Một bản án gây nhiều tranh cãi
Sau khi bàn bạc, thống nhất địa điểm (tại Ấp 1, xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), giá đền bù, UBND xã Hội Nghĩa có văn bản đề nghị và UBND huyện Tân Uyên ban hành văn bản đồng ý địa điểm đầu tư xây dựng 03 nhà máy chế biến gỗ của 03 công ty tại huyện Tân Uyên do ông Chang Hsieh Ching làm Tổng Giám đốc.
Bị cáo Phan Long Nhi (trái) và Nguyễn Văn Minh
Ngày 15/4/2004, ông Chang Hsieh Ching ký hợp đồng ủy quyền cho Phan Long Nhi trực tiếp thanh toán tiền đền bù cho các hộ dân nằm trong khu quy hoạch của dự án 03 nhà máy chế biến gỗ nói trên (Với diện tích khoảng 518.888m2 với giá 50.000đ/m2 bao gồm nhà ở, công trình, vật kiến trúc, cây lâu năm, tài sản khác trên đất và con đường đi vào Công ty rộng 20m) và giao cho Phan Long Nhi hơn 2,594 tỷ đồng (tương ứng 10% giá trị hợp đồng). Sau khi ký hợp đồng và nhận tiền, Phan Long Nhi đã tổ chức họp các hộ dân có đất nằm trong diện thu hồi làm dự án và thông báo giá đền bù cho các hộ dân theo 3 mức: 45.000 đồng/m2; 42.000 đồng/m2; 40.000 đồng/m2 và nói đây là chủ trương của UBND huyện. Tin tưởng vào Phan Long Nhi là Chủ tịch UBND xã, nên đa số các hộ dân đồng ý, chỉ còn một số ít hộ dân phản đối, Nhi và Minh đã đến gặp từng hộ dân để vận động và nói rằng nếu họ không chịu nhận đền bù và giao đất làm dự án thì sau này sẽ không ký bất kỳ chuyển nhượng nào cho diện tích đất của họ, do vậy, các hộ dân này đã đồng ý. Ngày 29/4/2004, Nhi và Minh đã nhận số tiền còn lại hơn 23,655 tỷ đồng. Tổng cộng Nhi và Minh đã nhận từ ông Chang Hsieh Ching số tiền 26,250 tỷ đồng; đồng thời Nhi, Minh phải giao 525.000 m2 đất cùng con đường đi vào Công ty.
Ngày 11/11/2004, UBND tỉnh Bình Dương đã ra các Quyết định số: 8538, 8539, 8540 về việc thu hồi 525.215 m2 đất (trong đó: 520.439 m2 là đất của các hộ dân; 4.776 m2 đường đất).
Quá trình điều tra vụ án cho thấy: Tổng số tiền Phan Long Nhi đã đứng ra đền bù 525.000 m2 đất giao cho nhà đầu tư hết hơn 23,871 tỷ đồng (trong đó có: hơn 22,646 tỷ đồng đền bù cho 32 hộ dân với 520.885m2 và 4.776m2 đất công); 1,225 tỷ đồng cho 8 hộ dân để làm đường vào nhà máy. Đồng thời, do Phan Long Nhi đền bù đất cho dân với giá thấp hơn giá đã thỏa thuận với nhà đầu tư nên sau khi giao đất cho nhà đầu tư, đã dôi ra diện tích 41.928 m2 (đã bồi thường nhưng không giao cho nhà đầu tư), Phan Long Nhi đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Điển (cha bị cáo Nguyễn Văn Minh) và ông Mai Vương Duy Phương (ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để hưởng số tiền trên 135 triệu đồng chênh lệch. Như vậy, các bị cáo đã hưởng lợi số tiền hơn 2,378 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Nhi còn chiếm đoạt hơn 227 triệu đồng tiền đền bù 4.776 m2 đất đường đi.
Bị cáo Minh đã tham gia tích cực với bị cáo Nhi trong việc tổ chức họp dân, đưa ra giá đền bù và nhận 150 triệu đồng do bị cáo Nhi đưa và biết rõ đây là tiền dư ra khi đền bù cho dân.
