Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Luật Hình sự Cộng hòa Pháp
Thứ Sáu, 10/10/2014, 10:24 [GMT+7]
Trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là một trong những chế định lớn và chủ yếu của luật hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự pháp luật và pháp chế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, công dân.
Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển pháp luật hình sự ở các nước trên thế giới cho thấy, việc thừa nhận TNHS của pháp nhân là một xu hướng phát triển của nhiều nước. Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp được thông qua năm 1992 và có hiệu lực ngày 01-3-1994 đã chính thức ghi nhận nguyên tắc TNHS của pháp nhân tại Điều 121-2. Điều luật này quy định: Các pháp nhân, trừ Nhà nước, phải chịu TNHS về những tội phạm được thực hiện bởi các cơ quan hoặc người đại diện pháp nhân và vì lợi ích của các cá nhân đó theo những phân biệt của Điều 121-4 đến Điều 121-7 và trong những trường hợp luật hoặc nghị định quy định.
Nguyên tắc TNHS của pháp nhân được được bổ sung bởi nhiều quy định của Quyển I Bộ luật hình sự xác định những vấn đề liên quan đến bản chất, chế tài áp dụng đối với pháp nhân và của Quyển II đến Quyển VI Bộ luật hình sự chứa đựng những quy định áp dụng nguyên tắc mới này đối với những tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự và trong các đạo luật chuyên ngành. Nguyên tắc TNHS của pháp nhân được coi là hợp hiến. Những quy định của BLHS về TNHS của pháp nhân không bị đưa ra kiểm tra hay bác bỏ trước Hội đồng bảo hiến, mặc dù có quan điểm cho rằng chế định này gây tổn hại cho nguyên tắc cá thể hóa hình phạt.
Bộ luật tố tụng hình sự của Cộng hòa Pháp cũng chứa đựng nhiều quy định về thủ tục đặc biệt về điều tra, truy tố, xét xử cũng như các quy định khác áp dụng đối với pháp nhân phạm tội như hồ sơ lý lịch tư pháp, thời hiệu thi hành án, xóa án…
Bên trong tòa nhà Quốc hội Pháp |
1- Những loại pháp nhân là chủ thể của TNHS
1.1- Pháp nhân theo luật tư:
Về nguyên tắc, tất cả các pháp nhân theo luật tư có mục đích sinh lợi đều có đủ tư cách chịu TNHS như: các pháp nhân dân sự, các pháp nhân thương mại bao gồm cả các pháp nhân có điều lệ hợp tác hoặc nông nghiệp, các pháp nhân một thành viên cũng như các nhóm có lợi ích kinh tế…
Đối với các pháp nhân không có mục đích sinh lợi có nghĩa là khi hoạt động không vì mục đích thu lợi nhuận, TNHS cũng được đặt ra đối với các pháp nhân này - đó là các hiệp hội đã đăng kí hợp lệ, các giáo đoàn, các công đoàn, các đảng phái và các nhóm chính trị…. (Điều 121-2 BLHS Cộng hòa Pháp)
1.2- Pháp nhân theo luật công:
BLHS Cộng hòa Pháp quy định một số ngoại lệ, đó là:
(1) Nhà nước không phải chịu TNHS vì Nhà nước bảo vệ lợi ích chung, có chủ quyền, đặc quyền về pháp luật hình sự và do vậy, Nhà nước không thể tự mình trừng trị mình.
(2) Các tập thể lãnh thổ và các tổ chức của nó như: các công xã, các tỉnh và các vùng lãnh thổ cũng như các tổ chức của nó (ví dụ các công đoàn của các công xã) chỉ có thể bị buộc phải chịu TNHS đối với những tội phạm được thực hiện trong khi tiến hành những hoạt động có thể là đối tượng của sự thỏa thuận ủy quyền công vụ (khoản 2 Điều 121-2 BLHS). Ví dụ: các hoạt động quản lý, khai thác dịch vụ vận chuyển trong công xã, phục vụ ăn uống trong các trường học, phân phối nước… TNHS của pháp nhân có thể được áp dụng đối với những tội phạm xảy ra trong khi tiến hành các hoạt động này. Ngược lại, đối với các tội phạm được thực hiện bởi tập thể lãnh thổ trong khi tiến hành một hoạt động thuộc phạm vi đặc quyền của mình (phạm vi đặc quyền của cơ quan quyền lực công) thì tập thể lãnh thổ đó sẽ không bị truy cứu TNHS.
