Mô hình tố tụng hình sự và hệ thống tư pháp của Cộng hòa Italia
Theo Hiến pháp Italia, hệ thống cơ quan tư pháp gồm toà án và viện công tố. Hệ thống Toà án của Italia gồm: Toà án Hiến pháp và hệ thống toà án tư pháp. Trong hệ thống toà án tư pháp chia thành 5 lĩnh vực: hình sự, dân sự, thuế, hành chính, kiểm toán.
Tuy được phân chia thành 5 lĩnh vực xét xử nhưng chỉ có thẩm phán và công tố viên trong lĩnh vực hình sự và dân sự, những người được Hiến pháp trao quyền độc lập và thuộc sự quản lý hành chính của Hội đồng tối cao pháp viện, mới được coi là có thẩm quyền tư pháp "nguyên thuỷ".
Năm 1988, Bộ luật tố tụng hình sự của Italia đã chuyển đổi mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn sang mô hình tố tụng hình sự tranh tụng dựa trên những nguyên tắc về sự bình đẳng giữa công tố viên và bên bị đơn cũng như nguyên tắc tạo lập chứng cứ trước khi thẩm phán mở phiên toà. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, đã có không ít những vấn đề bất cập từ việc chuyển đổi hệ thống. Có quan điểm cho rằng, hệ thống này, ở khía cạnh nào đó, đã trao cho các băng đảng tội phạm có tổ chức ở nước này quyền được bảo vệ tốt hơn. Do đó, vào năm 1999, Italia đã sửa đổi Điều 111 của Hiến pháp, chỉ chấp nhận những nguyên tắc cơ bản của tố tụng tranh tụng, chủ yếu là quyền trình bày các chứng cứ trước toà án với sự hiện diện của hai bên và bảo đảm quyền của bị cáo đối với việc bảo vệ chứng cứ họ đưa ra. Hiện nay, Italia được coi là nước có mô hình tố tụng kết hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng. Thẩm vấn được áp dụng trong giai đoạn trước khi xét xử: như các nguyên tắc trong điều tra, công tố viên vẫn có nhiều quyền năng hơn luật sư... Tranh tụng chủ yếu được áp dụng ở giai đoạn xét xử với những nguyên tắc về chứng cứ và sự bình đẳng giữa bên công tố và luật sư trước toà.
Việc sửa đổi Điều 111 của Hiến pháp cũng áp dụng đối với mọi phiên toà trong lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính và kiểm toán; theo đó, phiên toà chỉ được tiến hành khi có sự hiện diện của hai bên trong điều kiện bình đẳng trước một thẩm phán công bằng với vị thế là bên thứ ba tại phiên toà và phiên toà phải được diễn ra trong khoảng thời gian hợp lý. Thậm chí, quyền yêu cầu phiên toà diễn ra trong thời gian hợp lý đã được thể hiện trong Luật số 89 ngày 24-3-2001, theo đó, đã cho phép các bên được quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường bằng tiền trong trường hợp quyền yêu cầu phiên toà diễn ra trong thời gian hợp lý bị vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, các phiên toà của Italia bị đánh giá là mất quá nhiều thời gian; thậm chí hệ thống tư pháp Italia đã bị EU nhắc nhở, lưu ý về vấn đề này.
Hệ thống toà án về hình sự và dân sự gồm có: các toà án do thẩm phán không chuyên đảm nhiệm (xét xử những vụ việc tranh chấp đơn giản và những vụ án vi cảnh, nhằm mục đích bảo đảm trật tự ở địa phương), Toà án sơ thẩm, Toà án khu vực (phúc thẩm) và Toà phá án Tối cao ... Đối với những vụ án xét xử sơ thẩm thì chỉ một thẩm phán chủ trì (những vụ án nhỏ) và một hội đồng thẩm phán chủ trì (đối với những vụ án phức tạp hơn). Có 26 Toà án phúc thẩm và 165 Toà án sơ thẩm trên toàn lãnh thổ Italia.
Đối với lĩnh vực kiểm toán có Tòa án Kiểm toán Nhà nước, bao gồm các thẩm phán kiểm toán và công tố viên. Một Văn phòng Tổng công tố có nhiệm vụ điều tra trong lĩnh vực này cũng được thiết lập và đặt cạnh Toà án. Cơ quan tự quản của Toà án này chính là Hội đồng Chủ tịch của Toà án Kiểm toán Nhà nước. Toà án Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền xem xét trước tính hợp hiến của các đạo luật liên quan đến lĩnh vực kiểm toán và kiểm tra việc quản lý và tiếp cận tài chính của cơ quan hành chính công. Toà án này cũng có thẩm quyền đặt ra các quy định về kiểm toán công, lương hưu và trách nhiệm dân sự của công chức.
Đối với lĩnh vực hành chính có các Tòa án hành chính cấp vùng có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm và Hội đồng Nhà nước là cơ quan có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm. Cơ quan tự quản quản lý hành chính là Hội đồng Chủ tịch Tư pháp hành chính, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 4 thẩm phán của Hội đồng Nhà nước, 6 thẩm phán của Toà án hành chính cấp vùng và 4 hội thẩm nhân dân (2 người được lựa chọn bởi Hạ nghị viên và 2 được lựa chọn bởi Thượng nghị viện từ những giáo sư luật hoặc luật sư có 20 năm kinh nghiệm).
