Một vài đặc điểm về tố tụng hình sự của Hoa Kỳ

Thứ Hai, 20/10/2014, 10:33 [GMT+7]

- Khái quát về mô hình tố tụng hình sự của liên bang Hoa Kỳ
Hoa Kỳ có 50 tiểu bang và chính quyền liên bang; do đó có đến 51 mô hình tố tụng hình sự riêng biệt và độc lập. Trong đó, mô hình tố tụng hình sự (TTHS) của liên bang Hoa Kỳ là mô hình tố tụng tranh tụng. Không có BLTTHS riêng, nhưng pháp luật của liên bang Hoa Kỳ điều chỉnh về TTHS bằng nhiều văn bản: Quy tắc TTHS Liên bang, Quy tắc tố tụng phúc thẩm liên bang, Quy tắc của tòa án tối cao, Quy tắc về bằng chứng của liên bang, hàng loạt các đạo luật của liên bang và các quyết định hợp hiến của Tòa tối cao, Quy tắc nội bộ của cơ quan điều tra (Quy tắc Miranda).
Cơ quan điều tra của liên bang Hoa Kỳ gồm: Cục điều tra liên bang (FBI); cơ quan bài trừ ma túy; Cục quản lý rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ; Cục Thi hành án; Cục thực thi luật nhập cư và hải quan; Sở thuế vụ; Các văn phòng của Tổng thanh tra với trên 37.000 điều tra viên hình sự. Công tố viên không có vai trò giám sát đối với FBI nhưng lại có thẩm quyền điều tra rất lớn, là người lập cáo trạng hình sự (chứ không phải điều tra viên). Các cơ quan này và cả cơ quan công tố không có quyền bắt giữ nghi can trong giai đoạn điều tra. Việc bắt giữ này chỉ được thực hiện khi có lệnh phê chuẩn của Tòa án.
Đặc điểm của mô hình TTHS Hoa Kỳ là ưu tiên cho việc kiểm soát tội phạm và đảm bảo quá trình tố tụng được thực hiện công bằng. Trong giai đoạn điều tra, Tòa án phê chuẩn các lệnh khám xét, bắt giữ và kiểm soát bằng thiết bị điện tử hợp pháp. Tòa án lựa chọn các bồi thẩm viên trong đại bồi thẩm đoàn; thực thi trát hầu tòa; ban hành lệnh yêu cầu nhân chứng ra khai nhận; ra lệnh tạm giam những nhân chứng cố tình không chịu ra khai nhận và chấp nhận miễn trừ truy tố cho bị cáo để đổi lại việc người này đứng ra khai nhận với tư cách là nhân chứng. Ngoài ra, Tòa sẽ chỉ định luật sư đại diện cho những nhân chứng có hoàn cảnh khó khăn; đặt ra các quy tắc để luật sư của các nhân chứng/người bị tình nghi phạm tội có thể thực hiện phản đối đối với các quy trình thủ tục của đại bồi thẩm đoàn.
Trước khi xét xử, Tòa án sẽ tổ chức Phiên họp (Phiên điều trần sơ bộ (áp dụng đối với tội đại hình để nghe lời khai của các nhân chứng mà công tố viên triệu tập); Phiên tuyên bố tội danh (để bị cáo ký kết lời khai không nhận tội) và Phiên xem xét các đơn kiến nghị trước khi xét xử). Tại Phiên xem xét các đơn kiến nghị trước khi xét xử, Tòa án có thể hủy bỏ cáo trạng vì các sai sót trong bản cáo trạng hoặc sai sót về thủ tục tố tụng; bác bỏ những chứng cứ được thu thập trái phép và yêu cầu các nhân chứng phải trình diện.
