Điểm báo tuần số 593 từ ngày 07/10 đến ngày 13/10 về nội chính,phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 14/10/2024, 22:42 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Tin tức, Đài THVN, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật, CAND, Điện tử ĐCS, Pháp luật Việt Nam (08/10) đưa tin, cơ quan chức năng huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thị Thu Trâm, trú tại thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên để điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trước đó, Công an huyện Sơn Hòa bắt quả tang Trâm đang dán tài liệu có nội dung xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo các cấp tại UBND xã Sơn Nguyên. Thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu, thiết bị và phương tiện thực hiện hành vi phạm tội.
TTXVN, báo Nhân Dân, CAND, Lao động, VietNamPlus, Dân trí, Đại biểu nhân dân, Tiền phong, Pháp luật TP.HCM, SGGP (08/10) đưa tin, từ việc phát hiện nhóm đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc thông qua việc livestream trò chơi điện tử “League Of Legends” trên mạng xã hội Youtube, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai tổ chức đấu tranh, triệt phá, tiến hành triệu tập, khám xét đối với Đặng Mạnh Cường, trú tại quận Hoàng Mai cùng 11 đối tượng (trong đó 07 đối tượng tại Hà Nội; 03 đối tượng tại Đồng Nai; 01 đối tượng tại Bình Phước). Qua xác minh sơ bộ xác định số tiền các đối tượng chuyển vào, rút ra để tham gia đánh bạc khoảng 70 tỷ đồng, với khoảng 65.000 giao dịch đặt cược, cá độ (của khoảng 1.000 đối tượng tham gia). Số tiền các đối tượng được hưởng lợi qua việc tổ chức đánh bạc lên đến hàng tỷ đồng.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo CAND, Pháp luật Việt Nam, VnExpress, VietNamNet, Công lý, Lao động, Dân trí, Bảo vệ pháp luật, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM (09/10) đưa tin, Công an tỉnh Bạc Liêu quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 04 đối tượng để điều tra, xử lý về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Theo điều tra, Huỳnh Thị Ngọc Thảo, ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi kết hôn với người Trung Quốc từ năm 2017; năm 2023, về thăm gia đình, Thảo đưa thông tin tìm phụ nữ có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc sẽ lo chi phí đi lại và cho gia đình họ 200 triệu đồng. Biết thông tin, vợ chồng Quách Thị Hoa và Lê Quang Tý, ở phường 1, TP. Bạc Liêu dụ dỗ Thạch M.P. (sinh năm 2010, ở phường Nhà Mát) và Thạch Thị D.M. (sinh năm 2008, ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) sang Trung Quốc lấy chồng. Khi P. và M. đồng ý, Thảo chuyển 150 triệu đồng cho gia đình P. và 200 triệu đồng cho gia đình M. Sau đó, Thảo đưa P. và M. đến nhà Hoàng Văn Cường, ở xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn để vượt biên sang Trung Quốc. Vượt biên thành công, chồng của Thảo đã bán các nạn nhân cho những người đàn ông Trung Quốc.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân dân, CAND, QĐND, Điện tử ĐCS, Chinhphu.vn, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, VnExpress, VietNamNet, Công lý, Lao động, Người Lao động, Dân trí, Bảo vệ pháp luật, Thanh niên, Tiền phong, Đại đoàn kết, Báo mới, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Hà Nội mới, An ninh thủ đô, SGGP (10/10) đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành dự luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Lao động, Tiền phong, VietNamNet, Thanh tra, VnExpress, Thanh niên, Dân trí, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Công an TP.HCM (10/10) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố Vũ Hoàng Oanh (còn gọi là Oanh Hà, chị gái của bà trùm Dung “Hà” trong vụ án Năm Cam) và 34 bị can trong đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo cáo trạng, đây là vụ án vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy đặc biệt nghiêm trọng, xuyên quốc gia, do các đối tượng người Việt Nam sống ở nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước vận chuyển trái phép từ Campuchia về Việt Nam để tiêu thụ với tổng số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, Thanh niên, Đại đoàn kết, VnExpress, VietNamPlus, Pháp luật Việt Nam, Lao động, Tiền phong (10/10) đưa tin, Công an tỉnh Bình Thuận quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nam để điều tra về hành vi trốn thuế. Nguyễn Thị Thúy Nga đã có hành vi kê khai bổ sung thuế và xuất hóa đơn bổ sung đối với khối lượng khoáng sản chưa kê khai vào năm 2022-2023 nhằm hợp thức hóa chứng từ với số tiền thuế phải nộp trên 1 tỷ đồng. Theo kết luận giám định, Công ty này đã có hành vi trốn thuế hơn 2 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận quyết định khởi tố bổ sung đối với bị can Trần Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Long Thái Việt (chồng bị can Nga) để điều tra về hành vi trốn thuế. Trước đó, Trần Văn Thuận đã bị khởi tố điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên và hiện đang bị tạm giam.
