Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật Thụy Sĩ

Thứ Ba, 29/07/2014, 15:08 [GMT+7]
1- Cơ sở của việc quy định trách nhiệm hình sự của Pháp nhân
Liên bang Thụy Sĩ, trong một thời gian dài trước khi có Luật liên bang liên quan tới việc sửa đổi Bộ luật hình sự ngày 2-3-2003 chỉ chấp nhận nguyên tắc “chỉ có trách nhiệm hình sự (TNHS) của cá nhân, còn pháp nhân không phải chịu TNHS”; trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đã được áp dụng trong một số lĩnh vực pháp luật như: dân sự, kinh tế, lao động và hành chính. 
Thụy Sĩ chỉ thừa nhận chế độ trách nhiệm của pháp nhân trong lĩnh vực pháp luật hình sự - hành chính. Điều 7 Luật liên bang về pháp luật hình sự - hành chính (DPA) ngày 22-3-1974 cho phép truy cứu trách nhiệm trực tiếp đối với pháp nhân, tổ chức. Điều luật này có ý nghĩa rất lớn đối với pháp luật hình sự về môi trường, vì có 5 đạo luật quan trọng dựa trên quy định của Điều luật này, đó là: Luật Bảo vệ môi trường; Luật bảo vệ nguồn nước; Luật về săn bắn, bảo vệ động vật có vú và chim hoang dã; Luật Bảo vệ rừng và Luật bảo vệ thiên nhiên. Luật về pháp luật hình sự - hành chính này quy định:
- Cơ quan hành chính có thẩm quyền của liên bang cần phải chịu trách nhiệm truy cứu và xử lý các tội xâm phạm pháp luật liên bang (Điều 1 DPA).
- Pháp nhân sẽ bị trừng phạt thay vì cá nhân - người đã hành động vì lợi ích của pháp nhân.
- Mức cao nhất của hình phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân không vượt quá 5000 euro.
Các quy định trên cho thấy khả năng được luật hình sự - hành chính trao cho là có giới hạn và nó chỉ thiết lập trách nhiệm phụ trợ của pháp nhân.
Nghiên cứu pháp luật của Thụy Sĩ cho thấy các bang ở nước này không bắt buộc phải gắn với nguyên tắc “chỉ chấp nhận TNHS của cá nhân, còn pháp nhân không phải chịu TNHS”. Nó có thể thiết lập TNHS của pháp nhân, tổ chức trong pháp luật hình sự của mình. Ví dụ: Bang Vaud đã thông qua Luật về các bản án thành phố (RSV 3.7 A) mà khoản 2 Điều 9 đã thiết lập TNHS bổ trợ của pháp nhân.
Mặc dù pháp luật hình sự của Thụy Sĩ không chấp nhận TNHS của pháp nhân, nhưng ngày 17-12-1997, Thụy Sĩ tham gia Công ước của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển) liên quan tới việc đấu tranh chống tham nhũng của các viên chức nước ngoài trong các giao dịch thương mại quốc tế. Điều 2 của Công ước này quy định các bên tham gia Công ước cần phải áp dụng những biện pháp cần thiết, phù hợp với các nguyên tắc pháp lý của mình để thiết lập TNHS của pháp nhân trong trường hợp tham nhũng của viên chức nước ngoài. Như vậy, Thụy Sĩ phải có nghĩa vụ thiết lập chế độ TNHS của pháp nhân trong pháp luật hình sự nước mình, chí ít là trong lĩnh vực chuyên biệt được đề cập bởi Công ước này.
Luật bổ sung, sửa đổi Bộ luật hình sự ngày 21-3-2003 với việc thừa nhận nguyên tắc TNHS của pháp nhân
Đầu những năm 90, vấn đề cần điều chỉnh vấn đề TNHS của pháp nhân bằng các quy định của pháp luật hình sự ngày càng trở nên cấp bách do: (1) Tình hình tội phạm có tổ chức trong nước và xuyên quốc gia có chiều hướng tăng lên, đặc biệt là tình trạng phạm tội của các pháp nhân và những khó khăn khi can thiệp về mặt hình sự vào lĩnh vực này; (2) Sự cần thiết thực tế của cách mạng kinh tế, cách mạng khoa học công nghệ; (3) Mức độ và tính phức tạp về cấu trúc của các pháp nhân ngày càng tăng dẫn đến khó khăn, thậm chí không thể thiết lập được mối liên hệ giữa cá nhân cụ thể với tội phạm, tức là ngày càng trở nên khó khăn đồng nhất hóa cá nhân có thể chịu trách nhiệm (với ý nghĩa hình sự) với tội phạm. Các pháp nhân vì thế thường thoát khỏi trách nhiệm của mình vì lý do về tính chất tập thể của thủ tục quyết định của nó. (4) Trong pháp luật của Hội đồng Châu Âu, nguyên tắc TNHS của pháp nhân là đối tượng của Khuyến cáo số 12 (năm 1982) và số 18 (năm 1988) của Ủy ban các Bộ trưởng Hội đồng Châu Âu về tình trạng tội phạm về kinh tế, thương mại, khuyến khích các nước thành viên áp dụng TNHS và các chế tài hình sự đối với các tập đoàn, nhà máy, xí nghiệp nếu bản chất của tội phạm, mức độ lỗi của nhà máy, xí nghiệp đó cũng như hậu quả gây ra cho xã hội và sự cần thiết của việc phòng ngừa tội phạm khác đòi hỏi.