Trong quá trình xét xử, Tòa án đóng vai trò trung lập, vừa bảo vệ quyền được xét xử công bằng của bị cáo, vừa bảo đảm cho Phiên tòa được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục luật định. Họ đứng giữa một bên là công tố viên, một bên là bị cáo, luật sư bào chữa của bị cáo để nghe, xem xét các chứng cứ và quyết định luật áp dụng. Họ có quyền đối chất và quyền kiểm tra chéo; hủy bỏ các chứng cứ được thu thập trái phép; hủy bỏ các cáo trạng không đủ cơ sở pháp lý nhưng không thể cân nhắc hoặc lệnh cho bồi thẩm đoàn cân nhắc một tội danh nặng hơn tội danh đã nêu trong cáo trạng của công tố viên và đại bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn, chứ không phải Thẩm phán là người quyết định cuối cùng dựa trên tình tiết và chứng cứ khách quan của vụ án. Thẩm phán không có thẩm quyền yêu cầu điều tra tiếp hoặc trả lại vụ án cho cơ quan điều tra hoặc cho đại bồi thẩm đoàn.
- Quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo
Quyền của người bị tình nghi phạm tội, bị can, bị cáo tại Hoa Kỳ được bảo đảm theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1982, Công ước chống tra tấn và pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ.
Người bị tình nghi phạm tội không có quyền được thông báo về việc điều tra hoặc tham gia điều tra; không bị bắt hoặc bị giam giữ; có quyền từ chối đến văn phòng điều tra viên và từ chối chấp nhận cho điều tra viên vào nhà hoặc vào văn phòng nếu không có lệnh của tòa; từ chối trả lời các câu hỏi của điều tra viên và có thể được triệu tập ra trình diện trước đại bồi thẩm đoàn.
Khi bị bắt giữ, bị can phải được thông báo ngay lập tức, không chậm trễ về lý do bị bắt giữ và tội trạng bị cáo buộc. Họ được điều tra viên dẫn giải "không chậm trễ" tới một vị Thẩm phán để được xét xử trong một thời gian hợp lý hoặc được thả tự do. Việc "không chậm trễ" được hiểu là trong vòng chưa đến 6 tiếng kể từ khi bị bắt, bị can được chuyển sang tòa án giam giữ. Những người bị bắt giữ hay giam giữ đều có quyền yêu cầu Tòa án thụ lý đơn yêu cầu xem xét tính hợp pháp của việc giam giữ và yêu cầu được thả tự do nếu việc giam giữ trái pháp luật. Nạn nhân của việc bắt giữ, giam giữ trái pháp luật có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ quy định: Một cá nhân chỉ bị bắt giữ khi (1) Có lệnh bắt giữ do Thẩm phán ban hành khi xét thấy có đủ chứng cứ chính đáng để kết luận người đó phạm tội; và (2) Cảnh sát có cơ sở chính đáng để cho rằng người đó đang phạm tội hoặc đã phạm tội. Trong quá trình bị tạm giữ, bất kỳ phát ngôn nào của bị can được đưa ra như là kết quả của sự tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ quy trình tố tụng nào. Nếu thẩm vấn bị can đang bị giam giữ, cảnh sát phải thông báo cho bị can biết họ có 03 quyền quan trọng: quyền được giữ im lặng; quyền được tiếp cận luật sư (trường hợp bị can không đủ khả năng mời luật sư, người đó sẽ được chỉ định luật sư miễn phí) và bất kỳ điều gì bị can nói ra đều có thể được sử dụng làm bằng chứng chống lại bị can tại phiên tòa.
Tại phiên trình diện đầu tiên, bị cáo được dẫn giải ra trước Thẩm phán; được thông báo về tội danh bị cáo buộc; được thông báo quyền được chỉ định luật sư công; có thể nhận tội hoặc không nhận tội; được quyền im lặng; được tại ngoại và phóng thích trong quá trình chờ xét xử nếu Tòa án xét thấy họ không có khả năng trốn chạy hoặc không gây nguy hiểm cho cộng đồng nếu được thả. Bị cáo được cung cấp một bản sao bản cáo buộc trước khi kêu gọi nhận tội. Tại phiên này, thẩm phán phải đảm bảo tất cả thông tin đã được công bố và yêu cầu giữ kín chứng cứ.