(3) Ngoài hai ngoại lệ trên, tất cả các loại PN theo luật công đều có tư cách chủ thể chịu TNHS, không phân biệt các lĩnh vực hoạt động như: các cơ quan công cộng, các tập đoàn vì lợi ích chung, các tổ chức kinh tế hỗn hợp, các xí nghiệp, các nhà máy được quốc hữu hóa, các đoàn, hội nghề nghiệp.
Tuy nhiên, cần lưu ý là hình phạt giải thể và giám sát tư pháp không được áp dụng đối với các pháp nhân công (Điều 131-39) vì lý do trật tự hiến định.
1.3- Pháp nhân nước ngoài
Điều 121-2 Bộ luật hình sự không phân biệt TNHS giữa pháp nhân nước Pháp và pháp nhân nước ngoài và pháp nhân nước ngoài vẫn phải chịu TNHS đối với tội phạm thực hiện chiểu theo những quy định tại Điều 113-1 và các điều tiếp theo của BLHS về hiệu lực áp dụng của đạo luật hình sự về không gian. Pháp nhân nước ngoài có thể bị truy cứu TNHS trước tòa án của nước Pháp trong trường hợp phạm tội trên lãnh thổ hoặc ngoài lãnh thổ Cộng hòa Pháp trong những trường hợp và những điều kiện được quy định tại những điều luật nêu trên. Quốc tịch của pháp nhân cần được xác định trên cơ sở các quy định của Luật dân sự hoặc Luật thương mại.
2- Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội phạm cụ thể
Điều 121-2 Bộ luật hình sự mới của Cộng hòa Pháp xác định các pháp nhân chỉ phải chịu TNHS trong những trường hợp luật hoặc nghị định quy định. Quy định này đòi hỏi khi quy kết TNHS đối với pháp nhân nào đó, Tòa án cần phải nghiên cứu luật hoặc nghị định quy định. Quy định này đòi hỏi khi quy kết TNHS đối với một pháp nhân nào đó, Tòa án cần phải nghiên cứu luật hoặc nghị định chuyên biệt có quy định TNHS đối với tội phạm đó hay không. Phần lớn các tội phạm mà đối với nó, TNHS của pháp nhân có thể được đặt ra được thể hiện các các quyển từ Quyển I đến Quyển VI BLHS Cộng hòa Pháp. Tuy nhiên, loại trách nhiệm này còn được mở rộng áp dụng đối với các tội phạm quy định trong các đạo luật hoặc nghị định chuyên biệt bên ngoài BLHS.
2.1- Các tội xâm phạm tới con người (Quyển II BLHS Cộng hòa Pháp)
Quyển II Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp quy định các trọng tội và khinh tội xâm phạm tới con người; trong đó TNHS của pháp nhân được quy định đối với 32/88 tội danh khác nhau như: tội chống loài người (Điều 213-3); tội dùng bạo lực không cố ý (Điều 222-21); tội buôn bán ma túy và tẩy rửa tiền (Điều 222-42); tội làm thí nghiệm y học trái phép (Điều 223-9); tội phân biệt chủng tộc (Điều 225-4); tội dẫn dắt gái mại dâm (Điều 225-12); tội xâm phạm bí mật đời tư (Điều 226-7); tội tố cáo vu khống (Điều 226-12)…
Đối với tội cố ý giết người và các tội phạm bao lực do cố ý, TNHS của pháp nhân được loại trừ, những pháp nhân cũng có thể bị truy cứu TNHS đối với trường hợp giết người hoặc ám sát với điều kiện nó là một trong những hành vi khủng bố hoặc chống lại loài người.
