Thêm nhiều chính sách mới đối với sĩ quan quân đội

Thứ Tư, 10/12/2014, 15:18 [GMT+7]

Với 363 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 73,04% trong tổng số đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. So với Luật hiện hành, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có bổ sung thêm nhiều chính sách mới đối với sĩ quan quân đội.

Thể chế hóa Hiến pháp về xây dựng quân đội

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (Luật Sĩ quan) được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03-6-2008, đã được Bộ Quốc phòng nghiêm túc tổ chức triển khai. Sau 15 năm thực hiện, Luật Sĩ quan cơ bản phù hợp, đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan gần đây đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, còn có ý kiến khác nhau, một số quy định của Luật chưa cụ thể, khó áp dụng cần được khắc phục.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội từ Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII (tháng 6-2014). Báo cáo trước Quốc hội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là cần thiết, nhằm thể chế hóa Hiến pháp và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng quân đội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Báo cáo giải trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII (tháng 11-2014), đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định: Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành, tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Quy định rõ đối với các chức vụ có cấp bậc quân hàm cấp tướng

Một trong những điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là  đã quy định cụ thể các chức vụ được mang quân hàm cấp tướng. Theo đó, trong quân đội có 03 chức vụ có thể mang quân hàm Đại tướng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Những chức vụ sau đây có trần quân hàm là Thượng tướng, Đô đốc hải quân: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (không quá sáu); Phó tổng tham mưu trưởng (không quá ba); Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (không quá ba); Giám đốc và Chính ủy Học viện Quốc phòng.

Luật sửa đổi cũng quy định cụ thể các chức vụ có trần quân hàm là cấp Trung tướng, cấp Thiếu tướng. Trong đó Tư lệnh và Chính ủy các Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng có trần quân hàm là Trung tướng. Tư lệnh và Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng có trần quân hàm là Trung tướng.

Luật sửa đổi cũng quy định: Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan cấp tướng của đơn vị thành lập mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức  danh  của sĩ quan là  cấp tá, cấp úy còn lại do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã bổ sung thêm nhiều  chính sách mới để  động viên đội ngũ sĩ quan, nhất là sĩ quan trẻ yên tâm công tác trong quân đội. Cụ thể, cấp bậc cao nhất đối với chức vụ Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội là Thiếu tá (luật hiện hành là Đại úy). Cấp bậc cao nhất đối với chức vụ Trung đội trưởng là Đại úy (luật hiện hành là Thượng úy).

Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 7 của Điều 31 Luật Sĩ quan hiện hành như sau:

“1. Chế độ tiền lương và phụ cấp do Chính phủ quy định; bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ tại ngũ. Sĩ quan được hưởng phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự”;

“7. Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà công vụ theo quy định của pháp luật”.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2015. Các quy định liên quan đến thẩm quyền về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng có hiệu lực thi hành từ thời điểm luật công bố.

 Đỗ Phú Thọ

(Báo Quân đội nhân dân)

;
.