Báo Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, VnExpress, Tuổi trẻ TP.HCM (11/10) đưa tin, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa đối với 8 khu đất, dự án tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Thông báo kết luận cho thấy, việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất còn để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm. Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm.
TTXVN, báo Tin tức, Chinhphu.vn, CAND, Lao động, Thanh niên, Tiền phong, Pháp luật TP.HCM (11/10) đưa tin, Thanh tra tỉnh Gia Lai công bố báo cáo kết quả kiểm tra và rà soát quá trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai (Công ty Cà phê Gia Lai). Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cung cấp thông tin và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai. Theo báo cáo kết quả kiểm tra cho thấy, việc xác định sai giá trị phần vốn nhà nước đối với vườn cây của Công ty Cà phê gây thất thoát ngân sách, dẫn đến thất thoát vốn nhà nước lên tới 26,8 tỷ đồng.
Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Gia Lai, Quảng Ninh (12/10) đưa tin, Công an TP. Đà Nẵng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Như Quỳnh, trú tại quận Hải Châu về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, Quỳnh là cộng tác viên của Công ty Cổ phần CMTC Việt Nam, có trụ sở tại Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn đầu tư, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khách hàng xin VISA du học, du lịch. Quỳnh sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin không có thật về một số cá nhân có nhu cầu chứng minh tài chính để Công ty CMTC tin tưởng và chuyển tiền. Sau khi được chuyển tiền, Quỳnh chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Đài THVN, báo Lao động, Thanh tra, VietNamNet, VnExpress, Bảo vệ pháp luật, Công thương, Thanh niên, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới, Đồng Nai (12/10) đưa tin, Công an tỉnh Đồng Nai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Như Khoa và Nguyễn Lương Bằng; cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh đối với Trần Thị Thu Thắm để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án khu dân cư “Đông Hòa 2” và “Đông Hòa 3”, huyện Trảng Bom. Theo điều tra, 03 bị can này đã ký các hợp đồng chuyển nhượng, giúp sức cho Nguyễn Thành Luân chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng của 27 khách hàng.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, CAND, VietNamPlus, VietNamNet, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM (07/10) đưa tin, sau nhiều ngày nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ đưa và nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt Lương Minh Tú, cựu Giám đốc Trung tâm 7 năm tù; Trần Đức Duy, cựu Phó Giám đốc 3 năm 6 tháng tù; Lê Sơn Tuyên, cựu Phó Giám đốc 22 tháng tù; 09 bị cáo khác là đăng kiểm, nhân viên Trung tâm bị tuyên phạt từ 6 tháng 4 năm tù cùng về tội nhận hối lộ. Hội đồng xét xử tuyên phạt 03 bị cáo từ 6 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 6 tháng tù giam cùng về tội đưa hối lộ; mỗi bị cáo bị xử phạt bổ sung 20 triệu đồng.