2.2- Các tội xâm phạm tài sản (Quyển III BLHS Cộng hòa Pháp)
TNHS của pháp nhân được áp dụng đối với tuyệt đại đa số các tội xâm phạm tài sản quy định trong Quyển III BLHS Cộng hòa Pháp (19/22 tội danh khác nhau), ví dụ: tội trộm cắp tài sản (Điều 311-16); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 312-15); tội lừa đảo (Điều 313-9); tội lạm dụng tín nhiệm, tội chiếm đoạt vật chứng, đối tượng bị tịch biên; tội tổ chức gian lận liên quan tới phá sản (Điều 314-12 và Điều 314-13); tội hủy hoại tài sản; tội làm hư hỏng tài sản (Điều 322-17); tội xâm phạm hệ thống thông tin (Điều 323-6)…
2.3- Các tội phạm chống dân tộc, Nhà nước và hòa bình công cộng (Quyển IV BLHS Cộng hòa Pháp)
Quyển IV BLHS Cộng hòa Pháp quy định TNHS của pháp nhân đối với tất cả các tội xâm phạm các lợi ích cơ bản của dân tộc, các hành vi khủng bố và một số tội phạm khác gây hại tới uy tín của Nhà nước. TNHS của pháp nhân cũng được áp dụng đối với các tội gây hại tới lòng tin của công chúng như: làm tiền giả, làm giả giấy tờ, tài liệu của nhà cầm quyền…
2.4- Các tội phạm khác quy định trong Quyển V BLHS Cộng hòa Pháp
Quyển V quy định các trọng tội và khinh tội liên quan tới các hành động đối xử tàn nhẫn hoặc dã man với động vật. TNHS của pháp nhân không đặt ra đối với các tội phạm này. Nhưng sau khi có Luật ngày 29-7-1994 liên quan tới việc tôn trọng thân thể con người thì có 30 tội danh khác nhau liên quan tới việc buôn bán các cơ quan trong cơ thể con người, các giao tử, các phôi được đưa vào Quyển V Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp. Pháp nhân phải chịu TNHS nếu thực hiện một trong những loại tội phạm này (Điều 511-1 và các điều tiếp theo Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp).
2.5- Các tội phạm vi cảnh (Quyển VI BLHS Cộng hòa Pháp)
TNHS của pháp nhân được áp dụng đối với một số tội vi cảnh quy định trong Quyển VI BLHS Cộng hòa Pháp như: các tội xâm phạm đến con người (tít 2); các tội xâm phạm tài sản (tít 3); các tội xâm hại tới dân tộc, lợi ích cơ bản của Nhà nước và hòa bình công cộng (tít 4).
2.6- Các tội phạm được quy định trong các văn bản pháp luật khác
Ngoài BLHS năm 1994, TNHS của pháp nhân còn được áp dụng đối với một số tội phạm được quy định trong các bộ luật khác hoặc trong các đạo luật chuyên biệt, nhất là trên lĩnh vực môi trường, luật kinh doanh, luật lao động. Ví dụ: Bộ luật lao động quy định TNHS của pháp nhân với tội sử dụng lao động gian lận, lao động trái phép của người nước ngoài tại Cộng hòa Pháp; Bộ luật về sức khỏe cộng đồng quy định TNHS của pháp nhân về tội phạm trong nghiên cứu sinh học; Bộ luật về sở hữu trí tuệ; Bộ luật về bưu chính - viễn thông; Luật về phá sản; Luật về môi trường… đều có quy định những tội phạm có thể do pháp nhân thực hiện.
Quy định tại Điều 121-2 Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp đã hạn chế phạm vi áp dụng TNHS đối với pháp nhân và thực tế xét xử của các tòa án sau 10 năm áp dụng Điều luật này đã chỉ ra sự bất hợp lý của nó. Vì vậy, quy định “pháp nhân chỉ chịu TNHS trong những trường hợp luật hoặc nghị định quy định” đã bị xóa bỏ theo Luật số 2004-204 ngày 09-3-2004 và kể từ khi có luật này thì TNHS của pháp nhân được đặt ra đối với mọi tội phạm được quy định trong BLHS và các luật chuyên ngành.
3- Các chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội
3.1- Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm trọng tội và khinh tội
Điều 131-37 Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp quy định những hình phạt trọng tội và khinh tội pháp nhân phải chịu là hình phạt tiền thông thường và trong những trường hợp luật định, là những hình phạt được liệt kê trong Điều 131-39 Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp. Đối với các trọng tội hoặc khinh tội những loại hình phạt được quy định áp dụng là giống nhau. Tất cả các hình phạt nêu trên đều là hình phạt chính khi áp dụng đối với pháp nhân phạm tội, không tồn tại các hình phạt bổ sung hoặc thay thế được quy định đối với các loại tội phạm này.
