bị cáo về tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Ngọc Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm 3 năm tù; Kiều Văn Vinh và Phạm Văn Tân, nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm, cùng mức 2 năm 6 tháng tù. 07 bị cáo trong vụ án bị tuyên mức án 2 năm tù về tội nhận hối lộ và 02 bị cáo khác bị tuyên lần lượt 1 năm 6 tháng tù và 2 năm tù cùng về tội đưa hối lộ.
 
    Báo Pháp luật TP.HCM và một số báo (14/6) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm 14 bị cáo về các tội hủy hoại rừng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan vụ hủy hoại hơn 400 ha rừng ở huyện Ea Súp năm 2022. Trong 14 bị cáo, có 10 người bị xét xử về tội hủy hoại rừng. Bốn bị cáo còn lại là cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch và cựu công chức từng công tác tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, bị xét xử các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo hồ sơ vụ án, cuối tháng 3/2022, tại lâm phần do UBND xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp xảy ra vụ phá rừng quy mô rất lớn. Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh xác định có hơn 411 ha rừng bị hủy hoại. Sau đó, Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố 28 bị can liên quan đến 19/411 ha rừng bị hủy hoại. Tháng 7/2023, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên án 28 bị cáo này. Đối với diện tích hơn 392 ha rừng bị hủy hoại còn lại, Công an tỉnh Đắk Lắk tách hồ sơ để điều tra, xử lý.
 
    Theo Đài THVN và các báo (15/6) đưa tin, Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Phượng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và xây dựng Chính Uy; kế toán Công ty về tội “Mua bán trái phép hoa đơn giá trị gia tăng”. Theo điều tra, năm 2021, Trần Thị Phượng thành lập Công ty với mục đích mua bán trái phép hóa đơn nhằm thu lợi bất chính. Từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, thông qua các đối tượng quen biết, Phượng đã mua 81 hóa đơn với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn trước thuế gần 30 tỷ đồng nhằm mục đích kê khai, khấu trừ thuế và hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ đầu vào của công ty Chính Uy để bán cho các công ty khác mà không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo; qua đó, thu lợi bất chính số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng…
 
    Các báo (16/6) đưa tin, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam bác sĩ Lê Văn Hùng, Viện trưởng và bác sĩ Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng. Trước đó, Cơ quan điều tra đã bắt giữ 07 người khác của Viện này, gồm: Nguyên Viện trưởng Bùi Thế Hùng; Nguyễn Văn Trọng, Trưởng Khoa Điều trị bắt buộc nhóm nghiện chất; các bác sĩ Hà Ngọc Khánh, Phạm Văn Thắng, Nguyễn Văn Thành, Lý Thị Hoài Nam và điều dưỡng Lâm Thị Ánh Hồng. Theo thông tin, việc bắt giữ đối với các nghi can trên để điều tra, làm rõ việc lập hồ sơ liên quan đến kết quả giám định và điều trị cho bệnh nhân tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.
 
    Báo Tiền phong và các báo (16/6) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận chuyển cáo trạng sang Tòa án nhân dân tỉnh để xét xử vụ nhóm cựu cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh về tội “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo đó, bị can Trần Văn Thăng (nguyên quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh) và 03 bị can nguyên là kiểm soát viên thị trường thuộc Đội, gồm Bùi Viết Mạnh, Ngô Minh Phúc, Nguyễn Hoàng Chương bị truy tố tội “Nhận hối lộ”. 05 bị can khác bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”... Theo cáo trạng, phát hiện nhiều cơ sở làm gạch ngói ở Bình Thuận không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc đất làm gạch nên các cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận hạ thấp khối lượng nhằm giảm mức tiền phạt và giảm khối lượng đất làm gạch bị tịch thu rồi nhận hối lộ.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (11/6) đưa tin, một kênh tin tức theo chủ nghĩa tự do trên nền tảng YouTube công bố đoạn video cho thấy, một mục sư người Mỹ gốc Hàn trao chiếc túi xách Dior trị giá 3 triệu won (2.214 USD) cho bà Kim Keon Hee trong cuộc gặp của họ ở Seoul năm 2022. Video được vị mục sư bí mật quay bằng camera ngụy trang dưới dạng đồng hồ. Tháng 12/2023, Phong trào Đoàn kết nhân dân vì nền dân chủ tham quyết đã đệ đơn lên Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) khiếu nại Tổng thống Yoon Suk Yeol, Đệ nhất Phu nhân cũng như mục sư. Các cáo buộc cho rằng, bà Kim đã nhận túi hàng hiệu cao cấp một cách không phù hợp. Hành vi trên vi phạm Luật Phòng, chống hối lộ và đòi hối lộ. ACRC đã quyết định kết thúc việc xem xét vụ việc vì không có quy định nào về hình phạt đối với vợ/chồng của quan chức nhà nước theo đạo luật về chống tham nhũng.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Kỳ họp thứ 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho ý kiến, đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức, cá nhân;
    - Khởi tố, bắt giam Tổng Giám đốc VEAM;
    - Bắt thêm 3 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH
.