Cuối thế kỷ 20, Thụy Sĩ đã tham gia ký kết Công ước về đấu tranh chống tham nhũng (năm 1998) và Công ước về bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự (năm 1997). Cả hai văn bản này đều khuyến cáo các nước thành viên đưa TNHS của pháp nhân vào trong luật quốc gia của mình.
Năm 1996, Thụy Sĩ sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự theo hướng thiết lập TNHS của pháp nhân. Chế định này được thể hiện trong Điều 102p của bản dự thảo như sau: 
“Doanh nghiệp bị phạt tiền nhiều nhất là 5.000.000 euro, nếu tội phạm được thực hiện hoạt động kinh doanh của nó và hành vi này không thể quy kết cho một cá nhân xác định, vì lý do thiếu sự tổ chức doanh nghiệp.
Tòa án quyết định hình phạt tiền theo mức độ của tội phạm, khả năng kinh tế của doanh nghiệp và tính chất nguy hiểm của các tội phạm mà doanh nghiệp chịu trách nhiệm.”
Doanh nghiệp theo nghĩa của Điều luật này là các pháp nhân, các tổ chức và các doanh nghiệp tư nhân. Theo dự thảo Điều luật này, việc trừng trị về hình sự đối với doanh nghiệp phải dựa vào điều kiện: sự thiếu tổ chức của doanh nghiệp và TNHS của pháp nhân được thiết lập như là một kiểu TNHS bổ trợ, có nghĩa là, TNHS của pháp nhân chỉ có thể được đặt ra nếu không có một cá nhân cụ thể nào có thể bị cáo buộc về tội phạm.
Điều 102p trong dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự quy định chủ thể phải chịu TNHS, đó là các pháp nhân, các tổ chức và các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, nó lại không quy định rõ đối với những tội phạm nào các chủ thể này thực hiện phải chịu TNHS. Như vậy, TNHS của pháp nhân có thể áp dụng cho pháp nhân thực hiện bất cứ tội nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng nào được quy định trong Bộ luật hình sự và trong các đạo luật chuyên biệt khác mà đối với các đạo luật này Phần chung của Bộ luật hình sự được áp dụng chiểu theo Điều 333 Bộ luật hình sự.
Đặc biệt là Điều 102p của bản Dự thảo lại không đề cập đến thuyết đồng nhất hóa giữa cá nhân cụ thể thực hiện tội phạm trong khuôn khổ các hoạt động của pháp nhân hoặc vì lợi ích của pháp nhân với pháp nhân phải chịu TNHS và cũng không có sự giải thích gì hơn.
Ngày 21-3-2003, Thụy Sĩ đã thông qua Luật liên bang liên quan tới việc sửa đổi Bộ luật hình sự và Luật này được công bố ngày 1-4-2003. Điều 100quarter trong Phần VI của Bộ luật hình sự sửa đổi liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp được thay thế bởi Điều 102 Phần VII Bộ luật hình sự hiện hành. Điều luật này được bổ sung bởi quy định tại Điều 2 của Nghị định liên bang về việc thừa nhận và áp dụng Công ước hình sự của Hội đồng Châu Âu về chống tham nhũng và Nghị định thư bổ sung quy định như sau: “Một tội nghiêm trọng hoặc một tội ít nghiêm trọng được thực hiện trong doanh nghiệp trong khi tiến hành các hoạt động thương mại phù hợp với các mục đích của doanh nghiệp, nếu tội nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng đó không thể bị quy kết cho một cá nhân xác định nào, vì lý do thiếu sự tổ chức của doanh nghiệp thì trong trường hợp này doanh nghiệp bị phạt tiền nhiều nhất là 5.000.000 euro.”