- Hình phạt tiền:
Đây là hình phạt chính được áp dụng rất phổ biến đối với các pháp nhân phạm tội. Mức hình phạt tiền gấp 5 lần hình phạt tiền mà luật quy định đối với cá nhân phạm tội tương ứng (Điều 131-38 Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp) hoặc gấp 10 lần trong trường hợp tái phạm (từ Điều 132-12 đến Điều 132-15). Ví dụ: nếu cá nhân phạm tội buôn bán ma túy trái phép thì theo Điều 222-34 và các điều tiếp theo của Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp, cá nhân có thể bị phạt đến mức tối đa là 7.500.000 euro nhưng nếu pháp nhân phạm tội này thì mức phạt tiền cao nhất áp dụng đối với pháp nhân là 7.500.000 euro x 5 lần = 57.500.000 euro… Trong trường hợp pháp nhân tái phạm thì tòa án sẽ phạt gấp mười lần, tức là đối với trường hợp buôn lậu ma túy như nêu trên mà pháp nhân tái phạm thì có thể bị phạt đến mức tối đa là 75.000.000 euro.
Điều 131-38 Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp còn quy định: Trong trường hợp điều luật về một trọng tội không quy định hình phạt tiền áp dụng đối với cá nhân phạm tội thì mức phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân phạm tội này là 1.000.000 euro.
- Những hình phạt khác áp dụng đối với pháp nhân phạm tội (Điều 131-39 Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp):
a, Giải thể
b, Cấm tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp hoặc hoạt động xã hội trong thời hạn tối đa đến 5 năm hoặc vĩnh viễn.
c, Chịu sự giám sát tư pháp trong thời hạn tối đa là 5 năm
d, Đóng cửa một trong nhiều cơ sở của pháp nhân mà pháp nhân đã sử dụng để tiến hành các hoạt động phạm tội trong thời hạn tối đa là 5 năm hoặc vĩnh viễn
đ, Cấm phát hành séc hoặc sử dụng thẻ thanh toán trong thời hạn tối đa là 5 năm
g, Tịch thu vật đã được sử dụng vào việc thực hiện tội phạm hoặc do phạm tội mà có
h, Niêm yết bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên hoặc thông báo bản án, quyết định đó trên các phương tiện nghe nhìn.
3.2- Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội vi cảnh
Các hình phạt áp dụng trong lĩnh vực phạm tội vi cảnh thể hiện tại Điều 131-40 Bộ luật hình sự - đó là hình phạt tiền và một số hình phạt tước hoặc hạn chế các quyền của pháp nhân được quy định trong Điều 131-42 Bộ luật hình sự nêu trên. Phạt tiền là hình phạt chính, chủ yếu áp dụng không chỉ với trọng tội, khinh tội mà còn đối với tội vi cảnh do pháp nhân thực hiện. Mức hình phạt tiền tối đa gấp 5 lần mức phạt tiền tối đa mà luật quy định áp dụng đối với cá nhân phạm tội vi cảnh tương tự hoặc tăng gấp mười lần trong trường hợp tái phạm. Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp quy định mức hình phạt tiền tối đa áp dụng đối với tội vi cảnh loại 5 do cá nhân thực hiện là 1.500 euro nhưng trong trường hợp cụ thể hình phạt tiền có thể vượt quá mức tối đa này, ví dụ trường hợp vi cảnh hóa các khinh tội.
Hình phạt cấm phát hành séc hoặc sử dụng thẻ thanh toán và hình phạt tịch thu vật đã được sử dụng hoặc chuẩn bị cho việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc vật do phạm tội mà có có thể được áp dụng thay thế hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính trong trường hợp pháp nhân phạm tội vi cảnh loại 5.
Hình phạt bổ sung áp dụng với pháp nhân phạm tội vi cảnh là tịch thu vật đã được sử dụng hoặc dành cho việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc vật do phạm tội mà có; đối với trường hợp pháp nhân phạm tội vi cảnh loại 5, hình phạt bổ sung được áp dụng là cấm phát hành séc.
