Khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo tham nhũng
Nội dung vụ án như sau: tháng 12/2010, Nguyễn Văn Quân mua 665m2 đất nông nghiệp thuộc tổ 23 ấp 6 xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Dù là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích cũng như chưa sang tên chủ quyền nhưng thông qua Nguyễn Xuân Bình, Quân gặp Nguyễn Ngọc Nam là cán bộ xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn để xin giấy phép xây dựng nhà. Hai bên thỏa thuận: Nam có trách nhiệm xin giấy phép xây dựng nhà cấp 4 để ở, Quân sẽ trả cho Nam 100 triệu đồng, việc thanh toán chia làm 2 đợt mỗi đợt 50 triệu đồng. Ngày 20/12/2010, Quân đưa cho Nam 50 triệu đồng, Nam viết biên nhận với nội dung làm dịch vụ xin giấy phép xây dựng tạm 200m2 nhà ở. Sau đó, Nam nhờ một người tên Tô (không rõ lai lịch) làm nghề dịch vụ giấy tờ nhà đất để làm thủ tục xin giấy phép xây dựng nhưng do đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nên Tô không thực hiện được. Khi Nam thông báo lại cho Quân tình hình như trên thì Quân tiếp tục nhờ Nam tìm cách xây nhà không cần giấy phép, hai bên thống nhất chuyển số tiền 100 triệu đồng nêu trên để “nhờ” Thanh tra xây dựng làm ngơ việc xây nhà không phép.
Cuối tháng 12/2010, qua người quen tên Chiến, Nam gặp Phạm Thái Quảng là Tổ trưởng nhân dân tổ 23 ấp 6 xã Đông Thạnh, trình bày có người nhà cần xây nhà tạm khoảng 40m2 không giấy phép xây dựng, mục đích để ở và trồng rau xanh, nhờ Quảng giúp đỡ và sẽ “bồi dưỡng”. Khi tiếp nhận thông tin, Quảng biết việc không thuộc thẩm quyền của mình nên Quảng điện thoại bàn bạc với Võ Văn Lớp là Phó ban nhân dân ấp 6 xã Đông Thạnh và chuyển hồ sơ đất cho Lớp nghiên cứu. Lớp bảo việc này cần nói Nguyễn Đức Thắng là Thanh tra xây dựng xã Đông Thạnh để quyết định, nhân lúc này Nam hỏi tiền bồi dưỡng và được Lớp thông báo là 30 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Đức Thắng
Đầu tháng 01/2011, Nam cùng Chiến đem 30 triệu đồng đến nhà Quảng như cam kết, Quảng điện thoại cho Lớp để nhận nhưng Lớp nhờ Quảng giữ dùm. Cũng trong thời gian này, thông qua điện thoại Lớp và Thắng đã thống nhất giúp Quân xây nhà không phép bằng cách không kiểm tra, không báo cáo cho lãnh đạo UBND xã Đông Thạnh.
Ngày 13/01/2011, khi Thắng đi kiểm tra địa bàn, Quảng nhắc lại chuyện xây nhà không phép của Quân và nhờ Thắng giúp đỡ bằng cách “làm ngơ”. Thắng chấp nhận và dặn chỉ xây nhà đơn giản (diện tích 4m x10m) và yêu cầu bồi dưỡng 20 triệu đồng. Ngày 18/01/2011, Quảng đưa cho Thắng 20 triệu đồng, sau đó Quảng thông báo cho Nam biết công việc đã xong, có thể xây nhà nhỏ 40m2, mái lợp tôn, tường quây lá trong thời gian 3 ngày.
Ngày 15/01/2011, sau khi nhận thông tin từ Nam, Quân huy động nhân lực, máy móc gấp rút tiến hành xây dựng với quy mô tường gạch, mái lợp tôn, 1 phòng gia đình và 10 phòng cho thuê, cửa sắt kính tổng diện tích 240m2. Đồng thời trong ngày Quân đưa tiếp cho Nam 50 triệu đồng như cam kết.
Ngày 24/01/2011, các Thanh tra viên và cộng tác viên xây dựng của xã Đông Thạnh kiểm tra phát hiện nhà trái phép nên đã lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 26/01/2011, bà Hương là vợ của Quân đã tháo dỡ công trình xây dựng không phép. Lớp thông báo tình hình cho Quảng và Nam biết đồng thời yêu cầu Quảng trả tiền đã nhận cho Nam. Ngày 30/01/2011, Quảng trả 10 triệu đồng cho Nam. Đầu tháng 02/2011, nhiều lần Quân yêu cầu Nam trả lại tiền nhưng Nam chỉ trả được 20 triệu đồng.
Ngày 22/3/2011, Quân tố cáo sự việc đến Công an huyện Hóc Môn. Ngày 08/4/2011, Nam nộp lại 60 triệu đồng, ngày 19/4/2011, Thắng trả cho Quân 20 triệu đồng (có biên nhận).
Đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi phạm tội cùng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Đức Thắng 6 năm tù về tội Nhận hối lộ; Nguyễn Văn Quân 3 năm tù về tội Đưa hối lộ; Phạm Thái Quảng và Võ Văn Lớp mỗi người 2 năm tù về tội làm Môi giới hối lộ.
Các bị cáo phạm tội đã có phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề cần suy nghĩ là hình phạt đối với Nguyễn Văn Quân có sự khác biệt giữa Tòa án và Viện kiểm sát nên dẫn đến kháng nghị của Viện kiểm sát. Đó là bị cáo Quân được Tòa nhận định như sau: “Riêng bị cáo Nguyễn Văn Quân, xuất phát từ nhu cầu xây nhà ở trên đất mua hợp pháp, bị cáo đã nhờ Nguyễn Ngọc Nam làm dịch vụ xin giấy phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do việc xin giấy phép gặp khó khăn nên bị cáo mới có hành vi phạm tội như trên, vì xuất phát từ giao dịch dân sự nên bị cáo không có ý định phạm tội từ ban đầu. Bị cáo Quân không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, khởi tố vụ án, gia đình bị cáo đã tháo dỡ nhà khi có yêu cầu, bị cáo Quân phạm tội do nhất thời, thiếu hiểu biết về pháp luật. Để khuyến khích người dân tố giác tội phạm, phòng và chống tham nhũng trong lĩnh vực vi phạm đất đai, Hội đồng xét xử cho bị cáo Quân được hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung liền kề, cũng đảm bảo tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm”. Từ đó, Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 3 Điều 289; điểm p, q khoản 1 Điều 46, 47 Bộ luật hình sự để xử bị cáo Quân mức án 3 năm tù.
Viện kiểm sát cho rằng: “bị cáo Quân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 289 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 13 năm đến 20 năm tù, nhưng do bị cáo đã tự nguyện tố cáo, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, quá trình điều tra, xét xử bị cáo thành khẩn nhận tội tỏ ra ăn năn hối cải, Viện kiểm sát đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng trong khung liền kề (khoản 2 Điều 289) với mức án từ 7 đến 8 năm tù, nhưng Tòa xử 3 năm tù là mức án nằm ở khoản 1 Điều 289 Bộ luật hình sự, không trong khung liền kề đã vi phạm điều 47 Bộ luật hình sự”.
Vấn đề đặt ra là phải tuân thủ nghiêm những quy định pháp luật hiện hành chứ không phải vì khuyến khích tố giác tội phạm tham nhũng mà không chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, căn cứ xu thế và tình hình đòi hỏi của thực tiễn mà ngành Tòa án có trách nhiệm tổng kết cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự như thế nào để phục vụ được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như khuyến khích người tố giác tội phạm tham nhũng. Nếu áp dụng pháp luật như trong trường hợp cụ thể này sẽ ảnh hưởng đến tính pháp chế của Bộ luật hình sự.
Trong thực tế, người đưa hối lộ rất hiếm khi tố cáo, chỉ khi họ thấy bị lừa dối hoặc mục đích không đạt được như thỏa thuận thì họ mới tố cáo, nhưng lúc này tội phạm về đưa hối lộ đã hoàn thành nên dù có tự giác tố cáo thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không có người đưa hối lộ tố cáo thì rất khó phát hiện được hành vi tham nhũng. Do đó, pháp luật hình sự cần sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi và khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo.
Phan Bá
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)