Vụ án đã qua 2 cấp xét xử với 4 phiên tòa, kết quả như sau: (1) Bản án sơ thẩm số 31, ngày 21/5/2009 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương tuyên phạt: Phan Long Nhi, 30 năm tù do phạm các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” (Năm 2004, khi giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Hội Nghĩa, Nhi đã cất giữ một khẩu súng K54 và 42 viên đạn các loại, mặc dù không được cấp phép sử dụng), Nguyễn Văn Minh, 13 năm tù do phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. (2) Bản án số 677/2009/HSPT, ngày 16/9/2009 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh quyết định: Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2009/HSST ngày 21/5/2009 của TAND tỉnh Bình Dương (Hội đồng xét xử thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết Phan Long Nhi phạm các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Tham ô tài sản”; Nguyễn Văn Minh, phạm tội: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ), chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Bình Dương để điều tra lại vụ án theo thủ tục chung. (3) Bản án số 68/2010/HSST, ngày 15/10/2010 của TAND tỉnh Bình Dương vẫn tuyên đúng như bản án sơ thẩm số 31: bị cáo Phan Long Nhi phạm các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; “Tham ô tài sản”; “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”; xử phạt bị cáo 30 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Minh phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, tuyên phạt 13 năm tù. (4) Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh ngày 14/4/2011 tuyên bố: Hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 68/2010/HSST ngày 15/10/2010 của TAND tỉnh Bình Dương đã xử đối với bị cáo Nhi và Minh về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” để điều tra lại. Bị cáo Phan Long Nhi không phạm tội “Tham ô tài sản” (Bản án số 213/2011/HSPT, ngày 14/4/2011 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận định: (1) Về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Hội đồng xét xử thấy rằng trong quá trình điều tra lại những nội dung mà Bản án hình sự phúc thẩm (số 677 ngày 16/9/2009) của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị, chưa được Tòa án cấp sơ thẩm điều tra đầy đủ để làm rõ, do đó cần hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại. (2) Về tội tham ô tài sản: Luật đất đai năm 2003 quy định trường hợp thu hồi đất cho nhà đầu tư nước ngoài thuê mà có đất công, thì không thu tiền đền bù đất công. Công văn số 1853/UBND-SX ngày 17/4/2006 của UBND tỉnh Bình Dương gửi Sở Tài chính, Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường nêu: “Hiện nay, Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đất đai không quy định vấn đề bồi thường đất công nên các đơn vị không phải nộp tiền bồi thường đất công khi được giao đất, cho thuê đất”. Trong Công văn 1453/VC-STNMT ngày 24/6/2010 của Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời Công văn số 118/CV- VKS-P1 của VKSND tỉnh cũng khẳng định “không có quy định về việc đề bù đất công”. Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 3 Công ty nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ghi: “nguồn gốc đất công (đường đất) diện tích 4.776 m2 để sau này có quy định cụ thể về việc thu, nộp, đơn vị sẽ có cơ sở thực hiện”. Như vậy, bị cáo Nhi đã nhận tiền đền bù từ nhà đầu tư, nên phải có trách nhiệm đối với số diện tích đất công đó khi Nhà nước có chính sách mới. Tòa án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Nhi phạm tội tham ô là chưa có cơ sở. Tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nhi và Minh).
Từ kết quả các Bản án của TAND tỉnh Bình Dương và Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy:
1. Việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ của các cấp tòa án chưa thống nhất
Đối với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: các bị cáo Phan Long Nhi và Nguyễn Văn Minh đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Hội Nghĩa tự đưa ra giá đền bù cho nhân dân thấp hơn giá nhà đầu tư đưa ra để lấy tiền chênh lệch, hưởng lợi. Tòa án cấp sơ thẩm cả 2 lần xét xử đều tuyên các bị cáo Phan Long Nhi và Nguyễn Văn Minh phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Hai bị cáo trước tòa
Tòa cấp phúc thẩm cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã có sai sót về số liệu, có 16 vấn đề chưa được Tòa án cấp sơ thẩm điều tra để làm rõ... do đó, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương đã xử đối với bị cáo Phan Long Nhi và Nguyễn Văn Minh về tội “Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”; giao hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Bình Dương để điều tra lại.
Theo Bản án phúc thẩm số 213/2011/HSPT ngày 14/4/2011, VKSND tỉnh Bình Dương cho rằng: trong 16 vấn đề cấp phúc thẩm căn cứ để hủy án, có 04 vấn đề án sơ thẩm có sai sót về số liệu; 8 vấn đề án sơ thẩm không sai, nhận định đúng; 03 vấn đề án phúc thẩm đánh giá không có cơ sở, thiếu căn cứ; 01 vấn đề bản án hủy lần 1 không đề cập, bản án lần 2 mới đề cập. Như vậy, Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, điều tra lại là không đúng với quy định tại Điều 250, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).
Đối với tội tham ô tài sản: tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy: tổng diện tích 525.000 m2 đất giao cho nhà đầu tư có 4.776 m2 đất đường đi, đây là đất công cộng thuộc quyền quản lý của nhà nước. Diện tích này đã được nhà đầu tư đền bù trong tổng số tiền bồi thường (Diện tích 4.776 m2 đất đường đi, được đền bù số tiền hơn 227 triệu đồng, trong tổng số tiền bồi thường là 26,250 tỷ đồng). Các cấp Tòa án có những quan điểm khác nhau về việc đền bù đất công (diện tích 4.776 m2) và xử lý tiền đền bù đất công (hơn 227 triệu đồng), nên việc tuyên án cũng khác nhau. Cụ thể là:
- Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Điều 3 của các Quyết định thu hồi đất ngày 11/11/2004 của UBND tỉnh Bình Dương (Điều 3 các Quyết định số 8538/QĐ-CT, 8539/QĐ-CT; 8540/QĐ-CT, ngày 11/11/2004 của UBND tỉnh Bình Dương nêu: “giao Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục thuế tỉnh định giá nộp tiền đất công để nộp vào ngân sách nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm, vị trí, khu vực nói trên”) và Điều 5, Điều 7 của Luật đất đai và Luật tổ chức HĐND và UBND (Theo Điều 111, Mục 4, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định: “quản lý và sử dụng hợp lý có hiệu quả quỹ đất công để lại phục vụ nhu cầu công ích ở địa phương… theo quy định của pháp luật”) để cho rằng: trong thời gian làm Chủ tịch UBND xã, bị cáo đem đất công (là tài sản thuộc mình quản lý) giao cho nhà đầu tư để lấy tiền tư lợi cá nhân. Như vậy, Phan Long Nhi biết rõ trong diện tích đất giao cho nhà đầu tư có cả đất công; số tiền đền bù của phần đất công phải nộp vào ngân sách nhà nước; phải có tờ trình báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, Phan Long Nhi đã không giao nộp số tiền nói trên mà giữ lại sử dụng cá nhân. Từ những lý do đó, Tòa sơ thẩm đã tuyên Phan Long Nhi phạm tội “Tham ô tài sản”; buộc phải nộp số tiền tham ô vào ngân sách Nhà nước.