Đài THVN, báo Nhân Dân, Thanh tra, Lao động, Thanh niên, Tiền Phong, Giao thông, Tuổi trẻ TP.HCM, VnExpress, Dân trí, Pháp luật TP.HCM, Quảng Ninh (07/10) đưa tin, Công an tỉnh Quảng Ninh quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc và bắt tạm giam: Bùi Văn Trung, Trưởng phòng quan trắc và môi trường; Trần Lê Tuấn, Phó Trưởng phòng Hành chính; Nguyễn Ngọc Biển, Trưởng phòng quản lý hệ thống quan trắc môi trường tự động; khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với: Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Thành Hưng, Đoàn Hải Sơn, Trần Hoàng Nam, nhân viên, viên chức Phòng quản lý hệ thống quan trắc môi trường tự động thuộc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Qua trình điều tra xác định, từ năm 2018-2023, các đối tượng đã làm trái công vụ, lập khống các hợp đồng dịch vụ bảo vệ tại 19 trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, gây thất thoát số tiền lớn cho ngân sách nhà nước.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo CAND, Thanh tra, Lao động, Tiền phong, VietNamNet, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP.HCM (08/10) đưa tin, Công an huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Vũ, công chức tư pháp - hộ tịch xã Tam Anh Bắc để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo điều tra, Trần Ngọc Vũ được phân công tiếp nhận giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa của UBND xã. Trong quá trình giải quyết các thủ tục chứng thực, làm thủ tục thừa kế cho ông Nguyễn Quốc Thắng, trú thôn Đức Bố 1, Vũ đã thực hiện không đúng quy định về cung cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và hợp đồng giao dịch nhằm tạo điều kiện cho ông Thắng được nhận thừa kế 8 thửa đất trái quy định.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, CAND, QĐND, VietNamPlus, Đại biểu nhân dân, Lao động, Tiền phong, Công lý, Đại đoàn kết, Dân trí, Dân Việt, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, VnExpress, Tuổi trẻTP.HCM, Pháp luật TP.HCM (09/10) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh cùng 11 bị cáo khác, liên quan vụ án “Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ án, các ông Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Hạnh Chung, cựu Phó Chủ tịch HĐND tỉnh bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Cùng bị truy tố về tội này còn có ông Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh (Ban Quản lý). Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (đang bỏ trốn), bị cáo buộc phạm tội “Đưa hối lộ”. Bà Nhàn trước đó đã 3 lần bị xét xử vắng mặt trong các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh với tổng mức án 30 năm tù. Các bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty AIC (đang bỏ trốn); Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng; Nguyễn Đằng An, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Kim Huân, cựu Phó phòng; Nguyễn Viết Toản và Nguyễn Đăng Linh, cùng là cựu nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTC VALCE. Cáo trạng xác định, trong quá trình thực hiện 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện các huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, một số cá nhân thuộc Ban Quản lý dự án và một số đơn vị liên quan đã có hành vi sai phạm quy định về đấu thầu. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án, nhiều bị can đã thực hiện các hành vi trái pháp luật vì những lợi ích vật chất, gây hậu quả thiệt hại hơn 48,6 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Theo tin từ báo Thanh tra (09/10), Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định một chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk có hành vi nhận hối lộ. Trước đó, Cơ quan điều tra xác định ông Tuyến có hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, trong quá trình thi hành Quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H’Leo, Phạm Minh Tuyến - chấp hành viên đã thỏa thuận nhận 20 triệu đồng của ông T.M.T, trú tại xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo (người được thi hành án) để tiến hành thi hành án cho ông T.
TTXVN, báo Điện tử ĐCS, CAND, Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM (9/10) đưa tin, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận thanh tra về trách nhiệm của UBND tỉnh Phú Yên khi để xảy ra các khuyết điểm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm có hình thức xử lý đúng quy định đối với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phụ trách qua các thời kỳ và chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo phân cấp cán bộ đã để xảy ra vi phạm, khuyết điểm.
Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, CAND, Thanh tra, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Đại đoàn kết, SGGP (09/10) đưa tin, Công an tỉnh Sơn La quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Thị Thùy Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn công nghệ môi trường và địa ốc Gia Nguyễn về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo điều tra, từ năm 2020-2024, Công ty đã ký 16 hợp đồng tư vấn để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 16 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Mặc dù không bảo đảm năng lực nhưng Giám đốc Công ty đã sử dụng bằng cấp của các chuyên gia có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực môi trường (không làm việc cho Công ty Gia Nguyễn) đưa vào hồ sơ để được chỉ định thầu. Bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh, làm rõ việc lập 3 báo cáo đánh giá tác động môi trường được nhà nước thanh toán hơn 1 tỷ đồng.
TTXVN, Đài TNVN, báo Thanh niên, CAND, Dân trí, Dân Việt, Công lý, Đại đoàn kết, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ TP.HCM (10/10) đưa tin, Công an tỉnh Cà Mau quyết định khởi tố bị can Tô Trường Sơn, Chánh Văn phòng UBND huyện Phú Tân để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, ông Tô Trường Sơn khi là Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, thành viên Hội đồng bồi thường, được xác định có liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vào tháng 12/2023. Theo điều tra, ngày 24/8/2020, Nguyễn Văn Chánh, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Tân yêu cầu Nguyễn Văn Lil, công chức địa chính thị trấn Cái Đôi Vàm lập phiếu lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc đất do UBND thị trấn quản lý để xét duyệt đối với 3 thửa đất. Sau đó, ông Nguyễn Nhấn, trú tại huyện Phú Tân trình Tô Trường Sơn (lúc đó là Chủ tịch UBND thị trấn) ký để hợp thức hóa hồ sơ bồi thường cho ông Nhấn nhận tiền bồi thường hơn 771 triệu đồng.
Báo VnExpress, VietNamNet, Dân trí, Lao động (10/10) đưa tin, sau gần một tuần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm đối đáp lại phần bào chữa của bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm, luật sư liên quan đến những sai phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo đó, Viện kiểm sát phản bác quan điểm bà Trương Mỹ Lan muốn cứu SCB. Viện kiểm sát xâu chuỗi lại các vấn đề, cho rằng có căn cứ xác định bà Lan đã sử dụng nguồn tiền trái phiếu, tham ô tài sản. Đồng thời, bị cáo chỉ đạo những người khác nộp rút chứng từ khống, sử dụng tiền phát hành trái phiếu trái mục đích, sử dụng nguồn tiền gói trái phiếu sau trả lãi số tiền phát hành trái phiếu trước. Trong đó phát hành trái phiếu của Công ty Setra để trả lãi cho trái phiếu Công ty An Đông. Qua đó thể hiện khả năng mất thanh toán của các công ty phát hành trái phiếu. Thể hiện khả năng mất thanh toán của các gói trái phiếu và ý thức chiếm đoạt của bị cáo Lan khi đề ra chủ trương. Đại diện Viện kiểm sát nói thêm rằng, trong vụ án này đã xem xét, ghi nhận rất nhiều tình tiết giảm nhẹ, thái độ chuyển biến của bị cáo Lan, ý thức khắc phục hậu quả... Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ của vụ án, Viện kiểm sát thấy vẫn cần thiết áp dụng khung hình phạt cao nhất (tù chung thân) đối với bị cáo. Ghi nhận việc bà Lan đã tích cực hợp tác để lên phương án khắc phục hậu quả, song, đây chỉ là phương án và chưa thực tế, cần có kết quả để ghi nhận mức độ cao hơn. Báo Pháp luật TP.HCM (12/10) cho biết, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 đối với 34 bị cáo vào ngày 17/10. Sau ba tuần xét xử, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án tù chung thân đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về ba tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Đại diện Viện kiểm sát đã thực hiện đối đáp liên quan đến chín nhóm vấn đề: Các vấn đề về tội danh; vấn đề về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; việc xác định đồng phạm, ý thức chiếm đoạt và việc sử dụng tiền; về vị trí, vai trò của các bị cáo trong vụ án; về bối cảnh phạm tội của các bị cáo; về trách nhiệm hình sự quy kết liên quan đến hành vi phạm tội; nhóm vấn đề liên quan đến thời hạn tạm giam; hình phạt và biện pháp tư pháp và trách nhiệm dân sự. Một số bị cáo đã nộp thêm một khoản tiền để khắc phục hậu quả, Viện kiểm sát đã đề nghị giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân, CAND, QĐND, Chinhphu.vn, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Kiên Giang (11/10) đưa tin, Cơ quan điều tra Viện kiểm tra nhân dân tối cao quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Đó, Viện trưởng Viện kiểm tra nhân dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang về hành vi nhận hối lộ.
