Những điểm mới của Dự thảo Thông tư Liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng
Thứ Sáu, 12/09/2014, 09:58 [GMT+7]
Thông tư Liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP ngày 06-05-2011 của Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng (Thông tư Liên tịch số 03) được đa số bộ, ngành, địa phương đánh giá là đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); đồng thời nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của quần chúng nhân dân.
Một Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng |
Tuy nhiên, thực tiễn hơn 2 năm thực hiện cho thấy, kết quả khen thưởng theo Thông tư 03 còn hạn chế; một số nội dung của Thông tư chưa phù hợp với những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy định chi tiết.
Qua khảo sát lấy ý kiến đánh giá việc thực hiện Thông tư 03, có trên 60 cơ quan, bộ, ngành, địa phương đề xuất cần thiết phải sửa đổi Thông tư về một số nội dung không còn phù hợp để chính sách này thực sự động viên hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua và Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01-7-2014 quy định chi tiết cũng có những sửa đổi liên quan đến Thông tư 03. Do vậy việc xây dựng Thông tư Liên tịch Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng là cần thiết. Nhiệm vụ này đã được đưa vào Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và trên cơ sở đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện.
Nội dung của Dự thảo Thông tư có nhiều điểm mới so với Thông tư 03. Tên gọi của Thông tư mới được điều chỉnh là “Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng”. Xuất phát từ mục đích chính của Thông tư là để khen thưởng, động viên những người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng; những người khác có thành tích trong phát hiện tham nhũng, nhất là người có thẩm quyền trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, hoặc tham gia công tác phòng, chống tham nhũng thì không thuộc đối tượng khen thưởng theo Thông tư này do đó tên gọi mới rõ hơn, phù hợp hơn.
Dự thảo Thông tư mới quy định rõ hơn về đối tượng được khen thưởng, bao gồm: Người tố cáo tham nhũng lập được thành tích xuất sắc; Người tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo tham nhũng, truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng lập được thành tích xuất sắc. Người tố cáo bao gồm những cá nhân nào sẽ căn cứ vào quy định của Luật tố cáo. Người tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo tham nhũng không phân biệt là cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài, người không quốc tịch hay nhiều quốc tịch. Đồng thời bổ sung các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện thủ tục khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng.
Về nguyên tắc khen thưởng, Dự thảo Thông tư mới có bổ sung, viện dẫn quy định có tính nguyên tắc về khen thưởng người tố cáo trong pháp luật về tố cáo và bổ sung quy định về việc không xét khen thưởng đối với trường hợp thành tích của cá nhân cho dù là xuất sắc nhưng lại là tình tiết giảm nhẹ khi xử lý vi phạm (Ví dụ như người đưa hối lộ sau đó lại tố cáo người nhận hối lộ thì việc tố cáo đó không được coi là thành tích để xét khen thưởng).
Về hình thức khen thưởng, Dự thảo Thông tư mới giữ nguyên 3 trong 4 hình thức khen thưởng như Thông tư 03 gồm: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vì vẫn phù hợp với các hình thức khen thưởng người tố cáo nói chung quy định tại Nghị định số 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ và thể hiện được mức độ xuất sắc của thành tích. Riêng hình thức Giấy khen của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định trong Thông tư Liên tịch số 03 không quy định trong Thông tư mới mà viện dẫn việc khen thưởng cho những trường hợp này theo quy định chung về khen thưởng người tố cáo.
Bổ sung quy định về hình thức trao tặng khen thưởng công khai và trao tặng khen thưởng không công khai để bảo vệ bí mật thông tin về người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng. Cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng được lựa chọn, đề nghị hình thức trao tặng khen thưởng công khai hoặc không công khai. Tuy nhiên nếu cơ quan có thẩm quyền xét thấy việc khen thưởng công khai có thể gây tổn hại cho người có thành tích thì vẫn có quyền quyết định việc trao tặng khen thưởng không công khai.
Tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên như Thông tư 03. Tiêu chuẩn Bằng khen của cấp bộ, tỉnh, cơ quan Trung ương cơ bản giữ nguyên như quy định trong Thông tư 03, có bổ sung trường hợp tố cáo, cung cấp thông tin giúp cơ quan nhà nước truy tìm, thu hồi được tài sản tham nhũng từ 200 lần mức lương cơ sở trở lên. Cụ thể như sau:
Huân chương Dũng cảm để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn:
Không sợ hy sinh tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của quốc gia.
Không sợ hy sinh tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng) mà giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 500.000.000 đồng trở lên (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) hoặc từ 300.000.000 đồng trở lên (đối với trường hợp nhận hối lộ hoặc đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi).
Hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên do tố cáo hành vi tham nhũng, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo tham nhũng, truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng.
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn:
Đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng) gây hậu quả rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi khu vực hoặc của nhiều bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương trở lên.
Đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng) mà giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) hoặc từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng (đối với trường hợp nhận hối lộ hoặc đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi).
Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% do tố cáo hành vi tham nhũng, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo tham nhũng, truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng.
Bằng khen của cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong những tiêu chuẩn cụ thể:
Đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng) gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên;
Đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 8 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng) mà giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) hoặc từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (đối với trường hợp nhận hối lộ hoặc đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi);
Tố cáo, cung cấp thông tin, tích cực cộng tác giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền truy tìm, phát hiện, thu hồi được tài sản tham nhũng bị tẩu tán, che dấu có giá trị từ 200 lần mức lương cơ sở trở lên.
Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31% do tố cáo hành vi tham nhũng, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo tham nhũng, truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng.
Để bảo đảm sự hài hòa với chế độ thi đua khen thưởng và khen thưởng người tố cáo nói chung, Dự thảo Thông tư Liên tịch quy định mức thưởng đối với người có thành tích xuất sắc trong tố cáo tham nhũng vẫn thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Tuy nhiên, để khuyến khích, động viên đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, Dự thảo có bổ sung quy định về việc ngoài mức thưởng chung nêu trên, người có thành tích xuất sắc (từ mức Bằng khen trở lên) còn được cơ quan quản lý quỹ khen thưởng về PCTN xem xét thành tích và quyết định việc động viên khuyến khích lợi ích vật chất bằng tiền thưởng từ quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng tính theo mức lương cơ sở như sau: Huân chương Dũng cảm: 60 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của Thủ tướng: 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương: 20 lần mức lương cơ sở. Các mức thưởng nêu trên tăng gấp 2 lần quy định hiện hành tại Thông tư 03.
Bổ sung quy định đối với trường hợp thành tích của người được khen thưởng giúp nhà nước thu hồi được tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể áp dụng mức động viên, khuyết kích bằng vật chất cao hơn các mức nêu trên nhưng không vượt quá 10% giá trị tiền, tài sản đã thu hồi được. Ví dụ như thành tích của người tố cáo đã giúp thu hồi được cho Nhà nước 2.300 triệu đồng, tương đương 2000 lần mức lương cơ sở tại thời điểm xét thưởng thì có thể thưởng cho người đó mức tối đa là 200 lần lương cơ sở. Tuy nhiên nếu số tiền thu hồi được là 1000 tỷ thì mức thưởng tối đa cũng chỉ là 4.347,8 lần lương cơ sở hiện nay, xấp xỉ 5 tỷ đồng.
Dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể về hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản đối với Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở quy định tại Điều 61 Nghị định 42/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 39/2012/NĐ-CP của Chính phủ và giữ nguyên quy định về hồ sơ, thủ tục đối với Bằng khen của cấp bộ, tỉnh và Giấy khen. Do việc động viên, khuyến khích bằng vật chất sử dụng nguồn quỹ khen thưởng về PCTN do Thanh tra Chính phủ quản lý, nên dự thảo thông tư đã bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục để Thanh tra Chính phủ chi thưởng từ quỹ khen thưởng về PCTN trên cơ sở kết quả khen thưởng của cơ quan có thẩm quyền và nguồn quỹ.
Nhã Lan
(Thanh tra Chính phủ)
;