- Tòa cấp phúc thẩm đã căn cứ Luật đất đai năm 2003 và một số văn bản của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bình Dương (số 1883/UBND-SX, ngày 17/4/2006); Sở Tài nguyên và Môi trường; Chi cục thuế tỉnh Bình Dương; nên xác định rằng: pháp luật về đất đai không quy định việc bồi thường đất công, vì thế, các tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất công cũng không phải đền bù… Số tiền đền bù đất công mà Phan Long Nhi nhận từ nhà đầu tư không phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đó là lý do mà Tòa phúc thẩm tuyên bố Phan Long Nhi không phạm tội “Tham ô tài sản”.
2. Còn khác nhau về quan điểm xử lý “đất công”
Điều 13, Luật đất đai năm 2003 quy định, đất đai được phân thành 3 nhóm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng (gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng). Khái niệm “đất công” không có trong Luật đất đai năm 2003. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai cũng không có quy định về “đất công”. Các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Bình Dương, các cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều dùng khái niệm “đất công” đối với diện tích 4.776 m2 là chưa phù hợp với quy định của các văn bản pháp luật.
Nội dung văn bản về bồi thường đất công của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Bình Dương chưa thống nhất, cụ thể là: Điều 3, các quyết định ngày 11/11/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh nêu: “giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục thuế tỉnh định giá nộp tiền bồi thường đất công đối với diện tích 4.776 m2 (đường đất) vào ngân sách Nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm, vị trí và khu vực…”, nhưng tại Công văn số 1853/UBND-SX, ngày 17/4/2006 của UBND tỉnh gửi các cơ quan: Sở Tài chính, Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường… có ghi: “không bồi thường đất công khi giao đất, cho thuê đất”. Một số văn bản của các ban, ngành trong tỉnh, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh… đã xác định: “các tổ chức, cá nhân không phải nộp tiền bồi thường đất công khi được giao đất, cho thuê đất”.
Ý kiến của các cơ quan chức năng về việc giải quyết vụ án:
Ngày 28/6/2011, VKSND tỉnh Bình Dương gửi Công văn số 122/VKS-P1 đến Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Dương về PCTN, trong đó khẳng định: “Bản án phúc thẩm tuyên Phan Long Nhi không phạm tội tham ô tài sản là chưa khách quan, bởi lẽ: Phan Long Nhi là Chủ tịch UBND xã, là người có trách nhiệm quản lý quỹ đất ở địa phương, nhưng lại đứng ra làm thủ tục để giao đất công, nhận tiền đền bù của nhà đầu tư. Việc làm này trái với quy định tại Điều 5, Điều 7, Luật đất đai năm 2003; Điểm 4, Điều 111, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Với số tiền đền bù đất công, lẽ ra Phan Long Nhi phải làm văn bản báo cáo lên cấp trên, nộp vào ngân sách của Nhà nước. Đây là việc làm có chủ đích, do ý chí chủ quan của Phan Long Nhi. Việc cấp sơ thẩm sai về số liệu, cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại là không phù hợp với Điều 250, Bộ luật tố tụng hình sự, vì cấp phúc thẩm không cần bổ sung mà chỉ cần sửa những số liệu chưa đúng (04 vấn đề) của Bản án sơ thẩm là đủ”.
Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Dương về PCTN đã họp với các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh, cho rằng Bản án Phúc thẩm số 213/2011/HSPT ngày 14/4/2011 của Tòa Phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh đã bộc lộ những sai phạm trong việc áp dụng pháp luật; kiến nghị Chánh án, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với Bản án này.
Ngày 14/5/2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (số 78/ĐĐBQH- CTQH) nêu và kiến nghị: “…TAND tỉnh Bình Dương đã xử lý đúng người, đúng tội thể hiện qua hai Bản án Sơ thẩm nêu trên. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương xin báo cáo và kính đề nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại Bản án Phúc thẩm số 213/2011/HSPT ngày 14/4/2011 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh để có quyết định đúng pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh, chính xác của các cơ quan tư pháp…”.
Tạ Hồ - Hoàng Vân
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)