Người bị tình nghi, bị can, bị cáo cũng có quyền khiếu kiện đối với các điều tra viên, công tố viên để đòi bồi thường thiệt hại nếu việc điều tra không đủ chứng cứ. Điều tra viên hoặc công tố viên có thể bị kỷ luật hành chính nếu có cơ sở cho rằng họ đã không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Tại phiên tòa, bị cáo được dẫn giải ra trước Thẩm phán, được thông báo về tội danh bị cáo buộc; được cung cấp một bản sao bản cáo buộc trước khi kêu gọi nhận tội; có thể nhận tội hoặc không nhận tội và được tại ngoại, bảo lãnh nếu đủ điều kiện. Bị cáo có quyền kiểm tra đối chứng tất cả các nhân chứng do Cơ quan công tố sử dụng. Bị cáo không phải thông báo các chứng cứ chứng minh hoặc cho thấy hành vi phạm tội. Tại phiên tòa, bị cáo có thể bị truy tố riêng về tội khai man hoặc không trình diện và thậm chí có thể bị kết tội với hình phạt cao hơn so với mức hình phạt mà phía công tố đề nghị truy tố.
- Quyền của luật sư
Luật sư không có quyền tham gia vào giai đoạn điều tra, sự tham gia của họ chỉ bắt đầu từ giai đoạn bắt giữ bằng quyết định phê chuẩn lệnh bắt của tòa án. Sự có mặt của họ là bắt buộc trong mọi giai đoạn xét xử tại tòa án. Ở giai đoạn tiền xét xử, luật sư và công tố viên có quyền điều tra như nhau. Do đó, luật sư có quyền thu thập chứng cứ, phỏng vấn nhân chứng và tự lập hồ sơ hình sự riêng phục vụ mục đích bào chữa của mình. Việc điều tra có thể thực hiện bằng cách rà soát các tài liệu tìm hiểu thông tin; thẩm vấn tự nguyện các nhân chứng chính phủ và nhân chứng bào chữa; thuê giám định viên. Trong giai đoạn tiền xét xử, luật sư cũng có quyền đàm phán việc nhận tội; thông báo cho công tố viên về các lý do bào chữa trước khi xét xử (chứng cứ ngoại phạm, tình trạng tâm thần…); tìm cách cho bị cáo được tại ngoại. Luật sư cũng có quyền yêu cầu công tố viên phải trao đổi thông tin, chứng cứ và hồ sơ hình sự của mình cho họ, nếu không họ có quyền kiện ra tòa án.
- Quy định về chứng cứ:
Pháp luật liên bang Hoa Kỳ quy định rất chặt chẽ về các chứng cứ có thể được sử dụng tại phiên tòa xét xử. Theo Quy tắc về Chứng cứ của Liên bang, chỉ được coi là chứng cứ nếu tại phiên xét xử được các bên đưa ra, đối chất và được Tòa án chấp nhận. Trong đó, có quy định không sử dụng các chứng cứ gián tiếp, chứng cứ nhằm kích động, bôi xấu bị cáo, đương sự hay người làm chứng, hoặc chứng cứ nhằm đánh vào tình cảm của bồi thẩm đoàn, các chứng cứ được thu thập vi phạm thủ tục tố tụng (khám nhà chưa có lệnh, xét hỏi khi chưa thông báo quyền…). Sở dĩ quy định chặt chẽ như vậy là bởi người thực tế đưa ra phán quyết định tội là bồi thẩm đoàn, những người không có kiến thức pháp luật và cũng không có nghiệp vụ xét xử, trong khi luật sư và công tố viên là những người chuyên nghiệp, luôn tìm cách chi phối bồi thẩm đoàn. Các quy định chặt chẽ về chứng cứ sẽ cung cấp cho bồi thẩm đoàn những chứng cứ "sạch" để có thể căn cứ vào đó đưa ra phán quyết định tội một cách chính xác.

Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)

;
.