TTXVN, báo Bảo vệ pháp luật, Tuổi trẻ TP.HCM, Bình Phước (11/10) đưa tin, tỉnh Bình Phước ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án, gói thầu có liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thực hiện trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2011-2018, Công ty AIC trúng 7 dự án/gói thầu với tổng dự toán hơn 110 tỷ đồng. Qua thanh tra xác minh, 2 dự án/gói thầu mua sắm trang thiết bị quan trắc năm 2017-2018 do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư. Đối với các gói chỉ định thầu, Sở này không kiểm tra thẩm định về tiêu chuẩn đánh giá năng lực của các nhà thầu; không có báo cáo thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật khi tổ chức chấm thầu; không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả chỉ định thầu đối với các gói tư vấn là vi phạm quy định của Luật Đấu thầu năm 2013...
Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân dân điện tử, CAND, QĐND, Pháp luật Việt Nam, Chinhphu.vn, VnExpress, VietNamNet, Công lý, Lao động, Người Lao động, Dân trí, Dân Việt, Bảo vệ pháp luật, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Đại đoàn kết (11/10) đưa tin, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025 và các ông: Đặng Quốc Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Chẩu Văn Lâm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; Khiển trách Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020. Đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các ông: Ngô Đức Vượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ. Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân dân, Chinhphu.vn, Thanh tra, VietNamNet, Dân trí, Tiền phong (12/10) đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Qua thanh tra 4 khu đất, dự án của 4 doanh nghiệp tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ kết luận đều có vi phạm gây thất thu ngân sách và chuyển hồ sơ kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định. Trong đó có dự án của Tổng Công ty Thép Việt Nam. Cụ thể, tại Hà Nội, khu đất 2.291m2 (số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy), được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất của dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ không theo đúng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc này dẫn đến tổng số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách của khu A (932m2) thấp hơn 57,5 tỷ đồng so với giá trị quyền sử dụng đất Bộ Công Thương phê duyệt trong giá trị doanh nghiệp ngày 01/01/2010 khi thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty Thép Việt Nam; có nguy cơ làm giảm giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, giảm số tiền tương ứng phải nộp ngân sách. Đáng chú ý, dù nhiều sai phạm song từ 2012 đến nay dự án không được thực hiện, để một số người dân lấn chiếm, nguy cơ thất thoát quyền sử dụng đất. Kết luận thanh tra còn cho thấy nhiều vi phạm việc giao đất, chuyển nhượng dự án tại Hà Nội. Báo Dân trí (12/10) cho biết thêm, Thanh tra Chính phủ đề nghị Hà Nội chấm dứt Dự án đầu tư nhà ở cao tầng, văn phòng, thu hồi 2.291m2 đất tại 120 Hoàng Quốc Việt của Tổng công ty Thép Việt Nam và đề nghị Công an điều tra vi phạm.
