Vấn đề tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Câu hỏi: Xin cho biết vấn đề tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo Công ước quốc tế về chống tham nhũng được thực hiện ở Việt Nam như thế nào?
Trả lời:
Vấn đề tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo Công ước quốc tế về chống tham nhũng được qui định tại các điều 44, 45, 46, 47, 48 Công ước quốc tế về chống tham nhũng. Cụ thể như sau:
- Về dẫn độ: Điều 44 qui định áp dụng đối với các tội phạm khi người là đối tượng của yêu cầu dẫn độ có mặt trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu, với điều kiện tội phạm làm nảy sinh yêu cầu dẫn độ có mặt trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu, với điều kiện tội phạm làm nảy sinh yêu cầu dẫn độ và tội phạm mà cả quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu đều qui định hình phạt. Thực chất qui định này cho phép dẫn độ cho nước khác bất kì người nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước cho dù họ không bị coi là tội phạm tại nước mà họ đang cư trú. Đây là vấn đề pháp luật Việt Nam chưa qui định.
Hội nghị truyền thông báo cáo quốc gia thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) của Việt Nam |
- Về chuyển giao người bị kết án, điều 45 Công ước qui định theo hướng linh hoạt và mang tính chất khuyến nghị. Theo đó, các quốc gia thành viên có thể cân nhắc việc kí kết các hiệp định hay thỏa thuận song phương hoặc đa phương về việc chuyển người bị kết án tù hoặc các hình thức tước quyền tự do khác đến lãnh thổ của các bên do đã phạm những tội theo qui định của Công ước này.
Về tương trợ tư pháp hình sự. Điều 46 qui định các quốc gia thành viên có thể dành cho nhau biện pháp tương trợ pháp lí rộng rãi nhất trong điều tra, truy tố và xét xử những loại tội phạm được qui định theo Công ước. Điều 47 qui định riêng về việc chuyển giao cho nhau vụ án hình sự nhằm truy tố một tội phạm, nếu việc chuyển giao đó được coi là có lợi cho việc thi hành công lí, đặc biệt là trong các trường hợp liên quan đến quyền tài phán của nhiều nước. Điều 48 qui định về hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp điều tra về người phạm tội, về tài sản, phối hợp trao đổi cán bộ, chuyên gia, sĩ quan liên lạc; phối hợp phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...cùng đó, khuyến khích các quốc gia kí kết các hiêp định song phương hoặc đa phương hoặc sửa đổi các hiệp định đã có để triển khai thực hiện các qui định của công ước hiệu quả hơn.
Có thể nói những qui định của Công ước liên quan đến vấn đề tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù rất chi tiết. Việc tham gia công ước đã hoàn thiện một bước cơ sở pháp lí cho Việt Nam trong quá trình hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống tham nhũng đồng thời cũng khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước ta đối với việc kiên quyết chống các hành vi tham nhũng, bảo đảm sự rõ ràng, trong sạch của bộ máy quản lí nhà nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy một số qui định đã được Việt Nam tuyên bố không chịu ràng buộc hay nói cách khác là sẽ không áp dụng vì không phù hợp; một số qui định tương đối phức tạp và mới, chắc chắn trong quá trình thực hiện các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn, lúng túng. Chính vì vậy, cần nghiên cứu kĩ các qui định của Công ước trên cơ sở đó rà soát, đối chiếu với pháp luật Việt Nam để có phương hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc ban hành mới nhằm hướng dẫn thực hiện các qui định của Công ước.
(Theo"Hỏi - Đáp về phòng, chống tham nhũng”, Nxb Chính trị quốc gia, tác giả Phạm Ngọc Hiền – Phạm Anh Tuấn