Kết quả triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Luật tiếp công dân
Thứ Tư, 24/09/2014, 09:27 [GMT+7]
Năm 2014, công tác tiếp công dân được quan tâm và có chuyển biến tích cực, nhất là từ khi thực hiện Luật tiếp công dân; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương trong việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ, đi vào nền nếp.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt và triển khai Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị và Luật tiếp công dân. Yêu cầu Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo sát sao công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân, gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường tiếp dân tại cơ sở, tổ chức đối thoại công khai, giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngay từ khi mới phát sinh. Cán bộ tiếp dân phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tận tụy, tôn trọng dân, lắng nghe dân, biết dân vận, chia sẻ, đặt mình vào vị trí của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt pháp luật về công tác tiếp công dân |
Luật tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2014. Hoạt động tiếp công dân đã được cụ thể hóa thành luật là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Để Luật tiếp công dân đi vào cuộc sống, ngày 14-7-2014, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban tiếp công dân Trung ương, thay thế Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư; chỉ đạo Ban tiếp công dân Trung ương tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, tỉnh, thành phố thành lập Ban tiếp công dân.
Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động tổ chức hội nghị, ban hành văn bản quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật tiếp công dân và văn bản hướng dẫn thi hành. Theo thống kê chưa đầy đủ, có 05 bộ, địa phương ban hành chỉ thị (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp; các tỉnh: Lào Cai, Ninh Thuận, Bắc Giang) và 13 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiên Giang). Nhiều địa phương ban hành công văn chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Sau khi Luật tiếp công dân được Quốc hội thông qua, các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân. Lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm, trực tiếp tiếp công dân, điển hình như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận…. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố thực hiện công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định, đã quyết định giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc bức xúc của công dân. Việc phối hợp trong công tác tiếp dân chặt chẽ, kịp thời hơn, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp. Việc bố trí trụ sở tiếp công dân, xây dựng bộ máy tổ chức, giải quyết chế độ, chính sách (thực hiện Thông tư liên tịch 46/2012/TTLT-BTC-TTCP về mức chi cho cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo) và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tiếp dân được quan tâm và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Đã có 2.136 cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong tổng số 7.263 cán bộ làm công tác tiếp công dân trên cả nước (29,4%). Riêng năm 2014 có 548 cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, yếu kém như: một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với giải thích pháp luật để dân hiểu và chấm dứt khiếu kiện. Việc thành lập Ban tiếp công dân ở một số địa phương chậm. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho cho trụ sở tiếp công dân, bồi dưỡng nghiệp vụ và thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ tiếp dân còn bất cập.
Chất lượng giải quyết khiếu nại ở một số địa phương chưa cao, còn có sai sót trong trình tự, thủ tục, việc giải quyết chậm; việc phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả chưa cao làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết.
Công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, chất lượng còn hạn chế nên nhận thức của một bộ phận công dân chưa đầy đủ, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn nhiều…
Thy Lan
;