Cộng hòa Pháp cần lưu ý là ngoài những hình phạt quy định tại Điều 131-39 như nêu trên, Bộ luật hình sự của Cộng hòa Pháp còn cho phép thiết lập những hình phạt hình sự khác trong các bộ luật hoặc các luật chuyên biệt khác để áp dụng đối với pháp nhân phạm tội, trong đó có nhiều hình phạt tương tự hình phạt áp dụng với cá nhân. Chỉ có ba hình phạt là đặc trưng cho pháp nhân, đó là giải thể, giám sát tư pháp, cấm huy động vốn. Hình phạt giải thể và hình phạt giám sát tư pháp không được áp dụng đối với các pháp nhân theo luật công và cũng không được áp dụng hai hình phạt này với các đảng phái hoặc nhóm chính trị, các tổ chức công đoàn chuyên nghiệp phạm tội.
3.3- Một số biện pháp tha, miễn hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội
- Án treo: Có ba loại án treo: án treo thông thường, án treo kèm theo thử thách và án treo kèm theo lao động công ích; trong đó chỉ có hình thức án treo thông thường được áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân phạm tội và hiện nay, những quy định liên quan đến án treo thông thường được xác định bởi các điều từ Điều 132-29 đến Điều 132-39 BLHS của nước Pháp và Điều 735, 736 Bộ luật tố tụng hình sự của nước Pháp.
Án treo theo hình thức thông thường được áp dụng toàn bộ hoặc một phần đối với trường hợp pháp nhân phạm trọng tội, khinh tội và tội vi cảnh loại 5 mà bị phạt tiền.
Trường hợp pháp nhân phạm trọng tội hoặc khinh tội mà bị phạt một trong những hình phạt như: cấm tiến hành hoạt động nghề nghiệp, loại trừ khỏi thị trường công cộng, cấm huy động vốn, cấm phát hành séc và sử dụng thẻ trả tiền, hoặc pháp nhân phạm tội vi cảnh mà bị phát cấm phát hành séc thì cũng có thể được tòa án cho hưởng án treo (Điều 132-30 đến Điều 132-34 BLHS Cộng hòa Pháp).
- Nếu hình phạt đã tuyên là hình phạt vi cảnh thì Tòa án chỉ cho pháp nhân được hưởng án treo, nếu pháp nhân trong thời hạn năm năm tính đến ngày phạm tội mới (tội mà Tòa án đang đưa ra xét xử và xem xét cho hưởng án treo) không bị phạt với số tiền lớn hơn 15.000 euro về một trọng tội hoặc khinh tội thường.
Thời hạn thử thách của án treo tính từ ngày bản án về trọng tội và khinh tội có hiệu lực pháp luật là năm năm (Điều 132-35 BLHS Cộng hòa Pháp) và hai năm đối với bản án phạt về tội vi cảnh (Điều 132-37 BLHS Cộng hòa Pháp).
Án treo sẽ bị hủy và pháp nhân buộc phải chấp hành hình phạt mà tòa án cho hưởng án treo nếu trong thời gian thử thách mà lại bị tòa án kết án về một tội phạm mới không cho hưởng án treo. Ngược lại, bản án đã được tuyên với án treo coi như không có.
- Miễn hình phạt: Chế định miễn hình phạt được áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân phạm tội. Sau khi tuyên pháp nhân có tội, tòa án có thể miễn toàn bộ hình phạt đối với pháp nhân trong lĩnh vực tội vi cảnh và khinh tội nếu thấy rõ sự tái hòa nhập của pháp nhân, thiệt hại do tội phạm gây ra đã được khắc phục và sự rối loạn do tội phạm gây ra đã được chấm dứt (Điều 132-59 Bộ luật hình sự Cộng hòa Pháp).
Miễn hình phạt là hình thức không phải là trường hợp phóng thích hay tuyên trắng án, nó không bao giờ ảnh hưởng tới việc giải quyết về bồi thường dân sự.
- Hoãn tuyên hình phạt: Từ khi có Luật ngày 11-7-1975, Tòa án Pháp có thể tuyên bị cáo có tội và phải chịu TNHS nhưng có thể hoãn tuyên hình phạt, có thể cho hoãn nhiều lần. Tòa án phải xác định rõ ngày quyết định hình phạt. Quyết định cuối cùng phải tiến hành chậm nhất là một năm sau khi hoãn lần thứ nhất. Theo Điều 132-58 BLHS Cộng hòa Pháp, Tòa án hoặc là quyết định miễn hình phạt hoặc hoãn tuyên hình phạt.