Một trong những nguyên tắc tư pháp được Italia đề cao đó là nguyên tắc “độc lập và tự quản” của hệ thống tư pháp. Theo Hiến pháp Italia, cơ quan tư pháp là cơ quan tự quản, độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp. Việc tự quản của hệ thống tư pháp được thể hiện thông qua cơ cấu tổ chức. Độc lập tư pháp với hành pháp thể hiện ở việc cơ quan hành pháp không can thiệp vào việc quản lý toà án và công tố. Điều 105 của Hiến pháp Italia trao quyền quản lý đối với thẩm phán và công tố viên cho một cơ quan tự quản là Hội đồng Tối cao Pháp viện. Mặc dù có tên gọi khác nhau song đây là mô hình tổ chức thường xuất hiện ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, ở Italia, Hội đồng tối cao pháp viện có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống cơ quan tư pháp, với nhiệm vụ bảo đảm tính độc lập tư pháp. Nguyên tắc độc lập và tự quản cũng được áp dụng với công tố viên trong phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
Hội đồng Tối cao pháp viện có trách nhiệm tuyển dụng, chuyển đổi (giữa thẩm phán sang làm nhiệm vụ công tố viên và ngược lại), phát triển nghề nghiệp và áp dụng biện pháp kỷ luật đối với thẩm phán và công tố viên. Hiện nay, Hội đồng tối cao pháp viện có 33 thành viên, trong đó có 3 vị trí đuơng nhiên (Chủ tịch Hội đông là Tổng thống, Chánh án Toà phá án tối cao, Tổng công tố viên trưởng của Toà phá án tối cao) và 30 người do bầu cử (10 người do Nghị viện bầu trong phiên họp chung từ các giáo sư luật và luật sư có ít nhất 15 năm kinh nghiệm, 20 người còn lại được bầu chọn từ các thẩm phán và công tố viên ở các cấp toà án). Ở cấp địa phương có Hội đồng Tư pháp vùng làm nhiệm vụ tư vấn cho Hội đồng tối cao pháp viện về những vấn đề liên quan đến việc đánh giá thẩm phán, công tố viên để bổ nhiệm, tuyển chọn, đào tạo và kỷ luật. Họ cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin về quá trình công tác của thẩm phán, công tố viên khi được Hội đồng tối cao pháp viện yêu cầu. Đối với những vùng có dưới 350 thẩm phán, công tố viên thì Hội đồng Tư pháp gồm 9 người: 6 người được bầu chọn từ các thẩm phán, công tố viên trong vùng (4 thẩm phán, 2 công tố viên), 01 người là giáo sư luật do Hội đồng quốc gia các trường đại học chỉ định và 2 luật sư do Hội đồng luật sư quốc gia chỉ định. Đối với những vùng có trên 350 thẩm phán, công tố viên thì Hội đồng Tư pháp gồm 14 người: 7 thẩm phán, 3 công tố viên, 01 giáo sư luật, 3 luật sư với cơ chế tuyển chọn tương tự.
Tại Italia không tổ chức Cơ quan công tố độc lập theo cấp hành chính, mà cơ quan này nằm ngay trong Toà án các cấp và Cơ quan công tố chịu trách nhiệm chính trong hoạt động điều tra và chỉ đạo điều tra. Các Văn phòng Công tố Nhà nước được tổ chức tại Tòa án các cấp. Tại Tòa án tối cao có Tổng công cố viên trưởng, tại Tòa án cấp phúc thẩm và sơ thẩm có các Văn phòng công tố Nhà nước. Công tố viên là người chỉ đạo toàn bộ hoạt động điều tra, chỉ đạo lực lượng cảnh sát tư pháp trong hoạt động điều tra. Hoạt động của Công tố viên mang tính độc lập cao và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Công tố viên là người quyết định truy tố người phạm tội ra tòa và có trách nhiệm đưa các chứng cứ tài liệu chứng minh hành vi phạm tội, người phạm tội tại phiên tòa.
Lực lượng cảnh sát được tổ chức ở nhiều bộ chuyên ngành khác nhau, bao gồm lực lượng Cảnh sát quốc gia thuộc Bộ Nội vụ, Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Quốc phòng, Cảnh sát kinh tế thuộc Bộ Tài chính, Cảnh sát kiểm lâm môi trường thuộc Bộ Nông lâm, Cảnh sát tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. Các lực lượng cảnh sát này có nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội, phát hiện bắt giữ tội phạm và thực thi các nhiệm vụ điều tra theo sự chỉ đạo của Công tố viên.
Bộ Tư pháp, ngoài chức năng quản lý hành chính Nhà nước trong một số lĩnh vực, còn có chức năng quản lý hành chính đối với Tòa án và cơ quan Công tố (cung cấp về cơ sở vật chất và giám sát hoạt động chi tiêu tài chính của Tòa án). Bộ Tư pháp còn có chức năng quản lý Nhà nước đối với các trại giam (gồm cả bộ phận cải tạo phạm nhân), có lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ trại giam…
Hội đồng Luật sư toàn quốc là cơ quan được bầu từ các Luật sư ở địa phương với nhiệm kỳ 3 năm, có chức năng: quyết định các vấn đề kỷ luật do Đoàn Luật sư ở địa phương đề xuất, tổ chức thi tuyển Luật sư, thông qua các chương trình đào tạo, góp ý các dự án luật, xây dựng các Nghị quyết để các Đoàn Luật sư địa phương thực hiện… Ở Italia có tới 200.000 luật sư (trên tổng số 60 triệu dân), tương đương tỷ lệ 1 luật sư/300 người dân, thuộc vào hàng cao nhất thế giới.
Hà Thanh