Báo Đại đoàn kết, VietNamNet, Người Lao động, Công luận, Xây dựng, Tiền phong (12/10) đưa tin, Bộ Công an có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến một Dự án trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn BMC. UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp kịp thời với Sở Kế hoạch & Đầu tư trong việc thực hiện yêu cầu của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu, số liệu cung cấp. Báo CAND (13/10) thông tin thêm, năm 2004, ông Nguyễn Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty MBC đứng ra thành lập Công ty CP Hợp tác đầu tư Việt Trung đề xuất thực hiện dự án Nhà máy Bia Toàn Cầu, mức vốn đầu tư hơn 262 tỷ đồng, cam kết sau 18 tháng kể từ ngày có quyết định thuê đất, Nhà máy Bia Toàn Cầu sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, BMC tập trung đầu tư cho một số dự án trọng điểm khác nên Nhà máy Bia sau đó đã chết yểu. Thay vì thu hồi vì dự án chậm tiến độ quá lâu so với quy định, tỉnh đồng ý để nhà đầu tư xin chuyển mục đích, mở rộng diện tích để triển khai dự án Trung tâm thương mại, khách sạn villa BMC - Việt Trung với tổng mức đầu tư 1.230 tỷ đồng. Để khả thi, trên danh nghĩa BMC đã để Công ty CP Hợp tác đầu tư Việt Trung làm chủ đầu tư, hợp tác với Công ty CP Điện máy TP. Hồ Chí Minh (Todimax) và BMC khiến dự án trở thành liên doanh chung của 3 nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ theo quy định...
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra, VietNam.vn (09/10) đưa tin, Thẩm phán tòa án Ecuador xét xử 30 người trong vụ án ma túy quy mô lớn liên quan đến tham nhũng, hối lộ hệ thống tư pháp Tòa án Công lý cộng đồng Andean. 30 bị cáo bị triệu tập xét xử gồm cựu Chủ tịch Cơ quan Giám sát hệ thống tư pháp, các quan chức tỉnh, thẩm phán, công tố viên, cựu tướng cảnh sát, nhân viên nhà tù SNAI cùng nhiều người khác. Trước đó, 22 bị cáo khác đã bị buộc tội trong vụ án nhưng do hợp tác trong quá trình điều tra nên đã được giảm án, hoặc được tuyên trắng án do thiếu bằng chứng. Cơ quan công tố cáo buộc các bị cáo sử dụng số tiền thu được từ các hoạt động phi pháp do Leandro Norero cầm đầu để hối lộ giới chức tư pháp và rửa tiền.
Đài THVN, Đài TNVN, báo Người Lao động (10/10) đưa tin, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Phạm Diệc Phi bị kết án tử hình treo vì nhận hối lộ. Theo thông tin, ông Phạm Diệc Phi nhận trái phép tài sản trị giá hơn 386 triệu nhân dân tệ (54,55 triệu USD), lợi dụng chức vụ cấp cao của mình tại Ngân hàng Trung ương và các tổ chức tài chính khác, bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Theo Tòa án Nhân dân Trung cấp Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, ông Phạm Diệc Phi đã nhận hối lộ với số tiền cực lớn, tình tiết phạm tội cực kỳ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, khiến lợi ích của nhà nước và người dân bị thiệt hại vô cùng nặng nề; ông bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chiến dịch này tập trung vào các quan chức tham nhũng trong lĩnh vực tài chính. Sau 2 năm “thử thách”, bản án tử hình của ông Phạm Diệc Phi sẽ được giảm xuống tù chung thân nếu cải tạo tốt.
Theo tin từ báo Thanh tra (11/10), mạng lưới Hoạt động thực thi luật chống tham nhũng toàn cầu (GlobE), với sự hỗ trợ của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm đã tổ chức Diễn đàn Cấp cao thu hút khoảng 400 khách mời đến từ 105 quốc gia về hợp tác trong phòng, chống tham nhũng. Tại diễn đàn, các nước nhất trí đồng thuận trong việc trao đổi thông tin, tham vấn, tăng cường thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ pháp lý giữa các nước về phòng, chống tham nhũng. Trong cam kết tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, diễn đàn kêu gọi các nước tăng cường sử dụng công nghệ cao để phòng, chống tham nhũng, nhất là trong thời đại số như hiện nay.
Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
- Bộ Chính trị thi hành kỷ luật một số tập thể và cá nhân sai phạm;
- Tuyên phạt 15 bị cáo trong vụ án đưa và nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D;
- Khởi tố 07 bị can thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh;
- Truy tố Vũ Hoàng Oanh và 34 bị can trong đường dây ma túy 1.400 tỷ đồng.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH