Hướng dẫn ban nội chính tỉnh ủy tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm cán bộ
Hỏi: “Có ý kiến cho rằng tất cả các chức danh tư pháp bao gồm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên (kể cả cấp tỉnh và cấp huyện) khi bổ nhiệm phải có ý kiến tham gia của ban nội chính tỉnh ủy trước khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm”.
Trả lời:
Khoản 4, Điều 2, Quy định số 183-QĐ/TW ngày 08-4-2013 của Ban Bí thư quy định ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy có nhiệm vụ: “Tham gia với ban tổ chức tỉnh uỷ về công tác cán bộ theo phân cấp; tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo quy định”.
Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (khu vực phía Bắc) ngày 22-8-2013 |
Theo Phần thứ tư, Khoản 2, mục 2.1 và mục 2.2, trong tập “Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ” (do Ban Nội chính Trung ương biên soạn), chỉ những chức danh tư pháp gồm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên thuộc cơ quan tư pháp các cấp ở địa phương (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án) thuộc diện tỉnh uỷ quản lý, hoặc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thì cần có ý kiến tham gia của ban nội chính tỉnh uỷ với các cơ quan có thẩm quyền trước khi bổ nhiệm.
Hỏi: “Có ý kiến khác cũng cho rằng các chức danh tư pháp mà ban nội chính tỉnh ủy cho ý kiến trước khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền, quyết định bổ nhiệm gồm các chức danh tư pháp thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý như: (Ban giám đốc Công an tỉnh, Ban lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, Ban lãnh đạo thi hành án dân sự tỉnh); khi bổ nhiệm các chức vụ này phải có ý kiến tham gia của Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Ngoài ra các chức danh lãnh đạo thuộc các cơ quan bổ trợ tư pháp cũng chưa được đề cập tới. Ví dụ: Lãnh đạo Đoàn Luật sư, Hội Luật gia (cấp huyện hay cấp tỉnh)..., những chức vụ trưởng, phó của các cơ quan này khi được bầu hoặc bổ nhiệm, Ban Nội chính Tỉnh ủy có thực hiện việc cho ý kiến hay không”.
Trả lời:
Phần thứ nhất, Khoản 4, mục 2 và Phần thứ tư, Khoản 1, mục 1.2, trong tập “Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ” (do Ban Nội chính Trung ương biên soạn) có quy định về đối tượng cán bộ ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy có trách nhiệm tham gia ý kiến, cụ thể như sau:
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (khu vực phía Bắc) ngày 22-8-2013 |
- Những cán bộ của các cơ quan nội chính các cấp ở địa phương gồm: Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp, Thanh tra, Công an, Quân sự (cả Biên phòng), Hải quan và cán bộ thuộc Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh, nếu thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh ủy quản lý (theo phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh uỷ) thì ban nội chính tỉnh ủy có trách nhiệm tham gia ý kiến.
- Trường hợp đặc biệt, mặc dù đối tượng không thuộc diện trên nhưng có liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, nếu tỉnh ủy yêu cầu, thì ban nội chính tỉnh ủy vẫn có trách nhiệm phát biểu ý kiến tham gia.
Ban Nội chính Trung ương