Biện pháp hoãn tuyên hình phạt được áp dụng đối với cả pháp nhân phạm tội trừ trường hợp hoãn tuyên hình phạt kèm theo thử thách.
+ Hoãn tuyên hình phạt thông thường: Theo Điều 132-60 BLHS Cộng hòa Pháp, tuyên hoãn hình phạt thông thường đòi hỏi có ba điều kiện, đó là: việc tái hòa nhập của người phạm tội (pháp nhân) đang được thực hiện; thiệt hại gây ra đang được khắc phục và sự rối loạn do tội phạm gây ra đang chấm dứt. Cũng như miễn hình phạt, hoãn tuyên hình phạt không được áp dụng đối với trọng tội. Thẩm phán xét xử phải xác định ngày sẽ quyết định hình phạt (khoản 2 Điều 132-60). Biện pháp này chỉ áp dụng trong trường hợp người phạm tội hoặc người đại diện cho pháp nhân phạm tội có mặt tại phiên tòa và sự có mặt này phải được ghi nhận trong bản án. Trong phiên tòa tiếp sau, thẩm phán có thể miễn hình phạt cho bị cáo hoặc là tuyên hình phạt được quy định trong điều luật về tội phạm quy định, hoặc hoãn tuyên hình phạt một lần nữa theo những điều kiện và thể thức quy định tại Điều 132-60. Trong khi thời hạn luật định tối đa của hoãn tuyên hình phạt đã hết và không còn có thể kéo dài nữa, tòa án có thể quyết định tuyên miễn hình phạt nếu các điều kiện quy định tại Điều 132-59 Bộ luật hình sự Pháp đã được thỏa mãn, nếu không tòa án sẽ tuyên hình phạt.
+ Hoãn tuyên hình phạt kèm theo lệnh: Biện pháp này thể hiện ở chỗ Tòa án có quyền ra lệnh cho cá nhân hoặc người đại diện của pháp nhân phải tuân thủ một hoặc nhiều điều quy định được thể hiện trong BLHS Pháp hoặc trong những nghị định riêng (Điều 132-66 BLHS Cộng hòa Pháp). Tòa án phải xác định chính xác trong lệnh của mình bản chất của những quy định cần được thực hiện bởi pháp nhân (khoản 2 Điều 132-62 BLHS Cộng hòa Pháp). Tòa án phải gắn mệnh lệnh này với việc thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Hoãn hình phạt kèm theo lệnh đòi hỏi phải có đủ 3 điều kiện như là trường hợp hoãn tuyên hình phạt thông thường, nhưng khác ở chỗ là tòa án vẫn tuyên trong trường hợp không có mặt của người đại diện pháp nhân tại phiên tòa. Hoãn tuyên hình phạt kèm theo lệnh chỉ được áp dụng một lần (Điều 132-68 BLHS Cộng hòa Pháp).
Trong phiên tòa xét xử sau đó, nếu các quy định liệt kê trong mệnh lệnh được người phạm tội (pháp nhân) thực hiện đúng thời hạn, tòa án sẽ quyết định hình phạt cho họ. Ngược lại, tòa án quyết định xóa nhiệm vụ bắt buộc và tuyên hình phạt được quy định trong luật hoặc nghị định.
Như vậy, tuy BLHS Cộng hòa Pháp không xây dựng chương riêng quy định về TNHS của pháp nhân mà chỉ quy định những điều khoản cụ thể nằm trong các chương tương ứng quy định về TNHS của cá nhân song đã quy định phạm vi, điều kiện áp dụng TNHS của pháp nhân và nguyên tắc tổng hợp giữa TNHS của pháp nhân với TNHS của cá nhân; đồng thời, đã có những quy định về hình phạt và các biện pháp tha miễn áp dụng đối với pháp nhân. Kinh nghiệm xây dựng chế định TNHS của pháp nhân của Cộng hòa Pháp sẽ là những kinh nghiệm giúp ích cho quá trình tham khảo xây dựng chế định TNHS của pháp nhân trong BLHS (sửa đổi) nói riêng và hoàn thiện pháp luật hình sự ở nước ta nói chung và hiện nay.
Vũ Hằng
(Nhà xuất bản chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
(Tài liệu tham khảo: Sách chuyên khảo - TNHS của Pháp nhân trong Pháp luật hình sự - TS. Trịnh Quốc Toản)
;