Một số điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
Thứ Bảy, 27/09/2014, 05:55 [GMT+7]
(BNCTW) - Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (CQĐP) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII (tháng 10-2014) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII (tháng 5-2015).
Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII |
Với mục tiêu tổ chức hợp lý CQĐP phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm CQĐP các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, dự thảo Luật đã đưa ra một số điểm mới sau đây:
1- Về mô hình tổ chức CQĐP ở các đơn vị hành chính
Dự án Luật xây dựng 2 phương án. Phương án 1: Không tổ chức HĐND quận, phường. Theo đó, đối với địa bàn nông thôn (gồm tỉnh, huyện, xã) đều tổ chức HĐND và UBND; đối với địa bàn đô thị, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức HĐND và UBND. Quận, phường thuộc quận; phường thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh và phường thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương không tổ chức HĐND mà chỉ có UBND. Thị trấn tổ chức HĐND và UBND. Đối với địa bàn hải đảo, giữ nguyên đặc thù không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã (Côn Đảo, Cồn Cỏ, Bạch Long Vỹ, Hoàng Sa); huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc đều tổ chức HĐND và UBND. Phương án 2: HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp.
2- Về nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương
Dự thảo Luật quy định nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp CQĐP theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp CQĐP trong việc quyết định các vấn đề của địa phương. Theo đó các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của CQĐP các cấp phải đẩy mạnh phân cấp phù hợp với các nguyên tắc và các nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp CQĐP, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, tính thông suốt của nền hành chính quốc gia.
3- Về vị trí, tính chất của UBND quận, phường
Dự thảo Luật quy định 2 phương án. Phương án 1: Nếu vẫn tổ chức HĐND quận, phường thì UBND quận, phường là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp, cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Phương án 2: Nếu không tổ chức HĐND quận, phường, dự án Luật quy định UBND quận, phường là cơ quan đại diện của UBND cấp trên trực tiếp tại địa bàn quận, phường, chịu trách nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ do UBND cấp trên trực tiếp phân công, ủy quyền.
4- Về thẩm quyền ban hành VBQPPL
Dự thảo Luật quy định HĐND, UBND các cấp ban hành các văn bản hành chính theo thẩm quyền; đồng thời quy định chính quyền cấp huyện, cấp xã không ban hành VBQPPL; việc ban hành VBQPPL của chính quyền cấp tỉnh theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
5- Về tổ chức đơn vị hành chính
Dự thảo Luật quy định tên gọi của “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là “thành phố” với các đơn vị hành chính trực thuộc là phường và xã; quy định các nội dung cơ bản về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính các cấp và giao Chính phủ quy định cụ thể theo hướng hạn chế tối đa việc chia tách làm tăng thêm đơn vị hành chính các cấp; quy định trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính các cấp.
6- Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp
Dự thảo Luật ngoài việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP các cấp phải thực hiện thì còn quy định nhiệm vụ, quyền hạn riêng của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính; quy định các trường hợp cần thiết CQĐP được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên và các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao; giảm bớt các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã và cấp huyện đã quy định tại Luật năm 2003.
Đối với đơn vị hành chính quận, phường, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Nếu không tổ chức HĐND ở quận, phường thì quy định rõ Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên UBND quận, phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Phương án 2: Nếu vẫn tổ chức HĐND quận, phường, ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và giám sát theo quy định chung, dự thảo Luật quy định HĐND quận, phường chỉ quyết định ngân sách, nhân sự và các vấn đề liên quan đến địa giới hành chính ở quận, phường.
7- Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND
Dự thảo Luật có nhiều quy định nhằm tăng cường vai trò của Thường trực HĐND, bảo đảm thường xuyên giữa 2 kỳ họp HĐND; quy định rõ Thường trực HĐND họp thường kỳ mỗi tháng 1 lần; thay chức danh Ủy viên Thường trực HDND cấp tỉnh, cấp huyện bằng chức danh Phó Chủ tịch HĐND đồng thời quy định thành viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và bổ sung các Ủy viên là Trưởng Ban của HĐND, Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND; quy định hoạt động chuyên trách đối với Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của HĐND; quy định tỷ lệ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; trường hợp có từ 10% trở lên trong tổng số cử tri trên địa bàn cấp xã yêu cầu, Thường trực HĐND cấp xã có trách nhiệm xem xét tổ chức kỳ họp HĐND để họp bàn về nội dung kiến nghị của cử tri.
8- Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND
Dự thảo Luật quy định thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên để bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể của UBND bao quát đầy đủ các lĩnh vực chuyên môn, tạo điều kiện thực hiện việc giám sát của HĐND và lấy phiếu tín nhiệm đối với Chỉ huy trưởng Quân sự, Trưởng Công an, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và Chánh Văn phòng UBND; quy định thành viên UBND cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên là Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng quân sự; quy định việc giao Chính phủ thẩm quyền quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND và Chủ tịch UBND theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và trong việc đình chỉ chức vụ đối với Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp, chỉ định Quyền Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND (đối với cấp tỉnh thì việc đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND và chỉ định Quyền Chủ tịch UBND thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ). Quy định cơ quan chuyên môn thuộc UBND được thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương theo ủy quyền của UBND; quy định Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND do Chủ tịch UBND bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên UBND. Quy định UBND cấp xã mỗi năm có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân về tình hình hoạt động của UBND và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân ở địa phương.
Phương Thảo
;