Kết quả triển khai thi hành Hiến pháp

Thứ Hai, 22/09/2014, 14:38 [GMT+7]
Triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Đến nay, tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là các Bộ, cơ quan, địa phương) đã ban hành Kế hoạch tổ chức thi hành Hiến pháp và tổ chức thực hiện bám sát yêu cầu của Trung ương và phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng Bộ, cơ quan, địa phương. 
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp
Công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp đã được triển khai trên bình diện sâu rộng, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn của đất nước; nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật được nâng lên. 
Cụ thể, sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua, Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao xây dựng tài liệu tuyên truyền về Hiến pháp; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến về nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên. 
Ở các Bộ, cơ quan, địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung của Hiến pháp trong ngành, địa phương mình được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức như: đăng tải toàn văn Hiến pháp và các văn bản, tài liệu triển khai thi hành Hiến pháp trên Cổng thông tin điện tử, báo, tạp chí. Mở chuyên trang, chuyên mục về Hiến pháp và triển khai thi hành Hiến pháp hoặc chương trình, phóng sự giới thiệu về nội dung Hiến pháp. Tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến, giới thiệu tập huấn về nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp... Tổ chức các hội thảo, tọa đàm để nghiên cứu, bình luận về nội dung Hiến pháp, tạo cách hiểu thống nhất về các quy định của Hiến pháp. Phát sách về Hiến pháp, cung cấp tài liệu cho các tủ sách pháp luật, tổ dân phố..., phát hành tờ gấp hoặc tài liệu hỏi đáp về Hiến pháp, thực hiện tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh...  Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn ban hành Kế hoạch và tổ chức Hội thi tìm hiểu về Hiến pháp (Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Hậu Giang...). 
Công tác rà soát, lập danh mục đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phù hợp với Hiến pháp
Trên cơ sở Kế hoạch của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan, địa phương đã triển khai nhiệm vụ với các công việc cụ thể như: ban hành kế hoạch rà soát, tổ chức rà soát và xây dựng báo cáo kết quả rà soát về Bộ Tư pháp. Nhiều Bộ, cơ quan đã chủ động rà soát các luật, pháp lệnh đang được xây dựng để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc đã trình nhưng chưa thông qua để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo cho phù hợp với nội dung của Hiến pháp như Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Căn cước công dân... 
Đối với hoạt động rà soát VBQPPL về quyền con người - đây là chuyên đề rà soát quan trọng, lần đầu tiên được đặt ra sau khi ban hành Hiến pháp mới, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu rà soát trên 171 luật, bộ luật, pháp lệnh. Kết quả rà soát ban đầu cho thấy tổng số luật, pháp lệnh đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới khoảng trên 30 văn bản, trong đó Bộ Tư pháp kiến nghị sửa đổi, bổ sung 11 luật, pháp lệnh/25 luật, pháp lệnh đã rà soát cho phù hợp quy định của Hiến pháp. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp hoàn thiện dự thảo Báo cáo để sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức xây dựng các VBQPPL để phù hợp với Hiến pháp
Trên cơ sở kết quả rà soát của các Bộ, cơ quan, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, cơ quan tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Hiện nay, các Bộ, cơ quan được giao chủ trì xây dựng các luật, pháp lệnh đang khẩn trương tổ chức nghiên cứu, soạn thảo các luật, pháp lệnh theo Chương trình…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Hiến pháp 2013 còn một số hạn chế, bất cập như: Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp của Chính phủ được ban hành chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Việc tổ chức Hội nghị giới thiệu, phổ biến nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên còn chưa kịp thời; số lượng, chất lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp còn hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu chuyển tải đầy đủ nội dung, ý nghĩa và tinh thần của Hiến pháp; tài liệu tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp cung cấp chưa kịp thời và chưa đáp ứng đủ số lượng theo yêu cầu. Hoạt động rà soát các luật, pháp lệnh của các Bộ, cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng; chưa công bố được Danh mục các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương phải dừng thi hành. Tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp còn chậm. 
Nguyên nhân là việc triển khai thi hành Hiến pháp được tiến hành rất khẩn trương với khối lượng công việc lớn, phức tạp, nhất là nhiệm vụ rà soát VBQPPL, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức trong khi các điều kiện bảo đảm còn hạn chế, kinh phí chưa được bố trí kịp thời. Mức độ quan tâm và chủ động chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp của một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa cao, còn có tâm lý trông chờ chủ trương, hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thi hành Hiến pháp còn bất cập, nhất là trong rà soát VBQPPL, thẩm định VBQPPL trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp.
Nguyễn Hồng
(Pháp luật Việt Nam)
;
.