Đối với các tội phạm được quy định tại Điều 260ter, 260quinquies, 305bis, 322ter, 322quinquies hoặc tại Điều 322septies, khoản 1, hoặc tại Điều 4a khoản 1 điểm a của Luật liên bang ngày 19-12-1986 chống cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp bị trừng trị không phụ thuộc vào việc trừng trị các cá nhân, nếu cần phải trách cứ doanh nghiệp đã không áp dụng tất cả các biện pháp tổ chức hợp lý và cần thiết để tránh một tội phạm như thế. Thẩm phán xác định hình phạt tiền riêng biệt theo mức độ của tội phạm, sự thiếu tổ chức và thiệt hại gây ra, và theo khả năng kinh tế của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp theo nghĩa của Điều luật này là:
- Các pháp nhân theo luật tư
- Các pháp nhân theo luật công, trừ các nghiệp đoàn thuộc lãnh thổ
- Các hội
- Các doanh nghiệp cá thể.
2- Các loại pháp nhân phải chịu TNHS 
Theo khoản 4 của Điều 102 Phần VII Bộ luật hình sự của Liên bang Thụy sĩ sửa đổi thì chủ thể của TNHS của pháp nhân là: các pháp nhân theo luật tư; các pháp nhân theo luật công (trừ các nghiệp đoàn thuộc lãnh thổ); các hội; các doanh nghiệp cá thể. 
- Các pháp nhân theo luật tư: là những pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh hoặc phục vụ lợi ích khác không nhằm thực thi quyền lực công. 
Pháp nhân có mục đích sinh lợi là mục đích hoạt động của pháp nhân này là tìm kiếm lợi nhuận. Về nguyên tắc, tất cả các pháp nhân theo luật tư có mục đích sinh lợi đều có đủ tư cách chịu TNHS như: các pháp nhân dân sự, các pháp nhân thương mại bao gồm cả các pháp nhân có điều lệ hợp tác hoặc nông nghiệp, các pháp nhân một thành viên cũng như các nhóm có cùng lợi ích kinh tế…
Đối với các pháp nhân theo luật tư không có mục đích sinh lợi, những pháp nhân này khi hoạt động không vì mục đích thu lợi nhuận, đó là các hiệp hội đã đăng ký hợp lệ, các giáo đoàn, các nghiệp đoàn, các đảng phái và các nhóm chính trị…
- Pháp nhân theo luật công: là những pháp nhân được nhà nước thành lập nhằm thực hiện các hoạt động phục vụ lợi ích chung của xã hội.
Đối với pháp nhân theo luật công, Bộ luật hình sự quy định một số ngoại lệ, đó là các nghiệp đoàn thuộc lãnh thổ. Ngoài ngoại lệ trên, tất cả loại pháp nhân theo luật công khác đều có tư cách chủ thể của TNHS không phân biệt các lĩnh vực hoạt động như: các cơ quan công cộng, các tập đoàn vì lợi ích chung, các tổ chức kinh tế hỗn hợp, các tập đoàn, công ty, các nhà máy, xí nghiệp, các đoàn, hội nghề nghiệp, trường học, bệnh viên, các cơ quan, tổ chức văn hóa…
- Các chủ thể khác: Điều 102 Bộ luật hình sự Thụy Sĩ quy định TNHS còn được áp dụng đối với cả các hội, hiệp hội, các hội tạm thời, hội có đối tượng kinh doanh chưa đăng kí, các hội thương mại đang thành lập, hội dân sự không phải là hình thức hội thương mại, hiệp hội, các quỹ và các xí nghiệp được thành lập vì lý do cá nhân… Đây là các chủ thể về phương diện pháp lý không phải là các pháp nhân, tức là nó không có tư cách pháp nhân theo phương diện dân sự, thương mại hoặc không có tài sản riêng.
Như vậy, chủ thể của TNHS của pháp nhân theo quy định trên là rất rộng, nó có thể là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, đảng phái chính trị, các nhóm, các pháp nhân, các công ty, xí nghiệp, các nghiệp đoàn, các đoàn thể công lập, hội đồng thị chính tỉnh, khu, quận, công xã…
Khái niệm chủ thể của TNHS của pháp nhân nêu trên bao gồm tổng thể những cá nhân liên kết với nhau, mặc dù những nhóm, hội hoặc hiệp hội đó trong thực tế không có tư cách pháp nhân, tức là nó không có khả năng hưởng các quyền và gách vác các nghĩa vụ pháp lý nhất định. Những nhóm, hội, hiệp hội này vẫn có thể coi là chủ thể của TNHS của pháp nhân nếu phạm tội.
3- Các tội phạm có thể được quy kết cho pháp nhân
Theo Luật ngày 21-3-2003 của Thụy Sĩ, TNHS của pháp nhân có giá trị như là một nguyên tắc chung được áp dụng không chỉ trong Luật hình sự Phần chung mà còn trong các lĩnh vực của Luật hình sự Phần các tội phạm như: Luật hình sự về thuế, môi trường, tài chính, lao động, thương mại hoặc các lĩnh vực khác. 
Nguyên tắc TNHS của pháp nhân được đưa vào Điều 102 Bộ luật hình sự và theo Điều 333 Bộ luật hình sự hiện hành thì nguyên tắc này được áp dụng đối với mọi tội phạm. Khoản 1 Điều 102 Bộ luật hình sự Thụy Sĩ quy định “Một tội phạm nghiêm trọng hoặc một tội ít nghiêm trọng được thực hiện trong doanh nghiệp trong khi tiến hành các hoạt động thương mại phù hợp với các mục đích của doanh nghiệp bị quy kết cho doanh nghiệp đó, nếu tội phạm nghiêm trọng hoặc một tội ít nghiêm trọng đó không thể bị quy kết cho một cá nhân xác định nào, vì lí do thiếu sự tổ chức của doanh nghiệp”. Như vậy, theo quy định trên, TNHS của pháp nhân được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện sau: (1) Khi tội phạm cụ thể được thực hiện trong pháp nhân trong khi tiến hành các hoạt động thương mại phù hợp với các mục đích của pháp nhân; (2) Khi tội phạm cụ thể được thực hiện không thể quy kết cho một cá nhân xác định nào, vì lý do thiếu sự tổ chức của doanh nghiệp. 
Điều luật không chỉ rõ cách quy kết tội phạm cho pháp nhân như thế nào, vì thế trong những vụ án cụ thể, trách nhiệm đó thuộc về sự đánh giá của thẩm phán. Để quy kết TNHS đối với cá nhân hoặc pháp nhân về các tội phạm cụ thể, thẩm phán cần xác định việc thực hiện tội phạm là phát sinh từ quyết định có chủ ý từ bên trong pháp nhân hoặc là do sự khinh xuất, cẩu thả trong pháp nhân. Tuy nhiên, thẩm phán cần phải căn cứ vào thái độ của các cơ quan hoặc của người lãnh đạo của pháp nhân, vì tội phạm quy kết cho pháp nhân thực chất được trực tiếp thực hiện bởi các cá nhân này.
Trong trường hợp có tội phạm xảy ra, nhưng do cấu trúc tổ chức của pháp nhân phức tạp nên không thể xác định một hoặc các cá nhân cụ thể phải chịu TNHS về hành vi phạm tội đó thì thẩm phán sẽ quy kết TNHS về tội phạm đó cho pháp nhân. Đây thực chất là chế độ TNHS của pháp nhân có tính chất bổ trợ cho TNHS của cá nhân, nó hoàn toàn khác so với mô hình pháp lý về TNHS của pháp nhân được áp dụng trong pháp luật hình sự các nước đã chấp nhận nguyên tắc này.
Khoản 2 Điều 102 Bộ luật hình sự Thụy Sĩ quy định là riêng đối với các tội phạm được quy định tại các điều 260ter, 260quinquies, 305bis, 322ter, 322quinquies, 322septies, khoản 1 (các tội cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố, tổ chức phạm tội, tội tẩy rửa tiền, tội hối lộ…) hoặc các tội quy định tại Điều 4a, khoản 12 điểm a của Luật liên bang ngày 19-12-1986 chống cạnh tranh không lành mạnh của Thụy Sĩ thì pháp nhân sẽ bị trừng trị về mặt hình sự nếu có bằng chứng chứng minh được rằng pháp nhân đã không áp dụng tất cả các biện pháp tổ chức hợp lý và cần thiết để phòng ngừa một tội phạm như thế xảy ra trong đơn vị mình. Việc trừng trị pháp nhân trong những trường hợp phạm những tội nói trên không phụ thuộc vào việc trừng trị các cá nhân. Điều đó có nghĩa là không cần biết tội phạm cụ thể được thực hiện có thể hay không thể quy kết cho một cá nhân xác định nào.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hình sự Thụy Sĩ, pháp nhân chịu TNHS riêng biệt chứ không đồng thời với cá nhân về cùng một tội phạm như pháp luật hình sự các nước đã thiết lập chế định này trong pháp luật hình sự quy định.
4- Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội
Hình phạt tiền là hình phạt duy nhất áp dụng đối với tất cả các tội phạm do pháp nhân thực hiện. Mức phạt tiền cao nhất áp dụng với pháp nhân phạm tội là 5.000.000 euro. Khoản 3 Điều 102 Bộ luật hình sự hiện hành Thụy Sĩ quy định “Thẩm phán xác định hình phạt tiền riêng biệt theo mức độ của tội phạm, sự thiếu tổ chức, mức độ thiệt hại gây ra, và theo khả năng kinh tế của pháp nhân”.
Quy định áp dụng duy nhất hình phạt tiền đối với pháp nhân phạm tội cũng giống như quy định trong pháp luật hình sự của các nước như Anh, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc.
5- Những quy định về thủ tục tố tụng hình sự đối với các vụ án pháp nhân phạm tội
Điều 100quinquies Bộ luật hình sự hiện hành Thụy Sĩ quy định trường hợp tố tụng hình sự được áp dụng nhằm chống lại doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó được đại diện bởi người duy nhất có thẩm quyền không giới hạn, đại diện cho doanh nghiệp trong các công việc về pháp luật dân sự. Nếu khi kết thúc thời hạn hợp lý, doanh nghiệp không bổ nhiệm một người đại diện như thế, người có thẩm quyền điều tra hoặc Thẩm phán chỉ định người trong số những người có khả năng đại diện cho doanh nghiệp về phương diện dân sự đại diện cho doanh nghiệp trong tố tụng hình sự.
Người đại diện cho doanh nghiệp trong tố tụng hình sự có các quyền và các nghĩa vụ của bị can, bị cáo. Nếu như điều tra hình sự được mở cho cùng một vụ việc hoặc cho các việc có liên quan chống lại người đại diện cho doanh nghiệp trong tố tụng hình sự, doanh nghiệp chỉ định người đại diện khác. Nếu cần thiết, người có thẩm quyền điều tra hoặc Thẩm phán chỉ định người khác như khoản 1 Điều 100quinquies nêu trên hoặc thay bằng người thứ ba có đủ điều kiện.
Tóm lại, nghiên cứu chế định TNHS của pháp nhân trong pháp luật hình sự Thụy Sĩ có thể có những nhận xét như sau: 
- Cũng như các nước châu Âu khác, trước Cách mạng Pháp năm 1789, pháp luật hình sự Thụy Sĩ đã thừa nhận TNHS của pháp nhân, nhưng sau đó cho đến trước khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2003, Thụy Sĩ không áp dụng nguyên tắc này nữa. Tuy nhiên, ở Thụy Sĩ, trách nhiệm pháp lý trên các lĩnh vực pháp luật dân sự, kinh tế và pháp luật hình sự - hành chính được áp dụng đối với pháp nhân.
- Luật liên bang sửa đổi BLHS năm 2003 của Thụy Sĩ đã chính thức chấp nhận TNHS của pháp nhân là nguyên tắc chung trong pháp luật hình sự và như vậy cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ nguyên tắc “chỉ chấp nhận TNHS của cá nhân, còn pháp nhân không phải chịu TNHS”. Cùng với việc ban hành đạo luật này, pháp nhân được coi là “một thực thể xã hội” chứ không phải là “một trừu tượng pháp lý”. Thực thể xã hội này có sự tồn tại của chính nó và với tư cách đó nó phải tự mình chịu trách nhiệm về những hành vi phạm tội đã thực hiện.
- Việc tổ chức TNHS của pháp nhân đã có sự sắp xếp riêng khác với những quy định pháp luật đối với cá nhân phạm tội. Trong BLHS năm 2003, Thụy Sĩ đã xây dựng Phần VI riêng quy định về TNHS của pháp nhân, Điều 100quater Bộ luật nêu trên đã quy định phạm vi, điều kiện TNHS và hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội.
- TNHS của pháp nhân trong pháp luật hình sự Thụy sĩ chỉ được coi là chế định bổ trợ cho TNHS của cá nhân. TNHS của pháp nhân không phải là trách nhiệm đồng thời, có nghĩa là pháp nhân phạm tội chịu TNHS riêng, không phụ thuộc vào TNHS của cá nhân.
- Pháp luật hình sự Thụy Sĩ chưa điều chỉnh triệt để nhiều vấn đề quan trọng (hoặc chưa ghi nhận định nghĩa pháp lý của nhiều khái niệm cơ bản) như: chế định TNHS, cơ sở và điều kiện của nó, khái niệm pháp nhân với tư cách là chủ thể chịu TNHS… 
Vũ Hằng 
(Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
;
.